TÂY DU KÝ 3: Ý ĐẠI LỢI

TÂY DU KÝ 3: Ý ĐẠI LỢI

Vũ Linh

    Tuần lễ thứ ba, tôi đã đi Roma, thủ đô Ý. 

    Tôi tới Ý lần này là lần thứ ba, mấy lần trước, khi còn trai trẻ, lái xe đi khắp nước Ý, lần này già yếu hơn xưa, đi máy bay tới đúng Roma, ở mấy ngày rồi về Thụy Sỹ lại. Nhất là khi lái xe ở Roma là một ác mộng vì đường xá ngoằn ngoèo chật hẹp, khó đi, kẹt xe thường trực, chẳng bao giờ có chỗ đậu xe.

Phương tiện di chuyển Âu Châu

    Giống như tất cả các thành phố lớn của Âu Châu, hầu hết cao ốc đều được xây cả mấy trăm năm trước, thiếu tiện nghi, chật hẹp. Roma có lẽ là thành phố với nhiều di tích lịch sử nhất thế giới. Trên phương diện du lịch, Ý đáng đi hơn Portugal rất nhiều. Từ những thành phố thật độc đáo có một không hai như Venice là thành phố trên nước, không có đường cho xe hơi vì tất ‘đường lộ’ đều là kênh rạch nước biển. Đến những thanh phố tràn đầy di tích lịch sử trong tất cả các khu phố như Roma. Tới thành phố Naples tuyệt thơ mộng, nằm sát nách thành phố Pompei mà cả tỉnh và dân cư bất thình lình trở thành tượng đá sau khi bị dung nham -lava- của núi lửa phủ kín cách đây cả ngàn năm. 

    Roma là một thành phố đã nổi tiếng từ cả ngàn năm trước, khi đế quốc La Mã thống trị hết vùng biển Mediterranée từ Pháp qua tới Ai Cập. Hơn 2.000 năm trước, Ý đã có chế độ cộng hòa với các nghị sĩ -senators- bầu một tổng thống gọi là 'dictator' mà tiếng Việt dịch không chính xác là 'nhà độc tài'. Văn minh cổ xưa Ý đã để lại những gia tài vĩ đại cho nhân loại, thế nhưng dân và nước Ý bây giờ đã bị coi như là một xứ tương đối chậm tiến của Âu Châu. 

    Vâng, Ý bị coi như tương đối chậm tiến trong Liên Âu. Thế nhưng kẻ này đã có dịp vào một nhà cầu trong một tiệm ăn bình thường ngay trung tâm Roma, xin kể lại quý vị nghe chơi: cửa vào phải mở bằng chân, đạp lên cái cần dưới cửa, đi cầu xong, giựt nước bằng cách đạp lên một cái nút dưới đất, rồi đi rửa tay cũng phải đạp lên một cái nút dưới đất để mở nước. Nghĩa là vì nhu cầu vệ sinh, vào nhà cầu, tay không đụng vào cái gì hết. Chậm tiến đấy!

    Bây giờ, Ý chỉ còn là một nơi để khách du lịch đi thăm viếng các di tích, đền đài cổ xưa của cả ngàn năm trước. Mà phải nói Ý có lẽ chỉ đứng hàng thứ nhì sau Pháp về số lượng du khách. Roma tràn ngập du khách, đi coi bất cứ di tích nào cũng đông nghẹt người, phải xếp hàng mệt nghỉ, ngay cả đi ăn tiệm ở mấy khu trung tâm du lịch cũng vậy, xếp hàng cả giờ. Đường phố thì dân đi bộ đông nghẹt, kín cả hai lề đường. Dân Ý cũng như dân Âu Châu nói chung, rất thích ngồi ăn uống tại các tiệm ngoài trời, bên lề đường.


    Dân Ý rất dễ thân thiện, vui tính, nhưng so với các dân Âu Châu khác, có vẻ ‘láu cá’ nhất. Đi taxi bên Ý cũng không khác gì đi taxi ở VN: hên xui may rủi. Kẻ này lấy taxi đi từ khách sạn tới Vatican. Chuyến đi trả tiền taxi 9 euros, chuyến về cùng đường, xuống xe phải trả gần gấp ba lần, 26 euros! Dân không lương thiện, sắc dân nào cũng có.     
    Ý lúc sau này bị nạn di dân lậu từ Phi Châu tràn qua, cũng như từ các xứ CS đông Âu cũ du nhập nên tình trạng an ninh đường phố khá tệ, nạn trộm cắp vặt, móc túi du khách nổi tiếng. Roma là một trung tâm du lịch lớn nên du khách đầy đường, những thắng cảnh nổi tiếng lúc nào cũng đông nghẹt du khách tranh nhau lo chụp hình, nên cũng là môi trường làm ăn số một của dân trộm cắp, móc túi.

    Trong nội thành Roma, có một tiểu quốc tí hon, hoàn toàn độc lập, cực kỳ nổi tiếng: đó là Vatican, đất thánh của Công Giáo, nơi Đức Giáo Hoàng cư ngụ. Chuyện lạ đáng nói là Đức Giáo Hoàng có đội quân bảo vệ Vatican, ăn mặc theo quân phục thời Trung Cổ, với đầy đủ gươm giáo. Lạ lùng thay đám quân này toàn là dân Thụy Sỹ. 

'Quân lực' Vatican

    Chúng tôi đi Roma, không gặp chuyện gì phiền toái, cũng chẳng bị móc túi. Tuy nhiên nghe nói dân Ý có vẻ kỳ thị, không thích dân da đen vì di dân lậu từ Phi Châu tràn qua gây nhiều tệ nạn xã hội. Xứ Libya, từ ngày liên quân Anh-Pháp-Mỹ đánh rồi giết TT Khaddafi, đã trở thành xứ không có chính phủ, không có luật lệ gì ráo, khi cả nửa tá đám Hồi giáo quá khích đánh nhau túi bụi tranh dành quyền hành. Vì tình trạng rối loạn, Libya trở thành cửa ngỏ để dân Phi Châu đổ tới, nhẩy lên tàu chạy băng qua biển Mediterranée -Địa Trung Hải- để vào Ý. Vì lý do nhân đạo, hải quân Ý suốt ngày chỉ lo đi tìm mấy tàu tị nạn để cứu giúp. Dù vậy, số dân di tản bằng tàu nhỏ này chết khá nhiều, tuy không thấm vào đâu so với dân boat people Việt chết ngoài biển khơi. 

    Tình trạng di dân từ Phi Châu đổ vào ào ạt đã gây nên bất mãn lớn chống chính sách di dân thả lỏng của chính phủ Ý. Đưa đến kết quả bầu cử mới tuần rồi khi đảng cực đoan hữu khuynh Brothers of Italy đại thắng đưa một bà lần đầu tiên lên làm thủ tướng Ý, với chủ trương... Italy First!

    Dân Ý cũng có một thời nghe nói không thích dân da vàng lắm. 

    Ý, cũng như hầu hết các xứ Âu Châu, bị nạn nhân mãn khá trầm trọng vì người dân ham vui nhưng không thích trách nhiệm nên rất hiếm con, khiến số dân ngày càng thiếu để cung ứng nền kinh tế ngày càng phát triển mạnh. Ta còn nhớ cách đây không lâu bà thủ tướng Merkel của Đức đã mở cửa nhận hơn 800.000 dân tị nạn Trung Đông chính vì Đức thiếu nhân công quá trầm trọng. Ý cũng không khác bao nhiêu, do đó, cách đây cả chục năm, đã có chính sách mở cửa cho dân Tầu vào làm việc, đặc biệt là trong vùng tam giác kỹ nghệ Milan-Venice-Turin. 

    Đầu năm 2020, cả trăm ngàn nhân công Tầu làm việc trong khu tam giác kỹ nghệ này về quê ăn Tết nguyên đán, đúng lúc vi khuẩn COVID bắt đầu ra tay. Để rồi sau Tết, khi trở về Ý, họ đã mang theo cả tỷ tỷ vi khuẩn Vũ Hán về theo, khiến Ý là nạn nhân đầu tiên và lớn nhất Âu Châu vì dịch COVID. 

     Xứ Ý được bao bọc tới gần 80% là biển, thế nhưng lạ lùng thay, dân Ý ít ăn đồ biển. Đi cả nước, chỗ nào cũng chỉ có pizza, spaghetti, lasagna, đủ loại pasta,…. Nhưng không có đồ biển, ngoài vài ba con cá và tôm. Khác xa với dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha rất thích ăn đồ biển. Ý là xứ đẹp, rất đáng đi coi, nhưng phải chuẩn bị tinh thần, đồ ăn Ý dở, chung quy chỉ có spaghetti và pizza, ăn hai lần là phát ngấy. Tiệm chạp phô Ý cũng bán mì gói ma-dzê in Italia, nhưng cũng.... khá dở, thua xa mì gói Mama của Thái.

    Dân Ý rất hiếu khách, ồn ào, vui vẻ, dễ làm quen, nhưng hình như có tật … nói hơi nhiều, chuyện gì cũng nói huyên thuyên không ngừng được.  Vào tiệm Ý ăn, rất khó nói chuyện vì tiệm ăn ồn ào, khách nói chuyện ào ào, lớn tiếng không thua gì tiệm ăn ... Tầu. 

    Ý có đặc điểm: hầu như tất cả tượng và hình ảnh các thần, bất kể năm hay nữ, đều trần như nhộng hết, làm như thể trên thiên đường La Mã, tất cả mọi thần nam thần nữ đều sống ở truồng nhồng nhộng hết.

     Ý không có quan hệ gì nhiều với VN trong lịch sử. Công giáo du nhập vào VN qua các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Pháp, không có Ý. Nhưng cả nước VN ta từ mấy chục năm nay rất quen thuộc với hai sản phẩm nổi tiếng nhất của Ý là ... xe Vespa và Lambretta. Ý cũng nổi tiếng về những xe siêu sang như Ferrari, Maserati, Lamborghini, mà các công tử đỏ của Hà Thành ngày nay rất thích phô trương để biểu diễn chạy 10 km một giờ trong một thành phố kẹt xe thường trực, một cách phô trương rất oai nhưng cũng cực ngu của loại sâu bọ lên làm người. Cộng đồng tị nạn Việt tại Ý cũng rất nhỏ. Theo thống kê chính thức, hiện nay có chưa tới 5.000 người Việt tị nạn trên cả nước so với 60 triệu dân Ý. Hai người Việt tị nạn nổi tiếng nhất là Đức Cha Ngô Đình Thục và bà Ngô Đình Nhu. Không phải là tị nạn CS dĩ nhiên, mà là tị nạn chính trị sau khi chế độ nhà Ngô sụp đổ. Cả hai đều sống rất kín đáo, không chường mặt ra ngoài. Cả hai đều đã qua đời.

    Quý vị muốn du lịch Ý, cần có thời gian -và tiền- để đi nhiều nơi khác rất đáng đi như Venice thành phố trên biển, Milan với nhà thờ lớn có lẽ đẹp nhất Âu Châu tuy không nổi tiếng bằng Notre Dame của Paris, Florence là thủ đô của mỹ thuật Trung Cổ Âu Châu, bãi biển Naples và đảo Capri (nổi tiếng qua bài hát của ca sĩ Pháp Hervé Villard, "Capri, C'est Fini"), và dĩ nhiên, Pompei thành phố bị vùi dưới dung nham núi lửa.

    Chuyện lạ ở Mỹ liên quan đến Ý: tin mới nhất, tại thành phố Philadelphia, một bức tượng của Christopher Colombus, người khám phá ra đất Mỹ, đã bị lấy ván đóng bịt kín hết, đã vậy ván lại bị sơn cờ Ý, mang ý nghĩa đây là tượng của một ông Ý nào đó, không liên quan gì đến Mỹ. Chính sách 'thức tỉnh' của thời Biden càng ngày càng lố bịch.


Vũ Linh

14/10/2022    


Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209