Giải thích vụ du học sinh VN và cờ Vàng trong xã hội đa văn hóa của Úc
trong xã hội đa văn hóa của Úc
Chúng ta thấy có gì để học hỏi từ chủ nghĩa đa văn hóa tại Úc
(Multiculturalism)?
Xin được giải thích ngắn gọn trong bài viết dưới đây.
Sự hình thành chủ nghĩa quốc gia Úc
Vì thế, ngay khi được Anh Quốc trao trả độc lập, năm 1901 Chính phủ Úc
đã ban hành các Đạo luật xác định nước Úc của người da trắng.
Chủ nghĩa quốc gia nước Úc thuộc người da trắng là một chủ nghĩa phân
biệt chủng tộc vì những người Úc thuộc các sắc dân Á châu và hải đảo Thái Bình
Dương đang sống tại Úc bị đối xử khác biệt với người Úc da trắng, và có trên
250 bộ tộc thổ dân không được xem là công dân Úc, không được đối xử bình đẳng
hay được đi bầu.
Chính sách di dân và đồng
hóa
Sau Thế chiến thứ 2 Chính phủ Úc thay đổi cách suy nghĩ, với một dân số
chỉ trên 7 triệu nếu bị quốc gia khác xâm lăng người Úc khó có thể bảo vệ và
muốn đất nước phát triển cần phải có di dân.
Chính phủ Úc thay đổi chính sách di trú bắt đầu nhận di dân từ các quốc
gia Âu châu, đồng thời đề ra chính sách đồng hóa và chính sách hội nhập, buộc
di dân phải chấp nhận Anh ngữ là ngôn ngữ sinh hoạt và chấp nhận văn hóa của
người Úc da trắng.
Nhiều di dân từ các quốc gia Âu châu không cảm thấy nước Úc là
"ngôi nhà" để họ định cư nên về lại Âu Châu và hậu quả người từ Âu
châu không còn muốn di dân đến Úc.
Kết thúc chủ nghĩa nước Úc
của người da trắng (White Australia)
Sau Thế Chiến thứ 2, Trung Hoa lục địa, rồi Bắc Hàn và Bắc Việt có chế
độ cộng sản, du kích quân cộng sản nổi dậy khắp các quốc gia Đông Nam Á (Thái
Lan, Malaysia, Indonesia).
Chính phủ Úc tin rằng phải tích cực ngăn chặn được sự bành trướng của
chủ nghĩa cộng sản tại Á châu nên thay đổi chính sách quốc phòng gia nhập Tổ
chức Liên phòng Đông Nam Á (SEATO), xem Úc như một quốc gia có lợi ích gắn liền
với Châu Á.
Chính phủ Úc gởi 60,000 binh sĩ Úc tham chiến tại miền Nam Việt Nam, với
521 binh sĩ hy sinh và chừng 3,000 binh sĩ bị thương.
Như vậy, lá cờ Vàng ba sọc đỏ không chỉ là di sản của người miền Nam
Việt Nam, mà còn là di sản là một phần của lịch sử nước Úc nên mới được Viện
Bảo tàng Quốc Gia Úc chính thức ghi nhận.
Chủ nghĩa đa văn hóa (Multiculturalism)
Khi chủ nghĩa quốc gia nước Úc của người da trắng chấm dứt thì cần có
một hệ tư tưởng mới làm nền tảng xây dựng văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế,
chính trị và nhất là luật pháp cho nước Úc.
Chính phủ Úc từng bước xây dựng chủ nghĩa đa văn hóa nhìn nhận mọi công
dân Úc bình đẳng về quyền và trách nhiệm, nên công nhận mọi tư tưởng, cách
sống, văn hóa của từng cá nhân.
Nhưng đồng thời mỗi cá nhân phải chấp nhận và tôn trọng văn hóa của các
thành viên khác trong xã hội và sinh hoạt trong phạm vi mà luật pháp Úc cho
phép.
Mỗi cá nhân lại thuộc về một hay nhiều văn hóa khác nhau, như một người
có thể thuộc về một nhóm văn hóa sắc tộc và đồng thời thuộc về nhóm văn hóa của
người đồng tính, hay trẻ em có cha mẹ thuộc hai sắc tộc có thể được ảnh hưởng
bởi 2 nền văn hóa khác nhau.
Cùng một sắc tộc lại có nhiều nhóm văn hóa khác nhau như người Việt tới
Úc từ miền Nam hay miền Bắc, hay người thổ dân có đến hơn 200 văn hóa bộ tộc
khác nhau.
Nói cách khác trong xã hội đa văn hóa mỗi người mỗi khác, nên một người
muốn được người khác tôn trọng và được xã hội tôn trọng, thì họ phải tôn trọng
sự khác biệt của người khác và của xã hội.
Ngày nay Chủ nghĩa đa văn hóa đã trở thành chủ nghĩa quốc gia cho nước
Úc, nhưng đương nhiên vẫn còn những điều chưa được hoàn mỹ cần tiếp tục tìm ra
những giải pháp cụ thể và tránh bị tái diễn như trường hợp của nhóm học sinh
xúc phạm cờ Vàng trong ngày 30/4/2021 vừa qua.
Cộng đồng Người Việt tự do
tại Úc
Sau khi chủ nghĩa nước Úc của người da trắng bị bãi bỏ, người Đông
Timor, người Lebanon và người Việt là 3 nhóm tị nạn đầu tiên được nhận đến Úc
định cư, khi ấy chủ nghĩa đa văn hóa còn rất sơ khai.
Người Việt tị nạn đã nhanh chóng thích ứng với chủ nghĩa đa văn hóa, lập
hội đoàn sinh hoạt, tổ chức hội chợ Tết, xây Chùa, lập Trung tâm sinh hoạt Công
giáo, Hội Thánh Tin Lành, mở trường dạy tiếng Việt, tổ chức tết Trung Thu, mở
khu vực buôn bán và tổ chức biểu tình biểu lộ chính kiến.
Các sinh hoạt về văn hóa, giáo dục, thương mãi và chính trị của người
Việt tị nạn nói trên đều không được cho phép trong giai đoạn chủ nghĩa nước Úc
của người da trắng còn tồn tại.
Đặc biệt, người Việt tị nạn luôn tìm mọi cách để vinh danh lá cờ Vàng,
nên đến nay đã có tới 10 thành phố và hầu như tất cả các chính trị gia Úc công
nhận cờ Vàng vừa là di sản và vừa là biểu tượng của người Việt tự do.
Người Việt tị nạn xem nước Úc như một miền đất mới nên sẵn sàng nhận bất
cứ công việc, từ làm ở nông trại đến các hãng xưởng, nhiều người đi học lại,
nhanh chóng mua nhà hay mở doanh nghiệp.
Sự thành công của người Việt tị nạn đã thúc đẩy các chính phủ Úc sau này
hoàn chỉnh các chính sách đa văn hóa, xây dựng thành công một nước Úc với trên
200 bộ tộc thổ dân và cả trăm cộng động sắc tộc từ khắp nơi trên thế giới đến
định cư.
Vụ xúc phạm cờ Vàng
Ngày 30/4 được người Việt tị nạn xem là ngày Quốc hận, ý nghĩa ở đây
không phải là hận thù mà là hận chính mình đã không làm tròn trách nhiệm để
quê nhà lọt vào tay cộng sản nên phải bỏ nước ra đi.
Hận như thế không mang bản chất bạo động như tổ chức tấn công tòa Đại Sứ
cộng sản hay tấn công những du học sinh.
Nhưng ngày 30/4 năm nay một nhóm học sinh từ Việt Nam sang đã xúc phạm
lá cờ Vàng, với những hành vi và lời lẽ đầy bạo động, đe dọa và hận thù làm dấy
lên tranh luận từ nhiều phía.
Ngay khi nhận được thông tin về hành vi phạm pháp của nhóm học sinh,
Cộng Đồng đã viết thư và gởi video đến trường Trung Học Marrickville.
Nhà trường đã thấy rõ mức độ nghiêm trọng nên đã đình chỉ việc học và
quyết định đuổi nhóm học sinh này, cũng như đã chuyển cho cảnh sát điều tra.
Trong phạm vi luật lệ hiện hành, cảnh sát đang truy tố tội hủy hoại tài
sản cộng đồng và tiến hành điều tra xem đây là hành động của cá nhân hay có tổ
chức hoặc chính quyền đứng đằng sau thu xếp hay xúi dục.
Cộng Đồng còn xét thấy nhóm học sinh vi phạm chính sách đa văn hóa Úc
nên có bổn phận phải làm rõ vấn đề, tránh những hành vi phạm pháp tiếp tục xảy
ra gây thiệt hại cho nước Úc.
Bởi thế Cộng Đồng mới làm việc với chính giới Úc, đích thân ông David
Elliott Bộ Trưởng Cảnh Sát tiểu bang New South Wales đã điều động đơn vị Chống
Khủng Bố và Hận Thù mở cuộc điều tra và hồ sơ đã được chuyển sang Bộ Nội Vụ để
thẩm vấn và điều tra các đối tượng.
Cộng Đồng cho biết đã vận động được trên 16,000 chữ ký, vào ngày thứ ba 24/5/2021 đã chính thức gửi văn thư đến Tổng Trưởng Di Trú Alex Hawke để yêu cầu xem xét hủy visa của nhóm học sinh.
Nói một cách dễ hiểu, một người đến nhà bạn ở tạm, nhưng lại vừa phá
hoại vừa xúc phạm đến giá trị di sản của gia đình bạn, việc đuổi người này là
việc không có gì phải bàn cãi, nhưng nước Úc có luật pháp nên ngay cả đuổi
người thuê nhà cũng phải đuổi cho đúng với luật pháp.
Còn một rừng thông tin và tranh cãi trên các mạng xã hội, thì vừa biểu
hiện phong cách "đa văn hóa" lại vừa nói lên sự quan tâm của dư luận
đối với sự kiện xúc phạm lá cờ Vàng.
Một Việt Nam có
xã hội đa văn hóa…
Xin nhắc lại rằng Việt Nam từng là quốc gia đa văn hóa.
Trước năm 1945, sự khác biệt về văn hóa và chính trị giữa ba miền Bắc,
Trung và Nam đã rất lớn, chưa kể có trên 50 các sắc tộc thiểu số với đặc thù
văn hóa rất khác biệt.
Trong thời Việt Nam Cộng Hòa sự khác biệt về văn hóa và chính trị cũng
đã được tôi trình bày qua bài viết "Chủ nghĩa nào đã làm Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ năm 1975?".
Cho đến 30/4/1975, miền Bắc theo chủ nghĩa cộng sản còn miền Nam theo
chủ nghĩa tự do, và di sản đó cho đến nay vẫn để lại sự khác biệt giữa Bắc và
Nam rõ rệt.
Hai thành phố Sài Gòn lẫn Hà Nội đều tiếp nhận những đợt di dân nên nhìn
chung cả hai đều là những thành phố đa văn hóa.
Nhưng văn hóa ở Sài Gòn rất khác với văn hóa ở Hà Nội và văn hóa các
vùng miền trên đất nước Việt Nam, nên nhìn chung xã hội Việt Nam cũng là một xã
hội đa văn hóa.
Trong khi ấy thì hệ thống chính trị VN vẫn đơn nguyên và độc đảng nên
càng ngày khoảng cách giữa đảng cộng sản và người dân càng xa cách.
Thể chế từ chính trị đến pháp luật VN vẫn khô cứng, bảo thủ và giới lãnh
đạo tìm mọi mưu mô né tránh cải cách chân thực nên bộ máy cứ ngày càng lỗi
thời trước sức tiến của xã hội ngày một đa dạng.
Người ở VN sẽ già rồi
vẫn nghèo…
Ngày nay chủ nghĩa đa văn hóa đã trở thành nền tảng tư tưởng được nhiều
quốc gia trên thế giới, như Úc, Canada, New Zealand, Singapore, Đài Loan,
Anh,... giúp các quốc gia này vừa xây dựng một xã hội khoan dung và đoàn kết,
vừa để thu hút người trẻ di dân.
Trong khi ấy do những chính sách lạc hậu tại Việt Nam, những làn sóng
người Việt không ngừng bỏ nước ra đi tìm đến những xứ sở tự do, nơi mà mọi
người được đối xử bình đẳng và được tôn trọng.
Ở mỗi miền đất mới người Việt lại học hỏi để thích ứng với văn hóa ở xứ
người, nên có thể thấy người Việt ở Úc suy nghĩ và cách sống rất khác với người
Việt ở Việt Nam, và khác với người Việt ở các xứ sở khác trên thế giới.
Việt Nam hiện đang đối đầu với nạn "chưa giàu đã già", nói
đúng hơn là "già rồi vẫn nghèo", vì người già càng ngày càng đông
trong khi người trẻ, kể cả những người là con em của đảng cộng sản, rất muốn
bỏ nước ra đi.
Tôi nghĩ nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn không chịu nhìn nhận xã hội
đa văn hóa thì đừng nói đến việc người trẻ ở hải ngoại trở về, mà phải nghĩ đến
việc người trẻ bằng mọi giá sẽ tiếp tục bỏ nước ra đi.
Bài học từ nước Úc
Nước Úc đã thành công trong việc chuyển đổi từ chủ nghĩa quốc gia phân
biệt chủng tộc nước Úc của người da trắng sang chủ nghĩa quốc gia đa văn hóa
(Multiculturalism) là một bài học cho người Việt tìm hiểu và học hỏi.
Chấp nhận chủ nghĩa đa văn hóa là chấp nhận nối kết mọi tư tưởng, tình cảm, truyền thống, ước mong, ý hướng trong tâm trí của mọi người Việt từ khắp nơi trên thế giới, còn quan tâm đến vận mệnh quốc gia và dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN QUANG DUY
Nhận xét
Đăng nhận xét