Dân Nam Kỳ

Dân Nam Kỳ
Nguyễn Gia Việt

Chúa Nhựt ngồi lật từng trang sách cũ đặng mờ trân trọng và cúi vọng người xưa.
Lịch sử Miền Nam Nam Kỳ quá trẻ, quá gần, không có nhiều quá khứ, nhưng quá khứ rất huy hoàng và kinh hoàng.
Bản chất dân Nam Kỳ đôn hậu mộc mạc.
Hồi xưa dân Nam Kỳ thích ở ruộng vườn nên để thương trường cho người Tàu thao túng.
Tánh Nam Kỳ lửa rơm dễ nóng, dễ cháy, bản chất lại ít uyển chuyển, ham cái lơi trước mắt, bốc rời kiểu ta đây nhứt là chánh trị, thành ra đấu đá thường thua.
Nhưng mộc mạc là hồi xưa kìa, ngày nay cũng thủ đoạn từa lưa kìa. Nhưng ngặt cái là xài không trúng bài.
Dân Nam Kỳ không lậm tôn giáo nặng, cả Phật và Ki Tô đều không hấp dẫn dân Nam Kỳ, nhưng đấu đá chánh trị thua hoài, thành ra xen tôn giáo vào chánh trị. Nhưng thời hiện đại thần quyền phải tách rời thế quyền,cho nên dân Nam Kỳ lại ...thua nữa.
Sông rạch và đất nước bao la vì vậy đã tạo cho dân Nam Kỳ tánh khẳng khái, bộc trực, ít chịu cúi lòn, kém thủ đoạn.
Vì kém thủ đoạn nên hay bị dính bẫy của kẻ thù, bị lợi dụng mà không hay, rước sói vô nhà, rước quỷ vô phá chùa.
Đặc thù của Nam Kỳ Lục tỉnh là đấu không bao giờ lợi với dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
    “Ví dầu cầu ván đóng đinh
    Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
    Khó đi mượn chén ăn cơm
    Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi”
Tánh lửa rơm là sao? Như cọng rơm vậy, bùng cháy nhanh rồi tàn tro tàn ngúm cũng sớm.
Sơn Nam nói rõ trong "cá tính Miền Nam:
"Nồng nhiệt yêu nước, quá sốt sắng trước việc nghĩa là thái độ tốt nhưng có thể đem lại vài hậu quả xấu: nguội lạnh khi việc lớn không thành, lửa rơm, làm không xong thì không muốn tiếp tục.
Và quá chú trọng vào chuyện thực tế thì thường bỏ quên những kế hoạch có tánh cách chiến lược, không vạch chương trình dài hạn, đụng đâu làm đó, không phân biệt chi tiết và đại cuộc.
Có tác phong bình dân, hòa mình vào đại chúng vẫn chưa đủ. Phải biết tổ chức, biết huấn luyện đại chúng:lý thuyết mặc dầu là trừu tượng nhưng muốn đi đường dài thì phải nắm chắc định hướng cho bằng được".


Chúng ta là dân Miền Nam, yêu từ cọng cỏ, ngọn cây, cục đất, con trùn, con gián, con tép, con muỗi Nam Kỳ.
Chúng ta biết chạnh lòng, tự ái, hiểu mà tự hào.
Trong cuốn sách “Southern Vietnam under the Reign of Minh Mạng (1820 - 1841)” (Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng)” của Ts. Choi Byung Wook, ông này chép ra một đoạn vua Minh Mạng nhận xét dân Nam Kỳ như sau:
“Người Gia Định vốn tánh trung nghĩa nhưng ít học”.
Người Miền Nam trung nghĩa không sợ chết,ghét cường quyền,bạo tàn
Sơn Nam kể, Hai Sở thách thức trước mũi súng của thực dân khi thọ án tử hình:
"Cứ bắn ta đi, Sở này không sợ đâu! Cái chết, ta thị như qui tân gia" (coi như về nhà mới vậy thôi).

Ông Hồ Văn Ngà là lãnh tụ Việt Nam Quốc Gia Độc Lập, một lãnh tụ quốc gia người Miền Nam có uy tín.
Nửa đêm năm 1946 khi ông Hồ Văn Ngà đang ngủ thì bị (phe cs đệ tam) bắt đưa đi biệt giam ở Cà Mau rồi đem đi giết tại hòn Đá Bạc vào cuối năm 1946.
Trước khi chết, Hồ Văn Ngà để lại câu nói:
"Các em có giết qua thì giết, nhưng đừng nói qua là Việt gian!"
Thương quá người xưa!



Miệt Nam Kỳ có nhiều tên lắm đa, thí dụ Lục Tỉnh hoặc Lục Châu, rồi miệt Đàng Thổ.
Thấy thư tịch người ta chép “Miền Lục Châu” hay “Xứ Lục Tinh” thảy đều hay hết, nghe nó đặc trưng và cá tánh dữ lắm.
Đàng Thổ là gì? Là đất của người Thổ, tức người Miên, người Khmer .
Người Nam Kỳ ảnh hưởng từ văn hóa Khmer và quá trình đồng hóa người Khmer ở Nam Kỳ. Người Đàng Thổ là trong đó có luôn người Việt.
Người Việt tới đất mới khai hoang,với lý lẽ “ Có kiêng có lành”, họ thờ luôn Ông Tà của người Khmer, thờ cốt tượng bổn địa Miện như Bà Đen, Bà Chúa Xứ ...
Trong tín ngưỡng của người Việt và Hoa thì ông Địa ngồi giữa nhà, ông Tà ngồi ngoài ruộng, ngoài sân.
Có câu “Ông Địa giữ nhà, Ông Tà giữ ruộng”, cũng có câu “Thổ Địa quản nhà, Thổ Công quản đất”, người Việt coi Thổ Công như Ông Tà.
Chú Thổ ăn bốc, thành ra cúng mùng 10 nguyên mâm cá lóc nướng trui, sau có thêm bộ tam sên cúng đâu có đôi đũa hay muỗng nĩa gì.
Chú Thổ gợi ta điều gì?
Chủ Thổ Khmer bổn địa tóc quắn, da đen,mắt có khoen, đó là người đang sống ở đất Nam Kỳ.
Lưu dân Nam Kỳ tìm đất mới đã rất kiên trì, mềm dẻo, hiền hòa. theo lẽ sống an vui, thân thiện và khả năng thích ứng tốt.
Người Nam Kỳ đi khai hoang đất, tìm đất mới để sanh tồn mà tạo ra văn minh Nam Kỳ Lục Tỉnh nên đất trong tâm linh xứ này vô cùng quan trọng.
Chúng ta nhớ trong những đám cúng kiếng của Nam Kỳ luôn có mâm đất đai, bàn thờ Nam Kỳ luôn có Ông Địa ở giữa nhà.
Ông Vương Hồng Sển viết Thổ ngon ơ trong "Sài Gòn Tạp Pín Lù ".
Ông giải thích Vãng Luông (Vĩnh Long) như sau:
"...không giỏi gì hơn, nhưng nhờ biết quẹt quẹt tiếng Thổ, và đọc trong sách Trương Vĩnh Ký, theo tôi hiểu, có đến hai chỗ đều gọi “Kompong Luông”, dịch hay âm là “Tầm phong long”, và đó là:
– Thứ nhứt, Kompong Luông vùng Sài Gòn, là chỗ mũi tán dóc (pointe des blagueurs) ngày nay ngó qua Sở Nhà Rồng, bến tàu đi biển. Ngày trước, phó vương Đàng Thổ, ngự tại Sài Gòn, thường ra tắm sông nơi nầy, nên đặt tên Kompong Luông, như đã biết: Kompong là “vũng”, Hán tự là “úc”, còn “luông” là vua, nay còn Luông Pra bang). Nghĩa rộng kompong luông ăn trùm tới Tân An, nên có sông Vũng Gù và rạch Vũng Gù, lại vẫn có “Cù úc” là ruộng tốt châu phê (Mỹ Tho ngày nay), v.v…
– Thứ nhì, Kompong Luông vùng Vĩnh Long, vì sau khi người Việt ta chiếm Sài Gòn, thì phó vương Đàng Thổ chạy xuống đất Vĩnh Long, lập một khu “Bến Ngự khác”, vua Miên vẫn thích tắm sông, và đất Vĩnh Long là tên Hán tự còn lại của cuộc địa còn lại danh tử đất Vãng, (đi Vãng là đi Vĩnh Long) và “vãng” là do tiếng nôm “Vũng” trong “Vũng Luông”).
Tôi không viết được gọn, và phải viết tầm ruồng làm vầy cho cạn tàu ráo máng, nói phải nói cho toạc móng heo, mặc dầu phạm tội thích lải nhải, kỳ trung là nói cố ý, vì có nhát búa đập đầu nhiều lần thì cây đinh mới lút ngập sâu" (Hết trích).
Ta nhớ tới vụ án kinh Láng Thé của thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa để nói về "người Thổ"
Khi xưa vua Gia Long đã xuống chiếu miễn thuế khai thác thủy sản cho dân Khmer vùng này mãi mãi, nhưng sau đó do quan lại tỉnh Vĩnh Long câu kết với người Tàu làm bậy.

Dân Khmer hỏi tri huyện Bùi Hữu Nghĩa,ông phán rằng :”Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!”
Rốt cuộc đám dân Thổ Khmer Láng Thé “nghe ưng bụng” bèn hè nhau đến phá đập của những người Tàu , xảy ra một cuộc xô xát đổ máu làm chết 8 người Tàu .Tổng Đốc Vĩnh Long bắt hết,trong đó có ông tri huyện bị khép tội “kích động Thổ dậy”
Văn minh Nam Kỳ là văn minh miệt vườn, miệt ruộng, là di dân mới nên đất quan trọng lắm, cúng đất quan trọng,người mình có buôn bán giống người Tàu đâu mà cúng thần tài đặng mà "mong ước" mua một bốn lời, giàu nứt trứng
    "Kinh xáng mới đào
    Tàu Tây mới chạy
    Thương thì thương đại
    Đừng nghi đừng ngại
    Bớ điệu chung tình"
Tri ơn người đã nâng chữ "miệt" lên thành "văn minh miệt vườn" .
Miền Nam chúng ta văn minh từ nông nghiệp, từ vườn ruộng.
Chẳng phải điền chủ hạng trung của Nam Kỳ ngày xưa giàu hơn quan Tổng Đốc ở ngoài Bắc đó hay sao?
Chẳng phải bà Nam Phương Hoàng Hậu xuất thân con nhà điền chủ, tức là giàu nhờ ruộng vườn đó hay sao? Năm 1934 tộc Nguyễn Hữu gả cô Nguyễn Hữu Thị Lan về làm dâu nhà Nguyễn, cậu hai Lê Phát An tặng cho cháu gái một triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn.
Một triệu đồng Đông Dương lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng. Bạn thử tính ra coi bao nhiêu triệu USD.
Ông Vương Hồng Sển bàn vụ một triệu này như sau:
"... Bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái. Số tiền này thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa, vì tỷ phú ngày nay có hiếm, chớ như hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thế kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu bạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách..”
Bà Hoàng Hậu luôn tự hào cái gốc gác ruộng vườn của mình nên bà dựng bia trước lăng mộ cho cha mẹ bắt đầu bằng dòng chữ:
“鹿野之靈前江之英鍾之於人賢哲篤生”
Lộc Dã chi linh, Tiền Giang chi anh, chung chi ư nhân, Hiền triết đốc sinh
(Tức là :
Đồng Nai anh linh,Tiền Giang vượng khí, hun đúc nơi người, sanh đấng anh minh)
Quá xá văn minh.
Người Miền Nam rất văn minh, ăn ở nề nếp, xóm vườn trù phú, an vui.
Sơn Nam kêu là "ăn ở cho điệu nghệ" đặng giữ cá tánh Miền Nam, đặng mà còn được nói tới câu "thuần phong mỹ tục".
Miền Nam tánh mở, không lũy tre làng, lòng dạ luôn nhìn về phía trước ,biết chia sẻ và thương yêu.
Sơn Nam viết:
"Miền Nam có màu sắc, luôn luôn đổi mới, dựa trên một cơ sở. Đó là tinh thần phóng túng, lanh lẹ sẳn sàng đón hương xa của người khai hoang. Văn hóa đứng im một chỗ là văn hóa chết. Sống động, thích ứng với hòan cảnh, đó mới là văn hóa, đúng theo nghĩa của nó.
Bài Vọng Cổ được ca tùy hứng, không câu nệ âm điều từng chữ nhưng người ca và người đờn “đúng điệu nghệ” phải nương tựa nhau, xuống câu cho đúng nhịp. Hơi ca không được đâm, nhịp đàn không được chỏi. Đờn ca cho đúng điệu nghệ của giới tài tử là điều khó.Đối xử với nhau bằng lòng thành thật,có thủy có chung là điều khó".
Nhà văn Sơn Nam có một vị trí trong văn minh Miền Nam vì cả đời ông viết về Miền Nam, giữ rịt giọng văn Miền Nam.
Sanh thời nhà văn Sơn Nam vào quán ăn, bao giờ ông cũng kêu "cho cái món gì rẻ nhứt, ngon nhứt, và ngồi được lâu nhứt".
Sanh thời Sơn Nam thích ăn cơm nguội với khô cá sặc nướng xé nhỏ, rồi bằm trái xoài xanh chấm nước mắm me. Còn bún thì ông ăn với mắm sống cá linh.
Sơn Nam thui thủi một mình nên không nấu nướng, thành ra đụng quán bình dân nào ăn quán đó.
Ông là trùm ăn cơm tấm xà bì chưởng Sài Gòn.
Sơn Nam nổi tiếng viết văn, in nhiều sách, ai cũng ái mộ ,nhưng ông lại nghèo vô cùng.
Ông thường nói: “Làm văn chương là nghèo rồi. Nếu làm nghề này mà giàu được thì Ba Tàu Chợ Lớn đã làm rồi!”.
Chúng ta quý Sơn Nam vì cả đời ông sống với Miền Nam và bảo vệ nó tới cùng,bằng tất cả lý lẽ.
Trong "Lịch sử khẩn hoang Miền Nam" Sơn Nam đã viết về chuyện tại sao triều đình Cao Miên "nhượng đất" cho chúa Nguyễn hết lần này tới lần khác như sau:
"Người Cao Miên khâm phục oai đức của triều đình đem nhượng hết cả đất ấy rồi đi lánh chỗ khác, không dám tranh trở chuyện gì".
Sơn Nam dạy cho chúng ta giữ lời ăn tiếng nói hằng ngày kiểu Miền Nam,cách sống và tư thế Miền Nam thẳng thuốm, có tư cách, biết yêu thương và bảo vệ miếng cơm manh áo:
    "Đầu bãi cuối gành
    Hùm tha, sấu bắt
    Bởi vì thắt ngặt
    Manh áo chén cơm "
Đọc Sơn Nam ta thấy xuất xứ là dân khẩn hoang, người Nam Kỳ trong cách sống luôn có sự chân thành, biết nghĩ cho người khác. Người Miền Nam luôn hướng về quê nhà, hướng về nguồn cội, vun bồi, tưới tẩm và nhứt định giữ phẩm giá vì nó:
    "Đôi tâm hồn cô tịch
    Nghe lắng sầu cô thôn
    Dưới trời mây heo hút
    Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
    Điệu hò ơ theo nước chảy chan hoà"
Người Miền Nam hề hà, bình dân trong đời sống, tư thế và suy nghĩ, sự bộc trực, thẳng thắn, chân thành, không hoa mỹ, rào đón trước sau, nhưng người Miền Nam vẫn rất trí tuệ.
Không phải ai muốn nói gì, làm gì là được đâu!
Tánh cởi mở, xuề xòa, yêu ghét lửa rơm không che đậy, nhưng thực ra trong lòng người Miền Nam vẫn giữ lại cái gì đó quy tắc cứng đó nghen.

Nguyễn Gia Việt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209