Vừa nhịp giò vừa kể chuyện chú Nhạ

Vừa nhịp giò vừa kể chuyện chú Nhạ




Ngày 24 Tháng Mười 2022, trong buổi họp xem xét trách nhiệm của một số đảng viên, ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư Đảng CSVN – đã cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ 2016-2021 và cựu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Sau khi bị cách chức Bộ trưởng Giáo dục vì hàng loạt bê bối, ông Nhạ bị đưa về làm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ngồi chơi chờ kỷ luật từ Tháng Bảy năm 2021 đến nay.

Nhân dịp này, tôi muốn kể cho quý vị nghe câu chuyện của ông Nhạ qua cái nhìn của một người, tự nhận là anh ông Nhạ. Nghe kể rồi viết lại, nên câu chuyện còn tù mù lắm…

Lời tiên tri của ông thầy bói

Phùng Xuân Nhạ quê ở Hưng Yên. Hồi chú còn nhỏ, có ông thầy bói người “tàu lao” (Tàu lai Việt) tình cờ đi ngang xóm, thấy bọn trẻ chơi tạt lon nên đứng lại xem. Quan sát một hồi, ông gọi chú Nhạ tới nói chuyện một hồi, rồi “phán” chú Nhạ có “cốt cách” làm quan, nhưng đường hậu vận kém quá, phải cẩn thận.

Tôi hỏi sao ổng nói vậy, ông thầy bói trả lời rằng “thằng lày nươn nẹo nắm, biết nuồn nách lên neo cao được. Thứ hai mặt ló dày, ai chửi gì thì chửi, ló cứ tỉnh bơ lên giữ chức được. Tuy nhiên, mặt ló nà mặt bần tiện, có mùi hôi lên dù neo cao tới đâu rồi cũng có ngày té”.

Tôi hổi ổng, sao ổng là người Tàu mà lại nói ngọng giống chú Nhạ, ổng nói: “Đó mày thấy không, tao lói chuyện với ló một hồi nà ngọng theo ló nuôn”. Nói xong ông cười sặc sụa…

Chờ ổng cười cho đã, tôi mới hỏi “vậy chứ ông có cách gỡ không?” Ổng nói “cách thì có, chỉ sợ nó không làm”. Tôi hỏi “ông chỉ đi, mai sau tôi bắt nó làm”. Ổng nói “tao không hiểu tại sao, thằng này học không bằng ai nhưng sau này lại có nhiều bằng cấp. Mày nói với nó đừng có lươn lẹo, luồn lách trong công việc, lợi trước rồi hại sau. Thằng này có tài kéo băng đảng rồi phô trương thanh thế, làm hại nước hại dân chứ không đùa đâu. Mày theo dõi nó, nếu thấy mặt nó biến sắc, nhìn bần bần rồi người tỏa ra mùi hôi là lúc vận xui đang đến”.

Tôi cảm ơn ông rồi bỏ đi, ông hỏi với theo: “À mà mày là gì của nó mà lo cho nó dữ vậy?”

Tôi trả lời: “Tôi với tụi nhóc đó cùng ‘cha’ nhưng khác ông nội”, làm ông ta chưng hửng hỏi tiếp “Là sao? Là sao tao không hiểu?”

Tôi nói: “Tụi tôi cùng một ‘cha già dân tộc’, nhưng mỗi thằng có một ông nội riêng. Hiểu chưa?”. Lão thầy bói cười sằng sặc bỏ đi một nước.

“Sinh con rồi mới sinh cha, thằng con ký giấy, thằng cha ra đời!”
Quyết định công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016 do ông Phùng Xuân Nhạ ký với tư cách Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước

Cứ có ai hỏi chú Nhạ nhà tôi học có giỏi không thì tôi luôn gật đầu trả lời thẳng là “chú em tôi học giỏi lắm”. Bằng chứng là chú ấy cứ lên lớp đều đều, năm nào cũng có tờ giấy học sinh tiên tiến gì đấy. Chỉ lạ một cái là đôi khi (đôi khi thôi) hỏi chú một vài vấn đề căn bản thì chú lại… ấm ớ. Tôi cho đó là chuyện bình thường, có là “thiên tài” thì đôi khi cũng phải “ấm ớ” chứ!

Năm 1985, chú Nhạ tốt nghiệp đại học tại Khoa Kinh tế Chính trị trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với chuyên ngành kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế. Từ đó cho đến cột mốc quan trọng năm 2016, Nhạ vừa đi làm, vừa hoạt động chính trị, lại vừa có thời gian đi học cao học, rồi còn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1999. Sau đó Nhạ còn làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (Fulbright Scholar) tại trường Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, từ năm 2002 đến năm 2003.

Quả tình tôi không hiểu bằng cách nào mà chú Nhạ nhà tôi leo lên được tới cỡ đó. Nó còn khó hơn leo cây cột mỡ 20 mét, thế mà chú ấy làm được. Năm 2005 Nhạ được phong hàm Phó Giáo sư. Năm 2014, Nhạ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định bổ nhiệm vào chức Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước. Tuy nhiên, quyết định này được đóng dấu “mật” nên không được công bố. Lý do là theo quy định, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước phải là giáo sư (!).

Năm 2016, đời Nhạ tiếp tục lên hương khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vào Tháng Mười cùng năm, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, chú Nhạ nhà tôi tự ký giấy công nhận chú đạt chuẩn giáo sư chuyên ngành kinh tế.

Vụ “thằng con ký giấy thằng cha ra đời” bị giới học thuật lên án mạnh mẽ và kêu gọi Nhạ từ chức Bộ trưởng Giáo dục để “cứu vãn uy tín, vốn đã rách tả tơi của ngành Giáo dục” (Huy Đức). Giáo sư Hoàng Tụy cũng nặng lời: “Thật nhục cho nền giáo dục và khoa học Việt Nam. Một bộ trưởng mà như thế, biết tự trọng thì nên từ chức”.

Nhạ “tỉnh như ruồi” trước những cú đốp chát của dư luận, mặt của chú em tôi ngày càng giống chiếc bánh dày. Người ta chửi nhiều quá mà thấy Nhạ lỳ quá, bất chấp dư luận như được “bảo kê” từ trên, nên cũng thôi. Năm đó chú Nhạ ký phong hàm mỏi tay, khi có 65 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư.

Lúc đó Nhạ mới biết “giá trị” của mỗi chữ ký phong hàm như thế nào, đây là cái “mỏ đôla” chứ còn đi đâu tìm nữa. Thế nên năm sau Nhạ ký nhiều hơn cho bõ công. Theo danh sách phong hàm, số người “đạt chuẩn” chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là 1,226, gấp 1.7 lần so với năm 2016, và 2.3 lần năm 2015.

Dư luận phản đối dữ quá, họ nói vụ phong hàm “có dấu hiệu bất thường, thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một ‘đợt vét’ trước khi có quy định mới,”… khiến thủ tướng phải gởi văn bản yêu cầu Nhạ phải phải rà soát và báo cáo việc xét công nhận giáo sư, phó giáo sư xem có tiêu cực không.

Nghe nói chú Nhạ phải nhả ra không ít tiền để trám mồm mấy đứa nhiều chuyện. Rồi cũng xong.

“Ngôi nhà giáo dục” dột từ nóc

Thực ra ngành giáo dục đã không còn là “ngôi nhà” lâu rồi, mà là một ổ trộm cướp mang danh trí thức. Mạnh ai nấy kiếm tiền qua nhiều cuộc “cải cách sách giáo khoa”, nên đạo đức học đường suy đồi trầm trọng. Có thể kể một số vụ điển hình như:

1- Cuối Tháng Giêng năm 2018, ở Long An, một cô giáo tiểu học bắt học sinh quỳ gối đã bị ngay sự trừng phạt của phụ huynh với yêu cầu tương tự.

2- Đầu Tháng Tư năm 2018, tại Hải Phòng, một cô giáo trẻ đã bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng.

3- Ngày 19 Tháng Mười Một năm 2018, tại Quảng Bình, một cô giáo đã yêu cầu 23 học sinh tát một nam sinh lớp 6 tổng cộng 231 cái, khiến em này nhập viện.

4- Năm 2018, trong kỳ thi THPT Quốc gia đã xảy ra vụ nâng điểm nghiêm trọng xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Tại Hà Giang và nghi vấn ở một số tỉnh, thành khác.

Cũng trong năm 2018, Bộ GD&ĐT ra văn bản Dự thảo Quy chế công tác học sinh sinh viên, trong đó có quy định rất phản cảm “sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học”. Quy định này khiến toàn xã hội phẫn nộ đặt câu hỏi với chú Nhạ nhà tôi: “Phải chăng ông Nhạ chỉ cho phép sinh viên bán dâm 3 lần thôi, phải không?”

Minh họa: Zing News

Tại phiên chất vấn Quốc hội Tháng Mười năm 2018, chú Nhạ đổ lỗi do năng lực Ban soạn thảo thông tư còn hạn chế, ý thức trách nhiệm kém đã vội vàng đưa lên mạng khiến dư luận xã hội bất bình. Nhạ nói quan điểm của chú ấy là không cần đưa nội dung này vào quy chế học sinh, sinh viên.

Có người lại hỏi gay gắt: “Thế theo bộ trưởng thì sinh viên muốn bán dâm mấy lần cũng được phải không ạ?” làm Nhạ xém nữa… gật đầu.

Tự “giết” mình bằng cách đạo văn người khác, và tự đạo văn chính mình

Vào Tháng Hai năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse (Pháp) gởi bản báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, cho là ông Nhạ “giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ”. Bản báo cáo đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm “tự đạo văn” và “trích dẫn khống” trong hai bài báo đính kèm.

Báo cáo trên có mục đích làm rõ sự không bình thường trong việc phong hàm giáo sư cho ông Nhạ hồi năm 2016 khi ông đã là bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Báo cáo cũng chỉ ra hai bài báo của ông Phùng Xuân Nhạ được cho là đã công bố quốc tế thực ra là đăng trên một tạp chí “giả khoa học”. Trả lời BBC Tiếng Việt ngày 28 Tháng Hai năm 2018, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng nói:

“Vấn đề của ông Nhạ là nhờ những chức danh không xứng đáng mà ông ấy lên chức danh bộ trưởng. Và một khi đã xác định được ông Nhạ là nhà khoa học giả thì không nên để ông ấy tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo giáo dục-khoa học được vì sẽ làm cho Việt Nam thành trò cười cho thế giới”.

Chỉ mong được “hạ cánh an toàn”
Biếm họa: VTC

Nhiều việc dồn dập khiến uy tín Nhạ đi xuống như xe đạp không phanh đang lao dốc. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội ngày 25 Tháng Mười năm 2018, Nhạ là người đạt số phiếu tín nhiệm thấp nhất trong 48 chức danh do Quốc hội bầu, với chỉ 28.87% phiếu tín nhiệm cao.

Đầu năm 2021, trong cuộc bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Nhạ bị rớt. Đây là cú thất bại cay đắng sau khi bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc với mong làm nhẹ tội cho mình. Nhạ biết mình sẽ mất ghế bộ trưởng.

Đúng như thế, không lâu sau đó, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Tháng Tư năm 2021, Nhạ bị bãi nhiệm trước nhiều ánh mắt dè bỉu của những người mới hôm trước còn tay bắt mặt mừng.

Đến ngày 24 Tháng Bảy năm 2021, Nhạ được đưa về Bộ Chính trị làm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, một chức vụ không có thực quyền, như cách giam lỏng chờ xét xử, chứ lúc đó Nhạ lấy tư cách tuyên giáo trung ương đi nói chuyện đạo đức cách mạng thì ai nghe?

Giờ thì Nhạ vẫn còn lo dù biết mình chỉ bị cảnh cáo thôi, chứ chưa đến mức bị đuổi ra khỏi đảng, rồi truy tố ra tòa. Tuy nhiên, “đường về nhà còn xa lắm” và điều mong ước lớn nhất của Nhạ lúc này là được “hạ cánh an toàn” về với vợ con và chút gia tài bòn rút được trong thời gian cầm quyền bộ trưởng.

Ông Tư Sài Gòn

Tài liệu tham khảo:

Wikipedia – Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được công nhận giáo sư năm 2016

703 nhà giáo được công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2016

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

NÓI THẲNG: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên lên tiếng



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025