Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: 30 năm với Thúy Nga Paris và ‘vì sao chưa về Việt Nam’

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: 30 năm với Thúy Nga Paris
và ‘vì sao chưa về Việt Nam’
 FB JMSS 

Trả lời BBC News Tiếng Việt sau khi tới Bangkok, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn nói về những dự định sau khi ông từ giã Thúy Nga Paris, bao gồm liệu ông sẽ về Việt Nam hay không.

Hôm 12/10/2022, ông Nguyễn Ngọc Ngạn cho BBC biết người nghệ sĩ thì không thể tránh khỏi những hiểu lầm hay phán xét chủ quan.

Sau đây là phần II cuộc phỏng vấn do hai nhà báo Nguyễn Giang (qua điện thoại từ London) và Thương Lê (tại Bangkok) thực hiện:


BBC: Ông có thể chia sẻ với BBC những khó khăn và thuận lợi trong quá trình làm MC cho Paris By Night?


Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Cái khó khăn thì thật sự là khó khăn chung của cộng đồng. Đó là hay có những sự hiểu lầm trong cộng đồng giữa những người có tên tuổi, ví dụ như cá nhân Nguyễn Ngọc Ngạn rồi Khánh Ly và nhiều người khác...


Cộng đồng hay có sự hiểu lầm rồi phán xét chủ quan của từng người hoặc từng nhóm. Hoặc đôi khi điều mình làm, tôi lấy ví dụ một lần tôi sang Berlin, Đức với một số ca sĩ trong trung tâm Asia thì những người đó lại muốn phổ biến một số những bản nhạc mà họ cho là cần phổ biến.


Nhưng lại có một số người trong cộng đồng người Việt ở bên đó lại chống, cho rằng không nên làm văn nghệ với phía Bá Linh, trong đại đa số những người từ miền Bắc. Những cái đó là những cái khó tránh khỏi va chạm trong cộng đồng. Bởi vì cộng đồng Việt Nam mình chưa bao giờ có sự đồng nhất về mặt chính trị. Về suy nghĩ thì có thể là giống nhau nhưng cách thức để thực hiện suy nghĩ của mỗi người là khác nhau.


Tôi cho rằng cái khó khăn nhất đôi khi xảy ra đối với những người làm văn nghệ như tôi là sự va chạm trong cộng đồng mà mình không muốn nhưng không làm cách nào để tránh được.

'Việc tôi không về không phải 100% là chính trị'

Nguyễn Ngọc Ngạn

NGUỒN HÌNH ẢNH,

NGUYEN NGOC NGAN

Chụp lại hình ảnh,


BBC: Thưa ông, ông có thể nói về câu chuyện ông không được về hay không muốn về khi ở Việt Nam còn nhiều vấn đề không thoải mái cho người nghệ sĩ yêu tự do?


Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Thật sự tôi chưa xin giấy phép về Việt Nam bao giờ. Chỉ có một số các bầu sô tư nhân thì sau khi đại đa số các nghệ sĩ nổi tiếng đã về nước rồi, chẳng hạn như Kỳ Duyên, Khánh Ly, Quang Lê, Chế Linh. Thì sau khi những người đó đã mở đường về thì những bầu sô tư nhân đã liên lạc với tôi rất là tha thiết.


Và một lần tôi trình diễn tại Campuchia thì họ từ Hà Nội bay thẳng sang Campuchia gặp tôi, mời tôi về, và thậm chí có những bầu sô họ còn viết hợp đồng để chuyển đưa sang cho tôi. Nếu tôi nhận lời thì họ bắt đầu thủ tục xin giấy phép. Nhưng mà tôi chưa có ý định đó. Nói thật sự ra thì vấn đề chính trị không nặng nề lắm. Từ khi Việt Nam đổi mới sang cơ chế thị trường, thì cái nhìn của tôi và rất nhiều người ở hải ngoại đối với Việt Nam khác đi rồi. Không phải Việt Nam thời bao cấp nữa, mà là cơ chế thị trường, tức là đi vào quỹ đạo toàn cầu hóa của thế giới hiện nay, thì vấn đề không khắt khe.


Tôi thì đi nhiều, đọc nhiều, học nhiều cho nên đầu tôi cởi mở, chứ không phải cố chấp, cứ thấy chữ cộng sản là cứ chống. Không phải thế. Cộng sản của thời bao cấp khác, cộng sản của thời cơ chế thị trường, tức hội nhập vào đặc trưng thế giới tự do, thế giới tư bản thì khác nhau xa lắm. Nhưng việc tôi không về không phải 100% là chính trị, mà tôi cảm thấy tôi không muốn về thôi. Cho nên là BBC hỏi là tôi có trở ngại gì trong nước thì tôi không biết tôi không hề có ý định hay chưa hề nộp đơn để xin visa nên tôi không biết phản ứng trong nước thế nào.


Nhưng mà tôi nghĩ là không có trở ngại gì là vì khi ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và chủ nhiệm người Việt tại nước ngoài thì khi ông sang Canada thì Đại sứ quán Canada ở Ottawa có phone [gọi điện thoại] cho tôi vào buổi chiều bốn lần, rồi Tổng lãnh sự tại San Francisco cũng có phone [gọi điện thoại] cho tôi chiều hôm đó. Rồi ông Tô Văn Lai phone [gọi điện thoại] cho tôi từ bên California nói, "Em Ngạn ơi, đại sứ quán ở Washington muốn nói chuyện với em". Thì tôi chỉ nói với ông Lai là "Anh ơi, anh cám ơn họ dùm tôi, nhưng mà tôi không có ý định về Việt Nam. Nhưng mà ông Tô Văn Lai nói với tôi một câu ngắn nhưng mà lần duy nhất là, "Mỗi người có một hướng đi cho mình. Thôi em đã chọn con đường đó thì anh tôn trọng quyết định của em". Đó là lời ông Tô Văn Lai nói với tôi.


Trong một buổi chiều, mà đại sứ quán ở Canada phone cho tôi bốn lần, tổng lãnh sự tại San Francisco phone, và ông Tô Văn Lai nhận được một điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam ở Washington và phone cho tôi. Thì tôi nghĩ là một khi đại sứ quán đã liên lạc với tôi có nghĩa là việc tôi về nước là không trở ngại rồi. Trở ngại thì họ gọi tôi làm cái gì. Cũng như tôi nói rồi, tôi không có ý định về Việt Nam hay là chưa có ý định về Việt Nam. Đơn giản là như vậy.

'Phép vua thua lệ làng'

Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn

NGUỒN HÌNH ẢNH,

NGUYEN NGOC NGAN

Chụp lại hình ảnh,


BBC: Hiện nay chính sách kiểm duyệt văn hoá của nhà nước ở Việt Nam, một số họa sĩ thì bị hủy tranh, một số show diễn của bà Khánh Ly thì bị hủy. Ông nghĩ sao về việc này?


Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Tôi thì nghĩ một cách đơn giản. Tức là từ đầu khi tôi còn ở trong nước 3 năm trước khi vượt biển, tôi đã có một suy nghĩ mà sau này tôi vẫn thấy suy nghĩ đó của tôi là đúng, có thể là chủ quan là lãnh đạo trong nước không đồng nhất. Thí dụ Bộ Văn hóa Thông tin có thể cho phép, nhưng bộ Công an lại không cho phép. Thí dụ tôi nói trường hợp Chế Linh trước đây về nước thì gặp thẳng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có giấy phép trình diễn đàng hoàng, diễn khắp nơi nhưng vào đến Sài Gòn thì công an không cho trình diễn. Nó như một hình thức là "phép vua thua lệ làng".


Ở những nước tự do như bên Mỹ, bên Anh, bên Pháp thì không gặp trường hợp đó. Cơ quan nào cấp giấy phép là xong rồi chứ không thể nào mà Bộ Văn hóa Thông tin cho trình diễn mà Bộ Công an không cho, thì cái giấy phép của Bộ Văn hóa Thông tin kia nó trở thành một tờ giấy không có giá trị, và họ làm như vậy họ không cảm thấy rằng người này dẫm lên quyền hạn của người khác. Đó là cái mà tôi nhìn thấy ở trong nước như thế.


Còn chuyện như Khánh Ly hát bài Gia tài của mẹ thì mơ hồ quá. Bởi vì câu hát "bao nhiêu năm nội chiến từng ngày", câu đó thì ngày xưa miền Nam Việt Nam, thời của chúng tôi Việt Nam Cộng hòa thì cũng không bằng lòng câu đó. Mà đến bây giờ thì phía nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại cũng không bằng lòng câu đó.


Nhưng đó chỉ là một câu hát của một người nghệ sĩ, người ta không cần phải có những lý luận sâu xa, người ta chỉ thấy là miền Bắc miền Nam đánh nhau thì gọi là nội chiến. Đó là một chữ có tính tượng trưng nhưng không thể vì cái chữ đó mà cấm cái bài hát đó. Thành thử ra tôi thấy trong nước lãnh đạo không đồng nhất về tư tưởng.


Dành thời gian cho gia đình

Nhà văn, MC Nguyễn Ngọc Ngạn và gia đình

NGUỒN HÌNH ẢNH,

NGUYEN NGOC NGAN

Chụp lại hình ảnh,


BBC: Kế hoạch của ông sau khi nghỉ làm MC cho Paris By Night là gì? Ông có ưu tiên gì không?


Ông Nguyễn Ngọc Ngạn: Hiện bây giờ thì không có kế hoạch gì ngoài về nhà phụ vợ đi chợ nấu cơm. Tại vì phải nói một cách chân tình là trong 30 năm làm văn nghệ thì gần như cuối tuần nào cũng vắng nhà, đi show không nơi này thì nơi khác, gần như cũng thấy có một món nợ nho nhỏ đối với gia đình là cứ cuối tuần thì đi vắng.


Và ngay cả ở địa phương bạn bè thân hữu, những người quen hễ có tiệc tùng có đám cưới hay gì thì cũng chẳng dự được vì cứ cuối tuần là mình phải bay đi xa làm show. Bây giờ mình nghỉ là để về nhà trả cái nợ với gia đình, chở bà xã đi chợ rồi nấu cơm, làm vườn thôi, chứ hoàn toàn không có một kế hoạch gì.



BBC News

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025