Viết Đúng Chánh tả: Dòng Sông hay Giòng Sông?

 


Viết Đúng Chánh tả: Dòng Sông hay Giòng Sông?

Tác giả: TƯ CỐ HƯƠNG

Dòng hay Giòng là hai chữ làm người ta hơi bị nhức đầu vì dường như nó được viết loạn xà ngầu không theo quy luật gì cả. Mạnh ai muốn viết sao thì viết, kể cả các nhà văn, nhà báo.

Từ xưa đến giờ, tôi vẫn thường viết "dòng" cho tất cả những gì "chảy" được: dòng nước, dòng sông, dòng điện, dòng tư tưởng, dòng thời gian, v.v... và viết "giòng" cho tất cả những gì thuộc về huyết thống như: giòng họ, giòng giống, con giòng cháu giống, giòng con ông, giòng con bà, (ngoại trừ "dòng dõi" là luật trừ). Nhưng từ nay trở đi, tôi sẽ không viết chữ "giòng" nữa vì nó sai chánh tả. Đây là kết quả của việc tôi tìm tòi cho thấu đáo để trả lới cho câu hỏi trên.

Muốn viết đúng, không gì bằng tra cứu tự điển.

1)Tự Điển Việt – Bồ - La (Việt Nam, Bồ Đào Nha, La Tinh) _ Alexandre de Rhodes (xuất bản năm 1651)
Bộ tự điển này là sự tổng hợp và sắp xếp những ghi chú chép tay trong việc học tiếng Việt của các nhà truyền giáo Đạo Công Giáo đầu tiên đến Việt Nam cuối thế 16, đầu thế kỷ 17, nên còn thiếu rất nhiều chữ.

- Không có chữ Dòng [coi từ trang 178: dông dài, xem chữ dài (dou᷄ dài, vide dài.) đến trang 179: dộng, cái dộng: tương tự nhộng tằm (dọu᷄, cái dọu᷄: bicho de seda: bombyx, icis. nhọu᷄, tàm, idem.)]
Không có chữ Giòng [coi từ trang 289: giòn như trong gỗ giòn, đến giống (gióu᷄) và giỏng tai ra (giỏu᷄ tai ra: ouuir com attenção: arrigere aures. nghe, idem.)]
Có chữ giồi (trang 289, giồi phấn: enfeitarse com aluaiade: comere se cerusâ. giồi mặt, giôi phấn mặt idẽ.)

2) Đại Nam Quốc Âm Tự Vị - Paulus Huỳnh Tịnh Của (gồm 2 cuốn, xuất bản năm 1895 và 1896)

Có chữ Dòng
Không có chữ Giòng, coi trang 381-382

3) Việt Nam Tự Điển _ Hội Khai Trí Tiến Đức (xuất bản năm 1931)

Có chữ Dòng
Không có chữ Giòng, coi trang 221-222) 

4) Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ - quyển Thượng (gồm 2 cuốn, xuất bản năm 1970). 
Không thấy có tự điển online, nhưng có tự điển để download về máy điện toán (phải mở lần lượt 3 trang website mới đến trang để download)

Có chữ Dòng, trang 376 của sách in (= trang 368 của PDF file), 
- Trang kế tiếp có chữ “dông tố” (tựa đề truyện “Giông Tố” của Vũ Trọng Phụng là sai chánh tả)
Không có chữ Giòng, coi trang 566-568 của sách in, tương đương trang 558-560 của PDF file)
nhấn nút download anyway để đưa về máy điện toán.

Coi trong 4 cuốn tự điển từ xưa nhất đến mới nhất thời VNCH (thời VC sau đó khỏi tính vì chữ nghĩa loạn xà ngầu) không có chữ Giòng. Vậy thì chữ Giòng đó ở đâu ra? Người ta thấy nó trong các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn với các tựa sách sai chánh tả như:

Nhất Linh: Giòng Sông Thanh Thủy
Tú Mỡ: Giòng Nước Ngược
Thạch Lam: Theo Giòng.

Coi thêm ở đây: https://www.facebook.com/ca...

Nhà văn Vũ Trọng Phụng, không thuộc nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cũng có một tựa sách sai chánh tả Giông Tố (phải là Dông Tố mới đúng) làm người ta viết sai theo bộn bàng. Hồi xưa, tôi đọc thấy ông Nguyễn Hiến Lê đã phê bình về việc sai chánh tả của hai cái tựa sách Giòng Sông Thanh Thủy và Giông Tố, nhưng không nhớ đã đọc trong cuốn nào, dường như là cuốn Mười Câu Chuyện Văn Chương thì phải.

Chuyện liên quan đến tự điển và giựt, đạp cờ vàng mới đây

Lân la mò tự điển online, tôi gặp chuyện này, xảy ra khoảng 5 năm trước:
Sách Tự Điển của thời VNCH trong thư viện San Jose bị phá hoại, có lẽ bởi Cộng con đi du học.

Cám ơn thời đại Computer & Internet. Chúng ta bây giờ ngồi ở nhà mà có thể đi lục lạo tìm từ ngữ ở những cuốn tự điển nổi tiếng. Thời xưa, nhà nào có đủ 4 cuốn tự điển này phải thuộc loại mọt sách dữ lắm mới dám sắm. Có được một bộ mới nhất thời VNCH, Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, cũng là oách lắm rồi. Nhà tôi hồi xưa không có mấy cuốn tự điển này, chỉ có tự điển Anh-Pháp-Việt không hà. Có lẽ thời đó, học tiếng Anh, tiếng Pháp đang thịnh hành, là một cái mode. Cũng có lẽ tôi nghĩ tiếng Việt của mình cũng thuộc loại ngon lành; dầu gì cũng là tiếng mẹ đẻ, nói và viết hằng ngày, lâu lâu còn xổ ra mấy trái nho còn xanh, rồi còn ra cái điều cũng biết chơi thơ, văn mỗi khi có hứng nữa chứ.

Đến hôm nay tôi mới biết mình ngu vì đã không biết rằng chữ "giòng" là sai chánh tả nên cứ cắm đầu mà viết theo mấy chục năm nay. Nói trắng ra là tiếng Việt không có chữ "giòng", cũng giống như không có chữ "thy sỹ" vậy. Ấy vậy mà vẫn đọc thấy Giòng Sông Thanh Thủy, nhạc sỹ Anh Thy với cây vỹ cầm tùm lum ra đấy. Thì ra thiên hạ cũng bị như mình: "quen mắt quen tay, viết sai lúc nào mà không biết".

Tư Cố Hương

.







Ghi chú: Nhận thấy đây là một góp ý hữu ích, thay vì để ở dạng “còm” sẽ thiếu người tham gia thảo luận  nên đưa thành bài chính. Mong Anh Tư Cố Hương thông cảm.
BBT/TỰ DO



 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209