Bài học Jimmy Carter và viễn ảnh xung đột Á châu
Bài học Jimmy Carter và viễn ảnh xung đột Á châu
Ngày 31 tháng 1 năm 1979, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Jimmy Carter ký thỏa thuận ngoại giao lịch sử giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. (Ảnh: Thư viện Jimmy Carter)
Trần Trung Đạo
Trước khi TT Jimmy Carter và Phó Thủ tướng TC Đặng Tiểu Bình gặp nhau buổi sáng ngày 30 tháng 1, 1979, TT Carter yêu cầu thông dịch viên đọc trực tiếp bằng miệng lá thư của ông gởi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Bản viết tay của TT Carter vẫn còn được lưu giữ tại Thư Viện Jimmy Carter. Theo nội dung lá thư, TT Carter nghĩ rằng việc TC xâm lăng Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng vì nhiều lý do, trong đó gồm:
(1) Nếu mục đích của cuộc tấn công là nhằm gián đoạn hoạt động xâm lược của Việt Nam hiện nay ở Kampuchea thì mục đích đó sẽ khó thành công.
(2) Một hành động mang tính cách biểu hiện như thế sẽ không được xem là một “trừng phạt” đáng kể.
(3) Hành động xâm lăng sẽ làm vị trí của CSVN và TC hoán chuyển. CSVN hiện đang bị thế giới kết án xâm lược nhưng sẽ khác hơn dưới mắt dư luận nếu TC xâm lăng Việt Nam.
(4) Ngoài ra, xung đột từ hai quốc gia có nguy cơ trở thành xung đột khu vực.
Kết luận, TT Carter đề nghị “một nỗ lực phối hợp thông qua Liên Hợp Quốc hoặc các diễn đàn quốc tế khác có thể gây tổn hại nhiều hơn cho Việt Nam và các đồng minh của họ.”
Đặng Tiểu Bình lắng nghe không ngắt lời người thông dịch.
Sau khi nghe xong, Đặng Tiểu Bình trả lời rằng TC vẫn sẽ “trừng phạt Việt Nam giới hạn” để ngăn chặn LX trong việc sử dụng Cuba, Việt Nam và rồi Afghanistan như những chư hầu. Nhưng để vớt vát, Đặng Tiểu Bình yêu cầu Mỹ viện trợ cho các lực lượng chống CSVN qua trung gian Thái Lan.
TT Carter hỏi lại liệu Thái Lan có đồng ý không, Đặng Tiểu Bình trả lời Thái đã đồng ý.
Đặng Tiểu Bình thất bại trong mục đích được Mỹ công khai ủng hộ nhưng thành công trong các mục đích nhỏ khác như được Mỹ hứa cung cấp tin tức tình báo và đóng góp cụ thể trong việc giúp phe chống CSVN tại Cambodia. Cáo già CS Đặng Tiểu Bình không đi Mỹ để đánh bạc theo kiểu được ăn cả ngã về không mà được phần nào cũng tốt. (Foreign Relations of the United States, 1977–1980, Volume XIII, China).
Mặc dù không ủng hộ Đặng Tiểu Bình, TT Jimmy Carter đã ủng hộ chính sách của Đặng tại Đông Nam Á.
Các nguồn viện trợ của Mỹ cho các thành phần không CS trong Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ cũng lọt khá nhiều qua phía Khmer Đỏ. Mặc dù các nhà làm chính sách đối ngoại Mỹ như Cố vấn An ninh Quốc Gia Zbigniew Brzezinski có chối cãi hay biện hộ, một sự thật hiển nhiên là nếu không có sự ủng hộ của Mỹ, Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ trong đó Khmer Đỏ đóng vai chính không thể giữ chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc cho tới 1993.
Những lời tố cáo Mỹ ủng hộ Pol Pot của Norodom Sihanouk cũng không phải là không căn cứ. Ngay trước khi Chính Phủ Liên Hiệp Campuchia Dân Chủ ra đời 1982, thay vì vận động để bỏ trống ghế hội viên LHQ của Cambodia cho tới khi có một chính phủ hợp luật quốc tế, Mỹ đã bỏ phiếu duy trì chiếc ghế của Pol Pot tại LHQ: “Hoa Kỳ sẽ ủng hộ việc đưa chế độ “Kampuchea dân chủ” của Pol Pot vào Liên Hợp Quốc một lần nữa trong năm nay bất chấp hồ sơ đáng ghê tởm về nhân quyền, Ngoại trưởng Edmund S. Muskie tuyên bố hôm qua.” (Washing Post, September 16, 1980)
Họ Đặng dùng xung đột Cambodia như bàn đạp cho các chính sách đối ngoại bành trướng tại Á Châu. Vai trò của TC có ảnh hưởng ngày càng mạnh đến cục diện Đông Nam Á từ đó đến nay.
Chiếc bẫy nợ tại Lào và sự hiện diện quân sự của TC tại Cambodia là hai bằng chứng. Lào thiếu nợ nước ngoài 14.5 tỷ dollar và hơn một nửa trong số đó là nợ TC. TC gia tăng sự hiện diện tại Cambodia bằng việc xây dựng các căn cứ hải quân được dùng vào các mục đích quân sự. Xin nhớ TC không có một căn cứ hải quân nào lớn ở nước ngoài ngoại trừ tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa chiếm được của Việt Nam và một căn cứ duy nhất tại Cộng hòa Djibouti tận Đông Phi Châu.
Việc TC hiện diện tại Cambodia là một lợi thế chiến lược trên Biển Đông và đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam.
Trở lại với các chính sách của Mỹ và thủ đoạn của Đặng Tiểu Bình.
Để hiện đại hóa, Đặng Tiểu Bình biết TC phải dựa vào Mỹ. Sau bình thường hóa với Mỹ, một kỷ nguyên hợp tác Mỹ-TC đã phát khởi với các phát triển kinh tế vượt bực mà thế giới coi là “Trung Quốc Kỳ Diệu” (China Miracle) với mức gia tăng trung bình 9.5% từ 1978 đến 2003.
TC đi với Mỹ để hiện đại hóa và khi được hiện đại hóa, TC xoay trở lại chống Mỹ. Mỹ nuôi lớn kẻ thù của mình.
Giáo sư Sergey Radchenko, nhà nghiên cứu tại Woodrow Wilson Center for International Scholars nhận xét rằng Carter và nhóm an ninh quốc gia của ông có thể hy vọng rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ và cởi mở hơn. Nhưng mười năm sau khi đưa xe tăng sang xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình đưa xe tăng vào Quảng trường Thiên An Môn để trấn áp các nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc. Tập Cận Bình hiện nay không khác gì Đặng trước đây thể hiện sự chán ghét đối với những khái niệm tự do và bình đẳng, ở Trung Quốc và ngay cả ngoài Trung Quốc. (‘Sergey Radchenko, We’re Very Sexy People’: How the U.S. Miscalculated Its Allure to China, 2019).
Các chính trị gia Mỹ thời đó hiểu một cách đơn giản về ý thức hệ CS khi cho rằng nếu lôi kéo giới lãnh đạo đảng CS vào các hoạt động kinh tế tư bản, tiến bộ và tự do rồi dần dần các lãnh vực khác của đời sống xã hội cũng thay đổi theo. Một số khác lại cho rằng việc thay đổi ý thức hệ là con đường dài trong khi hợp tác kinh tế và mậu dịch để cùng có lợi là mục tiêu trước mắt. Cả hai suy nghĩ đều góp phần dẫn đến tai họa TC ngày nay.
Thật ra lý luận xung đột quyền lợi vật chất và tinh thần giữa các thành phần xã hội dẫn đến cách mạng như trường hợp Cách Mạng Pháp 1789, không sai. Tuy nhiên, thời gian để các mâu thuẫn chín muồi khác rất xa trong mỗi thời kỳ văn minh của loài người. Thời đại ngày nay với nền kinh tế toàn cầu hóa và các quan hệ kinh tế phụ thuộc vào nhau sâu sắc, các mâu thuẫn đối kháng cần thời gian rất lâu để triệt tiêu nhau.
Mặc dù là một chính khách đáng kính đặt nặng trên các giá trị tự do dân chủ nhân quyền và được giải Nobel Hòa Bình về các nỗ lực xã hội, khi làm tổng thống, Jimmy Carter lại rất ít khi đưa yếu tố nhân quyền ra để mặc cả với giới lãnh đạo TC trong các đàm phán kinh tế.
Giáo sư Ryan Hass thuộc Brookings Institution kể lại rằng các nhà đàm phán Mỹ nếu nhắc đến “dân chủ, nhân quyền” chẳng qua là để thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ chính sách mậu dịch của Mỹ với TC, trong thực tế những vấn đề dân chủ và nhân quyền “chưa bao giờ là mục đích” của Mỹ. (Ryan Hass, Every President Since Reagan Was Wrong About China’s Destiny, Bloomberg Opinion, July 23, 2019).
Viễn ảnh nào cho tương lai Á Châu?
Mỹ học một bài học dài trên 40 năm, nhưng học để làm gì, liệu có thay đổi được gì không?
Câu trả lời là có.
Thế giới chưa tận diệt và cuộc đấu tranh giữa thiện và ác sẽ còn tiếp tục. Julius Caesar không phải là nhà độc tài đầu tiên và Tập Cận Bình không hẳn là nhà độc tài cuối cùng. Những bài học được học và những chọn lựa mới sẽ được chọn. Mỗi giai đoạn trong lịch sử nhân loại luôn có những thách thức mới của thời đại và luôn có những con người mới để lãnh đạo thời đại mình. Nước Anh có một Neville Chamberlain chủ hòa nhưng ngay sau đó đã có một Winston Churchill cứng rắn bước ra thay thế.
Trục xung đột của thế giới đang chuyển về hướng Á Châu.
Dù sớm hay muộn Nhật Bản cũng cần tái võ trang để bảo vệ quyền lợi của họ tại Á Châu nhưng với ngân sách quốc phòng tài khóa 2022 chỉ 42 tỷ dollar hay 1.1 phần trăm GDP, quân đội Nhật vẫn còn là một quân đội nặng về phòng thủ. Tầm nhìn đó sẽ phải thay đổi.
Năm 2021 Ấn Độ gia tăng ngân sách quốc phòng lên tới 76 tỷ dollar đứng hàng thứ ba thế giới sau Mỹ và TC nhưng chính sách ngoại giao của Ấn Độ từ thời thành lập nền Cộng Hòa 1947 chưa đủ cứng rắn và dứt khoát khi đáp ứng các thách thức mới từ Trung Cộng. Lập trường đó sẽ phải thay đổi.
Biển Đông và Đài Loan sẽ là hai điểm nóng trong Chiến Tranh Lạnh Á Châu. Các chuyến viếng thăm Đài Loan dồn dập của các giới chức lập pháp và hành pháp Mỹ vừa qua cho thấy quần đảo chiến lược này đã trở thành một Do Thái phương đông. Vị trí của Đài Loan đang thay đổi.
CSVN vì tham vọng quyền lực của đảng CS nên cho tới nay vẫn còn co ro trong chiếc áo rách lủng bốn lỗ to mà họ gọi là “quốc phòng bốn không”.
Ông Nguyễn Phú Trọng nhận xét về thời kỳ này: “Nguyên tắc là độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ nhưng đồng thời phải giữ ổn định. Chưa có thời kỳ nào đất nước đang có không khí ổn định tốt như thế này. Phải giữ lấy nó” (Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cử tri 3 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ sáng 15/10/2019).
Ông Trọng thử dùng một cây bút màu đen và tô đậm các vùng đất, các khu vực biển và các quốc gia nằm trong ảnh hưởng của TC tại Đông Nam Á, ông sẽ thấy một Việt Nam đang nằm trong rọ, không có một cửa ngõ nào để thoát thân dù trên bộ hay trên biển. Nằm co ro trong rọ là ổn định sao?
Đọc lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng người viết chợt nghĩ đến “Hội chứng Ếch Luộc” (Boiling frog) được dùng trong nhiều trong tâm lý học.
Hội chứng Ếch Luộc là một ví dụ rất cụ thể và dễ hiểu để chứng minh sự sai lầm của những người chỉ thấy sự ổn định trước mắt mà không lo cho hiểm họa lâu dài.
Hội chứng này được giải thích như sau: Nếu đặt một chú ếch vào nồi nước nóng đương nhiên chú sẽ nhảy ra ngay, nhưng nếu đặt chú vào nồi nước ấm và đun sôi từ từ trong điều kiện nhiệt độ được kiểm soát, ếch ta sẽ rất lấy làm khoan khoái. Khi nóng tăng cao chút xíu cũng không sao vì ếch có thể tự điều chỉnh cơ thể để thích nghi với độ nóng. Nhưng khi nóng tăng cao nữa thì than ôi đã quá trễ rồi, độ nóng vượt giới hạn chịu đựng làm chú ếch ngất xỉu và hậu quả là bị luộc chết.
Khó có thể trả lời bao giờ hay khi nào số phận của 4.7 tỷ người sống trên các lục địa Á Châu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp từ xung đột võ trang do TC gây ra. Nhưng chắc chắn sẽ xảy ra.
Những bài học từ hai cuộc thế chiến cho thấy, nếu có chuẩn bị, một quốc gia có thể thoát ra hay ít bị ảnh hưởng hơn các quốc gia khác. Ngược lại, nếu các nhà lãnh đạo chỉ vì tham vọng quyền lực, vì nồi cơm chén gạo của cá nhân và gia đình, vì quyền lợi đảng phái mà không thực hiện các thay đổi cấp bách, đất nước sẽ rơi vào vực thẳm.
Nhật Bản trở nên thịnh vượng trong một thời gian ngắn không chỉ nhờ vào tinh thần đoàn kết dân tộc, văn hóa lâu dài hay lòng yêu nước sâu đậm. Nhật Bản đoàn kết từ lâu và có một nền văn hóa dài mấy ngàn năm trước công nguyên chứ không phải mới đây. Nhưng trước Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản là một nước thực dân, quân phiệt, chà đạp lên quyền tự quyết của nhiều dân tộc, không được nhân loại kính trọng. Chính cơ chế dân chủ qua hiến pháp 1947 đã giúp nước Nhật vượt qua điêu tàn đổ nát của chiến tranh, thoát khỏi quá khứ thực dân, quân phiệt và cất cánh bay cao để được thế giới kính trọng như ngày nay.
Chỉ số Dân Chủ (Democracy Index) 2021 do công ty uy tín quốc tế Economist Intelligence Unit (EIU) thực hiện xếp Đài Loan hạng thứ 8 (Full democracy), Nam Hàn hạng 16 (Full democracy), Nhật hạng 17 (Full democracy), nhưng Việt Nam bị xếp vào hạng 131 cùng nhóm với những quốc gia chuyên chế và lạc hậu như Bắc Hàn, Afghanistan, Congo, Cuba và đương nhiên trong đó có cả đàn anh Trung Cộng được xếp thứ 148 gần chót bảng.
Các nhà phân tích thời sự thường dùng Thế Chiến Thứ Hai để phân tích các xung đột thế giới nhưng đúng ra nên dùng Thế Chiến Thứ Nhất. Thế Chiến Thứ Hai chỉ là hậu quả của những nguyên nhân bắt nguồn từ Thế Chiến Thứ Nhất chưa được giải quyết rốt ráo.
Thế Chiến Thứ Nhất là cuộc chiến giữa các liên minh quân sự và được hâm nóng từ lâu trước khi có biến cố ám sát Quận Công Franz Ferdinand ngày 28 tháng 6, 1914. Một trong những lý do sâu xa dẫn đến Thế Chiến Thứ Nhất (1914) là Đức cảm thấy bị bao vây khi đối diện với liên minh thù địch Anh, Pháp, Nga (Triple Entente).
TC ngày nay cũng thế. Mối lo lớn nhất của Tập Cận Bình giống như các lãnh đạo TC trước đây và sau này là mối lo bị bao vây. Họ Tập đang tìm mọi cách xây dựng các liên minh quân sự để làm đối lực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc hội đàm song phương tại Bắc Kinh, ngày 4 tháng 2 năm 2022.
Cuộc chiến chống xâm lăng của Ukraine là một nghiên cứu cho trường hợp đặc biệt (case study) đối với lãnh đạo có tham vọng bành trướng như Tập Cận Bình.
Tập Cận Bình phải hiểu rằng các xung đột tương tự trong tương lai không còn là mạnh hiếp yếu mà sẽ được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Tập Cận Bình phải hiểu rằng các khái niệm về quyền tự quyết, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ý chí toàn dân, công pháp quốc tế v.v.. không còn là những lời nhập đề hoa mỹ nhưng rỗng tuếch trong các thông cáo chung hay quyết nghị mà sẽ được đem ra áp dụng từng điều khoản một.
Tập Cận Bình phải hiểu rằng dù mạnh bao nhiêu, lớn bao nhiêu, một nước cũng không thể đương đầu với cả thế giới.
Tập Cận Bình phải hiểu rằng nếu một cuộc xung đột võ trang xảy ra, các nước dân chủ dù thiệt hại nhiều hơn vẫn có cơ hội phục hồi, trong khi đó chế độ CS tại Trung Quốc vốn xây dựng trên một cơ cấu mong manh dễ vỡ sẽ phải sụp đổ.
Chính vì vậy, buổi gặp gỡ của Tập và Putin hôm 15 tháng 9 vừa qua tại Uzbekistan không đem lại và cũng không thể đem lại một kết quả cụ thể nào. Tập Cận Bình chỉ muốn đích thân giải thích cho Putin hiểu các mục tiêu và chính sách ngoại giao dài hạn của TC đối với Mỹ và Châu Âu. Do đó, không ngạc nhiên khi Putin tuyên bố: “Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của Trung Quốc khi nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi hiểu những thắc mắc và lo lắng của Trung Quốc về điều này.” (Reuters, September 15, 2022)
Nhưng việc gặp gỡ cũng có nghĩa Trung Cộng không muốn bỏ rơi Nga. Cơ hội hợp tác giữa TC, Nga và khối Hồi Giáo chống Mỹ có thể sẽ diễn ra trong tương lai ngay cả trong trường hợp Putin ra đi nhưng quan điểm đế quốc Nga chưa được xóa bỏ trong nhận thức của tầng lớp lãnh đạo Nga sau Putin.
Khác với liên minh Đức, Đế quốc Áo Hung và Ý (Triple Alliance) trong Thế Chiến Thứ Nhất, TC khó có thể xây dựng một liên minh quân sự vững chắc tương tự ở Á Châu, ngoại trừ liên minh với nước CS đàn em là CSVN. Nhưng với phương tiện và kỹ thuật chiến tranh nghèo nàn của mình, CSVN không đóng vai trò gì quan trọng ngoài là một bãi chiến trường.
Phân tích để thấy mọi thay đổi đều cần thời gian và với điều kiện kinh tế chính trị thế giới hiện nay sự thay đổi sẽ diễn ra rất chậm. Nhưng đó lại là một điều may mắn hiếm hoi cho dân tộc Việt Nam. Việt Nam vẫn còn có thời gian để thay đổi chính mình trước khi đương đầu với những đổi thay của thế giới.
Đừng đợi đến khi chảo dầu Á Châu phát hỏa mới nhúng tay vào mà ngay trong thời điểm này, những người Việt Nam có ý thức, biết quan tâm về tiền đồ dân tộc dù đang ở đâu cũng phải làm mọi cách trong điều kiện của mình để góp phần thay đổi hướng đi của đất nước.
Nhận xét
Đăng nhận xét