Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời VNCH

MẶT TRẬN ĐẠI HỌC THỜI VIỆT NAM CỘNG HÒA

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Được sự đồng ý của Tác giả, TỰ DO xin hân hạnh giới thiệu đến qúy độc giả cuốn sách MẶT TRẬN ĐẠI HỌC THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ do tác giả Trần Vinh, tức Bạch Diện Thư Sinh biên soạn.



LỜI GIỚI THIỆU

Tôi hân hạnh được Bạch Diện Thư Sinh có hảo ý cho xem bản thảo cuốn Mặt Trận Đại Học. Tôi đọc ngay và nhận thấy cuốn sách thật đặc sắc, sống động. Căn cứ vào dữ kiện cụ thể, tài liệu chính xác, tác giả đã phản ánh đúng thời kỳ rối ren mà VNCH phải đương đầu, nhất là đã dựng lại bức tranh tình hình xáo trộn liên tiếp xẩy ra tại các Phân khoa Đại học Sài Gòn trong những năm 60, 70 thế kỷ trước, cụ thể là tại Văn khoa, nơi tôi giảng dậy nhiều năm.

Cuộc chiến khốc liệt do CSBV phát động hầu xâm chiếm Miền Nam tự do đã qua đi gần 40 năm, đến nay, chẳng còn bao nhiêu bí mật về cuộc chiến mà người quan tâm chưa biết.

Thế nhưng, riêng tôi, tôi vẫn ao ước biết sự thật ẩn nấp đàng sau biết bao cuộc xuống đường, bãi khoá, ám sát, triển lãm, văn nghệ đấu tranh, hát cho đồng bào tôi nghe. Tệ hại nhất là thảm cảnh ba đồng nghiệp của chúng tôi là Gs. Nguyễn Văn Bông, Gs. Lê Minh Trí, và Gs. Trần Anh đã bị sát hại trên đường từ giảng đường về nhà hoặc từ nhà tới sở làm, rồi một số sinh viên của chúng tôi bị bắn, bị sát hại ngay tại đây, ngay tại ngôi trường chúng tôi giảng dậy.

Tôi thật ngạc nhiên và vui mừng tìm được câu trả lời khá thoả đáng trong cuốn Mặt Trận Đại Học. Cuốn sách là tài liệu hiếm hoi, cho thấy, hoá ra Cộng sản Việt Nam đã đánh VNCH bằng đủ mọi mật trận. Đại học cũng biến thành mặt trận do Thành đoàn Cộng sản lãnh đạo, nghĩa là có giáo sư theo Việt Cộng, có sinh viên là cán bộ Thành đoàn Cộng sản. Họ là lực lượng gây xáo trộn tại các các Phân khoa Đại học. Cũng may mắn và đáng khen, trước tình hình trường ốc bị gây xáo trộn liên tục như thế, đã xuất hiện một tập thể sinh viên Quốc gia ý thức được trách nhiệm của người thanh niên thời chiến, vừa chăm chỉ học hành vừa tích cực hoạt động hầu đẩy lùi ảnh hưởng của tổ chức Thành đoàn Cộng sản ra khỏi học đường.

Ngoài ưu điểm kể trên, tôi cũng chăm chú theo dõi những khám phá khác của tác giả về một số nhân vật tiêu biểu có liên quan tới mặt trận tại Đại học thời cận đại cũng như trong lịch sử trường ốc Việt Nam. Riêng phần tác giả coi các Nho sĩ thuở trước như là các sinh viên và Phong trào Văn Thân là phong trào sinh viên tranh đấu lại là một ý kiến mới mẻ.

Mặt trận tại Đại học là mặt trận đặc thù, không liên quan tới một số đông người như những mặt trận khác, nhưng tầm ảnh hưởng chính trị của mặt trận này trong nước và quốc tế không phải là nhỏ so với các mặt trận khác trong toàn cuộc chiến.

Vì thế, chắc chắn cuốn sách Mặt Trận Đại Học sẽ lôi cuốn sự chú ý của độc giả thường quan tâm tìm hiểu về cuộc chiến Quốc-Cộng trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam.

Tôi hân hạnh giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc bốn phương, đồng thời thành thật cảm ơn tác giả.

Toronto, Canada. Mùa Thu 2014.

Gs. Đỗ Khánh Hoan

Trưởng Ban Anh văn, Đại học Văn khoa Sài Gòn

<0><0><0>


LỜI MỞ ĐẦU

Sau khi Cộng sản chiếm trọn Miền Nam vào ngày 30-4-1975, mọi con bài của cả kẻ thắng lẫn người thua đều lần lượt được lật ngửa. Các tác giả của hai bên đã công bố hầu như tất cả mọi hoạt động công khai cũng như bí mật của mình. 

Riêng về những hoạt động của giới sinh viên thời chiến tranh, phía Cộng sản cũng đã công khai hoá các hoạt động của họ. Thật vậy, trong công tác mà người Cộng sản gọi là Thanh vận, tức là Thanh niên, Sinh viên, Học sinh vận, phía Đoàn (tức Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hay Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và Thành đoàn Cộng sản (tức Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ vận động thanh niên nội thành Sài Gòn - Gia Định) đã phổ biến rộng rãi trong nước nhiều cuốn sách, như: Phong Trào Đấu Tranh Chống Mỹ Của Giáo Chức Học Sinh Sinh Viên Sài Gòn (Hồ Hữu Nhựt. NXB Thành Phố HCM, năm 1984, 226 trang), Theo Nhịp Khúc Lên Đàng (Nhiều tác giả. NXB Trẻ, năm 1999, 1066 trang), Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Và Phong Trào Thanh Niên Việt Nam (Nhiều tác giả. NXB Thanh Niên, 616 trang), Trui Rèn Trong Lửa Đỏ (Nhiều tác giả. NXB Trẻ, năm 2005, 504 trang), Huỳnh Tấn Mẫm Một Đời Sôi Nổi (Diệu Ân. NXB Lao Động, năm 2008, 290 trang)... Hầu như tất cả đều viết với giọng điệu khoe khoang hoặc tâng công cho nhau trong tư thế kẻ chiến thắng. Một điều dễ nhận thấy là họ chỉ thi nhau thuật lại thành tích “làm cách mạng lật đổ” tức là chuyện “đánh cho Mĩ cút, đánh cho Nguỵ nhào”. Đang khi đó, họ không nói họ có làm được cuộc cách mạng chính trị hay không và làm ra sao, tức là sau khi người Mĩ đã ra đi và Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) sụp đổ rồi, thì họ có “xây dựng đất nước bằng mười”, có làm cho dân giầu nước mạnh, có bảo vệ văn hoá, bảo vệ thuần phong mĩ tục, bảo vệ danh dự dân tộc hay không; rồi chuyện giáo dục tụt hậu, mất phương hướng, chuyện quốc nạn tham nhũng và những chuyện xài luật rừng, hèn với giặc, ác với dân, v.v....; nhất là chuyện có bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ hay không. 

Tuy nhiên, trong mấy năm vừa qua, người ta thấy xuất hiện một số cán bộ Thành đoàn Cộng sản, xưa đã đấu tranh tích cực chống “Mĩ, Nguỵ” trong Đại học, nay từ úp mở tới công khai, bắt đầu tỏ thái độ bất mãn, phản kháng chế độ hoặc tố cáo nhà cầm quyền Cộng sản phản bội lại “lí tưởng tốt đẹp” thời tuổi trẻ của họ. Tuy mỗi trường hợp còn ẩn chứa những vấn đề riêng, nhưng có thể kể ra một số tên tuổi quen thuộc như Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu, Đào Hiếu, Hạ Đình Nguyên...; mạnh miệng nhất là Lê Hiếu Đằng, mới đây đã công khai xé thẻ Đảng Cộng sản, đòi lập ra đảng mới! 

Về phía những người Quốc gia từng có liên quan tới môi trường trường Đại học ở Miền Nam trước 1975, mới chỉ có một ít bài viết về các phong trào sinh viên tranh đấu ngày xưa, số và lượng chưa phơi bầy được nhiều sự thật còn ẩn dấu trong những phong trào sinh viên này. 

Nhận thấy những thế hệ sống dưới thời VNCH, nhất là giới cựu sinh viên xuất thân từ các trường Đại học Miền Nam, sắp qua đi, nhưng họ và những ai quan tâm, đặc biệt là các thế hệ mai sau cần có cơ hội nghe biết một tiếng nói thứ hai về các phong trào sinh viên tranh đấu trước 1975, nhất là trong khoảng thời gian 1966 tới 1971. 

Để góp phần nhỏ nhoi trong việc gióng lên tiếng nói thứ hai ấy, chúng tôi gom lại trong cuốn sách này những bài viết của chúng tôi liên quan tới các phong trào sinh viên tranh đấu, mục đích là để chứng minh thật sự đã nổ ra một Mặt Trận Đại Học trước 30-4-1975, giữa một bên là Thành đoàn Cộng sản, bên kia là Lực lượng Sinh viên Quốc gia, và kết quả trận đánh này ra sao. 

Về phía Thành đoàn Cộng sản, chúng tôi sẽ trình bày sơ lược các tổ chức của Cộng sản trong trường ốc, kèm theo là các cán bộ cốt cán phụ trách các tổ chức này. Sau đó, chúng tôi lựa chọn để khắc hoạ chi tiết về 3 nhân vật có thể coi là tiêu biểu cho 3 loại cán bộ Thành đoàn Cộng sản: Một là Trần Bạch Đằng, người chỉ huy trực tiếp và cao nhất bên phía Cộng sản trong mặt trận đô thị, bao gồm mặt trận Đại học; hai là Huỳnh Tấn Mẫm, tiêu biểu cho loại sinh viên Việt Cộng nhiệt tình tranh đấu, lập nhiều thành tích, nổi đình đám, nhưng cuối cùng bị bỏ rơi; ba là Nguyễn Đăng Trừng, tiêu biểu cho loại cán bộ trung kiên, vừa khôn khéo thâu đạt địa vị, vừa có dư thủ đoạn để bám giữ lâu dài vị trí quyền hành. 

Biết rõ về 3 cán bộ tiêu biểu này, quý độc giả sẽ có sự hiểu biết chung chung về các cán bộ Thành đoàn Cộng sản khác. 

Về phía Lực lượng Sinh viên Quốc gia, chúng tôi đánh giá cao sự hi sinh dấn thân của các sinh viên Quốc gia, vừa miệt mài trả nợ đèn sách vừa ý thức bổn phận người sinh viên Quốc gia, hăng hái tham gia các hoạt động nhằm loại bỏ ảnh hưởng của các cán bộ Thành đoàn Cộng sản ra khỏi môi trường trường Đại học, đồng thời tích cực tham gia các sinh hoạt học đường lành mạnh, các chuyến đi công tác cứu trợ đồng bào tị nạn Cộng sản, đồng bào nạn nhân bão lụt, đi thăm các chiến sĩ trấn đóng tiền đồn… 

Hoạt động của Lực lượng Sinh viên Quốc gia trong Mặt trận Đại học từ cuối năm 1971 được lợi thế hơn nhờ có sự nhập cuộc của Ban A 17 thuộc Phủ Đặc uỷ Trung ương Tình báo; đây là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ, có khả năng biết rõ đối phương và biết cách đánh thắng đối phương. 

Ngoài ra, cuốn sách còn có một số bài về những nhân vật liên hệ xa gần với các phong trào sinh viên tranh đấu trong chủ đề Mặt trận Đại học. Đời tư của những nhân vật này không quan trọng, hành động chính trị của các nhân vật này mới là chủ đích của bài viết, bởi vì những hoạt động công khai của họ đã gây ảnh hưởng khá lớn tới nhiều người, tới số phận của Miền Nam tự do. 

Chủ đề Mặt trận Đại học cũng là cơ hội thúc đẩy chúng tôi tìm hiểu thêm về những cuộc đấu tranh của giới sinh viên thời Nho học và thời Pháp thuộc. Từ đó, cho thấy mối liên hệ, điểm tương đồng và điểm dị biệt giữa những cuộc đấu tranh của các thế hệ sinh viên Việt Nam. Những sự việc trong các bài tìm hiểu thêm này xẩy ra trước thời điểm của chủ đề Mặt trận Đại học Thời VNCH, vì thế chúng tôi sắp xếp các bài ấy vào phần Phụ bản. Riêng bài cuối cùng, GS. Nghiêm Thẩm Vị Giáo Sư Anh Hùng Nhà Khoa Học Chân Chính, là để tưởng niệm và tri ân vị giáo sư bảo trợ luận văn của chúng tôi. 

Mặt trận Đại học diễn ra tại Thủ đô Sài Gòn, vì thế, nội dung đa số các bài viết cũng hạn chế trong phạm vi Sài Gòn – Gia Định. 

Vì các bài được viết trong những thời điểm khác nhau, từ 2009 tới 2013, cho nên đôi khi có một vài chi tiết cần lặp lại để độc giả tiện theo dõi từng bài viết hơn, và có một số bài đã được phổ biến cũng cần nhuận sắc, trước khi đưa vào sách này.

Đồng thời, chúng tôi xin minh xác 4 điểm: 

Thứ nhất, chủ đề này khá rộng lớn, còn cần sự đóng góp của nhiều người nữa mới tạm đầy đủ được. 

Thứ hai, chúng tôi chỉ chú trọng tới tính chiến đấu chống lại Thành đoàn Cộng sản trong Mặt trận Đại học cho nên chúng tôi không đề cập tới những sinh hoạt văn hoá, văn nghệ và xã hội nổi bật thời đó của giới trí thức trẻ nói chung, của tập thể sinh viên Sài Gòn nói riêng. Chẳng hạn như Chương Trình Phát Triển Quận 8, Chương Trình Công Tác Hè 1965, Giỗ Tổ và Hội Tết Làng Văn Khoa, Ban Trầm Ca (1965), Phong Trào Du Ca, Đoàn Văn Nghệ Sinh Viên Học Sinh Nguồn Sống (1966), Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường (CPS, 1966), Phong Trào Học Đường Phụng Sự Xã Hội... Những tổ chức và những sinh hoạt ấy chủ trương “phi chính trị, phi tôn giáo, phi ý thức hệ, phi mọi thứ cạnh tranh của cái thời giao động, đấu đá...”, cho nên không mang tính chiến đấu trực diện với Thành đoàn Cộng sản. 

Thứ ba, trong cuốn sách này, chúng tôi chỉ xoay quanh chủ đề Mặt trận Đại học, chưa bàn những chuyện liên quan tới các trường Trung học. Thực ra, tổ chức mật của Thành đoàn Cộng sản gồm có Đoàn uỷ Sinh viên và Đoàn uỷ Học sinh. Còn những tổ chức công khai mà họ muốn nắm lấy là Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng đoàn Học sinh Sài Gòn... Tổng đoàn Học sinh phát triển được tới 16 chi đoàn, nhưng chưa gây được tiếng vang bởi vì thủ lãnh Lê Văn Nuôi, một đảng viên, bị bắt ngày 3-10-1971 và bị đưa ra toà án xét xử ngày 23-3-1972. Đàng khác, vào khoảng thời gian 1971- 75, phía Lực lượng Sinh viên Quốc gia cũng đã có nhiều hiểu biết về Tổng đoàn Học sinh và đang tiếp tục theo dõi các hoạt động của tổ chức này. 

Thứ tư là về hình ảnh. Những tấm hình chụp các sinh hoạt của hàng ngũ sinh viên Quốc gia trước ngày 30-4-1975 nay rất hiếm và rất quý. Tiếc rằng những tấm hình này cũng đã phải chịu chung số phận bầm dập như thân phận của tất cả mọi người Việt tị nạn Cộng sản, cho nên nhiều tấm không còn rõ nét. 

Các phong trào sinh viên tranh đấu không là lực lượng giải quyết dứt điểm một cuộc cách mạng, một cuộc đổi đời chính trị, nhưng nó luôn luôn có thể đóng vai trò mũi nhọn tiến công tiên phong. 

Hiểu biết và rút tỉa những bài học từ các phong trào sinh viên tranh đấu là điều giới sinh viên, học sinh, gia đình, học đường và nhất là những nhà lãnh đạo đất nước cần quan tâm. 

Dù sao, đây mới chỉ là một nỗ lực cá nhân, chắc chắn còn thiếu sót rất nhiều. Chúng tôi thành thực mong mỏi nhận được sự chỉ giáo hữu ích của quý độc giả.

Nhân đây, chúng tôi xin cảm ơn tất cả các tác giả mà chúng tôi đã trích dẫn để làm sáng tỏ luận điểm trong từng bài viết. Chúng tôi xin cảm ơn Gs. Đỗ Khánh Hoan đã viết Lời Giới Thiệu, bào huynh là Bs. Trần Hoành đã đọc bản thảo và góp ý tổng quát. Chúng tôi cũng xin cảm ơn Ts. Trần An Bài, Giám đốc Nguyễn Trần Quý, Chủ tịch Tổng hội SVSG Lý Bửu Lâm đã viết nhận xét; các thân hữu Trần Văn Huyến, Nguyễn Long Thao, Trần Mạnh Trác, Bửu Uy, Nguyễn Hữu Tâm, Trương Văn Banh, Nguyễn Thế Viên, Lê Anh Kiệt, Phạm Minh Cảnh, Đỗ Hữu Phương, Biện Thị Thanh Liêm… đã đóng góp cho chúng tôi những ý kiến, những tài liệu và hình ảnh quý báu. Chúng tôi xin cảm ơn hoạ sĩ Huỳnh Ngọc Điệp đã bỏ nhiều công sức để thiết kế trang bìa và trình bày sách. 

Sau hết, xin đặc biệt cảm ơn bà xã Thu Lan, các con Mandy - Quốc Tuấn, và Tommy đã luôn luôn khuyến khích và giúp đỡ chúng tôi trong việc thực hiện và ấn hành cuốn sách này. To my beloved grandchildren Teresa, Annie, and Emily.



 






"Lực lượng Sinh viên Quốc gia, tuy còn nặng nợ đèn sách, đã tự nguyện tham gia chiến đấu chống lại Thành đoàn Cộng sản trong Mặt Trận Đại Học… Mặt Trận Đại Học diễn ra ngay trong khuôn viên các phân khoa đại học, đôi bên so găng bằng những đòn cân não, nhưng vẫn có đổ máu, có hi sinh tính mạng như các chiến sĩ ngoài mặt trận, bởi vì Cộng sản sẵn sàng dùng bất cứ phương tiện nào để đạt mục đích. Mỗi khi chúng yếu thế hoặc thất bại, chúng tổ chức ngay những vụ khủng bố hoặc ám sát các giáo sư và các sinh viên đối thủ. Với bao gian nan, nguy khó, cuối cùng, Lực lượng Sinh viên Quốc gia đã thắng, đã kiểm soát được tất cả các tổ chức sinh viên công khai, hợp pháp…"

BẠCH DIỆN THƯ SINH

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209