TÂY DU KÝ 1: THỤY SỸ

TÂY DU KÝ 1: THỤY SỸ
Vũ Linh
Tuần rồi, Vũ Linh này bắt đầu ‘lê gót nơi quê người’, dĩ nhiên không dám nghĩ tới chuyện cứu nước non gì, mà chỉ là để xả hơi sau khi bị dồn nén quá nặng bởi đám lừa, từ lừa xếp lớn đến lừa lính thợ, rồi vẹt tị nạn khoác áo lừa. Dồn nén vì những mánh mung lừa thiên hạ thô bạo nhất, nghe phát mệt luôn.
Khi VL thông báo chuyện đi lang thang qua xứ Tây để xin độc giả thông cởm chuyện bài vở, đăng góp ý có thể bị nạn giờ giấc bất thường, thì đã có một độc giả đề nghị cho ông ta ‘đi chơi ké’ bằng cách kể lại chuyện vui buồn trong chuyến đi cho ông ta biết. Tôi cung kính nghe lời, viết lai rai về đề tài ‘Đi Tây’, nhưng không phải để kể chuyện du hý riêng tư cá nhân, mà để mượn cơ hội giới thiệu các quốc gia kẻ này đi thăm.
Xin thưa ngay, loạt bài này không bàn về chính chị chính em Mỹ gì hết, quý độc giả nào rảnh hơi có thể ngồi đọc cho qua cho vui. Còn không rảnh thì khỏi đọc, đi chơi với đám cháu nội ngoại, dzui hơn.
Chương trình tuần đầu khá bận rộn. Tới Geneva được ông em ra đón về nhà ở Lausanne. Ngày hôm sau, đi lòng vòng coi lại Lausanne.
[Xin mở ngoặc thưa ngay cho rõ chuyện: kẻ này đã từng sống ở Lausanne hơn 7 năm cách đây hơn nửa thế kỷ. Sau khi về VN, rồi theo ‘đồng minh tháo chạy’ tuốt qua Mỹ, đã có dịp trở lại Thụy Sỹ viếng thăm mấy bạn già nhiều lần].
Mấy ngày sau đó, đi viếng các hồ Maggiore (Lake Major theo tiếng Anh), hồ Como, và hồ Lugano, tất cả trong vùng biên giới Thụy Sỹ-Ý Đại Lợi. Mấy hồ này đều đẹp mê hồn, hơn xa tất cả các hồ Mỹ. Nghĩ ngay tới chuyện mua nhà dưỡng già tại đây cho khỏe. Nhưng nhìn vào giá cả thì hình như tiền già để dành chưa mua được cái ga-ra để xe. Một căn nhà ngay sát hồ Como, ba phòng ngủ, rao giá có 7,5 triệu đô thôi.
Thụy Sỹ hết sức bình thường, thanh thản cho đầu óc, và an toàn cho tính mạng. Không có tình trạng thức tỉnh, chống kỳ thị vớ vẩn. Ra đường không ‘bị’ thấy cảnh các ông hôn hít nhau hay các bà hôn hít nhau. Cầu tiêu công cộng ghi rõ 'đàn ông', 'đàn bà', cấm có léng phéng. Thụy Sỹ có trưng cầu dân ý, cấm xây đền Hồi Giáo, cũng cấm các bà không được mặc hijab, là cái áo choàng đen chùm kín mít từ đầu đến gót chân chừa hai con mắt. Do đó đám khủng bố khùng Hồi Giáo không sống được ở đây, không đe dọa ai hết.
Ở đây, cũng chẳng ai để ý đến cụ Biden hay cụ Trump làm gì, khỏi tranh cãi lăng nhăng.


Hồ Como – Hồ Lugano
Thật ra, dân Thụy Sỹ có lẽ là một trong số rất ít dân trên thế giới chẳng bao giờ thắc mắc chuyện chính trị. Thụy Sỹ có gần 9 triệu dân, nhưng chắc không có tới 100 người dân biết tên tổng thống Thụy Sỹ là gì.
Nhiều độc giả DĐTC đã cảnh báo coi chừng đám tị nạn bên Tây Âu theo đám cuồng chống Trump hết. Tuy nhiên, với những bạn già của kẻ này ở Thụy Sỹ, cũng như dân Thụy Sỹ vậy, chẳng mấy ai thắc mắc hay thích bàn về chính trị. Chúng tôi gặp nhau, chén tạc chén thù, nói chuyện kỷ niệm xưa hay con cháu ngày nay, tuyệt đối không nói chuyện chính trị xa vời, nên kẻ này chẳng có vấn đề gì với đám bạn già cũ.
Thụy Sỹ là một liên bang của 26 ‘tiểu bang’ gọi là ‘canton’. Cũng có hai viện quốc hội liên bang với 4 đảng chính trị tranh nhau ghế. Hành pháp có 7 bộ trưởng do quốc hội bầu dựa trên số ghế trong hạ viện. Bảy bộ trưởng đó thay phiên nhau làm tổng thống với nhiệm kỳ nhất định một người một năm. Tổng thống hay đúng ra, gọi là chủ tịch hội đồng nội các, gọi là Hội Đồng Liên Bang – Federal Council, chẳng có bao nhiêu quyền hạn, ngoài việc đại diện cho Thụy Sỹ, tiếp đón quốc khách. Nội các có vẻ chẳng bận rộn gì ghê gớm.
Đối ngoại thì trung lập nên chẳng có thù cũng chẳng có bạn, thân thiện với cả thế giới. Không có chiến tranh từ đâu hơn 500 năm nay, khi cả Hitler lẫn Xít-Ta-Lin, hay ngay cả Bin Laden đều không dám đụng tới. Vì Thụy Sỹ là tủ sắt đựng tiền của cả thế giới, tiền của các đại gia khắp thế giới, tiền của các tay độc tài tham nhũng của Á Châu, Phi Châu, tiền mafia, tiền ma túy, tiền các đại quan đỏ TC và VC,… Thụy Sỹ không tham gia các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Liên Âu, NATO,… nhưng lại là xứ có trụ sở của tất cả các tổ chức quốc tế, cũng như là nơi thường có nhiều buổi họp quốc tế nhất (Hai cuộc chiến VN đều được kết thúc bằng hai cuộc hòa đàm tổ chức tại Geneva). Cái lạ là Thụy Sỹ cũng là một quốc gia với chính sách quốc phòng rất cứng, chi khá nhiều tiền mua máy bay và vũ khí tối tân nhất bất kể xuất xứ. Tất cả nam công dân đều phải đi ‘nghĩa vụ quân sự’.
Đối nội, Thụy Sỹ cũng có chính sách thiên về xã nghĩa như tất cả Âu Châu, tuy có thể nói tương đối bảo thủ, hay ít nhất cũng ôn hòa hơn các xứ như Pháp, Đức.
Thụy Sỹ có bốn vùng khác nhau: vùng quanh hồ Leman, sát biên giới Pháp là vùng nói tiếng Pháp, vùng bắc giáp giới Đức nói tiếng Đức, vùng nam giáp giới Ý nói tiếng Ý, và vùng đông giáp giới Đức, Áo và Ý nói tiếng Đức, Ý, và một ngôn ngữ địa phương không thông dụng gọi là Romansch, lai giữa Đức và Ý. Cả ba tiếng Pháp, Đức và Ý đều là ngôn ngữ chính thức, phải có trên tất cả các thông tư, tài liệu công cộng, kể cả trên tiền giấy.
Dân Thụy Sỹ tương đối thuần nhất, toàn là da trắng Âu Châu, gần như không có da đen ngoại trừ sinh viên Phi Châu đang du học; da nâu Trung Đông cũng rất hiếm ngoại trừ du khách từ các xứ dầu hỏa, tuy lúc sau này có nạn bị dân da vàng Tầu ‘xâm lăng’, cho dù Thụy Sỹ là xứ có chính sách di dân khó khăn nhất. Chẳng hạn, Interlaken là một trong những thành phố đẹp nhất Thụy Sỹ, là nơi các đại gia da trắng khắp thế giới đến trượt tuyết mùa đông. Những đại tài tử như Elizabeth Taylor hay Sean Connery (James Bond 007) trước đây đều có nhà nghỉ tại đây. Nhưng bây giờ, dân Tàu đang tràn ngập thành phố, các tiệm ăn, khách sạn nhỏ, tiệm chạp phô bán đồ kỷ niệm rẻ tiền cho du khách,… phần lớn có chủ nhân là người Tầu. Ra phố, thấy hàng đoàn du khách Tầu đi tour khắp nơi, nói năng ồn ào hơn vỡ chợ, khiến dân Thụy Sỹ ngẩn ngơ nhìn.
Dân Việt tị nạn tại đây cũng khá đông, ước lượng khoảng gần 10.000 người, một phần là những sinh viên miền Nam VN đang du học thì mất nước năm 75, và một số ‘boat people’ được Thụy Sỹ nhận, phần lớn sống trong vùng nói tiếng Pháp, tại Geneva và Lausanne. Sinh viên VN học tại Thụy Sỹ có một số thành tài, nổi tiếng trên thế giới như khoa học gia Võ Đình Tuấn, một trong những khoa học gia top về ‘nanotechnology’, là kỹ thuật chuyên nghiên cứu về các phân tử siêu nhỏ, áp dụng trong nghiên cứu trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư; hay giáo sư Trịnh Xuân Thuận, một chuyên gia về thiên văn học. Đại học Lausanne trước đây là đại học có nhiều sinh viên Nam VN nhất. Cũng là đại học của một bác sĩ tốt nghiệp mà tất cả người Việt, ai cũng biết, là bác sĩ Yersin.
Thời chiến tranh VN, Thụy Sỹ trên nguyên tắc là trung lập, nhưng trên thực tế thân thiện với miền Nam, có tòa đại sứ VNCH, nhưng không có tòa đại sứ Hà Nội và không công nhận Mặt Trận Giải Phóng VC. Cộng đồng Việt tuyệt đại đa số chống cộng, ngoại trừ một vài cá nhân lẻ tẻ.
Thụy Sỹ nói riêng và cả Âu Châu nói chung, coi lại khác rất xa Mỹ:
Mấy chục năm sau trở lại, phong cảnh thành phố, đường xá vẫn y như vậy chẳng thay đổi gì. Tiệm cà-phê, tiệm ăn, tiệm chạp phô đầu phố,… nửa thế kỷ sau vẫn y chang như cũ.
Thân xác mọi người dân cũng không nhỏ hơn dân Mỹ, thế nhưng tất cả mọi thứ, cái gì cũng nhỏ hơn, từ căn nhà thiên hạ sống cho tới đường phố, xe hơi,… cho tới ly cà-phê cũng nhỏ bằng nửa ly cà-phê Mác Đô của Mỹ. Trong khi ở Houston, nhà dưới 3.000 square feet bị chê là nhỏ, thì bên Âu Châu, căn hộ cỡ 1.000 sqf là trung bình.
Đặc biệt là xe hơi rất nhỏ vì xăng rất đắt. Chẳng hạn, bên Thụy Sỹ giá xăng trung bình khoảng 2 Euros một lít, hay khoảng 7,5 đô một ga-lông. Mà đó là giá xăng đã xuống bớt rồi chứ cách đây hai ba tháng thì phải xấp xỉ 9 đô một ga-lông. Do đó, cả Âu Châu đi xe nhỏ, phần lớn không thấy bán bên Mỹ. Một lý do khác cần xe nhỏ là trong nhiều thành phố cũ, có nhiều con đường, bề ngang chưa tới hai thước rưỡi. Và lý do quan trọng nhất, cả Âu Châu chật hẹp, kiếm ra được một chỗ đậu xe là chuyện trần ai hàng ngày của dân Âu Châu. Cỡ xe khổng lổ của Mỹ thì vô phương kiếm ra chỗ đậu, ngay cả đi vào các hầm đậu xe công cộng cũng khó khăn lắm mới không quẹt tường. Bởi vậy đi cả Âu Châu, may ra thấy được hai ba cái xe Mỹ, của các tòa đại sứ Mỹ bị bắt buộc phải dùng.
Dân Thụy Sỹ ăn nói nhỏ nhẹ, ăn mặc không cẩu thả lôi thôi như dân Mỹ. Không dễ thân thiện như dân Mỹ, nhưng lịch sự, sẵn sàng giúp đỡ, chỉ dẫn. Bạn đi đường ‘lỡ tay’ xả rác, người Thụy Sỹ đi sau sẽ lẳng lặng nhặt và bỏ vào thùng rác công cộng.
Thụy Sỹ và cả Âu Châu bây giờ tràn ngập du khách Mỹ, chỉ vì giá đồng đô bây giờ quá cao so với tất cả tiền Âu, ngang ngửa với tiền Thụy Sỹ, tiền Euro, và đồng bảng Anh luôn. Năm 2010, một đô ăn 0,73 Euro, 0.96 quan Thụy Sỹ, và 0,63 đồng bảng Anh. Bây giờ, cả ba loại tiền đều ngang ngửa với một đô. Đối với dân Mỹ, Âu Châu bây giờ quá rẻ, trong khi đó, Mỹ lại trở thành quá đắt đỏ.
Mới tuần rồi, tạp chí US News & World Report đã chấm Thụy Sỹ là nước tốt nhất thế giới để sống, mở kinh doanh.



https://www.usnews.com/news/best-countries/articles/us-news-unveils-best-countries-rankings
Vũ Linh
30/9/2022

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025