Bàn về chữ "Tôn giáo không"


Bàn về chữ "Tôn giáo không" 

Tác giả: NGUYỄN GIA VIỆT

Trên CMND và CCCD của nhiều người,có thể nói là phần đông người Việt Nam ghi rằng "Tôn giáo: Không".

Tôn giáo không tức là không tôn giáo.có thể hiểu theo lý thuyết là không có niềm tin ,không theo tôn giáo nào,vô thần và tự do về tín ngưỡng.

Những người " Tôn giáo không" bao gồm những người đang cai trị VN và phần đông dân VN.

Tại VN có bao nhiêu tôn giáo được công nhận? 

Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2019 thì VN  có hơn 13,162 triệu người xác nhận theo một trong những tôn giáo. Năm tôn giáo lớn nhất là Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo, Tin Lành, và Cao Đài.

Trong một bài có kẻ viết như sau:

“Việt Nam ta thì tín ngưỡng Phật Giáo phải gấp nhiều lần Thiên Chúa Giáo, nhưng tại sao chỉ có ngày Giáng Sinh thì ai ai cũng vui mừng chúc tụng nhau này kia, rồi trang trí cây thông, tổ chức tiệc tùng..."

Nói vậy là sai,theo số chánh thức 2019 thì Phật giáo chiếm 4,7% dân số,còn Ki Tô giáo (Công Giáo và Tin Lành) chiếm 7,10%,PG Hòa Hảo chiếm 1,02%,Cao Đài chiếm 0,58%.

Con số người tôn giáo "không " chiếm đông nhứt. 

Tuy nhiên người tôn giáo "không "là vô thần thì không đúng bản chất,trong đó có người cầm quyền theo tư tưởng Mác Lê Nin và HCM ,nhiều người theo Tam Giáo. 

Trước 1975 người ta công nhận "Tam giáo" là một tôn giáo,lý lịch TT Trần Văn Hương ghi ông theo Tam giáo.

Hiện nay có 81% dân số VN nhận mình “không tôn giáo” là do người CS sau 1975 ép ghi ,tuy nhiên trong nhà vẫn có bàn thờ tổ tiên và gọi là Đạo Ông Bà. 

Trước 1975 VNCH ghi là Tam giáo. 

Lật lịch sử chúng ta thấy những va chạm lịch sử,bách đạo từ thời phong kiến là xung đột giữa Nho giáo cầm quyền và Ki Tô giáo,Phật không có dính vào vì lúc đó Phật không có cai trị.

Tâm tánh dân tôc Việt xưa nay là chánh trị phi tôn giáo.

Người Việt Nam không có “mộ” và ‘mê” tôn giáo ở mức cuồng tín. 

Chúng ta thấy sự mộ đạo Phật của Việt thua xa Thái Lan và Miên.Và so với Phi Luật Tân ,Hàn thì dân Việt “mộ’ Ki Tô giáo cũng không bằng. 

Phật giáo khi vào VN và TQ có lúc lụi tàn vì nó chỉ chú trọng ‘tâm’,không có phương tiện tự bảo vệ nó.Thiền tông phải qua Tàu dựa vào Nho mà xiển giáo. 

Nho giáo là một hệ tư tưởng cầm quyền ở VN và TQ,khi đụng độ với Ki Tô giáo thì ta hiểu đây là xung đột giữa Nho và Ki Tô.Mà Nho giáo  là 1 cái chân trong Tam giáo. 

Tam giáo là gì? 

Người Nam Kỳ như tui và phần đông khác tự gọi mình là "Tam giáo" tức là theo đạo thờ ông bà. 

Luận về Tam giáo là nói đến:

-Đạo Phật.
-Đạo Tiên còn gọi là Lão giáo.
-Đạo Thánh (Nho) cũng gọi là Khổng giáo.

Đúng phải gọi là Nho học chứ không phải Nho giáo vì đây là hệ tư tưởng ứng xử ,cai trị. 

Tam giáo quy nguyên thường được ví như nước của ba sông lớn đổ về biển cả, hòa lẫn trộn vào nhau không thể biết nước nào thuộc về sông nào.

Người Nam Kỳ nói riêng và VN nói chung ,trong cuộc sống tinh thần và cư xử ba giáo gần nhau,xen lẫn nhau ,chung đụng nhau lâu ngày nên đã hòa làm một ,khó mà phân biệt cái nào cho rạch ròi .Người đọc sách còn gọi là Tam giáo chớ người bình dân thì gộp hết thảy lại và gọi chung là đạo thờ ông bà tổ tiên. 

Nguyễn Đình Chiểu viết : 

"Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn có mắt ông cha không thờ"

"Đạo nhà" này là Tam giáo. 

Đặc điểm của Tam giáo là lúc sống thì đi tùm lum nơi tín ngưỡng nếu thích ,không lệ thuộc ràng buộc giáo lý ,tổ chức của đạo nào ,tin và kiêng Trời ,dạy con cháu theo giáo điều ông bà xưa để lại ,lễ Tết,hỉ sự đều phải lạy bái bàn thờ tổ tiên ,chết thì có thầy chùa tụng. 

Người Tam giáo có thể đi chùa lạy Phật,có thể vào thánh thất Cao Đài lạy Thượng Đế, học theo Nho giáo,vào quán lạy Lão Tử,vào nhà thờ lạy Chúa Jesus mà không bị một quy tắc nào cản trở. 

Vô cùng tự do, tự tại. 

Ngay từ thế kỷ II, tư tưởng Tam giáo đồng nguyên đã xuất hiện ở Việt Nam ở Miền Bắc ngày nay. 

Người Nam Kỳ chúng ta do lịch sử khai hoang,đã sống chung với người Miên , Chàm, Ấn , Hoa, người Minh Hương nên có sự pha trộn  đạo Phật ,Nho, Bà La Môn, Hồi, Lão rồi Thiên Chúa giáo.

Người Nam Kỳ tin và thờ Trời, tin ở định mệnh, chư tiên chư thánh. Người ngoài di dân vào Nam lập nghiệp do đó hội nhập hòa mình với thổ ngơi và con người xa lạ và khác tín ngưỡng, đã có khuynh hướng cởi mở, chấp nhận và hòa đồng theo các tín ngưỡng khác.

Tức là các tinh hoa đạo lý đã được Việt Nam hóa, dung hòa trở thành tư tưởng, triết lý sống thay vì vẫn là tôn giáo cứng nhắc như ở đất Bắc.

Nhờ sự hòa đồng tín ngưỡng nói trên, nếp sống tinh thần của người dân Nam Kỳ đã tạo ra " Tam giáo đồng nguyên".

-Tu đức theo Nho giáo
-Tu tâm theo Phật giáo
-Tu hạnh theo Lão giáo 

Và sau nầy có tinh thần bác ái theo Thiên Chúa giáo nữa.

Chúng ta nhận ra hết thảy những nhà văn hóa lớn ở Nam Kỳ đều có tinh thần tam giáo dù họ có tôn giáo riêng nào đó. 

Kể cả ông Petrus Ký vốn là một người Công Giáo nhưng ông thể hiện ra một người thấm nhuần tư tưởng Tam giáo. 

Thử đọc lại một đoạn văn của ông Trương Vĩnh Ký cắt nghĩa Tam Cương ( Và ngũ thường) trong Thông Loại Khóa Trình, số 2 như sau : 

"Ở dưới đời, người ta không phép sanh ra mà ở một mình cho đặng. Có cha có mẹ, có anh em chị em, bà con cô bác, có bằng-hữu, thân-quyến

 Có vợ có chồng sanh con đẻ cháu ra nối dòng; thành nên gia-thất; nhiều ra, ở lan ra có xóm có làng, có huyện, có phủ, có tỉnh, có xứ, có nước, có ra như vậy thì phải có tôn-ti, đẳng-cấp, nên phải có vua có chúa, có quan có quyền mà cai-trị, gìn-giữ đùm-bọc lấy nhau cho yên nhà vững nước

Vì vậy phải có đạo tam-cang ràng-rịt vấn-vít nhau; mà giữ phép ở với nhau cho trên thuận dưới hòa, thì mới bảo hộ nhau được.

Lớn theo phận lớn, nhỏ theo phận nhỏ các y kỳ phận thì bằng-an. Vua cũng có phép buộc phải ở với tôi dân làm sao; con dân cũng có luật buộc phải ở với vua quan thể nào cho phải đạo. Cha mẹ có phận phải giữ với con-cái cách nào; con-cái có phép dạy phải ở làm sao với cha mẹ cho trọn niềm; còn chồng với vợ cũng có ngãi phải giữ với nhau cho trọn nhân trọn ngãi nữa
Ấy là ba mối cả, là chánh giềng làm nên tấm lưới chắc chắn vững bền"( Hết trích). 

Sống tiết chế lòng ham muốn, chú trọng tinh thần, lấy cái tâm đè nén cái khí,giữ giềng mối xóm làng , bỏ cái thân nầy mà giữ được an vui,đó cũng là luân lý tam giáo vậy.

Xin đọc đoạn sau sẽ thấu rõ, ông Hồ Biểu Chánh giảng:

“Đã mấy ngàn năm rồi tổ tiên ta xây dựng văn hoá trên nền tảng Tam giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Nồng cốt văn hoá ấy rất vững chắc nên dân tộc Việt Nam ta tấn bộ mạnh mẽ luôn luôn.

Thiệt nhiều lúc gặp gió to sóng lớn chiếc thuyền Việt Nam phải chìm ngấm trong thời gian, may nhờ văn hoá đặc biệt của ta ung đúc tinh thần dân tộc ta rất mạnh mẽ, rất cao, nên chìm một lúc rồi chiếc thuyền Việt Nam cũng nổi lên lại, dân tộc Việt Nam cũng vỗ ngực ngó thiên hạ mà nói: “Ta cũng như ai, ta không thua ai, ta không sợ ai hết”.

Ai giúp gìn giữ cõi bờ của ta là bạn, ai toan chiếm đất nước của ta là thù.

Với bạn ta từng biết hòa nhã, thân yêu để tương trợ, mà với thù ta cũng từng dám đổ máu phơi xương mà chống cự. Sỡ dĩ dân tộc ta có hào khí tốt đẹp, mạnh mẽ, cứng cỏi như vậy, là nhờ văn hoá của ta xây dựng với nòng cốt là Tam giáo đó.

Nho giáo thì giúp cho ta cư xử với nhơn nghĩa đạo đức. Đạo giáo thì giúp chỗ ẩn núp cho người khỏi nản tâm chí, còn Phật giáo thì giúp cho ta hưng vượng tinh thần, dám bền gan chịu khổ để cứu người, biết nghĩ đến hạnh phúc tương lai, nên dám hy sinh vui sướng hiện tại”( Hồ Biểu Chánh –Trích tiểu thuyết Hạnh Phúc Quanh Ta).

Tam giáo rõ ràng trong đoạn  thơ Lục vân Tiên,Tiên hiện ra giữa chùa.

"Đoạn này tới thứ ra đời
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền
Nửa đêm nằm thấy ông tiên
Đem cho chén thuốc mắt liền sáng ra"

Cái tối thương của Tam giáo trong nhà  người Nam Kỳ là bàn thờ tổ tiên. 

Người Việt mình phần đông thờ ông bà tổ tiên,vì có nguồn có cội mới có ta .Thành ra nhà nào cũng có bàn thờ giữa nhà. Nhà giàu ,nhà xưa rộng thì kê cái bàn nghi,bàn độc sát vách rồi kê cái tủ thờ phía ngoài .Nay nhà hẹp,chật chội bức bối thì có cái tủ thờ thôi. 

Nhà Nam Kỳ có cái tủ thờ ở giữa,hai bên mé chái tả hữu là hai bộ ván (bộ ngựa),giữa nhà là cái bàn dài có chừng 10 cái ghế dựa ,khách tới nhà thường được gia chủ mời ngủ ở hai bộ ngựa này.

Người  Nam Kỳ ăn ở “lịch sự” và "văn minh" là phải có cái bàn thờ giữa nhà mà giữ "đạo". 

Xuân thu nhị kỳ đêm nào con cháu cũng đốt nhang,rồi Tết cúng cơm ba ngày,đám giỗ cũng là dịp ôn nhớ tổ tiên,tri ơn người trực hệ. 

Có nhà họ đặt tới ba bàn thờ. 

Ba bàn đó thờ ai?

Bàn giữa thờ tổ tiên thuộc dạng "cửu huyền thất tổ" ,ông bà cố,nội ,ngoại.Bàn bên trái nhìn từ ngoài vô là thờ hai đấng sanh thành ra gia chủ.Bàn bên phải thờ hai vợ chồng gia chủ là người đã tạo dựng ra ngôi nhà này. 

"Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn
Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu
Người ta nguồn gốc từ đâu
Có cha mẹ trước rồi sau có mình"

Trong nhà người Nam Kỳ hay đề chữ 九 玄 七 祖 Cửu Huyền Thất Tổ trên bàn thờ. 

Cửu huyền là chín đời máu huyết ,là cửu tộc, có nhiều tư liệu khác nhau,nhưng tạm coi gồm : Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Kỷ, Tử, Tôn, Tằng, Huyền.

Có nghĩa trên mình bốn bực là: ông Sơ. ông Cố, ông Nội, Cha, giữa là mình và dưới mình bốn bực nữa là: Con, Cháu, Chắt, Chít.

Thất Tổ là tổ tiên bảy đời ,tính từ ông nội của mình đi ngược lên sáu đời nữa. 

Nói chút xíu về giỗ quảy của người Nam Kỳ. 

Theo tục lệ, ngày giỗ là ngày kính nhớ người đã khuất,tức người chết sẽ có một lần trong năm sau khi mãn tang được con cháu tưởng niệm. 

Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của người khuất thì con cháu sẽ tụ họp xôm tụ lại,từ tứ phương đều trở về nhà làm đám giỗ cho nên người xưa thường trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ.

Nam Kỳ mình chỉ cúng có 4 đời,làm đám giỗ lớn đời thứ nhứt và thứ hai,qua tới đời thứ 3 là cúng gọn nhẹ. 

“Hôm nay có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”

Giỗ là chữ Hán 𣋼 ,tức giỗ chạp. 

Còn có chữ nữa là kỵ húy,kỵ cơm,huý nhựt hay kỵ nhựt, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên.Chữ húy có nghĩa là kiêng cữ.

Còn chữ kỵ cũng là kiêng cữ, còn có nghĩa giỗ chạp, đám kỵ, kỵ cơm, kỵ giỗ.

Chết gọi là bất huý 不諱.Có nhiều chữ kỵ,chữ 跽 kỵ này là quỳ mọp xuống. 

Đám giỗ còn kêu là kỵ thần, húy thần, đám giỗ đám quải, giỗ quải, đám quải.

Những người tham gia nấu nướng đám giỗ gọi là đi dọn đám giỗ,những người được mời đi ăn kêu là ăn đám giỗ. 

Món cúng cũng bình thường thôi,mấy chén cơm,thịt kho hột vịt,đồ xào,đồ chiên như chả giò,nem chiên,cá chiên,bò kho,ra gu,canh kiểm,canh khổ qua,gỏi sen,bò nướng lá lốt,heo quay ăn chung bánh hỏi mỡ hành,chả đùm,bánh lột da,bánh ít,bánh tét,bánh quy,bánh bò,xôi vị ....

Nam Kỳ không cúng canh rau,canh mướp,canh mồng tươi,canh chua,không cúng cháo trắng,các loại mắm và kho quẹt.

Người Nam Kỳ xưa cúng đám giỗ trong hai ngày ,trong hai cái lễ riêng. 

-Lễ tiên thường (先嘗) là lễ cúng vào ngày trước ngày người chết qua đời 1 ngày,tức cúng lúc sống. 

-Lễ chánh kỵ(正忌):Là cúng ngày mất.

Ngày nay người Nam Kỳ rút gọn chỉ cúng một ngày,thường là ngày còn sống. 

Vì sao người Nam Kỳ kêu đám giỗ là giỗ quảy và cúng quảy? 

Trước nhứt nói về chữ "quày quả" của người Nam Kỳ khi chỉ cái tướng đi rất nhanh và đánh hay tay ,quày quả là cái dáng nhanh gọn. 

Quày quả là đi nhanh,còn quày quả là đi có cái gióng vắt trên vai.Người Nam Kỳ kêu một người gánh gồng bằng đòn gánh là "quảy gánh".

"Ba năm sau tôi trở về quê cũ, gánh nước đêm trăng để tìm lại kẻ chung.... tình.Quảy gánh lên vai tôi thờ thẩn một mình... 

Nước giếng trong leo lẻo soi bóng hình tiều tụy của tôi. Tiếng gà đã gáy tàn canh, trăng mười tám đã nhô lên khỏi đầu khóm trúc... Tôi ngồi khoanh tay bên đôi gàu nước, lòng bâng khuâng chưa vội bước chân về. "

(Gánh nước đêm trăng-Viễn Châu) 

Như vậy "quảy" là một hành động ám chỉ gánh gồng.

Đám giỗ là một nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu với tổ tiên,con cháu không được quên,nó là nhiệm vụ,là trách nhiệm,là quy tắc,là đạo lý con cháu phải mang trên vai. 

Thành ra đám giỗ được đọc trại thành giỗ quảy là cách nhắc nhớ cháu con về cái gánh trên vai này.

Một nghĩa đen nữa là khi xưa đám giỗ rất lớn,con cháu thường quảy gánh, quảy thúng ra chợ quận mua đồ từ nữa khuya ,vai gánh kẻo kịt, cót két , hành động đó đã in sâu vào những dịp giỗ chạp,thành ra kêu thành giỗ quảy. 

Nhiều người giỡn nói đi ăn đám giỗ còn xách đồ về,quảy đồ gia chủ nên kêu đám quảy là sai,Nam kỳ ăn không có hỗn tới nỗi "quảy" đồ người ta về nhà. 

Trở lại vấn đề. 

Việt tộc xưa thờ đa thần,thần linh dân gian,ta có Việt Dịch kiểu Ngũ Hành ,trời đất trong Tam Tài. 

Không thấy dân Nam Kỳ hàng năm đi viếng bà Chúa Xứ Châu Đốc ,núi Bà Đen , Dinh Cô đông hơn đi chùa hay đi nhà thờ à? 

Vì theo Tam giáo nên lưu dân Nam Kỳ xưa rất dễ phối tự những vị thần bổn địa Chàm hay Khmer để thành thần Việt. 

Bà Chúa Xứ Châu Đốc ,tượng bà được tạc vào thế kỷ VI là tượng thần Vishnu của Phù Nam theo hình thức Ấn Độ,tượng Bà là một pho tượng đá một người đàn ông trong tư thế ngồi.

Châu Đốc xưa là xứ biên cương Vĩnh Thông,tâm linh thờ bà xuất phát từ dân gian có kiêng có lành.Mà bà thiêng thật, thành ra vợ chồng Thoại Ngọc Hầu đã xây miếu thờ.Miếu Bà chúa Xứ thành hình sau năm 1824, ngày nay có hơn hai triệu người Nam Kỳ cúng bái,hành hương hàng năm. 

Ông bà ta xưa quan niệm ở Nam Kỳ có hai nơi cực kỳ linh  vì có núi,Bà Đen Tây Ninh cai quản xứ Miền Đông,bà Chúa Xứ cai quản miệt Hậu Giang. 

Thần Thánh linh thiêng hay không là do con người,là đức tin. 

Người Việt mình đã “Việt tịch” cho nhiều thần ngoại quốc,thí dụ bà Ponagar Nha Trang, rồi Bà Đen, Bà Chúa Xứ. Việt tộc tin và thờ cúng, họ đã thành thần Việt rồi.

Người Tam giáo chết hay làm theo nghi thức Phật giáo. 

(Nói vui, nếu bên Công giáo dễ dễ, chịu làm lễ thì dân Tam giáo chết cũng dám mời linh mục về làm lễ luôn). 

Trong giáo lý Phật,không cấm hay bắt buộc tín đồ phải làm gì, làm gì ,thí dụ đi chùa không phải là nghĩa vụ bắt buộc. 

Đơn giản vì Phật không có cấm bạn làm những điều đó.Thiền tông đòi hỏi mọi người “ngô”,tự tâm,tâm có Phật thì có Phật ,thấy có là có,thấy không là không. 

Bạn bỏ chùa cả chục năm,vui bạn đi chùa lại cũng không ai trách móc hay bắt bẻ gì bạn.Thích thì đi,buồn nằm ở nhà. 

Cái Tam giáo nó sâu rộng trong lòng Nam Kỳ lục tỉnh , đó là sự hòa đồng hết thảy. 

Chúng ta tìm trong kinh sách không thấy Đức Phật “cấm”cái gì liên quan tới thần thánh khác,tất cả chỉ là tự răn bản thân.

Hồi xưa Công Giáo VN từng coi thờ tổ tiên là cái gì đó trái giáo lý, cũng là không được thờ. Các giáo sĩ dòng Tên không lên án những lễ nghi thờ tự Khổng Tử và tổ tiên, trong khi các giáo sĩ dòng Đa Minh và hội Thừa sai Paris tại Việt Nam lại ủng hộ Tòa thánh và mạnh mẽ chống đối những lễ nghi mà họ cho là lạc giáo.

Hậu quả là xung đột, ngày nay Công giáo đã cho phép kính tổ tiên rồi. 

Ba chữ "Tôn giáo không" hiện diện ở Miền Nam  từ sau 1975 tới nay và nhiều người Tam giáo không phản ứng. Đơn giản là họ vẫn thực hành mọi nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên,còn câu chữ có hay không cũng không chết ai.

Nguyễn Gia Việt

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025