Cơn bão Nora làm ‘lộ’ bí mật của đài VTV

Cơn bão Nora làm ‘lộ’ bí mật của đài VTV

Đêm 27 Tháng Chín là một đêm bão giông. Cơn bão Nora lồng lộn tiến vào đất liền với những tiếng gió rít như oan hồn đòi nợ. Người dân bốn tỉnh miền Trung từ Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi chỉ biết đóng chặt cửa cầu nguyện. Không chỉ dân bốn tỉnh nằm trên đường cơn bão Nora đi qua cầu nguyện, mà nơi nào có người Việt, nơi đó đều cầu nguyện cho đồng bào bốn tỉnh này tai qua nạn khỏi.

Đọc được status của Biên tập viên đài truyền hình VTV Quỳnh Hoa Nguyễn trên Facebook, nhiều người không kềm được cảm xúc, lên tiếng phản đối dữ dội, tạo thành một “cơn bão” trên mạng xã hội.

Quỳnh Hoa viết như thế này:

“24h không ngủ
1 đêm thức trắng
1 tiếng 1 bản tin trực tiếp
Lâu lắm mới được đón một con bão ra hồn bão”

Kèm theo đó là những gương mặt vui tươi, hớn hở của nhóm làm việc hơn mười người. Không khí tại đài VTV lúc đó giống như nhận được tin chiến thắng của đội bóng đá quốc gia!

Câu cuối cùng của status “Lâu lắm mới được đón một con bão ra hồn bão” của cô Quỳnh Hoa đã khiến nhiều người thực sự nổi giận. Họ nổi giận vì “cảm xúc” của cô Quỳnh Hoa “tươi mới” quá! Chẳng ai muốn “đón” một “con bão” như cô cả, người ta chỉ gồng mình chịu đựng, rồi sau đó đếm thiệt hại cơn bão mang lại trong nước mắt. Có những thiệt hại không đong đếm được, như sự ra đi của người thân. Chẳng ai “đón” bão với niềm vui sướng như cô và đồng nghiệp của cô cả.

Biên tập viên Quỳnh Hoa sau đó đã xin lỗi khán giả – Chụp màn hình

Người ta trách cô cũng phải thôi, cho dù có người bênh vực cô vài lời, nhưng trong lời bênh vực gượng gạo đó, họ cũng cho rằng câu nói của cô có cái gì đó “gờn gợn”, như Facebooker Nguyễn Mạnh Hà viết:

“Phải chăng đó là sự phấn khởi, vui mừng vì nhờ có bão dữ mà các anh chị được lên sóng, được mọi người lắng nghe, kèm theo có thể là sự nổi tiếng. Nhưng các anh chị ạ, thiên tai không phải là một trò đùa và các anh chị đều là những người có học thức, địa vị trong xã hội thì không nên đùa giỡn trên nỗi thống khổ của nhân dân”.

Tôi chẳng hiểu đài VTV làm tin kiểu gì mà không thấy nhiều điều thống khổ xảy ra trong đêm đó. Họ vui mừng quá sớm. Trong đêm bão Noru gầm rú ngoài trời, nhiều người dân ở xóm biển thôn Khánh Mỹ (xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) chỉ biết trốn trong tủ đồ, ngồi yên cầu nguyện theo từng cơn gió rít đến rợn người. Xã Vinh Xuân có hơn 70 căn nhà bị thiệt hại, nhiều nhà dân đã bị gió bão đánh tốc mái, hư hại. Và một căn nhà đã bị sập đổ hoàn toàn.

Một ngôi nhà tại Thừa Thiên – Huế ngổn ngang sau bão Noru – Ảnh: Thanh Niên

Báo Thanh Niên tường thuật, bà Nguyễn Thị Mai (67 tuổi) nhìn ngôi nhà bị sập trong đêm với đôi mắt đỏ hoe, kể: “3 giờ chiều hôm qua (27 Tháng Chín) thấy mưa gió thì tôi mới đẩy chồng bằng xe lăn vào nhà con trai để trú bão, sáng ra thấy trong nhà không còn gì nữa rồi, quá khổ rồi trời ơi!”

Đến chiều hôm nay, khi bão đã đi qua hơn 10 tiếng, nhưng người phụ nữ này vẫn chỉ biết ngồi thất thần trước ngôi nhà đã đổ nát như thể chờ đợi phép màu.

Bà Nguyễn Thị Mai thất thần trước căn nhà bị sập sau bão số 4 – Ảnh: Thanh Niên

Giống như bà Mai, sáng ngày 28 Tháng Chín, ông Kiều Hà (thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cũng ngồi thất thần trước căn nhà đổ nát. Đó là tài sản cả đời ông gầy dựng, phút chốc đã không còn. Nhưng có một phép màu đã giúp vợ chồng ông thoát chết đêm qua. Theo lời ông Hà kể, tối qua người già và con nít ở nhà ông đã được đưa đến nơi trú bão an toàn. Nhà chỉ còn vợ chồng ông.

Ông Hà vẫn còn chưa hết bàng hoàng sau lúc gia đình ông thoát chết sau khi bão Noru quét qua vào đêm 27 Tháng Chín – Ảnh: Tuổi Trẻ

Ông ngủ nhà trên, bà vợ ngủ nhà dưới. Khoảng 22h40 khuya, mưa gió từ biển thốc vào rất mạnh. Lúc này ông nghe tiếng động lớn như bom. Chưa kịp hoàn hồn thì một bức tường lớn tầng hai nhà kế bên rơi xuống làm nát mái nhà, rồi rơi xuống từ nhà trên xuống nhà dưới. May mắn sao mảng tường không rơi trúng ông. Nghe tiếng vợ la, ông lao xuống kéo gạch vữa ra tìm vợ. Điều diệu kỳ nữa lại xảy ra đúng nơi vợ ông nằm không có một mảng tường nào rơi trúng, mặc dù chung quanh bà là đống đổ nát.

Bà Tâm cũng không hiểu tại sao bà lại may mắn như thế, bà chỉ biết cảm tạ ông bà, Trời Phật đã phù hộ cho vợ chồng bà.

Ông Kiều Hà cố gắng kéo chiếc xe máy ra khỏi đống đổ nát – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đồng bào miền Trung vẫn còn chưa hết lo, nhất là người miền núi, hay gần các đập thủy điện. Năm nào cũng thế, sau bão sẽ là lũ, tai họa này còn đáng sợ hơn bão, vì tính bất ngờ. Đang trong tâm trạng lo lắng mà nhận được câu nói “đi vào lòng đất” của cô Quỳnh Hoa thì người ta nổi giận cũng là lẽ thường tình. Tôi không cho rằng cô có ý xúc phạm đồng bào miền Trung, mà chỉ muốn chia sẻ niềm vui sau một đêm đưa tin về cơn bão Noru. Cô và đồng nghiệp chắc cũng thở phào nhẹ nhõm vì hậu quả do Noru gây ra không thảm khốc như dự báo, nên cô vui, và viết ra những lời “văn chương bóng bẩy” không hợp với sở trường.

Cô cũng đã xin lỗi rồi nên tôi nghĩ những người đang giận cũng nên “xí xóa” cho cô.

Có điều tôi thấy khâu tuyển biên tập viên của VTV có vấn đề về… văn hóa. Tôi nghĩ để được vào đấy làm việc, ngoài chuyện phải trẻ, xốc vác, năng nổ, các bạn còn phải có ít nhất một hai bằng đại học cho xứng tầm Đài truyền hình Việt Nam. Thế nhưng thỉnh thoảng các bạn lại tạo một scandal khiến khán giả ngạc nhiên về “trình độ văn hóa” của các bạn.

Vũ Kiều Trinh, kẻ cắp siêu thị ở Thụy Điển, Anh Quốc, lại là người nói về Văn hóa dân tộc của Đài VTV – Chụp màn hình

Nhặt ra thì nhiều lắm, kể từ năm 2001 VTV xuất hiện biên tập viên Vũ Kiều Trinh, con gái ông Vũ Văn Hiến (TGĐ. VTV lúc bấy giờ). Cô Trinh nổi tiếng với hai lần bị bắt quả tang ăn cắp ở nước ngoài (2001 và 2006), nhưng đều không bị ra tòa mà đàng hoàng quay trở về nước với tấm giấy bệnh tâm thần, xong tiếp tục làm việc. Nghe nói sau đó cô còn được kết nạp đảng và làm tới chức trưởng phòng nào đó của VTV. Giờ thì cô vẫn đang “rao giảng” về văn hóa Việt trên đài thì phải.

Trang Facebook được cho là của cộng đồng người Quảng Bình, thường xuyên cập nhật tình hình lũ năm 2020. Hơn 80 ngàn ý kiến trong Fanpage này đòi đài VTV phải xin lỗi nhưng đài vẫn làm ngơ – Chụp màn hình

Cũng liên quan đến bão, năm 2020, trong chuyến làm phóng sự về lũ ở Quảng Bình, phóng viên Liên Liên của VTV đã tường thuật rằng, công tác cứu trợ của những đoàn thiện nguyện không những không đạt hiệu quả mà còn ảnh hưởng tới công tác cứu trợ của chính quyền địa phương.

Bình luận của phóng viên VTV đã vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, đặc biệt là người dân vùng lũ. Hơn 80 ngàn người trên Facebook lên tiếng đòi VTV phải xin lỗi, nhưng họ “ngậm hột thị” khá lâu.

BTV Anh Quang, người đọc bản tin nói những người bán hàng rong “sống ký sinh trùng trên những con phố”, đã xin lỗi khán giả trên trang Facebook cá nhân, còn lãnh đạo VTV thì không! – Ảnh chụp màn hình

Vào mùa dịch Covid-19 năm 2020 ở Sài Gòn, khán giả xem bản tin Tài chính – kinh doanh phát trên VTV1 đã “đứng hình” khi nghe biên tập viên Anh Quang gọi những người bán hàng rong như là một thứ “ăn bám xã hội”. Lời bản tin đầy đủ như sau:

“Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP.HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”

Đáng lẽ Ban biên tập VTV phải nhận trách nhiệm vì biên tập tin này, Anh Quang chỉ là người đọc. Có lẽ xếp ban biên tập là một nhân vật to, nên không thể để “ngài” ấy chịu trách nhiệm được, vì như thế lại càng xấu mặt hơn. Đến đây thì người ta đã hiểu, khi lãnh đạo VTV hành xử không văn hóa thì nhân viên dù có bằng cấp cao đến mấy cũng không thể hành xử văn hóa được.

Một anh bạn nói với tôi, “ông đừng lo, người có văn hóa không bao giờ được vào đấy làm đâu”. Nói thế như vơ đũa cả nắm, nhưng tôi vẫn thấy “gờn gợn”. Sống trong môi trường như thế, phát ngôn của cô Quỳnh Hoa được xem như bình thường, nhưng cơn bão Noru tình cờ lại thổi tốc lên cái văn hóa không bình thường đó cho thiên hạ xem.

Ông Tư Sài Gòn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180