Tác phẩm: Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 2


 Mặt Trận Đại Học Thời Việt Nam Cộng Hoà - Bài 2

Bài 2 - SƠ LƯỢC TỔ CHỨC CỘNG SẢN TRONG GIỚI SINH VIÊN HỌC SINH SÀI GÒN TRƯỚC 1975 VÀ CÁC CÁN BỘ CỐT CÁN CỦA NHỮNG TỔ CHỨC NÀY

Tác giả: BẠCH DIỆN THƯ SINH

Để góp phần nhỏ bé vào việc giải mật cho những ai còn quan tâm tìm hiểu về các nguyên nhân tiềm ẩn của sự thành bại trong cuộc chiến Quốc - Cộng trước 1975; đàng khác, cũng hi vọng có thể cung cấp thêm chút ít tài liệu cho bài học lịch sử, sau đây, chúng tôi sẽ đúc kết tóm lược về các tổ chức Cộng sản trong giới học sinh, sinh viên Sài Gòn và các cán bộ chỉ huy cốt cán của những tổ chức này, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 1954 tới 30-4-1975. Lấy mốc thời gian này là vì năm 1954, chí sĩ Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng; cũng là năm bùng nổ cuộc di cư tị nạn Cộng sản của gần một triệu đồng bào Miền Bắc, lôi cuốn theo 1.200 sinh viên, tức 2/3 tổng số sinh viên của Viện Đại học Hà Nội. Với số sinh viên này, hợp cùng số sinh viên thuộc chi nhánh Viện Đại học Hà Nội có từ trước tại Sài Gòn, chính quyền đã lập ra Viện Đại học Quốc gia Việt Nam. Tới 1957 (Đệ Nhất Cộng Hoà), đổi thành Viện Đại học Sài Gòn để phân biệt với Viện Đại học Huế vừa được thành lập. Khi Cộng sản chiếm được Sài Gòn ngày 30-4-1975, Viện Đại học Sài Gòn bị giải thể. 

I. TỔ CHỨC 

1. Thời gian trước 1954 

Sau khi cuộc Thế chiến thứ Hai kết thúc năm 1945, người Pháp trở lại Việt Nam, nhiều học sinh bỏ trường đi chống Pháp. Trong số lớp trẻ xếp bút nghiên đi làm cách mạng này, một số đã gia nhập tổ chức Cộng sản. (1) 

Năm 1947, Cộng sản lập ra Hội Học sinh Việt Nam Nam bộ (thực chất chính là Đoàn Học sinh Cứu quốc trong nội thành Sài Gòn Chợ Lớn). Hồi đó chỉ có Viện Đại học Hà Nội, cho nên chưa có tập thể sinh viên ở Sài Gòn. 

Tại một số trường Trung học, Cộng sản đã cấy vào được một vài cán bộ nòng cốt. Tất cả tạm thời gom lại thành chi bộ ghép. 

Về hoạt động: Tuyển mộ thêm cán bộ, rải truyền đơn, phổ biến báo chí và tài liệu.

Năm 1949, Cộng sản lập ra Ban Chấp hành Hội Học sinh Nội thành gồm5 uỷ viên. Hoạt động: rải truyền đơn, bãi khoá. 

Thời gian này, nổ ra vụ trò Ơn, gây tiếng vang rất lớn. Ngày 09-01-1950, một số học sinh nội trú Trường Petrus Ký, do học sinh Nguyễn Minh Mẩng cầm đầu, kéo nhau đi xin chính quyền thả 2 học sinh của trường bị bắt trước đây. Không có bằng chứng nào nói Cộng sản khởi động vụ này, nhưng Cộng sản đã mau lẹ chớp lấy thời cơ để cướp công. Xảo thuật cướp công lần này giống hệt vụ Việt Minh cướp chính quyền ở Hà Nội trước đó 5 năm (ngày 17-8-1945). 

Mới đây, Bs. Nguyễn Minh Tân, hiện đang cư ngụ ở Pháp, là em ruột của học sinh Nguyễn Minh Mẩng năm xưa đã xác nhận, chính ông lúc ấy cũng là học sinh nội trú Trường Petrus Ký và đích thân đã chứng kiến và tham gia vụ trò Ơn. Ông khẳng định như sau: “Biến cố Trần Văn Ơn do học sinh Petrus Ký có sáng kiến đi gặp chính quyền để xin khoan hồng cho hai học sinh của trường bị câu lưu. Lúc đó anh em không bao giờ nghe hai tiếng biểu tình. Phong trào đó được dân chúng ủng hộ tham gia và giúp đỡ, trong chiều hướng quốc gia chống Pháp. Một số người trong chánh quyền lúc đó cũng không có nặng tay đối với học sinh mà có thể cũng đã thầm kín giúp tay cho học sinh. 

Cộng sản đã tìm cách lòn vào chóp credit và tuyên truyền hầu dụ dỗ các học sinh vào khu. 

Biến cố bạo động sau đó, đốt xe đốt chợ là của CS, muốn thừa dịp tái bản vụ Trần Văn Ơn. Nhưng họ đã thất bại vì không được học sinh và dân chúng ủng hộ nên bị xẹp một cách nhanh chóng” (Bs. Nguyễn Minh Tân. Biến cố Trần Văn Ơn. Người Việt Dallas Fort Worth. Số 763, Ngày 12-9-2008. Trang 4 D). 

Năm 1950: Lập ra Ban Cán sự phụ trách công tác học sinh. 

2. Khoảng thời gian 1954-1960 

Để có thể tuyển mộ thêm thành viên, Đặc Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định chỉ đạo mở rộng tổ chức thành Ban Cán sự Thanh niên, Học sinh, Sinh viên, Giáo chức và Kí giả. Phụ trách: Võ Văn Tuấn (Hai Trúc), Bùi Văn Trạch (Bảy Kê), Trần Quang Cơ (Tám Lượng), Lê Minh Quới (Bảy Tương, Bảy Lễ), Hồ Hảo Hớn (Hai Nghị), Trần Văn Nguyên (Thanh Giang). Họ lãnh đạo một số chi bộ học sinh và sinh viên nằm vùng tại các Trường Cao đẳng Vô tuyến điện, Hàng hải, Y-Dược, Luật... Giai đoạn này là giai đoạn liên chi uỷ lãnh đạo. 

Các lớp huấn luyện tổ chức vào các kì nghỉ hè, tại Bến Dược, Củ Chi, Bàu Trai, Đức Hoà (Long An), Long Tân (Ông Kèo) Huyện Long Thành, Mộc Hoá... Phát hành tờ Học Sinh Cứu Nước. 

3. Khoảng thời gian 1960-1964 

a. Tổ chức 

Đầu năm 1960, Bí thư Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định Võ Văn Kiệt (Chín Dũng, Sáu Dân), chỉ thị thành lập Ban Vận động Học sinh, Sinh viên Sài Gòn – Gia Định với chủ trương tích cực xây dựng và cài lực lượng bí mật, bán công khai và công khai vào các tổ chức học đường. Cán bộ chủ chốt: Phan Chánh Tâm (phụ trách), Lê Quang Vịnh (bị bắt tháng 8-1961 tại Củ Chi), Lê Văn Tân (Sáu Ninh, Ba Phú), Phạm Chánh Trực (Mười Dũng, Ba Thạch, Năm Nghị). 

Cộng sản cũng bắt đầu mở những khoá huấn luyện như Khoá Rừng Già tại Dương Minh Châu vào tháng 6-1960; Khoá Rừng Xanh cuối 1960 tại Nhuận Đức, Củ Chi. Khoá Đại Tây Dương tại Ba Thu, huyện Đức Hoà. Các khoá học huấn luyện cán bộ về 5 bước công tác: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Các nguyên tắc hoạt động: bí mật, ngăn cách, quan hệ đơn tuyến hoặc tổ tam tam; tổ chức bí mật không được nhập nhằng với công khai; quan hệ không xé rào hoặc dính chùm; bị bắt phải giữ khí tiết cách mạng, không khai báo. 

Cuối 1960, tại Khoá Rừng Xanh, Cộng sản tuyên bố thành lập Ban Cán sự Thanh niên, Học sinh, Sinh viên khu Sài Gòn – Gia Định. Bí thư: Trần Quang Cơ (Tám Lượng, Hai Lực), Lê Thanh Hải (Mười Nhom, Mười Hải); Phó bí thư: Hồ Hảo Hớn (Ba Lực, Hai Nghị); Uỷ viên thường vụ: Lê Minh Châu (Ba Cảnh), Phan Chánh Tâm (Ba Vạn), Nguyễn Đông Hà (Ba Lam), Nguyễn Thị Tràm (Ba Võ), Tăng Anh Dũng (Hai Minh, Sáu Thơ), Lê Hồng Tư (Năm Thợ Hồ), Nguyễn Văn Tỵ (Hai Thu). 

b. Các ban phụ thuộc 

Ban Cán sự Học sinh

Lê Minh Châu (Thường vụ), Phan Chánh Tâm (Năm Pha, Ba Tiền, Ba Vạn) phụ trách các trường vùng Gia Định, Tân Định, Phú Nhuận, Đa Kao; Lê Hồng Tư (Năm Thợ Hồ) phụ trách các trường vùng trung tâm Sài Gòn; Hồ Hảo Hớn (Ba Lực, Hai Nghị) phụ trách các vùng còn lại.

Ban Cán sự Sinh viên: 

Hồ Hảo Hớn, Nguyễn Thị Mỹ Diệm (Sáu Thanh), Nguyễn Thị Loan Anh (Năm Nga). Mỗi cánh có căn cứ riêng để tiện lẩn tránh hoặc để học tập. Cánh Phan Chánh Tâm đặt căn cứ ở Thạnh Lộc thuộc xã An Phú Đông; cánh Lê Hồng Tư đặt dưới Long An; cánh Hồ Hảo Hớn đặt tại ấp Chánh, xã Tân Thông Hội... 

c. Hoạt động 

Trong giai đoạn này, Cộng sản mới chỉ xâm nhập lẻ tẻ vào hiệu đoàn một số trường Trung học và tham gia công khai các sinh hoạt học đường như báo chí, du ngoạn, thể thao, công tác xã hội. Họ chưa nắm được một ban đại diện sinh viên nào. 

Tuy năm 1960 là năm Cộng sản phát động “Đồng Khởi” khắp nơi ở Miền Nam, nhưng họ chưa đủ khả năng chủ động mở mặt trận trong học đường. Chính họ đã phải thú nhận: “Nhớ lại thời kì Phật giáo đấu tranh 1963-1964, cơ sở cách mạng trong học sinh, sinh viên chưa đủ mạnh để có thể phát động độc lập các phong trào lớn trực diện đấu tranh chính trị với Chính quyền Sài Gòn, cho nên Khu uỷ chỉ đạo “Phải tấp vô cùng đồng bào và Phật giáo đấu tranh” (Theo Nhịp Khúc Lên Đàng... NXB Trẻ, 2000. Trang 19). 

Về báo chí: 

Báo bí mật như Cờ Giải Phóng, Suối Thép, học sinh có tờ Lửa Thiêng; báo công khai có Hồn Trẻ. 

d. Các bộ phận trực thuộc khác 

Xâm nhập vào một số tổ chức học đường, tổ chức Phật tử; Mặt trận Dân tộc Tự quyết; các nhóm “Sao Băng”, “Sao Xẹt”; một số cơ sở bí mật ở Đakao, Tân Định, quận 3; bộ phận công tác an ninh; lực lượng vũ trang. 

Bề ngoài, các tổ chức Đảng phụ trách thanh niên, học sinh, sinh viên này mang tên một tổ chức có tính cách “mặt trận” là Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng Sài Gòn – Gia Định lập ra ngày 09-01-1961 để dễ tập hợp sinh viên, học sinh. 

4. Khoảng thời gian 1965-1967 

a. Tổ chức bí mật: Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Đặc khu Sài Gòn – Gia Định 

Ban chấp hành: Bí thư: Phạm Trọng Danh (tức Lê Thanh Hải, Mười Hải, Mười Nhom), Phó bí thư: Hồ Hảo Hớn (Ba Lực, Hai Nghị). 

Thường vụ ban chấp hành: Lê Quang Thành (Tư Thành), Nguyễn TuấnGiao (Năm Giang), Lê Minh Châu ( Ba Cảnh), Tám Quang (bổ sung Tháng 6-1965). 

Uỷ viên ban chấp hành: Phan Chánh Tâm, Lê Thiết (Tư Kiếng), Lê Tấn Quốc, Nguyễn Đông Hà, Nguyễn Văn Minh (Ba Minh), Sáu Thắm. Tháng 6-1965, bổ sung thêm: Phạm Chánh Trực, Đỗ Hoàng Hải, Năm Lộc (Ba Thoại), Lê Mỹ Lệ (Năm Trang), Phạm Văn Hai. 

Đoàn uỷ sinh viên: Bí thư: Lê Thiết, Phan Chánh Tâm lên thế vào Tháng 11-1965; Phó bí thư: Phạm Chánh Trực. Tháng 01-1966, Phạm Chánh Trực lên Bí thư, Phan Văn Dinh (Tám Bông, Chín Kế) lên Phó bí thư. Các Uỷ viên: Hoàng Thị Kim Dung (Bảy Bích, Hai Cường), Nguyễn Thị Loan Anh (Năm Nga), Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết), Nguyễn Hữu Phuớc (Tư Hữu, Ba Thành), Võ Ngọc An (Bảy Câu), Lê Thanh Văn, Đặng Thiện. 

Đoàn uỷ học sinh: Bí thư: Phan Chánh Tâm (Ba Vạn), Phó bí thư: Năm Lộc (Ba Thoại). Tháng 11-1965, Phan Chánh Tâm chuyển qua đoàn Uỷ sinh viên, Năm Lộc lên làm Bí thư. 

Các ban ngành khác: Ban Vận động Thanh niên Trí thức; Ban Quân sự và Lực lượng Biệt động khu Đoàn; Ban An ninh Vũ trang; Ban Tuyên huấn; các trường nữ và nữ thanh. 

b. Tổ chức công khai 

Sinh viên: Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn. Ban Đại diện Sinh viên các Phân khoa, các trường Đại học. 

Học sinh: Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn và Ban Đại diện Học sinh các trường công và tư, Học sinh vụ thuộc Tổng Hội Sinh viên. 

Thanh niên Công nhân: Đoàn Thanh niên Phụng sự Lao động (Chủ tịch: Nguyễn Văn Toản). 

Phân công cán bộ để nắm và lèo lái hoạt động của tổ chức Thanh niên Phật Tử. Khu uỷ Sài Gòn – Gia Định cử Lê Thanh Hải đặc trách tổ chức Phong trào Dân tộc Tự quyết và Hoà bình, lôi kéo các nhân sĩ, trí thức tên tuổi và lấy lực lượng sinh viên, học sinh làm nòng cốt. 

5. Khoảng thời gian 1967-1972 

a. Tổ chức bí mật: Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định 

Ban Chấp hành: Bí thư: Hồ Hảo Hớn (Bí thư tiên khởi của Thành Đoàn), Phan Chánh Tâm (lên thay khi Hớn bị bắt). Phó Bí thư: Phạm Chánh Trực, Lê Mỹ Lệ (chuẩn bị trận Tết Mậu Thân 1968). Năm 1970, Trang Văn Học(Năm Tranh) lên Bí thư thay Phan Chánh Tâm (bị bắt). Khi Phan Chánh Tâm vượt ngục thành công, đã nắm lại chức Bí thư, Phạm Chánh Trực và Lê Mỹ Lệ (Năm Trang) làm Phó Bí thư như trước. 

Thường vụ Ban Chấp hành: Trương Mỹ Lệ (Tư Liêm), Nguyễn Văn Chí (Bảy Điền, Sáu Chí), Nguyễn Ngọc Phương (Ba Triết), Trang Văn Học. 

Đoàn uỷ sinh viên: Nguyễn Ngọc Phương, Trầm Khiêm, Dương Văn Đầy, Nguyễn Văn Sự, Lê Công Giàu, Trần Thị Ngọc Hảo. 

Đoàn uỷ học sinh: Lê Mỹ Lệ (Bí thư), Nguyễn Thị Nghĩa (Chín Ngân), Nguyễn Thị Thiên Bình. 

b. Tổ chức bí mật trong “Chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy” Tết Mậu Thân 1968

Lực lượng 1: Lực lượng Vũ Trang Và Biệt Động: Chỉ huy: Lê Tấn Quốc. Phó: Trang Văn Học. Thành viên: Nguyễn Văn Minh (Mười Minh), Phan Thanh (Ba Tung), Bùi Thị Thanh (Tư Hoành), Huỳnh Công Khanh (Sáu Vĩnh), Lê Văn Hưng (Mười Hưng), “Dì” Sáu Hoà. 

Lực lượng 2: Lực Lượng Chính Trị Vũ Trang. Chỉ huy: Nguyễn Văn Dũng (Trung Ương Cục điều động bổ sung). Phó: Phạm Chánh Trực. 

Lực lượng 3: Chính Trị Công Khai: Chỉ Huy: Phan Chánh Tâm (Ba Vạn). Phó: Phan Văn Dinh (Chín Kế) và Dương Văn Đầy (Ba Niên). 

Trong trận “Tổng tấn công và nổi dậy” hồi Tết Mậu Thân 1968, Cộng quân đã bị đánh bại thê thảm trong cả đợt 1 cũng như đợt 2, cho nên những lực lượng nằm vùng vừa kể trên đều mất liên lạc với Bộ Chỉ huy và đã không có bất cứ hành động nào đáng ghi nhận. 

c. Tổ chức công khai và bán công khai 

Ban Đại diện các trường học, trung tâm cứu trợ, Đoàn Sinh viên Phật tử (Đoàn trưởng là Nguyễn Xuân Lập. Hoạt động mạnh từ 1969 tới 1972. Thường tranh đấu qua các hình thức: ra tuyên cáo, kháng thư, thư ngỏ và tổ chức thuyết pháp, cầu an, cầu siêu, hội thảo tại các chùa Ấn Quang, Xá Lợi, Tịnh Xá Ngọc Phương..., để các lãnh tụ sinh viên tranh đấu lên phát biểu chống đủ thứ và hô hào Phật tử yểm trợ. Đoàn Sinh viên Phật tử còn đào tạo ra các cán bộ Thành Đoàn như: Trịnh Đình Ban, Trần Thị Lan, Trần Thị Huệ, Trần Văn Long, Nguyễn Thị Yến, Tô Thị Thuỷ, Nguyễn Hoàng Trúc, Đỗ Hữu Bút, Phan Thanh Đạm...); Thanh Lao Công (Thanh niên Lao động Công giáo Nhóm Vườn Xoài của Lm. Trương Bá Cần và Phan Khắc Từ).

6. Khoảng thời gian 1973-1975 

a. Tổ chức bí mật: Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định 

Ban Chấp hành: Bí thư: Phạm Chánh Trực, Phó Bí thư: Nguyễn Văn Nguyên (Mười Nguyên), Trương Mỹ Lệ (Mười Trương). 

Các bộ phận trực thuộc: Đoàn uỷ sinh viên, Đoàn uỷ học sinh, Đoàn uỷ các xí nghiệp trọng điểm, Ban Công tác Mặt trận Thanh niên, hệ thống Đoàn các cấp: Quận Đoàn và Huyện Đoàn, Ban Quân sự Thành Đoàn, Ban Tuyên huấn, Ban Tổ chức, Văn phòng Thành Đoàn. 

Đảng uỷ các trường Đại học và Trung học trọng điểm: Thành uỷ chỉ thị thành lập ra Đảng uỷ các trường Đại học và Trung học trọng điểm với nhiệm vụ bám trụ nội thành để chỉ đạo trực tiếp phong trào sinh viên, học sinh. Bí thư: Phạm Chánh Trực; Phó Bí thư: Trương Mỹ Lệ. Đảng uỷ: Dương Văn Đầy. 

b. Tổ chức công khai 

Sinh viên: Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, Tổng Hội Sinh viên Vạn Hạnh, Ban Đại diện Sinh viên các trường Đại học. 

Học sinh: Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn (ra đời 15-10-1964, Nguyễn Chơn Trung, tức Tư Lý, Sáu Quang, là Chủ tịch đầu tiên; Trung là Chủ tịch Đoàn Học sinh Trường Petrus Ký. Sau Trung là Lê Văn Nuôi thuộc Đoàn Học sinh Trung Học Kĩ Thuật Cao Thắng), Văn Đoàn Học sinh Sài Gòn, Đội Thiếu niên Phù Đổng, Đội Thiếu niên khăn quàng đỏ. 

Các tổ chức khác: Đoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinh, Đoàn Công tác Xã hội Sinh viên Học sinh Sài Gòn, một phần trong Uỷ Ban vận động cải thiện chế độ lao tù, một phần trong Uỷ Ban đòi quyền sống đồng bào, một phần trong Mặt trận Nhân dân cứu đói. 

II. VÀI NHẬN XÉT 

1. Nhận xét chung 

Cho đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn còn có người viết lách mắng mỏ Cộng sản là ngu dốt. Thiển nghĩ, nói như thế chỉ đúng một phần, bởi vì rõ ràng họ rất dở trong việc làm cho dân giàu nước mạnh, nhưng có thể khẳng định ngay một điều là Cộng sản rất thành thạo trong loại chiến tranh lật đổ, nhằm cướp chính quyền mà họ tiếm danh là làm cách mạng, bởi vì họ được huấn luyện thuần thục loại chiến tranh này.

2. Riêng về Thành Đoàn Cộng sản 

Tổ chức: Có 2 mặt: chìm và nổi. Mặt chìm gồm hầu hết là những Đảng viên, chỉ một ít là Đoàn viên. Họ là thành phần cốt cán và chỉ huy phong trào sinh viên, học sinh từ trong bóng tối. Mặt nổi là mặt công khai gồm những sinh viên, học sinh được tuyển chọn để tranh lấy những vị trí trong các tổ chức học đường như Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn, Vạn Hạnh, Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn hay ban đại diện sinh viên các Phân khoa, các ban văn nghệ, các ban cứu trợ... 

Tuyển mộ: Đối tượng tuyển chọn không thuộc gia đình quân nhân công chức cao cấp VNCH, có tư tưởng “tiến bộ”. Đầu tiên, đối tượng được xếp loại “quần chúng tốt” (2), rồi lên Hội viên (Hội Liên hiệp Thanh niên Sinh viên Học sinh Giải phóng khu Sài Gòn – Gia Định), tiếp theo là Đoàn viên (Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng), cuối cùng mới được kết nạp Đảng. 

Huấn luyện: Huấn luyện tại chỗ hoặc được giao liên bí mật đưa vào căn cứ để học tập. Học 5 bước: điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Hoạt động đơn tuyến hoặc “tổ tam tam”. Hoạt động bí mật không được lẫn lộn với công khai, không được xé rào khi tiếp xúc, tránh quan hệ dính chùm, bị bắt phải giữ khí tiết không khai báo, áp dụng công thức: “Nhất lí nhì lì tam suy tứ tử” (cãi lí, lì chịu đòn, giả bệnh, giả chết để tìm cơ hội vượt ngục). 

Hoạt động: Về lí thuyết, khai thác tối đa ý chí bài ngoại, “Chống Đế quốc Mĩ xâm lược”, “Chính quyền VNCH chỉ là bù nhìn, tay sai”, còn “Cách mạng” là chính nghĩa, là dân tộc, hi sinh chiến đấu giải phóng Miền Nam, vì độc lập, tự do, hạnh phúc, bình đẳng, cơm no áo ấm cho đồng bào. 

Chiến thuật: Khi yếu, lợi dụng tối đa những nhân vật, tổ chức, hội đoàn tiến bộ hợp pháp, công khai và bán công khai để bảo toàn lực lượng và dần dần cài người vào. Khi đã nắm được quyền thì tiến công liên tục dưới mọi hình thức, làm cho Sài Gòn càng rối loạn bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. 

Kết quả: Đã thành công giành được các Ban Chấp hành Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1967, 1967-68, 1968-69, 1969-70), Tổng Hội Sinh viên Vạn Hạnh, Tổng Đoàn Học sinh Sài Gòn và một số ban đại diện các Phân khoa... Đã lôi kéo được một lớp sinh viên học sinh tạo thành phong trào sinh viên, học sinh tranh đấu sôi nổi trong một thời gian, ngay trong lòng Thủ đô SàiGòn. 

Tháng 01, 2011 


Chú thích: 

1. Để viết bài này, chúng tôi dùng sự hiểu biết riêng và tài liệu của Ban A 17 để đối chiếu với một số tài liệu do Thành Đoàn Cộng sản xuất bản sau 1975, như cuốn Theo Nhịp Bước Lên Đàng (Đoàn Thanh Niên Cộng sản Tp. HCM. của nhiều tác giả. NXB Trẻ, năm 2000) và cuốn Trui Rèn Trong Lửa Đỏ (Tập ký sự truyền thống Thành Đoàn của nhiều tác giả. Cũng do NXB Trẻ, năm 2005). 

2. “Quần chúng tốt” là những sinh viên, học sinh đã được cán bộ Thành Đoàn chấm điểm “tốt”, đáng được“bồi dưỡng”, đáng được rèn luyện thêm để có thể trở thành Đoàn viên, rồi Đảng viên sau này. Những tiêu chuẩn căn bản cần có để được chấm định là một“quần chúng tốt” gồm có: gia đình phải thuộc thành phần lao động, không phải là quân nhân công chức trung hoặc cao cấp của chính quyền VNCH. Tư tưởng của đối tượng phải “tiến bộ” có nghĩa là căm thù các loại thực dân đế quốc, thích “làm cách mạng” hoặc là có “khuynh hướng xã hội”, đứng về phía tầng lớp bị áp bức, đói khổ... và thường xuyên tham gia, ủng hộ các các hoạt động tranh đấu tại học đường. 

BẠCH DIỆN THƯ SINH 


Bài liên quan:

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209