Cựu sáng lập viên tổ chức Greenpeace nói rằng biến đổi khí hậu dựa vào các tin tức sai lệch

Cựu sáng lập viên tổ chức Greenpeace nói rằng
biến đổi khí hậu dựa vào các tin tức sai lệch

Tác giả Lee Yun-Jeong
Khoa học gia lừng danh ủng hộ tuyên bố rằng ‘không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu’

Ông Patrick Moore, một trong những nhà sáng lập của tổ chức Greenpeace cho biết trong một email mà The Epoch Times có được rằng lý do rời khỏi tổ chức Greenpeace của ông rất rõ ràng: “Tổ chức Greenpeace đã bị phe chính trị cánh tả ‘chiếm đoạt’ khi họ nhận ra phong trào môi trường này đem lại tiền bạc và quyền lực. Các nhà hoạt động chính trị [thiên tả] ở Bắc Mỹ và Âu Châu đã biến tổ chức Greenpeace từ một tổ chức dựa trên khoa học thành một tổ chức gây quỹ chính trị,” ông Moore chia sẻ.

Ông Moore rời Greenpeace vào năm 1986, 15 năm sau khi ông đã đồng sáng lập nên tổ chức này.

“Phong trào ‘môi trường’ này đã trở thành một phong trào chính trị hơn là một phong trào về môi trường,” ông bày tỏ. “Họ chủ yếu tập trung vào việc tạo ra những tin tức, những câu chuyện nhằm mục đích tiêm nhiễm nỗi sợ hãi và cảm giác tội lỗi cho công chúng để công chúng trao tiền bạc cho họ.”

Ông nói rằng họ chủ yếu hoạt động sau cánh cửa khép kín cùng với các tổ chức chính trị khác tại Liên Hiệp Quốc, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, v.v., tất cả các tổ chức này chủ yếu đều mang bản chất chính trị.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu [IPCC] “không phải là một tổ chức khoa học,” ông cho biết. “Đây là một tổ chức chính trị bao gồm Tổ chức Khí tượng Thế giới và Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc.”

“IPCC thuê các nhà khoa học để cung cấp cho họ ‘thông tin’ hỗ trợ cho câu chuyện ‘tình trạng khẩn cấp về khí hậu.’”

Các chiến dịch của họ chống lại nhiên liệu hóa thạch, năng lượng hạt nhânCO2nhựa, v.v., là một điều sai lầm và được tạo ra để khiến mọi người nghĩ rằng thế giới sẽ kết thúc trừ khi chúng ta làm tê liệt nền văn minh và phá hủy nền kinh tế của chúng ta. Hiện các chiến dịch này đang là tác nhân gây ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của cả môi trường lẫn nền văn minh nhân loại.”

“Ngày nay, cánh tả đã áp dụng nhiều chính sách mà sẽ hủy hoại nền văn minh vì họ không thể đạt được thành tựu về mặt kỹ thuật. Chỉ nhìn vào cuộc khủng hoảng năng lượng đang rình rập ở Âu Châu và Vương Quốc Anh, nơi mà ông Putin đang tận dụng cơ hội. Nhưng việc từ chối phát triển các nguồn khí đốt tự nhiên của chính mình, phản đối năng lượng hạt nhân, và áp đặt quan điểm bất khả thi đối với nhiên liệu hóa thạch nói chung là do họ tự quyết định,” ông Moore viết.

Tổ chức Greenpeace bị cánh tả ‘chiếm đoạt’

Một người biểu tình của tổ chức “Greenpeace” bay vào sân vận động trước trận đấu bảng F của Giải vô địch UEFA Euro 2020 giữa Pháp và Đức tại Football Arena Munich ở Munich, Đức, vào ngày 15/06/2021.
(Ảnh: Alexander Hassenstein/Getty Images)

Ông nói rằng từ “xanh” vì môi trường và từ “hòa bình” vì người dân là những nguyên tắc nền tảng của tổ chức này, nhưng hòa bình phần lớn đã bị lãng quên, và xanh đã trở thành nghị trình duy nhất.

“Nhiều người [được gọi là] nhà lãnh đạo ‘môi trường’ đang nói rằng ‘nhân loại là kẻ thù của Trái Đất, kẻ thù của Tự nhiên.’ Tôi không thể chấp nhận rằng con người là loài độc ác duy nhất. Điều này rất giống như khái niệm ‘tội lỗi từ gốc gác,’ rằng loài người sinh ra đã ác, còn tất cả các loài khác đều tuyệt vời, thậm chí ngay cả gián, muỗi, và bệnh tật,” ông Moore phản bác.

Ông cho biết triết lý thống trị mới này chính là thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có ít người tồn tại hơn.

“Tuy nhiên những kẻ nói ra điều này không tình nguyện là người đầu tiên rời đi. Họ cư xử như thể họ ưu việt hơn những người khác. Loại người ‘kiêu ngạo’ và ‘tự phụ’ này là những kẻ tồi tệ nhất trong Bảy Đại Tội của con người,” ông Moore nói.

Nhà hoạt động môi trường

Là một học giả, nhà sinh thái học danh tiếng, và là nhà lãnh đạo lâu năm trong lĩnh vực môi trường quốc tế, ông Patrick Moore được nhiều người đánh giá là một trong những chuyên gia giỏi nhất thế giới về môi trường. Ông cũng là người sáng lập Greenpeace, tổ chức hoạt động vì môi trường lớn nhất thế giới.

Ông Moore nhận bằng Tiến sĩ Sinh thái học của Đại học British Columbia năm 1974 và bằng Tiến sĩ Khoa học Danh dự của Đại học Tiểu Bang North Carolina năm 2005.

Ông Patrick Moore, Nhà sinh thái học người Canada, Chủ tịch Liên minh CO2, và Nhà đồng sáng lập tổ chức Greenpeace. (Ảnh được sự cho phép của ông Patrick Moore)

Ông đã đồng sáng lập Greenpeace vào năm 1971 và giữ chức Chủ tịch Greenpeace Canada trong chín năm. Từ năm 1979 đến 1986, ông Moore giữ chức Giám đốc Tổ chức Greenpeace Quốc tế, một nguồn động lực giúp định hình các chính sách và hướng đi của tổ chức này. Trong suốt 15 năm nhiệm kỳ của ông, Greenpeace đã trở thành tổ chức hoạt động vì môi trường lớn nhất thế giới.

Năm 1991, ông Moore thành lập Greenspirit, một công ty tư vấn tập trung vào các chính sách về môi trường, năng lượng, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, thực phẩm biến đổi gen, rừng, thủy sản, thực phẩm, và tài nguyên.

Từ năm 2006 đến 2012, ông Moore là đồng chủ tịch của Liên minh Năng lượng Sạch và An toàn, một nhóm vận động bảo vệ môi trường có trụ sở tại Hoa Kỳ.

Năm 2014, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hệ sinh thái, Năng lượng, và Sự thịnh vượng của Frontier Centre for Public Policy, một tổ chức tư vấn chính sách công phi đảng phái của Canada.

Từ năm 2019 đến năm 2020, ông Moore giữ chức Chủ tịch Liên minh CO2, một nhóm vận động môi trường bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên phản bác những tuyên bố sai lệch về CO2 có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Câu chuyện sai lệch về Chlorine

“Vào thời điểm quyết định rời Greenpeace, tôi là một trong sáu giám đốc của Greenpeace International. Tôi là người duy nhất được đào tạo chính quy về khoa học, bằng Cử nhân Khoa học và Lâm nghiệp, và bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực Hệ sinh thái. Các giám đốc đồng sự của tôi đã quyết định rằng Greenpeace nên bắt đầu chiến dịch ‘Cấm Chlorine trên toàn thế giới.’”

Ông Moore cho biết đúng là nguyên tố chlorine dạng khí rất độc và từng được sử dụng làm vũ khí trong Thế chiến I. Tuy nhiên, chlorine là một trong 94 nguyên tố [phát sinh tự nhiên] trên Bảng tuần hoàn và có nhiều vai trò trong sinh học và sức khỏe con người. Ví dụ, muối ăn (NaCl hoặc Natri Clorua) là một chất dinh dưỡng cần thiết cho tất cả động vật và nhiều loại thực vật. Việc “cấm” NaCl là bất khả thi.

Các vựa muối có diện tích 10,000 ha tại Aigues-Mortes, các công nhân thu gom các tinh thể muối vào ngày 22/08/2018. Sau khi thu hoạch ‘fleur de sel’, một loại muối biển được thu hoạch thủ công, họ phải đợi đến tháng Chín để thu hoạch loại muối được sử dụng như muối ăn. (Ảnh: Pascal Guyot/AFP/Getty Images)

Ông chỉ ra rằng thêm chlorine vào nước uống, hồ bơi, và spa là một trong những tiến bộ quan trọng nhất trong lịch sử y tế công cộng trong việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm qua đường nước như bệnh tả. Và có khoảng 85% dược phẩm được sản xuất bằng hóa chất liên quan đến chlorine, và khoảng 25% tất cả các loại thuốc của chúng ta có chứa chlorine. Tất cả các nguyên tố hóa học thuộc nhóm halogen, trong đó có chlorine, bromine và iodine, đều là những chất kháng sinh mạnh; nếu không có các nguyên tố này, thuốc sẽ không thể có hiệu quả được như bây giờ.

“Greenpeace đặt tên cho chlorine là ‘The Devil’s Element’ (Nguyên tố Ma quỷ) và gọi PVC, polyvinyl chloride, hay đơn giản là vinyl, là ‘Nhựa Độc.’ Tất cả những danh xưng này đều là giả [và] để khiến công chúng sợ hãi. Ngoài ra, chính sách sai lầm này củng cố thái độ rằng loài người không phải là loài xứng đáng và thế giới sẽ tốt hơn nếu không có chúng ta. Tôi không thể thuyết phục các giám đốc tổ chức Greenpeace từ bỏ chính sách sai lầm này. Đây là bước ngoặt đối với tôi,” ông Moore cho biết.

Câu chuyện sai lệch về Gấu Bắc cực

Khi được hỏi Greenpeace sử dụng các khoản quyên góp khổng lồ của mình như thế nào, ông Moore cho biết chúng được sử dụng để trả lương cho “một lượng nhân viên rất lớn” (có thể hơn 2,000), cho việc quảng cáo rộng khắp, và các chương trình gây quỹ. Và hầu như tất cả các quảng cáo gây quỹ của tổ chức này đều dựa trên những câu chuyện sai sự thật mà ông đã hoàn toàn bác bỏ trong các cuốn sách của mình, một ví dụ điển hình là gấu Bắc cực.

Gấu Bắc cực trắng hoang dã trên một hòn đảo ngoài khơi bờ biển cận Cực Bắc của Vịnh Hudson, Churchill, Manitoba, Canada, sau khi bơi vào bờ từ một vùng biển băng lạnh giá.

“Hiệp ước quốc tế về gấu Bắc cực, được tất cả các quốc gia ở Bắc Cực ký vào năm 1973, cấm săn bắt gấu Bắc cực không hạn chế, chưa bao giờ được nhắc đến trên các hãng thông tấn, tổ chức Greenpeace, hoặc các chính trị gia nói rằng gấu Bắc cực sắp tuyệt chủng do băng tan ở Bắc Cực. Trên thực tế, số lượng gấu Bắc cực đã tăng từ 6,000 – 8,000 con vào năm 1973 lên 30,000 – 50,000 con tính đến thời điểm hiện tại. Điều này không có gì phải bàn cãi,” ông Moore nói.

“Nhưng bây giờ họ nói rằng loài gấu Bắc cực sẽ tuyệt chủng vào năm 2100 như thể họ có một quả cầu pha lê ma thuật có thể dự đoán trước tương lai. Trên thực tế, mùa đông vừa qua ở Bắc Cực đã chứng kiến ​​sự mở rộng của khối băng so với những năm trước, và Nam Cực đã lạnh hơn trong mùa đông năm ngoái so với  trong 50 năm qua.”

Ông Moore nói rằng ông không giả vờ biết mọi thứ và dự đoán tương lai với sự tự tin như nhiều người trong lĩnh vực kinh doanh “khẩn cấp về khí hậu” tuyên bố họ có thể hành động.

Mục tiêu của thuyết ‘Hủy diệt Môi trường’

Ông Moore nói: “Tôi tin rằng dân số nhân loại luôn dễ bị tổn thương bởi những người tiên đoán về sự diệt vong bằng những câu chuyện giả dối.”

“Người Aztec đã ném các trinh nữ xuống núi lửa, còn người Âu Châu và Mỹ Châu đã thiêu sống phụ nữ như những mụ phù thủy trong 200 năm, tuyên bố rằng việc đó sẽ ‘cứu thế giới’ khỏi những kẻ xấu xa. Điều này [được gọi là] ‘tâm lý bầy đàn,’ ‘tư duy tập thể,’ và ‘hành vi sùng bái.’ Con người là loài động vật xã hội có hệ thống phân cấp và dễ dàng đạt được một vị trí cao bằng cách sử dụng sự sợ hãi và kiểm soát.”

Ông Moore cho biết thuyết ngày tận thế về môi trường chủ yếu là về “quyền lực chính trị và sự kiểm soát,” ông nói thêm rằng ông cố gắng cho mọi người thấy tình hình không tiêu cực như những gì họ nghe thấy.

“Ngày nay, ở những quốc gia giàu có nhất, hậu duệ của chúng ta đang đưa ra những quyết định mà con cháu chúng ta sẽ phải trả giá,” ông cho biết. “Những dự đoán rằng thế giới sắp kết thúc đã được đưa ra trong hàng nghìn năm. Chưa lần nào điều này này trở thành sự thật. Tại sao chúng ta phải tin vào điều đó ngay bây giờ?”

“Mọi người sợ hãi một cách tự nhiên về tương lai bởi vì tương lai là không biết trước được, và đầy rủi ro với những quyết định khó khăn. Tôi tin rằng cũng có một yếu tố ‘tự ghê tởm bản thân’ trong phong trào ngày tận thế này.”

Ông Moore cho biết thế hệ trẻ ngày nay được dạy dỗ rằng con người không xứng đáng và đang hủy hoại Trái Đất. Tư tưởng truyền bá này khiến họ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ về bản thân, đó là lối sống sai lầm.

Quy tội cho Carbon Dioxide

“Rất ít người tin rằng thế giới không nóng lên. Một ghi chép rõ ràng rằng thế giới đã ấm lên từ khoảng năm 1700, 150 năm trước khi chúng ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Năm 1700 là đỉnh điểm của Kỷ băng hà nhỏ, rất lạnh, gây mất mùa và khiến cho hàng loạt người chết đói. Trước đó, khoảng năm 1000 sau Công nguyên là thời kỳ Ấm áp thời Trung cổ khi người Viking trồng trọt ở Greenland. [Và] trước đó, khoảng năm 500 sau Công nguyên là Thời kỳ Đen tối, và trước đó là Thời kỳ Ấm áp của La Mã khi thời tiết ấm hơn ngày nay, và mực nước biển cao hơn hiện tại từ 1–2m,” ông Moore cho biết.

Đại diện của các công ty xe hơi đến Triển lãm Xe hơi Vienna khi các nhà hoạt động của Tổ chức Greenpeace phản đối việc phát thải khí carbon dioxide (CO2) từ xe ô tô thể thao đa dụng (SUV) vào ngày 16/01/2008.
(Ảnh: Dieter Nagl/AFP/Getty Images)

“Thậm chí đến khoảng năm 1950, lượng nhiên liệu hóa thạch được sử dụng và lượng khí CO2 thải ra còn rất ít so với ngày nay. Chúng ta không biết được nguyên nhân của những biến động nhiệt độ theo chu kỳ này, nhưng chắc chắn đó không phải là do CO2.”

Ông Moore làm rõ rằng, “quan điểm ​​thiểu số” không phải về lịch sử nhiệt độ của Trái Đất, mà là mối quan hệ giữa nhiệt độ và CO2 là tâm điểm của cuộc tranh cãi.

“Về vấn đề này, tôi đồng ý là có nhiều người tin rằng CO2 là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên. CO2 là vô hình, vì vậy không ai thực sự có thể nhìn thấy chúng đang làm gì. Và ‘phe đa số’ này chủ yếu là các nhà khoa học được các chính trị gia và quan chức trả tiền, các kênh truyền thông đưa tin rầm rộ, hoặc các nhà hoạt động kiếm chác tiền bạc. [Số còn lại] là những người dân tin vào câu chuyện này mặc dù họ không thực sự nhìn thấy CO2 đang làm gì,” ông Moore nói.

Ông Moore đã cung cấp một biểu đồ nhiệt độ được đo liên tục trong 350 năm (từ 1659 đến 2009) ở miền trung nước Anh. Ông lý giải: “Nếu carbon dioxide là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên, thì sẽ có sự gia tăng nhiệt độ dọc theo đường cong carbon dioxide, nhưng điều đó không xảy ra.”

Biểu đồ Nhiệt độ và Khí thải Carbon Dioxide ở miền Trung nước Anh từ năm 1659 – 2009.
 (Ảnh được sự cho phép của ông Patrick Moore)

Ông Moore mô tả sự quy tội lỗi cho CO2 là “hoàn toàn lố bịch”. Ông nói thêm rằng CO2 là cơ sở của toàn bộ sự sống trên Trái Đất và nồng độ của hợp chất này trong khí quyển ngày nay, ngay cả khi [nồng độ] tăng lên, thì vẫn thấp hơn so với nồng độ trước đây phục vụ cho phần lớn sự tồn tại của sự sống.

Nghiên cứu cho thấy tăng sinh CO2 có tương quan với việc gia tăng phủ xanh

Một nghiên cứu vào năm 2013 phát hiện rằng mức độ tăng trưởng carbon dioxide (CO2) đã giúp gia tăng tán cây xanh trên khắp các khu vực khô cằn của thế giới trong 30 năm qua.

Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO), phối hợp với Đại học Quốc gia Úc (ANU), nhận thấy rằng diện tích phân bố của thảm thực vật tăng 11% nhờ hiệu quả từ việc bón phân carbon dioxide ở các khu vực khô cằn trên thế giới từ năm 1982 đến năm 2015 thông qua quan sát vệ tinh.
(Ảnh được sự cho phép của ông Patrick Moore)
 

Cơ quan chính phủ Úc CSIRO đã thực hiện nghiên cứu trên với sự hợp tác của Đại học Quốc gia Úc (ANU). Dữ liệu dựa trên các quan sát vệ tinh từ năm 1982 đến năm 2010 trên khắp các khu vực khô cằn ở Úc, Bắc Mỹ, Trung Đông, và Phi Châu.

Nghiên cứu này phát hiện ra rằng độ che phủ của các tán lá xanh trong khu vực quan sát tăng 11% nhờ thứ được gọi là “phân bón CO2”.

Nghiên cứu cho biết hiệu ứng bón phân diễn ra khi nồng độ CO2 tăng cao tạo điều kiện [thuận lợi] cho lá cây trong quá trình quang hợp  quá trình cây xanh chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành đường  để hút nhiều carbon hơn từ không khí hoặc giảm thiểu việc bốc hơi nước ra ngoài không khí hoặc cả hai quá trình này.

“Nếu CO2 tăng cao làm giảm việc sử dụng nước của từng chiếc lá trên cây, thì thực vật trong môi trường khô cằn sẽ phản ứng bằng cách tăng trưởng tổng số lá xanh của chúng. Theo ông Randall Donohue, nhà khoa học nghiên cứu của CSIRO, những thay đổi trong lượng lá bao phủ có thể được phát hiện bằng vệ tinh, đặc biệt là ở các sa mạc và savan, nơi có độ bao phủ ít đầy đủ hơn ở những vùng ẩm ướt.

Phá vỡ câu chuyện về sự nóng lên toàn cầu

“Các nhà báo động khí hậu chỉ thích thảo luận về kiến ​​thức khí hậu kể từ năm 1850. Thời điểm trước đó họ gọi là thời kỳ tiền công nghiệp. ‘Thời đại tiền công nghiệp’ này là hơn 3 tỷ năm khi có sự sống trên Trái Đất. Nhiều đợt biến đổi khí hậu [đã diễn ra trong giai đoạn đó], bao gồm cả Kỷ Băng hà, Thời kỳ Ấm, những lần đại tuyệt chủng do tác động của tiểu hành tinh, và những nguyên nhân không rõ khác,” ông Moore cho biết.

“Ngày nay, Trái Đất đang ở trong Kỷ Băng hà Pleistocen, bắt đầu cách đây 2.6 triệu năm. … Vì vậy, đợt băng hà lớn gần đây nhất, đạt đỉnh cách đây 20,000 năm, không phải là sự kết thúc của Kỷ Băng hà. Chúng ta vẫn đang ở trong Kỷ Băng hà Pleistocen cho dù các nhà báo động khí hậu muốn phủ nhận điều này như thế nào.”

Ông cho biết điều trớ trêu lớn của sự hoang mang về khí hậu hiện nay là Trái Đất ngày nay lạnh hơn so với 250 triệu năm trước khi Kỷ Băng hà Pleistocen hình thành. Và CO2 hiện thấp hơn so với hơn 95% [trong các giai đoạn] lịch sử của Trái Đất.

“Nhưng quý vị sẽ không bao giờ biết được điều này nếu quý vị nghe tất cả những người được hưởng lợi từ lời dối trá rằng Trái Đất sẽ sớm trở nên quá nóng cho sự sống và lượng CO2 sẽ tăng cao hơn so với lịch sử trước đây của Trái Đất,” ông Moore nói.

‘Có thêm CO2 là có lợi cho môi trường và con người’

Theo ông Moore, gần như tất cả nông dân trồng trọt trong các nhà kính thương mại trên toàn thế giới đều mua CO2 để bơm vào nhà kính của họ, nhằm tạo ra năng suất cây trồng cao hơn tới 60%.

Một bức ảnh chụp một công nhân người Bulgaria (trái) tại một nhà kính trồng dâu tây ở Palos de la Frontera, Huelva, miền nam Tây Ban Nha, ngày 17/02/2006.
(Ảnh: Samuel Aranda/AFP/Getty Images)

“Tôi rất ấn tượng khi bay qua Nam Hàn [và nhìn thấy] có bao nhiêu là nhà kính trong các thung lũng. Cũng như British Columbia, Nam Hàn có rất nhiều núi và không có nhiều đất canh tác màu mỡ bằng phẳng.

“Tôi chắc chắn rằng những người nông dân trồng trọt trong nhà kính đang đưa nhiều CO2 hơn vào trong nhà kính của họ, cao gấp đôi và gấp ba lượng [CO2] có sẵn trong bầu khí quyển ngày nay. Điều này là do gần như tất cả các loại cây trồng sinh trưởng bên ngoài bầu khí quyển tự nhiên đều bị đói CO2, và đó là điều hạn chế chúng phát triển nhanh hơn,” ông Moore nói thêm.

“Vui lòng tham khảo chương có tiêu đề ‘Khí hậu của Nỗi Sợ hãi và Tội lỗi’ trong cuốn sách của tôi, [Thảm họa vô hình giả mạo và mối đe dọa của sự diệt vong – Fake Invisible Catastrophes and Threats of Doom], nếu quý vị muốn hiểu trọn vẹn về những sự thật này,” ông nói.

Ông Moore nói rằng hầu hết các nhà hoạt động môi trường, chính trị gia và những người được gọi là chuyên gia đều biết rằng chúng ta không thể ngừng gia tăng việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hoặc giảm lượng khí thải CO2 trong lộ trình đề nghị của họ.

“Vào năm 2015, trong khi tham dự COP (Hội nghị các Bên) ở Paris, tôi đã công khai đặt cược 100,000 USD trong một bản thông cáo gửi cho các hãng thông tấn phát đi trên hơn 200 nguồn cấp dữ liệu kênh truyền thông, rằng vào năm 2025, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ cao hơn so với năm 2015. Tôi đã không nhận được lời chấp nhận đặt cược từ bất kỳ ai, thậm chí không có bất kỳ người nào từ ‘green’ (Greenpeace),” ông Moore nói.

“Tôi biết rằng có nhiều CO2 hơn hoàn toàn có lợi cho cả môi trường và nền văn minh nhân loại. Tôi tự hào là một giám đốc của Liên minh CO2.”

Sự trớ trêu của ‘Carbon Trung tính’

Ông Moore cho biết “carbon trung tính” là một thuật ngữ chính trị, không phải là một thuật ngữ khoa học.

“Gọi CO2 là ‘carbon’ về căn bản là sai. Carbon là một nguyên tố để tạo thành kim cương, than chì và muội than. [Và] CO2 là một phân tử có chứa carbon và oxygen và là một loại khí vô hình, là thức ăn chính cho mọi sự sống. [Tương tự như vậy], việc gọi NaCl (muối ăn) là ‘clo’ là không chính xác, mặc dù NaCl có chứa clo,” ông Moore nói.

Cận cảnh viên kim cương chính Dynasty 51.38 carat được mài tròn, cùng những viên đá quý khác từ bộ sưu tập kim cương bóng láng của một thợ mỏ đào kim cương người Nga Alrosas Dynasty tại Moscow vào ngày 03/08/2017. (Ảnh: Yuri Kadobnov/AFP/Getty Images)

“Ông ấy nói khi các nguyên tố (nguyên tử) kết hợp với nhau để tạo thành hợp chất (phân tử), chúng luôn có những đặc tính rất khác so với các nguyên tố mà chúng được tạo ra từ đó.

“‘Net-Zero’ cũng là một thuật ngữ chính trị được tạo ra bởi các nhà hoạt động không phải là nhà khoa học. Ví dụ, những nhà lãnh đạo cao nhất của cuộc thập tự chinh này là những người như ông Al Gore, Leonardo DiCaprio, và Greta Thunberg, không ai trong số họ là nhà khoa học.”

Theo ông Moore, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 40% dân số và họ không đồng ý với nghị trình chống lại nhiên liệu hóa thạch này.

Ông Moore nói thêm: “Nếu chúng ta tính cả Brazil, Indonesia, và hầu hết các quốc gia Phi Châu, thì phần lớn dân số không phải là những người cuồng tín về khí hậu.

“Một điều trớ trêu lớn nữa là nhiều quốc gia có khí hậu lạnh nhất như Canada, Thụy Điển, Đức, và Vương Quốc Anh lại quan tâm nhất đến vấn đề ấm lên. Ví dụ, nhiệt độ trung bình hàng năm ở Canada là -5.35 độ C.

Ông Moore cũng nói rằng khói từ động cơ không phải là CO2; chúng là các chất khác, vì CO2 không thể nhìn thấy và không mùi. Bụi cũng không phải là CO2; nó là bồ hóng và có thể được kiểm soát bằng công nghệ hiện nay. Và các nhà máy than được xây dựng ngày nay sạch hơn nhiều so với những nhà máy được xây dựng cách đây 20 năm.

‘Năng lượng gió và mặt trời là ký sinh trùng đối với nền Kinh tế’

“Năng lượng mặt trời và năng lượng gió đều rất đắt đỏ và rất không đáng tin cậy. Nó gần giống như một căn bệnh tâm thần mà rất nhiều người đã bị tẩy não để nghĩ rằng toàn bộ quốc gia [của họ] có thể được hỗ trợ bằng những công nghệ này,” ông Moore nói.

Một hình ảnh trên không cho thấy các phương tiện đang đi trên đường cao tốc California 14 qua các tấm pin mặt trời, một phần của nhà máy phát điện ở Quận Kern gần Mojave, California, ngày 18/06/2021.
 (Ảnh: Patrick T. Fallon/AFP qua Getty Images)

“Tôi tin rằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời là những thứ ký sinh trên nền kinh tế lớn hơn. Nói cách khác, chúng làm cho đất nước trở nên nghèo hơn khi các công nghệ khác đáng tin cậy hơn và ít tốn kém hơn được sử dụng.”

Ông Moore nói rằng các nhà cung cấp điện gió và năng lượng mặt trời phụ thuộc rất nhiều vào trợ cấp của chính phủ, xóa nợ thuế và các quy định, trong đó người dân buộc phải mua năng lượng gió và năng lượng mặt trời ngay cả khi nó đắt hơn, với cái cớ “thân thiện với môi trường”.

“Hàng triệu người trả nhiều tiền hơn cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong khi một số ít người kiếm được hàng triệu USD, đồng mark Đức, bảng Anh… Hơi giống với mưu đồ Ponzi trên thị trường chứng khoán,” ông Moore nói thêm.

“Chúng đòi hỏi những vùng đất rộng lớn, hầu như không có sẵn, và đòi hỏi năng lượng đáng tin cậy như năng lượng hạt nhân, thủy điện, [than đá và khí đốt tự nhiên] luôn sẵn có khi không có gió và năng lượng mặt trời.”

Các tuabin gió gần nhà máy nhiệt điện than Neurath của đại tập đoàn năng lượng RWE của Đức ở Garzweiler, miền tây nước Đức, hôm 15/03/2021.
(Ảnh: Ina Fassbender/AFP/Getty Images)

Theo ông Moore, việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió sử dụng một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch để khai thác, vận chuyển, và thi công. Và ở nhiều địa điểm, các mô hình năng lượng này gần như không sản xuất đủ năng lượng trong vòng đời của chúng theo như yêu cầu để xây dựng và duy trì các hệ thống này.

“Tại sao không sử dụng năng lượng đáng tin cậy [như hạt nhân, thủy điện, khí đốt tự nhiên, v.v.] làm nguồn cung chính?” ông Moore đặt câu hỏi, nói thêm rằng nếu đúng như vậy, “thì gió và mặt trời sẽ không cần thiết nữa.”

‘Nhựa không phải chất độc hại’

“Nhựa không phải một chất độc hại. Đó là lý do tại sao chúng ta gói và bọc thực phẩm của mình trong đó, để ngăn không cho thực phẩm bị nhiễm bẩn. Điều thú vị là, nhựa không trở thành thứ độc hại khi nó trôi vào biển,” ông Moore nói.

“Tất nhiên, một mặt họ nói rằng nhựa sẽ không bao giờ phân hủy, và mặt khác, họ nói rằng nhựa sẽ nhanh chóng phân hủy thành ‘vi nhựa,’ điều mà đương nhiên không dễ để có thể nhìn thấy nên không ai có thể quan sát hoặc chứng minh điều này cho chính mình. Thật thông minh làm sao!”

Theo ông Moore, hệ tiêu hóa của chúng ta có thể phân biệt được sự khác biệt giữa “thức ăn” và nhựa hoặc các hạt cát nhỏ. Cơ thể chúng ta không hấp thụ cát vào trong máu, cho dù cát có vi mô đến đâu.

Ông cho biết nhựa trôi nổi trên đại dương giống như một rạn san hô nổi nhỏ, giống như gỗ trôi nổi. Nhựa cung cấp bề mặt cho các loài sinh vật biển đẻ trứng lên đó, bám vào đó và ăn những thứ dính vào đó.

“Ô nhiễm thường có tính độc hại hoặc gây nguy hại cho cuộc sống. Nhựa chỉ đơn giản là ‘xả rác’ bên đường. Nhựa không làm tổn thương bất cứ thứ gì. Một ngoại lệ là lưới đánh cá bị vứt đi, không phải vì chúng bằng nhựa mà vì chúng được tạo hình để bắt cá. Cộng đồng môi trường nên làm việc với ngành công nghiệp đánh cá để ngừng ném lưới bị hư hỏng xuống biển và đem chúng về bến tàu, nơi các tấm lưới này có thể được tái chế, sử dụng trong một nhà máy biến chất thải thành năng lượng hoặc loại bỏ một cách an toàn,” ông Moore nói thêm.

Buổi phỏng vấn này là bản tổng hợp từ cuộc trao đổi qua email giữa ông Moore và Giáo sư người Nam Hàn Seok-soon Park, giáo sư khoa học và kỹ thuật môi trường tại Đại học Ehwa Womans ở Seoul, Nam Hàn, vào tháng 11/2021. Ông Park đã cung cấp bản tổng hợp này cho The Epoch Times với sự cho phép của ông Moore hôm 07/07/2022.

Cả ông Park và ông Moore đều nằm trong số 1,100 nhà khoa học và chuyên gia đã ký vào Tuyên bố Khí hậu Thế giới (WCD), tuyên bố rằng không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Ông Seok-Soon Park, Giáo sư, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Đại học Ewha Womans (Ảnh: Yu-Jeong Lee/The Epoch Times)

Giáo sư Park là Đại sứ Công bố Khí hậu Thế giới tại CLINTEL và là thành viên của Liên minh CO2. Ông đã biên dịch cuốn Inconvenient Facts: The Science That Al Gore Doesn’t Want You to Know (by Gregory Wrightstone)” (“Sự thật gây khó chịu: Khoa học mà Al Gore Không muốn quý vị biết” của tác giả Gregory Wrightstone”) và Fake Invisible Catastrophes and Threats of Doom (by Patrick Moore)” (“Thảm họa Vô hình và Mối đe dọa diệt vong Không có thật” của tác giả Patrick Moore) sang tiếng Hàn. Ấn tượng sâu sắc về những cuốn sách này, ông đã thành lập “Liên minh các nhóm tự do và môi trường Nam Hàn,” chuyên để khai sáng cho mọi người sự thật về biến đổi khí hậu, tính thân thiện với môi trường của năng lượng điện hạt nhân, lợi thế về môi trường của nền kinh tế thị trường dân chủ tự do, và chủ nghĩa môi trường hợp lý.

Ông Park đã nhận được bằng Cử nhân về Động vật học từ Đại học Quốc gia Seoul (Seoul, Nam Hàn) vào năm 1980 và bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về Khoa học Môi trường từ Đại học Rutgers (New Brunswick, New Jersey) vào năm 1983 và 1985. Trước khi tham gia với tư cách là một trong những giáo sư sáng lập tại Khoa Kỹ thuật và Khoa học Môi trường của Ewha vào năm 1996, ông làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Rutgers, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Princeton, và là giáo sư tại Đại học Quốc gia Kangwon (Chuncheon, Nam Hàn).

Ông từng là Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Môi trường Nam Hàn, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia, và thành viên Ủy ban Cố vấn về Khoa học và Công nghệ cho Tổng thống. Ông đã xuất bản hơn 150 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí được bình duyệt và đã viết hơn 20 cuốn sách. Ông đã nhận được Giải thưởng Nhà khoa học và Kỹ sư xuất sắc nhất từ ​​Quỹ Khoa học Nam Hàn năm 2007 và Giải thưởng của Tổng thống vào năm 2013.

Lee Yun-Jeong  (Cô Lee Yun-Jeong là ký giả của Epoch Times tại Nam Hàn).

Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025