Duyên Phận Và Mệnh Số
Duyên Phận Và Mệnh Số
Tác giả: LÊ NGUYỄN HẰNG
Từ San Jose, tôi đón xe đò Hoàng xuôi Nam. Từ hôm cùng với mấy đứa con của Hà bí mật bàn tính chuyện tổ chức buổi lễ sinh nhật thứ 60 cho Hà ở San Diego, tôi rất nôn nóng chuẩn bị cho chuyến đi này. Đây không phải một họp mặt sinh nhật bình thường như những lần trước. Đến đó tôi sẽ gặp đông đủ lũ bạn “quỷ sứ” của trường tiểu học và trung học ngày xưa.
<0><0><0>
Hà là một người chị họ con bà bác,
chỉ hơn tôi một tuổi và học cùng lớp nên hai chị em thân nhau hơn bạn. Hai đứa
từ giã Hà Nội cùng gia đình di cư vào Nam và cùng định cư tại Tuy Hòa, cùng ở
gần nhà nhau trong khu “Bắc Kỳ di cư” từ ngày “tóc còn để chỏm.”
Dù là vai chị nhưng vì xuýt xoát tuổi
nhau, lại học cùng lớp nên hai đứa tôi vẫn mày tao. Hà và tôi lúc nào cũng ngồi
bàn đầu và sát cạnh nhau vì chúng tôi vừa nhỏ tuổi lại vừa nhỏ con, cùng nổi
tiếng là “cây gạo”. Chúng tôi thân nhau đến độ cắt tóc và mặc quần áo giống
nhau.
Ngoài giờ học ở trường, hai đứa
thường đến nhà nhau học bài chung. Đi thi Tú Tài I ở Quy Nhơn và Tú Tài II ở
Nha Trang đều ngồi cạnh nhau vì tên cùng vần.
Đậu Tú Tài Toàn Phần xong, như chim
rời tổ, mỗi đứa một nơi, Hoành vào Sài Gòn học tiếp, Hà đi Nha Trang, riêng tôi
ở lại Tuy Hòa đi làm giúp đỡ gia đình một thời gian.
Cuộc sống nổi trôi theo dòng đời, tôi
thuyên chuyển vào Sài Gòn, mãi đến năm 1974, mới tình cờ gặp lại Hà ở Chợ Bến
Thành thì cả hai đã tay bế tay bồng, mỗi đứa đều có hai con gái và một con
trai. Gia đình Hà rất hạnh phúc, hai vợ chồng làm cùng nghề. Phong, chồng Hà
cưng chiều vợ hết mực.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 như cơn hồng
thủy đổ ập lên đầu mọi người, chúng tôi mất liên lạc một lần nữa. Gia đình tôi
may mắn được di tản và định cư tại Mỹ, còn Hà ở lại sống với gian truân thử
thách.
Phong bị đi tù cải tạo như hàng vạn
quân dân cán chính khác. Hà lo sợ hoảng hốt vì chồng đi biệt tăm không trở về
sau 10 ngày như lời hứa hẹn của chính quyền, cũng không có tin tức còn sống hay
chết dù chỉ một lời nhắn. Cũng như những gia đình của miền Nam phải đối mặt với
cuộc sống mới khó khăn vô định, Hà bắt đầu bán tất cả những gì có thể, từ cái
TV, tủ lạnh, bộ bàn thờ, giường tủ, bát đĩa, xoong nồi đến những bộ quần áo,
giày dép của hai vợ chồng đều từ từ bỏ Hà ra đi để đổi lấy gạo và thức ăn nuôi
ba đứa con đang sức lớn mà không được ăn đủ no.
Hà phải thoát ra khỏi cái vỏ ốc của
một phụ nữ yếu đuối mong manh, bươn chải theo những người bạn đi buôn để có
tiền nuôi con và chờ tin tức của chồng
Rồi Hà được tin về Phong từ những
trại tù ở những tỉnh miền Bắc xa xôi chưa bao giờ Hà nghe tên. Những chuyến
thăm nuôi vất vả, ngủ đêm chờ đợi ở bến xe, rồi băng rừng lội suối, đi bộ trên
những đoạn đường mấp mô gập ghềnh khó khăn để rồi nhìn thấy một hình hài quắt
queo, nhăn nhúm của chồng chỉ làm Hà thêm quyết tâm cố gắng làm ra tiền dù phải
vất vả trăm bề để nuôi chồng sống sót mong một ngày trở về.
Gần sáu năm sau, Phong ra tù, tinh
thần và thể xác đều kiệt quệ. Hà đau lòng nhìn thấy chổng tàn tạ rũ rượi như
tàu lá héo trong khi các con ở trường thì bị trù dập vì là “con của ngụy”, học
thì bị nhồi sọ những giáo điều cũ kỹ, không tưởng, bịa đặt và láo khoét.
Để phụ với mẹ kiếm sống, sau giờ học,
chúng đi bán bánh kẹo nên phải học cách mánh mung, gian trá;
Thời ấy, bên cạnh phong trào đi bán
chính thức đang rầm rộ, có những chuyến vượt biên không chính thức cũng diễn ra
trong âm thầm, các con Hà cũng được tập nói dối trơn tru khi bị hạch hỏi tra
gạn về những chuyến vượt biên hụt của gia đình.
Ngay khi Phong trở về từ nhà tù, hai
vợ chồng đã quyết định phải tìm cách mang các con ra đi, dù có cùng bỏ mạng
trên biển cả còn hơn sống trên quê hương mà như trong cõi chết.
Cả gia đình đã vài lần cùng đi nhưng
thất bại và đồng tiền Hà dè xẻn, dành dụm đã cạn dần, cuối cùng phải quyết định
để Phong đi một mình trước rồi Hà sẽ tìm đường đem các con đi sau.
Ngày Phong ra đi, Hà đeo vào cổ anh
sợi dây chuyền có tượng Phật Bà Quan Âm nhỏ bằng vàng giả, giống hệt như cái
nàng đang đeo, Hà bảo anh rằng gặp cơn hoạn nạn thì nhớ cầu Phật Bà che chở.
Ba tháng, rồi sáu tháng, chờ mãi
không được tin tức gì của chồng, chỉ nghe người ta xì xào là chuyến ghe đó bị
chìm, cả gia đình chủ tàu cũng không ai sống sót.
Hà bèn liều mạng dùng mấy lạng vàng
cuối cùng dẫn các con đi với gia đình một người bạn. May mắn thay mẹ con Hà đã
đến được bến bờ tự do.
Năm 1983, tôi được tin Hà đã một mình
vượt biển mang theo ba đứa con, Linh 13. Nga 11 và Nhi 4 tuổi, vừa được Lộc,
người em kế rất thân với Hà, bảo lãnh ra San Diego ở với vợ chồng cậu ấy, cả
gia đình tôi lập tức xuống vùng Nam California để gặp Hà.
Phút tương phùng, chúng tôi ôm nhau
mừng rỡ trong nước mắt. Nhìn một Hà gầy guộc, đen xạm, dấu tích của những ngày
lao động cơ cực, tôi không khỏi đau xót nhớ đến một Hà xinh đẹp, duyên dáng, ăn
mặc thanh nhã nhưng hợp thời trang của thời đi học và trước năm 1975.
Hà ôm lấy tôi nức nở: “Anh Phong bỏ tao đi rồi Hằng ơi, gần một năm rồi còn gì”. Tôi thương bạn quá đỗi nên an ủi: “Đã chắc gì, nhiều khi anh ấy trôi giạt vào một hoang đảo nào đấy thôi, từ từ xem”. Tôi nói nhưng thực sự không tin điều mình nói. Tôi nhìn những ngón tay xương xẩu của bạn mà lòng xót xa. Tôi đã ở lại mấy ngày với Hà và lũ nhỏ để chia sẻ, an ủi với Hà những bất hạnh, giúp ý kiến cho Hà trong những ngày đầu bỡ ngỡ nơi xứ lạ.
Rất may là Hà và tụi nhỏ đã đến bến bờ tự do, thôi thì muộn còn hơn không! Hãy làm lại từ đầu, nước Mỹ sẽ là nơi cho chúng mặc sức học hành và phát triển tài năng. Tôi nói. Hãy nhìn về phía trước Hà ơi…
Mới vừa được tạm ổn dưới mái nhà của
Lộc, “họa vô đơn chí” vẫn không buông tha người bạn khốn khổ của tôi. Ở chung
trong gia đình với người em được gần sáu tháng, Lộc mới trên ba chục tuổi đang
khỏe mạnh, có việc làm tốt, bỗng nhiên đột tử chỉ sau một cơn nhức đầu. Hà đã
lăn lộn vật vã khóc thương Lộc, người em mà Hà thương nhất trong các anh chị
em. Được tin, dù đang bận việc sở cho cuối tài khóa, tôi cũng lập tức chạy
xuống thăm để nâng đỡ tinh thần bạn tôi.
Tôi vừa bước vào cửa, Hà đã rũ xuống
tay tôi như cây chuối bị đốn. Tôi chỉ còn đủ sức dìu Hà vào phòng đặt nằm trên
giường, kéo gối và đắp mền cho thẳng thắn rồi ghé nằm xuống bên cạnh, tay tôi
lại chạm vào đôi vai gầy gò đang rung lên từng hồi theo tiếng kể lể thảm thiết
đứt quãng của bạn mà lòng đau như cắt. Lúc đó tôi thực sự oán trách ông Trời.
Chúa ơi, Phật ơi, các Ngài ở đâu mà
để cho một người đàn bà chân yếu tay mềm như Hà gánh hết oan khiên khổ nạn của
cuộc đời! Chỉ trong hai năm mà chồng mất tích, hai đứa em vượt biển bị chết và
bây giờ cái phao cuối cùng để Hà bám vào cho sự sống cũng không còn nữa”. Tôi
chỉ có thể nắm chặt hai bàn tay lạnh giá run rẩy của bạn như một lời hứa “bên
mày luôn có tao, Hà ơi.”
Về lại San Jose, hằng ngày tôi điện
thoại xuống an ủi, động viên và khích lệ tinh thần Hà để vượt qua những tai
ương nghiệt ngã đeo đẳng. Phải mất mấy tháng Hà mới lấy lại bình tĩnh và lo cho
cuộc sống thường nhật. Lúc đầu rất khó khăn vì Hà chưa biết lái xe và các con
còn nhỏ. Nhờ tính tần tiện và vén khéo, tiền trợ cấp cũng đủ cho mẹ con sống và
ăn học.
Cũng may, một mình lo cho bốn mẹ con
vừa ăn vừa học lại thêm bài vở của mình, Hà không có rảnh một phút để buồn tủi
cho thân phận cô đơn vất vả của mình trên đất lạ. Các con cũng biết thương mẹ
khổ sở nên chịu khó học hành và ngoan ngoãn vâng lời mẹ dạy.
Tuy tiếng Anh hơi yếu, nhưng nhờ
quyết tâm và vốn liếng chữ nghĩa có sẵn, Hà đã lấy được mảnh bằng đại học sau
bốn năm miệt mài kinh sử. Hè năm 1987, Linh xong trung học và Hà đậu bằng cử
nhân. Tôi xuống San Diego dự lễ ra trường của hai mẹ con. Chúng tôi thật là
hạnh phúc!
Biết là Hà không có thì giờ và tâm
trí để đi mua sắm, thỉnh thoảng trong những chuyến công tác xuống Santa Ana,
tôi vẫn ghé thăm Hà cùng 3 đứa con và những khi đi “shopping”, thấy quần áo hay
ví tay mà tôi thích, tôi mua luôn một cặp, để hai đứa tôi vẫn còn được mặc quần
áo giống nhau như ngày xưa còn bé.
Khi chúng tôi có thì giờ tâm sự, tôi
nói bóng gió xa gần về sự lẻ loi đơn chiếc của Hà:
- Mày cứ thui thủi một mình làm tao
không yên tâm tí nào.
- Còn đám con tao đấy thôi. Hà ngắt
lời.
- Con khác. Chúng nó có đời sống
riêng. Mày phải cần kiếm một bờ vai của một người đàn ông cho mày tựa những lúc
cuộc đời làm khó mày, hay những lúc mày ốm đau xuống tinh thần là những điều
không đứa con nào có thể cho được.
Lúc nào Hà cũng gạt đi:
- Tao đã sống quá nửa đời người, qua
bao nhiêu khổ đau nghiệt ngã, đâu còn thiết tha gì chuyện tình ái. Tao chỉ mong
cho mấy đứa nhỏ ăn học thành tài, sống cuộc đời ngay thẳng đạo đức như ông bà
nội ngoại và vợ chồng tao đã dạy, muốn vậy thì chính tao phải là một tấm gương
tốt cho chúng nó noi theo, với lại…
Tôi ngắt lời:
- Với lại gì?
Hà ngập ngừng:
- Với lại… tao vẫn có một linh tính
mơ hồ là anh ấy chưa chết cho nên tao vẫn…đợi. Mày có nghĩ tao hoang tưởng thì
tao cũng đành vậy thôi.
Không chịu thua, thỉnh thoảng tôi vẫn
gợi tên những người đàn ông yêu mến Hà và muốn cho Hà hạnh phúc. Họ thấy không
cách nào gây được sự chú ý của Hà nên đã nhờ cậy đến tôi, nhưng những lời bóng
gió, khuyên nhủ, dỗ dành của tôi đều như gió thoảng mây bay, Hà vẫn một mực ôm
ấp và gìn giữ tình yêu cho chồng. Bây giờ Hà đã hơn 60, nhưng tình yêu ấy không hề
suy giảm.
Hà cũng tâm sự về con. Thằng Linh có
tính nghệ sĩ, nó nói với tao rằng:
- Từ bé con đã mê hội họa và đàn
dương cầm, con xin phép Me cho con học hai môn này.
- Me biết con thích những thứ đó,
nhưng hãy thực tế một chút đi con. Gia đình mình nghèo, con là anh cả trong nhà
thay ba con làm cột trụ gia đình, con nên chọn một nghề có thể nuôi sống gia
đình và giúp đỡ bà con nội ngoại còn đang sống nghèo khổ thiếu thốn ở Việt Nam.
Sau này, con vẫn có thể học thêm những món ưa thích kia cho con vui và giải
trí, nghe lời me đi con.
Thế là Linh chọn nghề bác sĩ, ngành
giải phẫu cho Mẹ vui lòng với lý do rất nhân bản là để cứu giúp những người đau
ốm bệnh tật ngoài việc kiếm đủ tiền nuôi gia đình.
Nga là một đứa con gái hiền lành, nền
nếp dễ bảo, lúc nào cũng muốn làm vừa ý mẹ, nó học làm dược sĩ để cùng hợp tác
với Linh trong vấn đề thuốc thang cho bệnh nhân. Hai anh em vẫn thường bàn cãi
sôi nổi về những phát minh y khoa và dược khoa.
Nhi, bé út nhưng ngỗ nghịch và hay lý
sự nhất nhà. Mặc dù rất thương mẹ, nhưng đôi khi cũng làm phật ý mẹ, Nhi luôn
làm theo ý mình. Nó bảo trong nhà có hai bác sĩ là quá nhiều rồi, nó muốn làm
kỹ sư. Nhờ có dòng máu thông minh của cả ba lẫn mẹ, Nhi đã trở thành một chuyên
gia xuất sắc trong ngành của mình và làm chủ nhiều bằng phát minh.
Người bạn mà tôi rất thương yêu và
khâm phục ấy, một người đàn bà chân yếu tay mềm như thế đó, trải qua bao nhiêu
gian truân, đau thương trong cuộc đời, đã đơn thương độc mã chiến đấu với cuộc
sống mới khó khăn trên đất Mỹ, bắt đầu với hai bàn tay trắng cùng ba đứa con
nhỏ dại và mấy cái khăn tang dấu kín trong lòng đã vượt thoát khỏi nghịch cảnh,
tự xây dựng cho mình một cơ sở làm ăn vững vàng nhờ bản tính trung thực, nhã nhặn
và ba đứa con thành công trong những lãnh vực khác nhau.
Đã gần 35 năm, kể từ ngày mẹ con Hà
đến được nước Mỹ. Còn số phận của Phong, người chồng mất tích trong chuyến vượt
biển trước đó thì sao?
Sau chín ngày lênh đênh trên biển cả,
con tầu hết dầu, chết máy, thả neo trông đợi thuyền tàu nào tới cứu. Rồi ngày
qua ngày, không thấy gì ngoài bầu trời mênh mông và biển dữ cuồng nộ. Khi thì
mưa tầm tã, lúc lại nắng chang chang rát mặt, đêm bao la đen tối đến rợn người.
Những mảnh khăn trắng treo trên cột buồm không mảy may làm xúc động những con
tầu đi ngang, những lời lạy lục van xin cũng không động tâm những người trên
các chuyến tàu vô tình kia. Mỗi ngày là một thách đố cho sự sống còn của mấy
chục mạng người trên chiếc thuyền mong manh ấy.
Lương thực đã hết. Cái chết đầu tiên
đã làm mọi người hoang mang, hoảng loạn. Ngày hôm sau, hôm sau nữa lại thêm
những cái chết cô đơn trong đói khát, nằm ngồi ngổn ngang. Tiếng khóc than
tuyệt vọng tắt dần. Phần Phong, cũng chỉ còn sức để lặng lẽ cầu nguyện.
Thuyền cứ lênh đênh trôi cho đến khi
vừa nhìn thấy bờ ở xa xa thì chiếc tàu bị đội lên, một tiếng xoạc khủng khiếp
và chiếc tàu bị nứt rạn do đá tảng cứa vào, tiếng la hét vang dội, nhưng không
ai còn sức lực nào để có thể bơi vào được tới bờ.
Phong chỉ nhớ được rằng khi chiếc tàu
lật úp, đập lên người Phong, chàng thấy đau nhói ở đùi bên trái và máu ra lênh
láng, chàng cố vẫy vùng trong tuyệt vọng, cuối cùng bám được một mảnh gỗ của
chiếc ghe, phó mặc cho số mạng…
Sau cơn trôi dạt vô vọng không biết
bao lâu, Phong bỗng thấy quanh mình lao xao tiếng người, rồi chàng dần hồi
tỉnh. Một thanh niên cho Phong biết là khi tàu của họ được vớt sau khi đã chết
gần hết thì thấy trên bờ xa xa hình như có một thân người, họ đến nơi thấy
chàng còn thoi thóp thở nên kéo chàng nhập chung vào nhóm người cùng ghe của họ
và tất cả 9 người đều được hội Hồng Thập Tự chăm sóc sức khỏe.
Phong bị con thuyền đập vào gẫy chân
trái, máu ra nhiều mà không được cứu chữa ngay, nên bị nhiễm độc và bác sĩ phải
cưa chân trái của chàng tới trên đầu gối.
Lúc tỉnh dậy, Phong thấy mình cụt một
chân, tay trái bị bó bột, toàn thân đau đớn vì xương sườn bị dập. Thấy mình đã
thành người tàn phế, chàng không muốn sau này trở thành gánh nặng cho vợ con
nếu chàng may mắn tìm được họ vì vậy chàng chỉ muốn tự vẫn, hóa kiếp cái hình
hài dị dạng này cho xong một đời người. Một tuần sau mọi người đã có mặt trên
đảo Pulau Bidong, Mã Lai Á.
Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, nhất
là sự chăm sóc tận tình của một nữ y tá người địa phương tên Wani Avarat và lời
khuyên răn của những thuyền nhân khác, Phong dần dần nguôi ngoai nhưng vẫn nhất
quyết không trở thành một gánh nặng cho vợ con với một tinh thần sa sút và một
thân xác tàn tật.
Cô y tá Wani, một người đàn bà trẻ
góa chồng và không có con, tìm thấy trên mặt của chàng còn phảng phất nét thông
minh tuấn tú của một người có học thức dù bao năm bị tù đầy vùi dập và chuyến
vượt biển thập tử nhất sinh của Phong nên ngoài việc lưu tâm săn sóc thể chất,
cô luôn luôn động viên tinh thần cho Phong. Chờ khi Phong tỉnh táo, cô đã đề nghị
với chàng để cô bảo lãnh ra sống với cô ở Mã Lai với lời hứa là Phong có thể đi
tìm và trở về với gia đình của chàng bất cứ lúc nào.
Nhờ có sự khuyến khích của cô Wani,
Phong dần dần hồi phục. Sau khi đã được lắp chân giả, Phong đi học lại và cũng
theo ngành y tá. Hai người sống với nhau hạnh phúc cho đến hai năm trước đây,
cô Wani bị bệnh ung thư. Để đền đáp mối ân tình cho người đã cứu mạng sống của
mình, Phong đã tận tụy săn sóc Wani, nhưng cuối cùng, Wani vẫn không thể vượt
qua cơn bệnh ngặt nghèo. Hai năm trước đây, Wani đã giã biệt cõi đời. Từ đó
Phong xin làm thiện nguyện và rồi trời đã xếp đặt cho chàng có cơ duyên làm
việc cùng toán với Linh, một bác sĩ giải phẫu từ Hoa Kỳ sang làm thiện nguyện
tại một làng nghèo bên Mã Lai.
Ngày cuối của công việc thiện nguyện,
sau khi đã hoàn tất một ca giải phẫu cho bệnh nhân, Bác Sĩ Linh mời Y Tá Phong
ra ngoài sân bệnh viện uống cà phê cho tỉnh táo. Sau mấy ngày làm việc với ông
y tá đứng tuổi của địa phương có nước da nâu sạm và đôi tay gân guốc, hai người
đều đeo khẩu trang nên Linh không thấy rõ chi tiết trên khuôn mặt, ngoại trừ
đôi mắt sâu thẳm u uẩn của ông ta.
Nay xong công việc, khẩu trang đã gỡ
bỏ, thong thả bên ly cà phê, bác sĩ và y tá biết nhau cùng là người Việt, trò
truyện bằng tiếng Việt, Linh bỗng cảm thấy một cái gì gần gũi thân quen khác
thường.
Khi ông Phong cúi xuống dập tàn thuốc
lá, nhìn khuôn mặt khắc khổ của người bạn lớn tuổi mới quen, Linh bỗng giật
mình khi thấy trên cổ ông ta một sợi dây chuyền có tượng Phật Bà. Phải rôi,
cũng sợi dây chuyền ấy, tượng Phật Bà ấy, Linh từng thấy Mẹ mang trên cổ hàng
ngày. Cho tới bây giờ, thỉnh thoảng mẹ vẫn mân mê cái tượng đã xám xỉn lâm râm
lời cầu nguyện. Linh kiên nhẫn gợi chuyện và ngồi yên lắng nghe về chuyến hải
hành đầy khủng khiếp của Phong.
Bây giờ thì Linh đã chắc chắn người y
tá già ngồi trước mặt là người cha mất tích suốt tuổi niên thiếu của mình vì
nơi chốn và ngày đi của ông ấy đều trùng hợp với cha mình.
Hai bố con nhận ra nhau. Linh ôm ông,
chàng khóc như chưa từng khóc trong đời, chàng thương cho sự bất hạnh của Ba và
nhất là cho Mẹ đã bao năm vò võ ở vậy nuôi con chờ chồng.
<0><0><0>
Trên đây là chuyện do chính Linh kể
lại cho tôi nghe. Chú bé 13 tuổi khi theo mẹ đến Mỹ năm xưa nay đã là một bác
sĩ giải phẫu 48 tuổi. Hàng năm, thay vì đi du lịch ngắm thắng cảnh thế giới,
Bác Sĩ Linh dành 2 tuần lễ nghỉ phép, đi theo đoàn thiện nguyện đến chữa bệnh ở
những nơi mà người dân thiếu may mắn trong vùng Đông Nam Á. Nhờ đó mà sau 35
năm thất lạc, bố con có dịp nhận ra nhau. Giấc mơ đoàn tụ bao năm thành sự
thật. Sinh nhật mẹ Hà cũng sắp tới. Đâu còn món quà sinh nhật nào quý hơn. Mọi
thủ tục bảo lãnh, đưa Bố Phong từ Mã Lai vào Mỹ được lặng lẽ hoàn tất. Mọi diễn
tiến, với sự đồng ý của bố, anh em Linh giữ kín, mẹ Hà hoàn toàn không hay
biết.
Là người thân trong nhà, tôi được các
cháu của Hà nhờ mời dùm đông đủ các bạn học cũ của chúng tôi từ thời ở Tuy Hoà
về dự sinh nhật mẹ năm nay. Nhưng cũng chỉ tới giờ chót, mới được cho biết câu
chuyện, mà còn nghe cháu Nga dặn đi dặn lại “không cho mẹ biết trước, nghe dì”.
Sinh nhật của Hà năm nay được tổ chức tại nhà cháu Linh. Tuổi bảy mươi sắp đến, nhưng Hà vẫn tươi tắn, rạng rỡ cùng các con chào đón các bạn cũ, bạn mới.
Trong phòng khách rộng lớn của ngôi
nhà, bánh sinh nhật và các bàn ăn đã sẵn sàng. Đúng giờ phút định trước, ánh
sáng thay đổi. Hà được mời đứng giữa Linh và Nhi, con trưởng và con út. Tất cả
được thông báo bắt đầu những phút trân trọng nhất của đông đủ gia đình cùng ra
mắt trong tiệc sinh nhật. Linh rời mẹ, trong lễ phục nghiêm chỉnh, bước lên mấy
bước, cầm micro, hướng về phía mẹ Hà:
- Thưa Mẹ. Chúng con xin cám ơn Mẹ và
tất cả bà con bạn bè có mặt hôm nay. Đây là lần đầu tiên đông đủ gia đình ta
cùng mừng sinh nhật mẹ. Xin mẹ cho phép con có vài lời về gia đình chúng ta.
Hơn bốn mươi năm trước đây, Sài Gòn sụp đổ, miền Nam đổi chủ, bố chúng con phải
đi tù cải tạo. Từ ngày ấy, tuy còn là đứa trẻ mới sáu bẩy tuổi, con vẫn không
quên những ngày tháng mẹ vất vả, cực nhọc thay bố nuôi chúng con.
Sau 6 năm tù đầy, trở về với gia đình
không được bao lâu, mẹ lại phải cắn răng để Bố một mình ra đi và từ đó mất
tích. Có tin chuyến tầu vượt biển có bố đi theo đã tan tành, không còn ai sống
sót. Sau nhiều tháng vô vọng, mẹ lại một mình mang chúng con ra đi, lo cho
chúng con thành người trên đất Mỹ. Đã 35 năm qua, hàng ngày, mẹ không ngừng cầu
nguyện gia đình có ngày được đoàn tụ. Hôm nay, xin Mẹ quay nhìn sang phía trái…
Không chỉ Hà mà tất cả cùng nhìn theo
hướng tay của Linh. Từ bao giờ, trên lối đi từ phía cầu thang, em gái Nga của
Linh xuất hiện trong áo dài vàng rực, bên vai Nga là một người đàn ông cao gầy.
Trong ánh nến bập bùng ven lối đi, cả hai đang bước ra. Từng bước. Từng bước
chậm.
Cả sảnh đường bỗng im lặng tới mức
nghe được từng hơi thở.
- Thưa Mẹ, Linh tiếp tục nói, em Nga
đang cùng Ba bước về phía Mẹ. Hôm nay Ba đã trở về từ một nơi xa xôi để dự lễ
sinh nhật của Mẹ và đoàn tụ với gia đình. Và thưa Ba, Mẹ và em Nhi đang chờ Ba.
Thưa bà con, thưa các bạn, sau bao năm cầu nguyện, đây là lần đầu tiên Ba Mẹ chúng tôi thấy lại nhau. Cám ơn Trời Phật đã đáp ứng lời cầu nguyện
kiên trì của bốn mẹ con mình.
Hai bố con Phong và Nga đã đến trước
mặt mẹ con Hà. Họ đứng lặng nhìn nhau. Hà bước tới, tưởng như mình đang bước
trong cơn mơ. Đúng Phong đây rồi, Phong bằng xương bằng thịt vẫn thường hiện ra
trong giấc ngủ của nàng làm lệ ướt gối chăn. Dù có bao nhiêu nếp nhăn hằn sâu
trên khuôn mặt, dù có bao vết thương, vết sẹo trên thân thể chàng, dù Phong có
bước đi chân thấp chân cao, đây vẫn là người chồng mà Hà một đời yêu thương
mong nhớ và chung thủy đợi chờ.
Họ lặng lẽ ôm nhau. Linh cũng đã lặng
lẽ bước lại đứng cạnh bố mẹ và các em. Đúng là đông đủ cả nhà đang đoàn tụ. Cả
sảnh đường đang im lặng bỗng cùng lúc vỡ òa. Rồi Phong sẽ nói, Hà sẽ nói, không
biết bao lời chúc tụng sẽ được nói lên.
Ai bảo là “phước bất trùng lai?”
Cuối cùng thì bạn tôi sau những đau
thương, mất mát khủng khiếp trong cuộc đời, bây giờ được đền bù xứng đáng.
Tôi trao cho Hà món quà sinh nhật của
tôi tặng và Linh được yêu cầu đọc mấy dòng tôi viết trong tấm thiệp mừng bạn. Đó
là mấy câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Hồ Dzếnh:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Tôi đã chép những câu thơ trên cho
bạn tôi và viết thêm đoạn tường thuật này tặng chung các Bà Mẹ Việt Nam.
Lê Nguyễn Hằng
Nhận xét
Đăng nhận xét