CÁCH MẠNG THÁNG 8 CỦA INDONESIA


Hoàng Trường Sa

Xin thưa trước với quý độc giả rằng đây không phải là một bài nghiên cứu. Đây chỉ đơn thuần là những ý kiến vụn vặt của tác giả viết theo kiến thức lượm lặt được từ trước tới nay.

Thời điểm tháng 8-1945 đã là một cơ may lớn cho nước ta. Đáng lẽ sau cơ may này nước ta đã có thể giành lại độc lập, và giờ đây VN là một nước phát triển. giàu mạnh, Hoàng Sa và Trường Sa nay đã là những quần đảo của VN, không bị nước nào tranh chấp. Tiếc thay, lịch sử đã xảy ra, và VN ta đã như hôm nay, như mọi người cùng thấy.

Qua gần ba phần tư thế kỷ, do tuyên truyền ra rả ngày đêm của đảng CSVN, có lẽ là người Việt, chắc ai cũng nhập tâm nào là “Cuộc Cách Mạng Tháng 8”, nào là “Mùa Thu lịch sử năm 1945”, v.v… và đều nghĩ rằng đây là độc quyền, duy nhất chỉ có ở xứ VN (có người mỉa mai là xứ Đông Lào) mình.

Thực ra “Cuộc Cách mạng tháng 8” này không những chỉ xảy ra cho VN mà còn xảy ra ở vài nước khác ở Đông Nam Á sau vụ Nhật bại trận trước phe đồng minh do Mỹ lãnh đạo thời Thế chiến II. Cụ thể nhất là ở Indonesia mà thời trước ta vẫn gọi là Nam Dương, hay Nam Dương quần đảo. Có rất nhiều điểm tương đồng đáng kinh ngạc giữa hai cuộc Cách Mạng Tháng 8 ở VN và Indonesia (từ đây sẽ viết tắt là Indo), mà nếu chúng ta chịu khó học hỏi cũng sẽ tìm thấy nhiều bài học quý giá để giải thích cho hoàn cảnh hoàn toàn đối chọi và khác biệt giữa VN và Indo ngày hôm nay.

Hôm nay, Indo là một quốc gia độc lập thực sự theo chế độ dân chủ với tam quyền phân lập, một đất nước trải dài từ Thái Lan đến gần Úc (trên một quần đảo có tới 3000 đảo lớn nhỏ), với dân số gần 270 triệu dân. Và trên hết, trái nghịch với VN, đó là một quốc gia kiêu hãnh, với những nhà lãnh đạo đứng thẳng lưng và ngang hàng với các nhà lãnh đạo khác, dù là của siêu cường TQ hay của siêu cường Mỹ. Đó là một quốc gia đoàn kết với khẩu hiệu “Unity in Diversity” (“Thống nhất trong Dị biệt”) được chia sẻ bởi toàn thể công dân của họ.

Indo đã thành công qua cuộc Cách Mạng Tháng 8 của họ, trong khi VN đã hoàn toàn thất bại trong cuộc Cách Mạng Tháng 8 của mình. Tương tự như Đông Dương thuộc Pháp, trước Thế chiến II, gồm ba nước Việt, Miên, Lào, bị thực dân Pháp thâu tóm, Indo và Mã Lai Á trước đây gồm nhiều tiểu quốc độc lập nằm rải rác trên một quần đảo trải dài từ đảo Sumatra gần Thái Lan tới tận đảo Irian Jaya (còn có tên New Guinea) gần Úc.
Trong khi Mã Lai và Tân Gia Ba bị Anh đô hộ, thì Indo do Hòa Lan, một nước có diện tích nhỏ xíu bên châu Âu nhưng lại là một đế quốc to, xâm lấn, hợp nhất và cai trị trên một lãnh thổ dưới cái tên là Đông Ấn thuộc Hòa Lan (Dutch East Indies). 

Sau khi độc lập Indo được thừa hưởng trọn vẹn phần lãnh thổ do thực dân Hòa Lan nắm giữ, trong khi VN không được thừa hưởng lãnh thổ Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina) nay chia thành 3 nước  VN, Campuchia và Lào. 

 

Thời bị thực dân cai trị bởi, cũng như VN, Indo có phong trào đấu tranh giành độc lập do các trí thức được đào tạo ở Hòa Lan như Sukarno (tên khai sinh Kusno Sosrodihardjo), Mohammad Hatta, v.v…cầm đầu. Họ cũng có nhóm người theo Cộng sản thuộc  PKI (Parti Kommunist Indonesia) với số đảng viên thời đó cỡ chừng 3000 (so với số vài trăm của ĐCSVN). Đảng PKI là đảng cộng sản lớn nhất ở Đông Nam Á, đảng viên đa số có gốc Tàu. Về sau, dưới thời Tổng thống Suharto, đảng này bị dân Indo giết gần sạch trong một cuộc thảm sát rùng rợn. Và từ đó Indo đã sạch bóng quân thù.

Indo cũng bị Nhật chiếm đóng như VN từ năm 1942 cho tới năm 1945, khi Nhật bại trận và tan rã. Họ cũng được Nhật Bản chiêu dụ và hứa hẹn trao trả độc lập trong khối Đại Đông Á của Nhật như VN. Ngày 09/03/1945 Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, và tuyên bố VN từ nay được độc lập khỏi tay Pháp, trong khi hứa hẹn cho Indo được chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 24/08/1945. Cựu Hoàng Bảo Đại, nắm lấy thời cơ, đã ra một đạo dụ vào ngày 11/03/1945, tuyên bố Độc lập cho VN và vào tháng sau, ngày 17/4/1945, chính phủ VN độc lập đầu tiên của Trần Trọng Kim ra đời.

Khi Nhật đầu hàng Mỹ vào ngày 15/08/1945 sau khi hứng trọn hai quả bom nguyên tử kinh hoàng ở Hiroshima và Nagasaki, phe quốc gia Indo, do Sukarno và Hatta lãnh đạo, đã tự động tuyên bố độc lập vào ngày 17/08/1945 không cần chờ tới ngày 24/08/1945 như Nhật dự tính. Còn chuyện tuyên bố độc lập lần 2 (sau tuyên bố độc lập của Vua Bảo Đại) của ông Hồ Chí Minh vào ngày 02/09/1945 thì ai cũng rõ.

Tuy nhiên, cũng giống như thực dân Pháp, thực dân Hòa Lan không chịu nhả Indo và thẳng tay  đàn áp phong trào độc lập của Indo. Cuộc kháng chiến của phe quốc gia Indo kéo dài 5 năm cho đến năm 1950 họ thành công hoàn toàn khi Hòa Lan, dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc, đã thừa nhận sự độc lập của Indo. Còn VN ta thì sao? VN, dưới sự lãnh đạo của phe Cộng sản trá hình là người quốc gia yêu nước đấu tranh đuổi Pháp giành độc lập, đã phải kinh qua cuộc chiến chống Pháp “thần thánh” 9 năm (1946-1954), cuộc chiến “đánh Mỹ thống nhất tổ quốc” 20 năm (1955-1975), tổng cộng gần 30 năm núi xương sông máụ với khoảng 5 triệu người Việt hy sinh, đất nước tan hoang, đổ nát, để có được đất nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa nghèo hèn, lạc hậu, mất đất, mất đảo, mất biển, một dân tộc chia rẽ và nhục nhả cúi đầu trước sự xâm lăng hung bạo của người anh em đồng chí TQ.

Câu hỏi là tại sao? Câu trả lời xem ra không mấy khó. Điều dễ nhận ra nhất là ta có lãnh tụ “vĩ đại” Hồ Chí Minh, trong khi Indo chỉ có lãnh tụ “tầm thường” Sukarno. Điều kế theo là Hồ Chí Minh và ĐCSVN theo Cộng sản, đấu tranh giai cấp, đuổi Pháp để đưa VN vào phe Cộng sản, trong khi Sukarno đấu tranh đuổi Hòa Lan để được độc lập và xây dựng chế độ Cộng Hòa. Kế theo nữa, và quan trọng nhất, giới lãnh đạo phe quốc gia Indo có nhiều năng lực hơn các lãnh đạo phe quốc gia VN và họ hoàn toàn không có ảo giác về lòng yêu nước của đám đồng bào cộng sản Indo của họ. Cuối cùng, có lẽ, giới trí thức Indo khôn ngoan, sáng suốt hơn giới trí thức VN chăng, người dân Indo đoàn kết hơn người dân VN chăng? Câu hỏi này cần để mở và nghiên cứu thêm.

Dù rút ra bài học gì chăng nữa, theo tôi, thay vì mù quáng, mụ mị nghe theo lời tuyên truyền xảo trá của người Cộng sản về cái “hào quang” của cuộc Cánh Mạng Tháng 8, mùa thu lịch sử 1945, chúng ta cần nhìn qua nước láng giềng Indo hôm nay để hối tiếc một cơ may hiếm có đã bị đánh mất. Và phải thành thực tự học hỏi và tìm ra những khuyết tật của mình để can đảm đứng lên đòi lại tất cả những gì ông Hồ và đảng CSVN đã tước đoạt từ tay dân tộc vào mùa thu lịch sử đau buồn này.  

 

**

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180