‘Khôn’ hơn hay ‘ngu’ thua… bò?

‘Khôn’ hơn hay ‘ngu’ thua… bò?
 
 

Ở ngoài Bắc có anh nuôi bò tên Mùi kể rằng, gia đình anh là nông dân, chỉ biết “chổng mông lên trời, cắm mặt xuống đất” mấy chục năm trời mà chỉ “vỗ béo” cho đám cán bộ hợp tác xã thôi, chứ miệng ai cũng mốc cả, vì không có cái gì đút vào. Anh thì bươn chải đủ nghề, buôn bán “chụp giựt” đủ đường, kể cả buôn lợn xề, lợn chết mà vẫn chẳng tới đâu.

Có lần anh tính chuyển qua nghề “hoạn” lợn, nhưng người ta nói phải là bần cố nông ít nhất ba đời, phải có bằng “gia đình có công với cách mạng”, phải mù chữ, rồi phải không có miếng đất cắm dùi,… thì mới được học. Cán bộ xã nói nghề “hoạn” lợn là nghề “cao quý” của đảng, có khả năng học xong mai mốt làm tổng bí thư, nên họ tuyển người gắt gao lắm.

Anh Mùi tự thấy mình không đủ tiêu chuẩn nên từ bỏ ước mơ, quay về nhà hỏi bố làm gì để “phất”, bố anh nói thì mày đi chăn bò đi. Muốn thành công phải đi từ dưới đi lên. Anh Mùi nghĩ lung lắm, anh tuổi con dê mà nuôi bò (họ hàng với trâu) xem ra không hợp vì “tứ hành xung: Thìn – Tuất – Sửu – Mùi”, nhưng biết đâu “thời tới rồi”!

Anh hỏi: “Thế lấy cỏ đâu cho bò ăn bố?” Bố anh nói “mày đừng lo, vùng này mỗi khi bà con gặt lúa xong, rơm rạ họ bỏ nhiều lắm, tha hồ cho mày lấy”.

Tin lời cha anh Mùi vét tiền mua bốn con bò, xin rơm rạ láng giềng về cho bò ăn. Trong khi đó ở khu đất quy hoạch sát bên nhà, chính quyền cho rào nguyên khu đất mênh mông của bốn xã vào một. Hôm làm lễ động thổ xây khu đô thị mới cao cấp có cả ông gì lớn lắm ở trung ương về dự, tiếng kèn tây nghe thì hay, nhưng ở xa cứ tưởng đám tang nhà giàu.

Sau ngày động thổ, công nhân kéo nhau về cả trăm người. Tiếng máy đào, máy xúc inh ỏi cả ngày, xe chở vật liệu đi ra đi vô tấp nập… Mẹ anh cũng biết nắm bắt thời cơ, mở quán bán trà, bánh kẹo, sau nhờ công nhân gợi ý, bà bán thêm mì gói, rồi nấu đồ ăn trưa cho công nhân luôn.

Đang làm ăn ngon làm đột nhiên công trường bị đóng cửa. Bố anh đi nghe ngóng về nói “chủ đầu tư bị thanh tra, kỳ này có khối đứa vào tù”. Anh Mùi chẳng quan tâm vì nó không ảnh hưởng gì đến việc nuôi bò. Nhờ trời thương, mấy năm sau đàn bò của anh Mùi phát triển mạnh, rơm rạ ở những cánh đồng gần không đủ, phải đi lấy xa hơn, nhưng có vẻ như đàn bò vẫn đói.

Một chiều mùa Xuân, đứng trước trang trại chỉ rộng chừng một ngàn mét vuông của mình (0.1 ha) nhìn xa xăm về hướng khu quy hoạch bỏ hoang phía xa, anh chợt thấy “cỏ non xanh tận chân trời”, nên lóe lên một ý kiến mang tính “đột phá” khiến anh phải la lớn: “Trời giúp ta rồi! Cỏ ở đây chứ tìm đâu nữa!” Nói xong anh cười ngặt nghẽo như thằng tâm thần.

Bố mẹ anh từ nhà nghe tiếng la thất thanh của anh Mùi, tưởng con mình phát bệnh dại, vội chạy ra hỏi thăm. Anh Mùi nói bên khu đất bỏ hoang kia nhiều cỏ lắm, mai con qua đó cắt cho bò ăn, rồi mua thêm bò về nuôi. Bố anh Mùi la lên “không được đâu con, như thế là ăn cắp đấy!” Mẹ anh liếc cặp mắt bén ngót qua ông già cổ hủ nói: “Ối giời ơi! Họ còn phải cám ơn con mình qua dọn cỏ cho họ chứ làm gì mà ăn cắp với chả ăn cướp ở đây”.

Anh Mùi thì như không nghe thấy gì vì anh đang bận tính toán: Anh sẽ nhờ “trung tâm phát triển bò” (hoặc một thứ giống thế) hỗ trợ anh nhập các giống bò có chất lượng thịt cao về nuôi. Với vài chục công trình bỏ hoang thế này ở Hà Nội và các tỉnh chung quanh, anh có thể vỗ béo mỗi lứa trăm mấy hai trăm con. Mỗi năm anh có thể bán được trên dưới cả ngàn con bò.

Nghĩ là làm ngay, và anh đã thành công ngoài sự mong đợi. Được “trung tâm phát triển bò” giới thiệu đi dự đại hội mang tên “chương trình tự hào ta là người nuôi bò giỏi” để kể thành tích nuôi bò không tốn tiền mua cỏ, cho bà con nuôi bò học tập.

Anh Trần Văn Thắng cũng nuôi bò bằng cỏ cắt về từ các khu công nghiệp bỏ hoang – Ảnh minh họa lấy từ báo Dân Việt

Trong lúc phấn khích với dây hoa quấn quanh cổ, huy chương vàng hình con bò cười lủng lẳng trước ngực, anh Mùi khoe anh chỉ thuê mấy thằng nhân công không xét trình độ học vấn. Chúng có đưa bằng cử nhân, tiến sĩ gì cũng mặc kệ, chỉ trả cao nhất 6 triệu đồng một tháng thôi, vì việc nhẹ nhàng lắm. Hàng ngày, họ chỉ việc đi khắp các khu công trình bỏ hoang cắt cỏ, sau đó chất đầy cỏ lên xe tải chở về trang trại cho bò ăn. Sau đó thì dọn phân chuồng bò rồi về. Anh phấn khởi cho biết:

“Bình thường, để nuôi được một lượng lớn bò như vậy phải có ít nhất khoảng 50-60ha diện tích đất trồng cỏ. Còn tôi thì không có một mét vuông đất trồng cỏ nào nhưng vẫn nuôi được rất nhiều bò”.

Anh cười toe toét khoe tiếp: “Tiền trả cho công nhân mỗi năm khoảng 300 triệu, tiền điện nước, các thứ nữa cũng tầm ấy, thành ra mỗi năm tốn chừng sáu trăm mấy triệu”.

Phóng viên báo chí bu vào hỏi “Thế mỗi năm anh thu về bao nhiêu?”

Anh Mùi tự hào vưỡn ngực ra nói: “Với chừng ấy công trình bỏ hoang mà tôi đang ‘quản lý’ (ý là tôi biết), thì mỗi năm tôi cho xuất chuồng 1.000 con bò, thu vào 65 tỷ đồng tiền. Nếu nay mai có thêm công trình hoang phế nữa thì tôi sẽ mở rộng trang trại gấp hai, gấp ba cũng được ạ”.

Cả bọn phóng viên ồ lên thích thú. Không ngờ trền đời lại có người “dám nghĩ dám làm” như Thắng. Lần đầu tiên họ được biết mối tương quan nghịch giữa các công trình xây dựng và nghề nuôi bò. Đây là một “lối ra” cho các chủ đầu tư, chẳng mấy chốc lấy lại vốn, lấy lại luôn tiền tham nhũng, hối lộ.

Tính đi! Anh Thắng bán được  65 triệu đồng một con bò, thì với những mối quan hệ chằng chịt trong chính phủ, chủ đầu tư đất có thể bán gấp mười lần. Lúc đó chẳng cần xây dựng công trình gì cho mệt, cứ đấu giá lấy đất đó nuôi bò.

Một anh thanh niên cắc cớ hỏi: “Anh có xin phép chủ sở hữu những khu đất đó không?”

Anh Mùi trợn mắt tỏ vẻ ngạc nhiên: “Mấy khu đó người dân thả bò vào gặm cỏ đầy mà có ai nói gì đâu? Thay vì tôi đưa bò đến đó ăn thì tôi cho người cắt cỏ về cũng vậy thôi. Mà tôi có biết ai là chủ đâu mà xin phép?”

Mọi người cười ồ lên, hướng mắt về phía anh chàng vừa đặt câu hỏi, như muốn chế giễu. Một người trong đám đông nói lớn: “Bộ làm không được rồi ghen tức sao cha nội!” khiến mọi người cùng cười lên, như cái chợ vỡ.

Anh này cũng chẳng vừa, chờ mọi người cười xong rồi nói: “Người ta bỏ hoang là có lý do, nhưng khu đất ấy vẫn có chủ, nếu không phải tư nhân, thì cũng là của nhà nước. Anh đem người, xe đến cắt cỏ mà không xin phép, đó là ăn cắp. Dù cỏ đó có bỏ đi, không có giá trị, nhưng vẫn là của người ta, muốn lấy phải xin phép, hoặc là mua. Ban tổ chức này vinh danh anh vì anh “sử dụng hiệu quả đất của người khác” để nuôi bò, thì không khác gì họ vinh danh một kẻ cắp. Rồi báo chí kéo nhau về đây ca ngợi anh nữa thì hóa ra họ cũng tung hô kẻ cắp à!”

Nghe đến đây thì mặt anh Mùi xanh như đít nhái. Anh nghĩ bụng: “Tiên sư… tự nhiên ‘nổ’ nhiều tiền quá làm gì. Nay mai mấy thằng chủ đất biết chuyện đến đòi tiền cỏ cắt cỏ mấy năm nay thì sạt nghiệp mất!”

Thế là anh vội tháo huy chương hình con bò cười ra, lủi mất!

Ông Tư Sài Gòn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025