Trừng phạt nói xấu lãnh đạo: Vẫn tùy tiện, lúng túng, phản tác dụng
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Ai cũng hiểu, việc trừng phạt của luật pháp vừa mang tính răn đe (cho chừa), vừa mang tính giáo dục (cho hiểu). Người vi phạm bị phạt tiền, cao hơn là phạt tù. Nhưng, muốn hai mục tiêu kia có tác dụng rộng lớn trong xã hội thì đòi hỏi “bản án” phải nêu rõ “tội trạng” và việc tuyên truyền sau đó phải được chú trọng – báo chí đóng vai trò hàng đầu.
Nói xấu lãnh đạo
Riêng về biện pháp trừng phạt vì có lời nói, tranh, ảnh, bài viết, … xúc phạm một người nào đó, thì ở Việt Nam có đặc thù ít giống đâu trên thế giới. Đó là “nói xấu lãnh đạo”, được “ưu tiên” xử lý hơn là với dân thường; gần đây nhiều người bị trừng phạt, từ nhiều triệu đồng cho tới đi tù nhiều năm. Nếu cho rằng các biện pháp đó là đúng đắn, cần thiết, dù không có vẻ mang tính “hội nhập quốc tế” gì, thì cũng cần xét tới phương pháp thực hiện và hiệu quả.
Tùy tiện áp dụng
(Cơ quan nào có quyền xử lý; “nói xấu” cấp lãnh đạo nào thì bị phạt; các mức phạt ra sao).
Người dân khó hiểu, tại sao vụ này thì bị Sở Thông tin & Truyền thông, hay ủy ban nhân dân xử lý, nhưng vụ kia lại bị cơ quan cảnh sát phạt, vụ khác thì lại bị cơ quan an ninh truy lùng rồi xử phạt (xem ra rất là… “chính trị”, sợ bị quy cho là “phản động”).
Tại sao không phải tòa dân sự xử, mà lại là các cơ quan đó? Không quy về một mối có chuyên môn, liệu có mỗi nơi mỗi kiểu không?" Nói xấu lãnh đạo” cấp thôn, xã, huyện, tỉnh, trung ương đều có thể bị phạt hay sao? “Xấu” đến mức độ nào thì bị phạt?
Nội dung “nói xấu” tương tự nhau, nhưng với cấp xã thì phạt ít, cấp trung ương thì phạt nhiều?
"Nói xấu” cả về hình thể, tính tình, tư cách đều bị phạt? Xấu thật hay bịa đặt cũng đều bị phạt?
Dựa vào đâu để cho rằng cái “xấu” đó là không có thật, là bịa đặt, hoặc cái “xấu” đó là không được phép nói?
Nói-viết-vẽ thế nào, mức độ ra sao thì bị coi là “nói xấu”? “Nói xấu” tới đâu thì chỉ phạt tiền, tới đâu thì bị đi tù? Như vụ mới đây nhất, hôm qua 6/9, báo đưa tin một nữ streamer “xúc phạm đến một lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước” khi “gọi những người bị hói đầu là do xem nhiều phim 18+”, đã bị phạt “kịch khung” – 10 triệu đồng. Ô hay! “Hói” là xấu? “Xem phim 18+” là … đáng xấu hổ à?
Cũng từ vụ việc trên, thêm dấu hỏi: “nói xấu” theo kiểu bóng gió, ám chỉ mà không chính xác tên con người cũng bị phạt hay sao? Vì theo như thông tin trên mạng, thì nữ streamer “nói xấu” đến tận “mấy bác Chủ tịch nước”, “hơi hói” nhưng không rõ ở nước nào, bác nào mà bị hói. Cơ quan chức năng có quyền suy diễn theo cách của mình hay sao?
Tóm lại, chẳng hiểu có hay không văn bản pháp luật nào quy định, hướng dẫn những cách xử lý nói trên, nó công khai hay chỉ lưu hành nội bộ các cơ quan chức năng. Phải chăng do nó quá khác thường nên không thể có được hướng dẫn cụ thể, hay do những lý do nào khác?
Lúng túng đưa tin
Đòn vọt mà chỉ có kẻ chịu đòn biết thôi thì tác dụng ít, kẻ khác làm sao biết mà sợ để đừng làm theo? Việc đưa tin về những vụ “nói xấu lãnh đạo” đang ở tình trạng tương tự.
Ví như trong vụ việc với nữ streamer, tại sao báo chí không (dám) nói rõ vị “lãnh đạo cấp cao” bị “xúc phạm” đó là ai? Còn nếu tìm hiểu thêm trên mạng, thì có vẻ như vị lãnh đạo còn bị “xúc phạm” bằng câu nặng hơn, như “tại làm ăn đ. gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+”. Vậy độc giả có thể nghi vấn, là phải chăng bị phạt đến “kịch khung” như vậy là ở câu này, nhưng nó “xúc phạm” quá, nên báo chí không (dám) đưa?
Hay cũng mới đây, ngày 6/9, nhiều báo đưa tin một Facebooker bị phạt 7,5 triệu đồng vì “đăng tải hình ảnh cắt ghép các vị lãnh đạo cấp cao kèm nội dung xúc phạm…”. Chẳng rõ kiểu “hình ảnh cắt ghép” là ghép thế nào, “các vị lãnh đạo cấp cao” là những ai. Tìm mãi mới ra có một báo viết cụ thể hơn, đó là chỉ có một vị, đích danh “bị hại” là “đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị …”.
Tại sao các báo khác không đưa cụ thể như vậy? Nhà báo có thể lý sự, rằng thì là nếu nói huỵch toẹt ra những lời “nói xấu” đó, tên của “bị hại” rõ ràng, hình ảnh cắt ghép với ai/ con gì, … thì chả hóa ra mình “tiếp tay” cho hành vi xấu à, không khéo chính tờ báo cũng bị phạt?
Nhưng người dân, độc giả lại có thể bảo: không cho biết rõ thì người ta không biết cách mà … chừa, mà tránh, làm sao đảm bảo tính giáo dục, răn đe. Chẳng lẽ từ nay cứ nhất nhất chớ có động tới tên, dung nhan, … hay bất cứ dấu hiệu gì có thể suy ra các ông/ bà lãnh đạo từ thôn xã trở lên, hay sao?
Cũng với vụ nữ streamer, có báo còn cho là “các trang mạng xã hội của một số tổ chức phản động, thế lực thù địch cũng lợi dụng vụ việc này để viết bài xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Có phải vì quá sợ đến vậy nên mới có tình trạng cứ úp úp mở mở trong cách đưa tin hay không? Tiến thoái lưỡng nan, nhỉ?
Phản tác dụng
Cách đưa tin đó đem đến hệ lụy thứ hai, là người dân buộc phải kiếm tìm thông tin đầy đủ, chính xác ở nơi khác, nhất là trên mạng. Như vậy, họ sẽ có “nguy cơ” đọc, nghe được thêm những thông tin, bình luận, phân tích của “kẻ xấu”, của “các thế lực thù địch”. Chính báo chí đã “tiếp tay” mà cứ đổ hết cho kẻ bị phạt vạ.
Ngoài ra, còn một điều liên quan tới câu nói dân gian “đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”.
Nếu một vị lãnh đạo bị “nói xấu”/ “xúc phạm”, thì có thể có hai kiểu “xấu”: hoặc đó là sự bịa đặt, hoặc thực sự có cái xấu đó nhưng nó đang bị “đậy lại”. Tình trạng ngày càng nhiều những lãnh đạo bị kỷ luật, vào tù, với cấp chức ngày càng cao hơn, thì chuyện cái xấu bị che đậy là quá dễ hiểu. Nó được chính người đó che đậy hoặc đang được báo chí tránh nêu tên. Thế là cách xử phạt và đưa tin đó làm người dân thêm nghi ngờ, phải chăng đó là sự thực đang bị cố che đậy.
Một phản tác dụng khác là thái độ “bất kính” được nhân lên gấp bội.
Như chuyện làng xã, có vị chức sắc đi ngoài đường, nghe trẻ con chửi cạnh khóe mình sau lưng. Khôn thì giả điếc, như không biết. Nhưng nếu quay ra cãi cọ, hô bọn sai nha lính lệ bắt phạt vạ đứa trẻ, muốn thể hiện cái oai, thế là cả làng biết thêm chuyện xấu của vị đó, người ta cười vì đến con nít nó cũng không kính trọng, lại còn có tính chấp nhặt nữa. Nhưng cũng có kẻ thì thích làm toáng lên, như thể để xu nịnh vị chức sắc, tình thực là trò … “chơi đểu”, là “bới thối” thêm.
Bảo rằng đất nước này mãi vẫn như MỘT CÁI LÀNG LỚN là vậy.
Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Nhận xét
Đăng nhận xét