Hết Muốn Sống Trên Đất Nước Này

Hết Muốn Sống Trên Đất Nước Này
Chu Mộng Long
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tuyên bố: "Giá trị đất đai tăng thêm đang nằm trong túi người dân, nhà nước phải kiên quyết thu hồi lại". Tôi nghe mà hết muốn sống trên đất Việt!
Ba mẹ tôi từng khóc hết nước mắt khi có cái chính sách gọi là "thu hồi" này.
Năm 1975, sau nhiều năm tản cư, cả nhà tôi từ phố thị về lại quê hương. Quê tôi chiến tranh khốc liệt, đằng đẵng suốt 20 năm, không thể sống được. Hòa bình, ba mẹ tôi trút hết vốn dành dụm mua một đôi bò, sắm lại nông cụ để về quê cày ruộng. Việc trước tiên là đắp lại mồ mả ông bà. Sau đó là khai hoang. Những đất đai ông bà để lại đã hoang hóa, cỏ gai mọc ngập đầu. Có những thân cây đã to bằng người ôm. Khai hoang đâu trồng cây lương thực đó để sống. Làm suốt hai ba năm, đánh đổi bao mồ hôi nước mắt để có đất trồng. Khi đất vừa thục thì đùng một cái nhà nước thu hồi để đưa vào hợp tác xã. Hai con bò ba mẹ tôi mua hơn một cây vàng cũng bị nhà nước thu hồi và trả lại cho mười mấy đồng. Và cũng chỉ vì nhà có đất đai, thêm hai con bò nữa mà bị xếp hạng trung nông. Phải đóng tiền cổ phần cho cửa hàng mậu dịch 100 ngàn đồng, lại còn bị ấn định công trái đến 500 ngàn đồng. Viết đơn trình bày hoàn cảnh cùng đinh (bần nông) thì bị xã cho là khai man. Ba bị xã bắt nhốt trong cái container ngoài nắng. Mẹ khóc hết nước mắt, phải chạy vạy, vay mượn đủ số tiền đó để cứu ba về. Thế là nhà nợ nần chồng chất.
Suốt mấy năm hợp tác xã ấy, nhà tôi chỉ ăn toàn mì lát mốc meo. Bởi ngày công 5 lạng thóc chỉ đủ gom góp trả nợ. Quần áo rách tả tơi, toàn mặc quần bao cát (loại bao lính Mỹ làm lô cốt). Mỗi năm cửa hàng mậu dịch bán cho mét vải tám thì để dành cho mẹ và các em gái.
Khi hợp tác xã giải tán, nhà nước trả lại đôi bò cho gia đình tôi, nhưng ba mẹ tôi phải mua lại giá cao gấp hơn trăm lần trước đó nhà nước trả lại cho ba mẹ tôi. Đất đai nhà tôi khai hoang thì không trả lại mà chia cho người khác. Tiền gọi là "cổ phần" cửa hàng mậu dịch thì trả lại một phần, đủ mua rau. Đáo hạn trả công trái, tôi đến kho bạc nhận tiền thì số tiền có giá không đủ mua mấy cân gạo. Mẹ nhớ lại số tiền trước đó tính hàng chục tạ thóc và tính bằng vàng, mẹ lại khóc tức tưởi.
Thời điểm đó, cùng tình cảnh với nhà tôi là hàng chục gia đình khác. Trong vòng mấy năm hợp tác xã mà một cái xóm hơn 30 nóc nhà thì đã bỏ đi gần hết. Họ yêu quê cha đất tổ, hòa bình họ đã trở về quê cha đất tổ của mình, thế mà lại phải ra đi. Những năm ấy, người quê tôi cứ nửa đêm lặng lẽ bỏ xứ mà đi, đi để trốn nợ (nợ thuế hợp tác xã), còn hơn cả chạy giặc trong chiến tranh.
Nhà tôi vẫn bám trụ cho đến bây giờ, chỉ vì cái lý của ba tôi: ở lại để giữ mồ mả ông bà. Vậy mà chục năm trở lại đây, khi làm hồ thủy lợi, cán bộ xã đã cho xe ủi đất lấp đi. Ba tôi phải ngày đêm trải chiếu nằm giữ từng nấm mồ. Lần này ông kiên quyết giữ, không giữ đất được thì giữ mồ mả và đòi khởi kiện. Thế là họ hứa sẽ đổ tạm đất xung quanh mồ mả rồi trả lại mặt bằng sau khi hoàn thành công trình. Bất ngờ sau khi hoàn thành công trình thì mảnh đất mồ mả tổ tiên nhà tôi lại thành rừng cây bạch đàn của phó chủ tịch xã. Nó lừa dân với chiêu gọi là thu hồi đất, nhưng âm thầm hợp thức hóa thành đất của nó.
Đọc cả bài phát biểu, tôi không hiểu GS. Đặng Hùng Võ nói gì, ngoài cái từ khóa: "thu hồi" từ "túi dân". Bây giờ mà tư duy "thu hồi" như thời ấy nữa thì tôi biết đi đâu? Thưa ông Đặng Hùng Võ, nếu có chuyện "thu hồi" như ông muốn, tôi hết muốn sống trên đất nước này rồi!
Chu Mộng Long

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178