Thư Viện Việt Nam Cộng Hòa : Tổng thống Ngô Đình Diệm và sự thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa
Thư Viện Việt Nam Cộng Hòa
TT Ngô Đình Diệm và sự thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa
Kỷ niệm 124 năm ngày sinh của Tổng thống Ngô Đình Diệm (3.1.1901 - 3.1.2025)
Trong tác phẩm “The road not taken: Edward Lansdale and the American tragedy in Vietnam” (2018), Max Boot, một chuyên gia hàng đầu về các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới, đã phác họa chân dung ông Ngô Đình Diệm, vị tổng thống đầu tiên của miền Nam Việt Nam:
“Ông Diệm sinh ở Huế vào ngày 3 tháng 1 năm 1901, nhỏ hơn ông Hồ Chí Minh 10 tuổi và lớn hơn ông Võ Nguyên Giáp 10 tuổi. Ông Ngô Đình Khả, cha ông, là một tín đồ Công giáo thuần thành đã đưa gia đình đi lễ mỗi buổi sáng và là một vị quan theo truyền thống, để móng tay dài, đội khăn đóng và mặc áo dài bằng lụa. Ông đã trở thành một đại thần trông coi các thái giám trong cung của vua Thành Thái, nhưng đã từ quan khi người Pháp truất phế vua Thành Thái vào năm 1907 vì ngài muốn có nhiều quyền tự chủ hơn. Ông Diệm cùng với 8 anh chị em (5 trai, 3 gái) đã thừa hưởng từ cha 3 tín ngưỡng – Nho giáo, Công giáo và chủ nghĩa quốc gia – những niềm tin đã có ảnh hưởng trong suốt cả cuộc đời họ. Ông Diệm được giáo dục kỹ lưỡng ở những trường Công giáo, nơi ông đã học tiếng Pháp, tiếng La tinh và chữ Hán. Hồi 15 tuổi, ông vào tu viện một thời gian ngắn, nhưng không giống như anh trai ông là Đức Giám mục Ngô Đình Thục, ông không muốn đi tu. Sau khi học ở trường Quốc Học ở Huế giống như ông Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp, ông vào học ở Trường Hậu bổ (Trường Quốc gia Hành chánh của Pháp) ở Hà Nội để làm việc trong bộ máy hành chánh của triều Nguyễn. Khi học ở Hà Nội, ông có mối tình lãng mạn với con gái một người thầy của ông, và sau khi cô rời bỏ ông để vào tu viện, ông sống độc thân cho đến hết đời.
Sau khi tốt nghiệp vào năm 1921, ông thăng tiến rất nhanh, khi mới 25 tuổi đã là tuần vũ (tỉnh trưởng) của một tỉnh có đến 300 ngôi làng. Ông vừa là người chỉ huy lực lượng cảnh sát và thẩm phán, vừa là người thu thuế và chỉ huy việc thi công những công trình công cộng cùng một lúc. Một nhà báo viết: “Ông đội chiếc nón lá và mặc chiếc áo của quan lại, cưỡi ngựa đi khắp vùng và tiếp xúc với các dân làng”. Dù có tinh thần quốc gia mạnh mẽ, ông vẫn được lòng người Pháp vì đã đập tan âm mưu nổi dậy của những người Cộng sản. Năm 1933, khi mới 30 tuổi, ông đã là thượng thư, nhưng ông đã từ quan chỉ 2 tháng sau khi nhậm chức vì người Pháp không chịu cho người Việt có quyền tự quyết. Ellen J. Hammer, một trong những học giả Mỹ đầu tiên quen biết ông Diệm, có nói: “Không có gì tốt hơn cho ông Diệm bằng việc từ chức vào thời điểm ấy”.
Thay vì hoạt động bí mật như ông Hồ Chí Minh, ông Diệm lui về sống với gia đình ở Huế, dành thời gian của những ngày yên ả để suy niệm, nghiên cứu, chụp ảnh, trồng hoa, cưỡi ngựa đi săn và dự thánh lễ mỗi buổi sáng theo truyền thống của những nho sĩ là lui về cuộc sống điền viên để chờ thời. Khi lên nắm quyền vào tháng 8 năm 1945, Việt Minh đã tận diệt những người không theo họ. Anh ông Diệm là ông Ngô Đình Khôi bị bắt và bị hành quyết cùng với người con trai của ông. Ông Diệm cũng bị bắt và bị giam cầm trong một trại giam ở trong rừng, bị bệnh sốt rét, bệnh cúm và bị suy dinh dưỡng. Tuy nhiên vào đầu năm 1946, ông Hồ Chí Minh muốn thành lập một chính phủ gồm nhiều thành phần, có những người không phải là Cộng sản, đã thấy tiềm năng và sự hữu dụng của ông Diệm. Trong cuộc gặp gỡ duy nhất của hai người, ông Hồ đã mời ông Diệm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, nhưng ông Diệm đã từ chối, không nhận chức vụ mà người đã sát hại anh trai ông muốn giao cho ông, nói thẳng vào mặt ông Hồ rằng ông là một kẻ sát nhân. Với lòng độ lượng hiếm thấy, ông Hồ đã ra lệnh trả tự do cho ông Diệm. Nhưng 4 năm sau, Việt Minh đã tuyên án tử hình ông Diệm và khi thấy người Pháp không bảo vệ mình, ông đã rời Việt Nam.
Ông sang Mỹ, sống trong 2 chủng viện, một ở New Jersey và một ở New York, trở thành khách mời của Hồng y Francis Spellman ở New York. Suốt 3 năm sau đó, ông không những vận động những người Công giáo bảo thủ mà còn tiếp xúc với những chính khách theo chủ nghĩa tự do ngả theo “con đường thứ ba” của ông, những người chống cả thực dân lẫn chống Cộng. Người quan trọng nhất ủng hộ ông là chánh án Tòa án Tối cao William O. Douglas. Ông này nhận định rằng ông Diệm “là người châu Á mà chúng ta có thể sống chung”. Ngày 7 tháng 5 năm 1953, ông tổ chức một bữa tiệc khoản đãi ông Diệm; trong số những khách mời có thượng nghị sĩ Mike Mansfield của bang Montana và thượng nghị sĩ mới đắc cử John F. Kennedy của bang Massachusetts mới trở về từ một chuyến viếng thăm Việt Nam.
Thủ tướng Ngô Đình Diệm về nước chấp chính vào ngày 25.6.1954, cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 10.1954 |
Sự hậu thuẫn mà ông Diệm có được từ những người Mỹ có vai trò then chốt sẽ giúp ích rất nhiều cho ông trong việc cử ông làm thủ tướng – nhưng không phải như những lời đồn đãi ở Saigon rằng Chính phủ Mỹ muốn ông làm thủ tướng như đã từng làm để ông Ramon Magsaysay làm Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines, mà vì sau trận Điện Biên Phủ, Quốc trưởng Bảo Đại hiểu ra rằng tương lai của miền Nam “tự do” sẽ phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của người Mỹ, và còn ai thích hợp hơn để nhận viện trợ của Mỹ ngoài người bạn của Hồng y Spellman và chánh án Douglas? Vì vậy, dù có chút nghi ngại về “sự cuồng tín và xu hướng cứu thế” của ông Diệm, Quốc trưởng Bảo Đại đã phó thác tương lai của miền Nam vào tay ông Diệm…” (The road not taken, tr. 262, 263, 264)
Quốc trưởng Bảo Đại kể về việc chọn ông Diệm làm thủ tướng thay thế hoàng thân Bửu Lộc: “Ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ và ngày hôm sau, ngày 8 tháng 5, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc, nhưng đến những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hai Bộ Tư lệnh Pháp và Việt Minh họp ở Genève để bàn về vấn đề các vùng tập kết ở Việt Nam, rồi ở Lào và ở Cambodge hầu đi đến sự chấm dứt nhanh chóng và tức khắc những hận thù, theo điều kiện hòa bình. Bắt đầu từ mùng 2 tháng 6, Hội đồng quân sự ấy bắt tay vào việc… Lúc đầu, chúng tôi cử làm trưởng phái đoàn vị Bộ trưởng Ngoại giao vì chúng tôi nghĩ là một hội nghị chính trị, nhưng trong cuộc họp hạn chế, người ta lại bàn về vấn đề quân sự. Vì vậy, tôi ra lệnh cho tất cả nhân viên phái đoàn rút lui. Tại Saigon, Thủ tướng Chính phủ Bửu Lộc gặp phải sự chống đối quyết liệt của các nhà quốc gia trong phong trào Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc do Ngô Đình Nhu lãnh đạo. Mặt trận này không công nhận trước tất cả các quyết định có thể do Hội nghị Genève đặt ra. Tôi cho vời đến Cannes các lãnh tụ của các phong trào chính trị và tôn giáo ở Việt Nam để hỏi ý kiến. Tôi cho họ biết cái gì đã xảy ra, rằng tất cả đều đã được xếp đặt trước, đến chỗ sẽ chia đôi đất nước. Tôi vạch ra cho họ sự cần thiết đặt một đường hướng mới và gợi ý cho họ là cho thay thế hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghênh ý kiến của tôi. Biết mình khó lòng theo đuổi được con đường đã vạch, Bửu Lộc đệ đơn xin từ nhiệm cho cả chính phủ…
48 giờ sau, sau khi giới thiệu ông với tướng Ely, tổng tư lệnh quân đội Pháp, từ Washington trở về qua Paris, ông Diệm về Saigon cùng với hoàng thân Bửu Lộc để bàn giao quyền hành. Trước khi ra đi, tôi trao cho ông Diệm một đạo dụ ủy cho ông ta mọi quyền, hành chánh cũng như quân sự…” (Con rồng Việt Nam, Bảo Đại, tr. 512, 515)
Trong cuốn sách "The spy who loved us: The Vietnam war and Pham Xuan An's dangerous game", giáo sư Thomas A. Bass đã viết về cuộc trưng cầu dân ý ở miền Nam vào tháng 10 năm 1955:
"Bước đi tiếp theo của đại tá Lansdale là sắp đặt một chiến thắng trong bầu cử cho ông Ngô Đình Diệm... Tháng 10 năm 1955, người dân miền Nam Việt Nam phải bầu cho Quốc trưởng Bảo Đại hoặc ông Diệm. Lansdale bố trí cho cuộc bầu cử được tiến hành với những lá phiếu có màu - màu đỏ tượng trưng cho vận may, dành cho ông Diệm, và màu xanh, tượng trưng cho vận rủi, dành cho Quốc trưởng Bảo Đại. Sau khi thêm vào một liều cực mạnh trò gian lận phiếu bầu, ông Diệm tuyên bố ông đã thắng cử với 98,2% phiếu bầu. Và thế là bắt đầu lịch sử của miền Nam Việt Nam dân chủ, yêu tự do mà những quyền lợi sẽ được Mỹ bảo vệ một cách vô vị lợi trong 20 năm tồn tại yểu mệnh sau đó..." (So began the history of the democratic, freedom-loving country of South Vietnam, whose interests The United States would selflessly defend during the next twenty years of its stillborn existence..., tr.85). Thomas A. Bass đã nhắc đến trò gian lận bầu cử đưa ông Diệm lên làm tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa: ông Diệm chỉ được 60% phiếu bầu và Lansdale khuyên ông nên công bố con số thực tế, nhưng ông đã không nghe theo lời khuyên và công bố con số 98,2% phiếu bầu để cho thấy ông đã giành chiến thắng áp đảo trước Quốc trưởng Bảo Đại!
Sau cuộc trưng cầu dân ý này, nước Việt Nam Cộng hòa được thành lập, thủ đô là thành phố Saigon và ngày 26 tháng 10 trở thành ngày Quốc khánh của Đệ nhất Cộng hòa. Việt Nam Cộng hòa theo thể chế chính trị đa đảng, kinh tế tư bản chủ nghĩa, không giống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Nhận xét
Đăng nhận xét