Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 1


  Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 1 

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Bài 1 - MẶT TRẬN ĐẠI HỌC 

Trong thời Cộng sản Bắc Việt tiến hành cuộc chiến tranh ác liệt xâm chiếm Miền Nam tự do, họ đánh Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) bằng ba mặt trận lớn là chính trị, quân sự và binh vận (“Ba mũi giáp công”). Dư luận quốc tế cũng như trong nước thường chỉ biết nhiều về hai mặt trận chính trị và quân sự, ít có ai để ý tới mặt trận binh vận. Người Cộng sản hiểu binh vận là hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm lôi kéo người trong quân đội địch, hầu làm tan rã hàng ngũ của đối phương. Như thế, đối tượng của binh vận là các thành phần trong Quân Đội VNCH. Mặt trận quân sự rất dễ nhận biết. Mặt trận chính trị mang nội dung rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực, như đoàn thể, tổ chức quần chúng, dân vận, Hoa vận, phụ vận, trí vận, thanh vận; trong đó, công tác ngoại giao là hết sức quan trọng, nhất là từ khi diễn ra cuộc Hoà Đàm Paris (1968-1973). Đối tượng của Hoa vận là cộng đồng người Hoa; phụ vận là giới phụ nữ; trí vận là các thành phần trí thức; còn thanh vận nhắm vào thanh niên, sinh viên và học sinh. 

Nhằm các mục tiêu chính trị, Cộng sản đặc biệt chú trọng tới mặt trận diễn ra tại các thành phố lớn, nhất là tại Sài Gòn – Gia Định, thứ đến là Huế và Đà Nẵng, bởi vì đấy là những trung tâm dư luận trong cả nước và quốc tế. 

Cộng sản đánh giá lực lượng sinh viên, học sinh là mũi nhọn tiến công tiên phong trong mặt trận đô thị. Vì thế, để có thể gây xáo trộn hậu phương VNCH tối đa, họ đã sử dụng lực lượng xung kích này để phát động các cuộc đấu tranh, quen gọi là các phong trào sinh viên tranh đấu. 

I. CÁC PHONG TRÀO SINH VIÊN TRANH ĐẤU 

Ở Miền Nam, trước 30-4-1975, không phải phong trào sinh viên tranh đấu nào cũng do Cộng sản phát động. Nói cách khác, có hai giai đoạn sinh viên tranh đấu.  

1. Từ 1963 tới 1965 

Các cuộc tranh đấu của sinh viên trong giai đoạn này, nói chung, đều do các sinh viên Quốc gia chống phá các chính quyền Quốc gia: Tranh đấu nhằm lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hoà (1963); chống chính quyền Nguyễn Khánh trong vụ Hiến chương Vũng Tầu (25-8-1964); chống chính phủ Trần Văn Hương vì không chấp nhận việc Phật giáo (Viện Hoá Đạo) và sinh viên gây áp lực lên chính quyền (cuối năm 1964, đầu 1965). 

 
“Lãnh tụ” cầm đầu các đợt tranh đấu dữ dội của tập thể sinh viên tại Thủ đô Sài Gòn trong khoảng thời gian giữa 1964 tới đầu 1965 là cặp bài trùng Bôi - Nho. Nho tức Nguyễn Trọng Nho, sinh viên Nông Lâm Súc, Trưởng ban Hành động của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (Tổng hội SVSG). Nho nổi tiếng là “Vua xuống đường”. Bôi tức Lê Hữu Bôi, sinh viên Quốc gia Hành chánh, Chủ tịch Tổng hội SVSG (Trong trận Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, Lê Hữu Bôi bị Việt Cộng chôn sống tại Huế). 

Trong khoảng thời gian 1963 tới 1965, Thành đoàn Cộng sản (lúc đó có tên là Đoàn Thanh niên Lao động VN hoạt động nội Thành Sài Gòn – Gia Định) chưa thực sự lãnh đạo các cuộc tranh đấu của sinh viên, vì họ chưa xâm nhập đủ cán bộ, chưa nắm được các tổ chức sinh viên hợp pháp. 

Suốt năm 1964 và đầu 1965, tại Thủ đô Sài Gòn, đang khi cặp bài trùng Bôi - Nho lãnh đạo sinh viên tham gia các đợt xuống đường chống chính quyền thì ngoài miền Trung, nhất là tại Huế và Đà Nẵng, TT. Thích Trí Quang cho thành lập ra tổ chức Hội đồng Nhân dân Cứu quốc do Bs. Lê Khắc Quyến làm chủ tịch (sau đổi thành Lực lượng Tranh thủ Cách mạng) mục đích là liên tục gây biến động chính trị để tiến tới cướp chính quyền. Họ dùng chiêu bài “Chống đàn áp Phật giáo”, “Cần Lao ngóc đầu dậy”, “Diệt Cần lao Thiên Chúa giáo”... để khích động quần chúng, nhất là tập thể sinh viên, học sinh trong tổ chức Lực lượng Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Cứu quốc (Lực lượng TNSVHSCQ). Họ chiếm cứ Đại học Huế, các trường Trung học và đài phát thanh Huế; tổ chức bãi khoá, kích động bãi thị, bãi công, đốt phá hai phường Thanh Bồ, Đức Lợi của dân Công giáo (Đà Nẵng) và đang trên đà mở rộng hoạt động về phía Nam, tới Nha Trang, Phan Thiết. Những hành động phi pháp ấy được chính quyền xu nịnh Nguyễn Khánh làm ngơ, nhất là được sự yểm trợ của Tướng Nguyễn Chánh Thi, lúc ấy là Tư lệnh Sư đoàn I (01-1964), rồi Tư lệnh Quân đoàn I (10-1964). 

Tình hình an ninh tổng quát căng thẳng, bất ổn, khiến cho dư luận hết sức lo lắng. Trước tình thế nguy biến ấy, một nhóm sinh viên Quốc gia thuộc nhiều Phân khoa Đại học Sài Gòn đã liên kết với nhau thành một tổ chức, lấy tên là Lực lượng Sinh viên Liên khoa Sài Gòn (Lực lượng SVLKSG). Các sinh viên hoạt động tích cực trong Lực lượng SVLKSG như: Nguyễn Phúc Liên (Văn khoa, nay là Giáo sư Kinh tế tại Thuỵ Sĩ), Nguyễn Phúc Tài (QGHC, Bộ Nội vụ), Vũ Công (Văn khoa, QGHC, Dân biểu và Bộ trưởng VNCH), Nguyễn Duy Bảo (Văn khoa, Luật khoa, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Gia Định), Nguyễn Trần Quý (Luật khoa, QGHC, Giám đốc tại Thượng Nghị viện), Trần Văn Cảo, (Y khoa, bác sĩ Quân y), Nguyễn Thế Linh (Sư phạm), Phạm Xuân Cảnh (QGHC, Tiến sĩ Kinh tế tại Thuỵ Sĩ), Trần Minh Công (Sư phạm), Phạm Hữu Đàm (Phủ TT)... 

Lực lượng SVLKSG nhằm mục tiêu cấp bách là phế bỏ Ban Chấp hành Tổng hội SVSG do Bôi và Nho đang cố bám giữ, mặc dù đã mãn nhiệm kì từ lâu. Có như thế, Bôi – Nho mới không thể tiếp tục lợi dụng danh nghĩa Tổng hội SVSG để tổ chức những cuộc biểu tỉnh gây bất ổn hậu phương và làm xáo trộn các trường học, nhằm phục vụ mưu đồ phe nhóm. 

Để đạt mục tiêu đề ra, Lực lượng SVLKSG đã tập họp hàng trăm sinh viên đến trụ sở Tổng hội SVSG số 4 Duy Tân để áp lực Bôi - Nho từ chức, nhưng Lê Hữu Bôi vắng mặt, còn Nguyễn Trọng Nho đã nhảy cửa sổ phía sau trốn qua cơ quan Thanh niên Đô thành. Sau đó, sinh viên Trần Quang Trí (QGHC 11) được bầu làm Chủ tịch Tổng Hội SVSG, kế tiếp là sinh viên Tô Lai Chánh (Luật khoa). 

Tuy cặp Bôi – Nho không còn nắm Tổng hội SVSG, nhưng ảnh hưởng của phe Phật giáo đấu tranh còn khá mạnh trong giới sinh viên và học sinh Sài Gòn. Đang khi đó, ngoài miền Trung, Lực lượng Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Cứu quốc của Bs. Lê Khắc Quyến vẫn còn tung hoành ngang dọc. 

Để đối phó với tình hình này, Lực lượng SVLKSG tự đổi tên thành Lực lượng Sinh viên, Học sinh Bảo vệ Giáo dục Thuần tuý (Lực lượng SVHSBVGDTT). Lực lượng SVHSBVGDTT tổ chức lễ ra mắt tại Thảo cầm viên Sài Gòn, tổ chức biểu tình trước Viện Đại học Sài Gòn và tích cực vận động ban giám hiệu các trường Trung học mở cửa trường và tìm hết cách bảo đảm cho sinh viên, học sinh được an tâm học tập. Nỗ lực hoạt động để vãn hồi trật tự cho các trường học của Lực lượng SVHSBVGDTT được sự hưởng ứng của ban giám hiệu nhiều trường tại Sài Gòn – Gia Định, ra tới Đà Lạt, Nha Trang và Phan Thiết. Ngoài miền Trung, đã có những cuộc phản biểu tình. Những nỗ lực ấy đã chặn đứng được mưu đồ bành trướng thế lực về phía Nam của Lực lượng TNSVHSCQ. 

Sau đó, dự kiến có thể hoạt động lâu dài và với mục tiêu rộng lớn hơn, Lực lượng SVHSBVGDTT lại đổi tên thành Phong trào Sinh viên Tự do Dân chủ, gọi tắt là Tự Dân. 

2. Từ 1966 tới 1971

Khoảng cuối Tháng 02-1966, cuộc “Biến động miền Trung” bùng nổ dữ dội. Phe Phật giáo đấu tranh đòi dân chủ, đòi soạn thảo hiến pháp mới, “Đả đảo quân phiệt Thiệu - Kỳ” để bảo vệ Đạo pháp, truy quét “Dư đảng Cần lao”... Tại Đà Nẵng, một vài đơn vị quân đội li khai, không phục tùng chính quyền trung ương. Ngoài Huế, một số lính Sư đoàn I, Địa Phương quân, Nghĩa quân bỏ hàng ngũ đi theo phe Phật giáo đấu tranh. Họ tập hợp thành Chiến đoàn Nguyễn Đại Thức. Đồng thời, họ tái lập lực lượng xung kích, tức Đoàn Học sinh, Sinh viên Quyết tử (Đoàn HSSVQT). Thành phần nòng cốt của Đoàn HSSVQT, một số là những cán bộ Việt Cộng nội thành, một số là thành phần cốt cán của Lực lượng TNSVHSCQ trước đây. Người dân Huế còn nhớ tên của những người này, như: Vĩnh Kha (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế, Trưởng Đoàn Sinh viên Phật tử), Nguyễn Đắc Xuân (Sư phạm), Trần Quang Long (Sư phạm), Hoàng Phủ Ngọc Phan (Y khoa), Phan Chánh Dinh (tức Phan Duy Nhân), Nguyễn Thiết (tức Hoàng Dung, Luật khoa), Hoàng Phủ Ngọc Tường (dạy tại Trường Quốc Học), Nguyễn Hữu Châu Phan, Hoàng Thị Thọ (nữ sinh Đồng Khánh), Phạm Thị Xuân Quế (Y khoa), Tôn Thất Kỳ, Bửu Chỉ (hoạ sĩ)... Từ đó, họ kích động dân chúng liên tục xuống đường, bãi công, bãi thị, chiếm đài phát thanh Huế, chiếm Bộ Chỉ huy Cảnh sát tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, cướp kho súng đạn, xe cộ, máy móc, rồi phân phát cho nhau đi tuần tiễu khắp nơi trong thành Phố Huế. Huế lúc này không còn thuộc chính phủ Sài Gòn mà là của TT. Thích Trí Quang. Tình hình miền Bắc Trung phần hết sức nguy nan. Cuối cùng, chính quyền trung ương phải đưa quân ra Đà Nẵng (15-5-1966) và Huế (19-6-1966) để dẹp loạn. 

Khi Việt Cộng mở đợt tấn công bất ngờ và tạm chiếm Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, bọn thành viên chủ chốt trong Đoàn Học sinh, Sinh viên Quyết tử lại xuất hiện với tên mới là Lực lượng Học sinh, Sinh viên Giải phóng Huế. Những tay chủ chốt của Lực lượng này, như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Phan..., đã tổ chức ra Đoàn Thanh niên Võ trang Bảo vệ Khu phố với các Đội Tự vệ Thành. Chính bọn họ hung hăng nhất trong việc đi ruồng bắt và bắn giết nhiều người, trong đó có các sinh viên, học sinh và giáo sư ở Huế. 

Tại Sài Gòn, Thành đoàn Cộng sản đã kịp thời chớp lấy cơ hội Miền Nam rối loạn này. Họ ráo riết cho cán bộ xâm nhập vào tập thể sinh viên Sài Gòn và tuyển mộ thêm những phần tử hiếu động và nhẹ dạ đi theo họ. Từ 1966, các cán bộ Thành đoàn Cộng sản dần dần nắm được Tổng hội SVSG, Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn, một số ban đại diện sinh viên các Phân khoa lớn và Đoàn Thanh niên Sinh viên Phật tử. Từ đó, họ liên tục mở ra các đợt tranh đấu làm rối loạn ngay tại Thủ đô Sài Gòn, gây tiếng vang rất lớn. Chỉ nguyên việc họ liên tục nắm giữ được tổ chức hợp pháp quan trọng là Tổng hội SVSG suốt 4 nhiệm kì đã là một thành tích đáng kể (Từ ngày 30-4-1967: Hồ Hữu Nhựt, 1967-68: Nguyễn Đăng Trừng, 1968-69: Nguyễn Văn Quỳ, 1969-70: Huỳnh Tấn Mẫm). Sở dĩ các cán bộ Thành đoàn Cộng sản có thể nắm được các tổ chức sinh viên công khai hợp pháp là vì thời ấy, ngoài những cơ quan có trách nhiệm về an ninh, dân Sài Gòn nói chung, khối đa số sinh viên thầm lặng nói riêng, có thái độ thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm, không tìm hiểu về những phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu; lại càng không biết gì về hệ thống tổ chức cũng như thành phần cán bộ Cộng sản cốt cán lãnh đạo những tổ chức này. Thậm chí, một số đã có cảm tình hoặc đã tiếp tay, tham gia vào những phong trào tranh đấu do các cán bộ Cộng sản kích động. 

Tuy nhiên cũng ghi nhận, trong khối đa số sinh viên thầm lặng, đã nổi lên một số sinh viên Quốc gia ý thức được nguy cơ môi trường Đại học đang bị các cán bộ Thành đoàn Cộng sản khống chế. Họ liên kết với các sinh viên thuộc Chi bộ Việt Nam trong Liên minh Á châu chống Cộng, tạo thành một hàng ngũ sinh viên chống Cộng. Họ lập ra Ban Bảo vệ Tổ quốc và Dân quyền do sinh viên Trần Lam Giang làm Chủ tịch và sinh viên Nguyễn Văn Tấn (Tấn “Mốc”, kí giả Cao Sơn) làm Tổng Thư kí; đồng thời, họ thành lập các liên danh ra tranh cử hầu nắm lại ban đại diện sinh viên tại các Phân khoa lớn. Thế là một cuộc đối đầu diễn ra tại Đại học Sài Gòn, giữa một bên là các cán bộ Thành đoàn Cộng sản và một bên là các sinh viên Quốc gia chống Cộng. Để đạt được mục tiêu là nắm cho bằng được các tổ chức sinh viên công khai, hợp pháp, các cán bộ Thành đoàn Cộng sản đã xử dụng bất cứ thủ đoạn nào, từ trực tiếp mời chào những lá phiếu bầu cử hợp pháp tới gửi thư nặc danh đe doạ đối thủ, như việc chúng gửi đi một danh sách gồm 20 sinh viên bị chúng lên án tử hình. Trong danh sách ấy, có tên các sinh viên Phạm Quân Khanh, Phạm Phúc Hưng, Phạm Tài Tấn (Thư Sinh), Nguyễn Văn Tấn, Phạm Bằng Tường, Nguyễn Tường Quý, Khổng Trọng Hinh, Bùi Hồng Sĩ, Ngô Vương Toại, Phạm Quốc Bảo, Hồng Nguyên Sĩ, Ngô Thế Vinh... 

Và cuối cùng, Cộng sản lộ nguyên hình là những tên “ác ôn côn đồ Việt Cộng” bằng cách dùng vũ lực hòng tiêu diệt đối thủ ngay tại các giảng đường, như trường hợp chúng toan đóng đinh vào đầu sinh viên Trần Lam Giang tại Dược khoa, bắn các sinh viên Ngô Vương Toại, Nguyễn Văn Tấn và Bùi Hồng Sĩ tại Đại học Văn khoa Sài Gòn (1967). Một số giáo sư bị Việt Cộng đánh giá là nguy hiểm, cũng bị chúng ra tay sát hại không hề nương tay, như trường hợp chúng ám sát Gs. Lê Minh Trí, Bộ trưởng Giáo dục và Gs. Trần Anh, Khoa trưởng Y khoa (1969). 

Đặc biệt là từ cuối năm 1969, tình hình sôi động hẳn lên với sự xuất hiện của “Trùm sinh viên tranh đấu” Huỳnh Tấn Mẫm. Huỳnh Tấn Mẫm là một đảng viên Cộng sản hoạt động dưới nhãn hiệu một sinh viên Y khoa thuần tuý. Vào thời điểm đó, Mẫm nắm 3 chức vụ: Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa, Chủ tịch Tổng hội SVSG và Chủ tịch Ban Đại diện Đại học xá Minh Mạng. Với vị thế công khai, hợp pháp, và dưới sự chỉ đạo của Thành đoàn Cộng sản, Huỳnh Tấn Mẫm cùng các cán bộ Thành đoàn đã khống chế các Phân khoa Đại học Sài Gòn và quậy phá tưng bừng trên các đường phố Thủ đô. Họ liên tục phát động các cuộc tranh đấu với đủ mọi hình thức, từ xuống đường, bãi thi, bãi khoá tới bạo loạn, đốt phá, ám sát và với đủ mọi khẩu hiệu: “Chống Mĩ, Nguỵ”, chống chiến tranh, đòi hoà bình tức khắc, đòi thả sinh viên bị bắt, chống bầu cử, chống chương trình quân sự học đường, đòi quyền sống đồng bào, cải thiện chế độ lao tù, bảo vệ quyền phụ nữ, đốt xe Mĩ, hát cho đồng bào tôi nghe, nói với đồng bào, triển lãm tội ác chiến tranh… 

Cảnh sát Quốc gia Đô Thành đã hoạt động tích cực và đã vô hiệu hoá được một số cán bộ Thành đoàn Cộng sản. 

Trong số các cán bộ Thành đoàn từng bị bắt, có những tên tuổi được báo chí nhắc tới khá nhiều, như Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội SVSG 1969-70, Lê Văn Nuôi, Chủ tịch Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn 1970-71... Thật ra, những tên tuổi này, lúc ấy, chỉ là cấp thấp, nằm trong hệ thống mặt nổi. Những cán bộ mặt chìm cao cấp hơn, mới thực sự nắm quyền chỉ huy. Một số những cán bộ lãnh đạo này còn nằm trong bóng tối. Một số khác đã bắt giữ, như: Lê Quang Vịnh, Lê Minh Quới (Bảy Tương, Bảy Lễ), Trần Quang Cơ (Tám Lượng), Hồ Hảo Hớn (Ba Lực, Hai Nghị), Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết), Phan Chánh Tâm (Năm Pha, Ba Vạn), Lê Hồng Tư (Năm Thợ Hồ), Phan Văn Dinh (Tám Bông, Chín Kế), Dương Văn Đầy (Bảy Không, Ba Niên) Trầm Khiêm (Hai Lâm), Trần Thị Ngọc Hảo (Tư Tín, cán bộ điều khiển Huỳnh Tấn Mẫm), Lê Công Giàu... 

Tiếc thay, công lao của lực lượng an ninh VNCH kể trên chưa đem tới thành công triệt để, chưa có thể bảo đảm được sự ổn định lâu dài cho học đường và an bình cho Đô thành. Qua xét xử, nhiều lần, quan toà đã thả những cán bộ Thành đoàn nòng cốt ra, một phần vì luật pháp Quốc Gia đòi hỏi phải có thêm bằng chứng; phần khác, vì chính quyền lúc đó chịu áp lực dư luận báo chí thiên tả trong nước và quốc tế rất nặng nề. Nhất là vì một số thành phần thiên Cộng, thiên tả trong Quốc hội, tôn giáo, báo chí, trí thức đã bênh vực ồn ào cho Huỳnh Tấn Mẫm và một nhóm nhỏ sinh viên là cán bộ cốt cán thuộc Thành đoàn Cộng sản đã bị bắt giữ để đem ra xét xử. 

II. MẶT TRẬN ĐẠI HỌC 

Tình hình các trường học tại Thủ đô Sài Gòn hết sức bất an sau những vụ ám sát do Việt Cộng thực hiện nhắm vào các sinh viên và giáo sư năm 1967 và 1969, cùng với những cuộc xuống đường tranh đấu liên tục suốt các năm 1969, 1970 và nửa đầu năm 1971. Tình hình an ninh trường ốc càng trở nên tồi tệ hơn khi Biệt động thành Cộng sản thi hành liên tiếp thêm 2 vụ khủng bố khác nữa: Ám sát sinh viên Lê Khắc Sinh Nhật và Gs. Nguyễn Văn Bông ngay giữa ban ngày, ở nơi công cộng. Lê Khắc Sinh Nhật, Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa và Phó Chủ tịch Tổng hội SVSG, bị bắn chết tại trường Luật ngày 28-6-1971. Gs. Nguyễn Văn Bông, Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh, bị đặt chất nổ chết tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản ngày 10- 11-1971. 

Tình hình an ninh toàn Thành phố và Đại học Sài Gòn như thế là quá xấu. Đặc biệt là máu của giáo sư và sinh viên đã đổ ra. Đó là lí do khiến chính quyền ra lệnh cho các ban ngành có trách nhiệm phải gấp rút mở ra một chiến dịch nhằm giải toả áp lực của Thành đoàn Cộng sản trong các trường học, nhất là tại Đại học Sài Gòn; đồng thời phải đặc biệt bảo vệ an toàn cho hàng ngũ sinh viên Quốc gia để họ yên tâm trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các tổ chức đại diện sinh viên. 

Thế là một mặt trận đã thành hình, mệnh danh là Mặt Trận Đại Học. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiến dịch được phát động, một số khá lớn cán bộ thuộc Thành đoàn Cộng sản bị phát hiện. Lần lượt, họ bị bắt giữ với đầy đủ bằng cớ có giá trị pháp lí chứng thực họ là những cán bộ Cộng sản và họ bị đưa ra toà xét xử. Số chạy thoát, phải trốn ra căn cứ hoặc là phải lặn thật sâu. 

Tài liệu của Cộng sản xác nhận như sau: “... từ năm 1972, địch đã ra tay khủng bố, càn quét, hòng đè bẹp các phong trào đấu tranh. Hầu hết những trụ sở tập họp công khai của thanh niên, sinh viên, học sinh đều bị chúng phá huỷ hoặc chiếm đóng... Tình hình im ắng, căng thẳng, không một cuộc đấu tranh công khai lớn nhỏ nào nổ ra được” (Hàng Chức Nguyên. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ, 2005. Trang 186). 

Tài liệu Cộng sản trên mới chỉ nhìn nhận cái phần chúng bị các lực lượng an ninh VNCH khống chế. Trên thực tế, việc trấn áp và bắt giữ các sinh viên Việt Cộng thì các lực lượng an ninh VNCH đã từng làm từ nhiều năm trước, thế mà những cuộc tranh đấu gây rối loạn vẫn cứ tiếp tục xẩy ra. Vậy tại sao bây giờ tình hình lại “im ắng... không một cuộc đấu tranh công khai lớn nhỏ nào nổ ra được”? Lí do là vì trước đây, tuy một số cán bộ Thành đoàn đã bị bắt giữ, nhưng Thành đoàn Cộng sản vẫn còn có các cán bộ khác tiếp tục nắm quyền kiểm soát Ban Chấp hành Tổng hội SVSG cũng như một số ban đại diện sinh viên các Phân khoa Đại học lớn và ra lệnh cho những tổ chức này tiếp tục phát động các cuộc đấu tranh. 

Thế nhưng tình hình bây giờ khác trước ở một điểm quan trọng. Đó là sự xuất hiện Lực lượng Sinh viên Quốc gia, bao gồm một số khá đông sinh viên thuộc nhiều Phân khoa Đại học. Họ kết hợp với nhau thành một lực lượng chặt chẽ, hoạt động có kế hoạch, mạnh mẽ và tích cực hơn bao giờ hết.

Giới sinh viên Đại học Sài Gòn còn nhớ một số những tên tuổi nổi bật trong Lực lượng Sinh viên Quốc gia thời kì này như: Lý Bửu Lâm, Trần Nguyên Đôn, Võ Quang Minh (Kiến trúc), Bửu Uy, Nguyễn Hữu Tâm, Lê Quảng Lạc, Phan Nhật Tân, Biện Thị Thanh Liêm, Ngô Kim Cúc, Hứa Minh Chánh (Văn khoa), Lê Khắc Sinh Nhật, Trương Văn Banh, Nguyễn Ngọc Tân, Ngô Đề Hiển, Lưu Trường Khương, Trần Ngọc Diệp, Nguyễn Văn Hùng, Ngô Đề Thạnh, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Văn Tấn, Huỳnh Quan Trọng (Luật), Lê Anh Kiệt, Phạm Minh Cảnh, Nguyễn Tường Quang, Khiếu Hữu Đồng, Nguyễn Thanh Nhàn (Khoa học)... 

Sau một thời gian hoạt động tương đối ngắn, Lực lượng Sinh viên Quốc gia đã giành lại được quyền kiểm soát Tổng hội SVSG và ban đại diện sinh viên các Phân khoa lớn và Đại học xá Minh Mạng. Phá vỡ hệ thống cán bộ Thành đoàn Cộng sản, đồng thời nắm lại được Ban Chấp hành Tổng hội SVSG và ban đại diện sinh viên các Phân khoa lớn là hai điểm mấu chốt căn bản, trong nỗ lực triệt tiêu tận gốc các cuộc đấu tranh do Thành đoàn Cộng sản phát động, nhằm gây xáo trộn tại các trường học và làm mất an ninh, trật tự công cộng. 

Có thể nói, chiến dịch đặc nhiệm của các cơ quan hữu trách và nỗ lực của Lực lượng Sinh viên Quốc gia trong giai đoạn này là một sự phối hợp chưa từng có, đã đưa tới thắng lợi lớn lao cho Lực lượng Sinh viên Quốc gia. Thành quả tốt đẹp là tình hình trật tự, an ninh Thủ đô Sài Gòn được vãn hồi. Phố phường lại tấp nập, an vui. Học đường đi vào kỉ cương, nền nếp. Các sinh hoạt học đường lành mạnh được tái lập. 

III. VÀI NHẬN XÉT 

1. Tập thể sinh viên có các ưu điểm là thành phần ưu tú, trẻ, đầy nhiệt huyết, cho nên họ thường là mũi nhọn đi tiên phong khởi phát những phong trào tranh đấu. Nhưng tập thể sinh viên cũng có những hạn chế vì họ chỉ là một lực lượng nhất thời, bởi vì không sinh viên nào muốn ở lại mãi trong trường. Họ phải tốt nghiệp và ra đời. Và vì còn trẻ tuổi, cho nên dù thế nào, các sinh viên vẫn thiếu nhiều kinh nghiệm và rất dễ bị những thế lực chính trị, tôn giáo, kích động hoặc lợi dụng. 

2. Một thành phần sinh viên Miền Nam đã bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị suốt từ 1963 cho tới 1971, có thể là do CIA, do một đảng phái hay do một số những kẻ lạm dụng tôn giáo, tệ hại nhất là do Cộng sản. Cảnh sát Quốc gia đã liên tục vất vả đối phó với các phong trào sinh viên tranh đấu. Thế nhưng, trên thực tế, Cảnh lực mới chỉ đánh “đàng ngọn” của các phong trào sinh viên tranh đấu, cho nên vừa vất vả vừa bị mang tiếng là đàn áp sinh viên, rất bất lợi về mặt chính trị. 

3. Khoảng thời gian từ 1966 trở về sau, Thành đoàn Cộng sản bắt đầu hoạt động mạnh tại môi trường Đại học thì khối đa số sinh viên Quốc gia thầm lặng chỉ lo học hành. Họ không thích Cộng sản, nhưng cũng không tích cực tham gia chống hay tẩy chay các hoạt động của Cộng sản trong nhà trường, nhất là không hăng hái dùng lá phiếu của mình để ngăn chặn Cộng sản xâm nhập vào học đường. Vì thế, một liên danh ứng cử ban đại diện sinh viên một Phân khoa do Thành đoàn Cộng sản đưa ra, chỉ cần đạt số phiếu rất nhỏ so với tổng số sinh viên thuộc Phân khoa là có thể đắc cử. Khi liên danh đó đắc cử, nghiễm nhiên có quyền đại diện ăn nói chính thức, hợp pháp. Họ bảo bãi khoá, tức thì cả trường đóng cửa. Họ nhân danh toàn thể sinh viên để yêu sách, đòi hỏi, tố cáo... Họ liên kết với các thành phần thiên tả, thân Cộng để liên tục mở ra nhiều đợt, nhiều hình thức đấu tranh. Chẳng những khối sinh viên thầm lặng mà ngay cả một số giáo sư và một số giới chức nhà trường cũng bị họ khống chế dễ dàng!

4. Luật pháp của một quốc gia tự do dân chủ rõ ràng đã trói tay chính quyền trong cuộc chiến đối đầu với bọn Cộng sản quỷ quyệt. Vì thế, các lực lượng an ninh Quốc gia tốn công sức rất nhiều mới thâu thập đủ bằng chứng để có thể giam giữ một cán bộ Cộng sản cốt cán. Ngược lại, khi Cộng sản nắm được chính quyền thì luật pháp đối với họ chỉ là cái bình phong, là công cụ của chính trị, là loại luật rừng “vừa đá banh vừa thổi còi”. Nghi ngờ: Bắt! Nhiều trường hợp bắt để đề phòng! Sau 30-4-1975, Cộng sản giam giữ hàng vạn người, không cần xét xử. Chỉ cần một tờ giấy hành chánh, họ đã nhốt hàng vạn sĩ quan, viên chức chính quyền VNCH vô thời hạn. 

5. Ôn cố nhi tri tân. Từ bài viết trên đây, người Việt Quốc gia đang sống tại hải ngoại có thể rút ra một bài học. Đó là ở bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt, Cộng sản Việt Nam (CSVN) đều tìm cách cài người vào để hoạt động lũng đoạn, khuynh loát, và cuối cùng, chiếm lấy độc quyền lãnh đạo. Từ khi Đảng CSVN được thành lập trong hội nghị tại Hong Kong (Ngày 3 tới 7 tháng 2, 1930) cho tới nay là 80 năm. Đảng Cộng sản bao giờ cũng đặc biệt chú trọng đến công tác an ninh, tình báo. Suốt 80 năm qua, nhờ nắm được quyền lãnh đạo liên tục lâu dài, CSVN đã tích luỹ được vốn liếng an ninh, tình báo rất đáng kể. Khi xẩy ra biến cố đồng bào Miền Bắc ồ ạt di cư vào Miền Nam để tị nạn Cộng sản sau Hiệp định Genève 1954, Cộng sản đã nhanh tay bố trí các điệp viên vào dòng người di cư. Bằng chứng là vào cuối năm 1969, đã nổ ra vụ án Cụm Tình Báo Chiến Lược A 22 làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Chính quyền VNCH đã đem ra toà xét xử các điệp viên Cộng sản dính líu tới vụ án này, như Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Đồng, Lê Hữu Thuý, Huỳnh Văn Trọng. Một số can phạm quan trọng trong vụ án là “dân Bắc Kì di cư 54.” Tương tự, chắc chắn CSVN đã bí mật gửi điệp viên của họ ra hải ngoại theo các đợt người vượt biên, vượt biển và có thể cả trong các đợt HO. CSVN có toà đại sứ và 2 toà lãnh sự tại Hoa Kì thì những nơi này đảm trách chỉ huy mạng lưới tình báo của họ. Hiện nay, chắc chắn CSVN đã cài xong mạng lưới tình báo chiến lược tại hải ngoại và họ đang vận hành mạng lưới đó ở khắp nơi có cộng đồng người Việt cư ngụ. Mặc dù mắt dân thường không thấy, nhưng mạng lưới tình báo chính trị chiến lược này của CSVN tại hải ngoại vẫn là một sự thật hiển nhiên.

Tháng 11-2011

BẠCH DIỆN THƯ SINH

 Hình ảnh những tên đồ tể trong Tết Mậu Thân 1968

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025