Anh Hùng Trần Văn Bá (1945 - 1985)

Anh Hùng Trần Văn Bá (1945 - 1985)
Trần Văn Bá - Việt Nam 1983


Sanh ngày 14 tháng 5 năm 1945 tại Sa Đéc thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, Trần Văn Bá là con thứ 3 trong một gia đình có truyền thống tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ của nước nhà.

Cụ thân sinh, cố dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, Trần Văn Văn, suốt đời tranh đấu cho nền tự chủ, và tự do tiến bộ của đất nước, bị ám sát ngày 7 tháng 12,1966 tại Sàigòn. Hơn 20 năm sau, báo chí của chế độ Hà Nội xác nhận đó là chiến công của bộ đội biệt động cộng sản (xem tiểu sử cụ Trần Văn Văn). Cụ Bùi Quang Chiêu, bác ruột của cụ bà Trần Văn Văn, người sáng lập ra đảng Lập Hiến năm 1919, bị cộng sản sát hại cùng với bốn người con ở Chợ Lớn năm 1945.

Ngoài tác dụng của 3 nhân tố : Thời kỳ lịch sử, môi trường xã hội, huyết thống gia tộc, mà ai sinh ra ở đời cũng phải chịu ít nhiều quy luật, Trần Văn Bá còn tiếp nhận sâu xa ảnh hưởng xuất phát từ truyền thống gia đình, nông thôn miền Nam, giáo dục nhà trường :

Trần Văn Bá - Long Xuyên 1957

Trần Văn Bá - Lycée Yersin, Dà Lạt 1965

- Cái giá mà gia đình đã trả cho cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do và hiện đại hóa của đất nước đã khiến Bá rất nhạy cảm, từ tấm bé, với vận mạng của dân tộc và chính sự Việt Nam (xem tiểu sử của cụ Trần Văn Văn.)

- Những ngày tháng hòa mình ở nông thôn với người dân của đồng bằng Miền Nam đã nuôi dưỡng cái bẩm tánh phóng khoáng, vị tha, trọng nghĩa bạn bè, gắn bó với nguồn cội của Bá;

- Sự tiếp cận với văn hóa Tây Phương qua nhà trường, sách vở, giáo huấn của thân phụ đã hun đúc cho Bá một tinh thần tiến bộ, quý trọng tự do cá nhân.

Sau đám tang của cha, Bá sang Pháp tháng giêng 1967, theo học ngành kinh tế và làm phụ tá giảng viên ở Đaị học Nanterre, một thành trì của giới tả khuynh ở vùng Paris.

Ngay từ lúc đặt chân đến Pháp, Bá đã quyết định dồn hết tâm trí để tìm một giải đáp cho thảm trạng của đất nước. Khi đi đến kết luận là sự tồn vong và tương lai của dân tộc chỉ có thể được đảm bảo trong một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, tự do, tiến bộ, và mục tiêu này chỉ có thể được hoàn thành từ một nền Cộng Hòa miền Nam vững mạnh và tự do, Bá đã tự vạch ra cho mình một hướng đi để đóng góp vào mục tiêu đó.

Bá thấy rõ, muốn tiến đi trên con đường thiên lý như thế, phải đáp ứng 3 điều kiện căn bản : trực diện với cộng sản Việt Nam và hệ thống hậu thuẫn quốc tế của nó, chấp nhận đi vào một cuộc chiến vô cùng chênh lệch, thích nghi cuộc sống cá nhân với con đường lựa chọn.

Chế độ cộng sản Việt Nam hiển nhiên là vấn nạn then chốt, chi phối tất cả các vấn đề chuyên chở vận mạng và tương lai đất nước. Trực diện với một vấn nạn như thế đòi hỏi một mặt, phải hiểu rõ bản chất, nguồn gốc tư tưởng, phương thức hành động, hậu thuẫn quốc tế của cộng sản Việt Nam, và mặt khác, một giải đáp đối chiếu lại với chế độ Hà Nội cho vấn đề chiến tranh, hòa bình và phát triển của đất nước. Bá đã dồn hết tâm trí và thời giờ vào công trình nầy, đã tự học, tự rèn luyện một khả năng và một phương thức hành động.

Rồi từ đó bước vào cuộc chiến. Một cuộc chiến vô cùng chênh lệch. Thời điểm thập niên 60 và 70 là cao điểm của phong trào Cộng Sản quốc tế trong thế bành trướng toàn cầu bằng quân sự hay qua chiến tranh sách động chánh trị, hoặc bằng cách khống chế đời sống xã hội, văn hóa và trí thức ở các quốc gia của thế giới đệ tam và ở các nền dân chủ lớn. Đặc biệt Âu châu và nhất là Pháp, lúc bấy giờ là địa bàn của các phong trào phản chiến, với những đợt biểu tình chống chiến tranh Việt Nam liên tục. Ta còn nhớ lời tuyên bố của Jean-Paul Sartre, triết gia tả khuynh trứ danh của Pháp : « Chủ nghĩa Mác xít là chân trời không thể vượt qua của lịch sử ! » và giáo điều : «3 dòng thác cách mạng» của Lê Duẩn : « Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa, là 3 dòng thác cách mạng vỡ bờ sẽ cuốn phăng đi chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động trên thế giới.»

Trong cái bối cảnh ngột ngạt đó, Bá khẳng khái đảm đương cái lý lịch người Việt miền Nam của mình, chấp nhận hành động trong cô đơn với thước đo duy nhất cho sự đúng sai, tốt xấu, thành bại, là ý thức và lương tâm của chính mình mà thôi, gạt ra ngoài mọi thừa nhận, khen chê.

Một lựa chọn như thế đòi hỏi một đời sống cá nhân thích nghi. Để trọn vẹn với chính mình và sòng phẳng với mọi người, Bá quyết định sống độc thân và gạt qua bên vấn đề khoa bảng, công danh, sự nghiệp.

Tất cả mọi hoạt động và ứng xử của Bá đều đặt căn bản trên 3 điều kiện ấy, mà Bá tuyết đối tuân thủ đến giờ phút lìa đời.

Khởi đầu là hoạt động ở Pháp và Âu châu, trong trận tuyến đấu tranh chánh trị để tranh thủ cộng đồng người Việt hải ngoại và dư luận quốc tế cho cuộc chiến tự vệ của Việt Nam Cộng Hòa. Môi trường hoạt động tự nhiên là giới thanh niên, sinh viên Việt Nam không cộng sản. Bá đắc cử Chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Paris, nhiệm kỳ 1971-1972 và nhiều nhiệm kỳ kế tiếp. Cùng một nhóm bạn đồng hành, Bá đẩy mạnh hoạt đồng chánh trị của Tổng Hội Sinh Viên để đối phó lại với các chiến dịch tuyên truyền và sách động của cộng sản, và song song nỗ lực tổ chức một cộng đồng người Việt tự do Âu châu vững mạnh. Mặt khác, Bá tiếp tục giữ chặt liên hệ với bạn bè ở quê nhà, trong chính giới, trong quân đội, ở nông thôn.


Trần Văn Bá - Dinh Độc Lập, Sàigòn, 1972

Trong tinh thần đó, Bá tích cực tham gia tổ chức trại hè Nối Vòng Tay Lớn năm 1972, mang phái đoàn du học sinh Âu châu về thăm nhà để tạo nhịp cầu thông cảm giữa sinh viên du học, sinh viên quốc nội và các chiến sĩ cộng hòa.


Trần Văn Bá -Tết Bính Thìn, Palais de la Mutualité, Paris 1976


Bá đặt cuộc chiến cho tự do, dân chủ và hiện đại hóa của người Việt trong một viễn quan trường kỳ và một bối cảnh quốc tế. Do đó, khi miền Nam sụp đổ vào tháng 4 năm 1975, Bá đã phản ứng mau lẹ, giữa điêu tàn, trong tuyệt vọng, ngược dòng tháo chạy tán loạn. Cùng vài bạn đồng hành, Bá xác định chánh nghĩa quốc gia và tổ chức đêm hội Tết Bính Thìn 1976 với chủ đề «Ta Còn Sống Đây», giưong cao ngọn cờ vàng, giữa tiếng hát quốc ca và « hồn tử sĩ.» Trước hơn 2000 khán giả, Bá kêu gọi tiếp tục tranh đấu cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, chống lại chế độ độc tài cộng sản và chánh sách trả thù dân quân Miền Nam của Hà Nội. Một ngọn lửa đối kháng đã được đốt lên đêm hôm đó.

Trong những năm kế tiếp, Bá tiếp tục hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt hải ngoại, ngày càng lớn mạnh với những đợt tỵ nạn liên tục, và sự chuyển hướng của dư luận quốc tế trước hiện tượng thuyền nhân Việt Nam.


Trần Văn Bá - Paris 1979


Thôi thúc bởi thảm cảnh của đồng bào lênh đênh trên biển Đông hay ngoi ngóp trong các trại tỵ nạn bần cùng; bởi cảnh ngộ của dân quân miền Nam bị đày ài, hành hạ, bữa đói bữa no, trong các trại gọi là « cải tạo » hay ở các vùng « kinh tế mới »; bởi thảm họa của cả một thế hệ thanh niên bị đem làm vật tế thần cho cuộc bành trướng quân sự điên rồ qua Kam Pu Chia; Bá quyết định rời Paris ngày 6 tháng 6 năm 1980 để trở về tranh đấu trong lòng quê hương.

Ngày 9 tháng 9 năm 1984 Bá bị lực lượng công an cộng sản bắt tại Cà Mau, và đưa ra trước Tòa Án Nhân Dân tại trụ sở cũ của Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa ở Sàigòn, ngày 14 tháng 12 năm 1984, cùng với 20 đồng đội. Tòa Án Nhân Dân tuyên án tử hình Bá cùng với 4 bạn đồng hành. Bất chấp các phản ứng khắp nơi trên thế giới kêu gọi ân xá, từ các cộng đồng người Việt, qua dư luận báo chí đến các chánh phủ và yếu nhân của các nước dân chủ, chế độ Hà Nội, qua một điện báo, loan tin Bá bị hành quyết cùng với Hồ Thái Bạch và Lê Quốc Quân ngày 8 tháng giêng năm 1985.

Từ đó Trần Văn Bá đã trở thành biểu tượng của cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ ở Việt Nam đối kháng lại chế độ cộng sản. Trong các cộng đồng ngưòi Việt trên thế giới hay từ các hiệp hội ngoại quốc, dưới nhiều hình thức, Bá được vinh danh như một chiến sĩ tự do, một nhà ái quốc, một tấm gương tranh đấu cho dân chủ : Hai tấm bảng tưởng niệm Trần Văn Bá được đặt nơi công cộng ở thành phố Liège, Bỉ quốc; Một con đường được đặt tên Trần Văn Bá ở trung tâm sinh hoạt của người Việt, Eden Center, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ; Huân chương Tự Do Truman-Reagan 2007 được truy tặng cho Trần Văn Bá. Và năm 2008 tòa Thị Sảnh quận 13, thành phố Paris, Pháp quốc quyết định cho dựng một cột bia vinh danh Trần Văn Bá như một chiến sĩ Tự Do, một nhà ái quốc. Nhưng chánh phủ cộng sản Việt Nam đã làm áp lực tối đa, trực tiếp và qua các nhóm áp lực thân cộng, yêu sách chánh phủ Pháp ra lệnh cấm không cho Tòa thị sảnh Paris 13è dựng bia vinh danh Trần Văn Bá. Qua hành động thô bỉ đó chánh quyền cộng sản Việt Nam đã mặc nhiên loan báo với thế giới : « Trần Văn Bá còn sống đây ! »

Nguồn tranvanba.org

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025