Nước Mắt Trước Cơn Mưa
Nước Mắt Trước Cơn Mưa
“Cuối Tháng Giêng 1975, một đàn ong đông đảo bất thường chợt bay xuống Sài Gòn. Đàn ong đậu trên hai tòa cao ốc làm mọi người trong nhà sợ hãi chạy ra. Sau đó vài người bạo dạn quay lại tính xông khói đuổi ong đi. Lúc ấy, có người bàn: Biết đâu đàn ong chẳng đến báo trước một điềm gì? Nhiều thầy tiên tri từng bảo: Số mệnh dân Việt Nam chẳng bao lâu cũng không khác đàn ong lũ kiến. Quả báo, mình đối với chúng thế nào, lượt mình cũng thế.
“Điềm trời”, lời bàn được mọi người mau chóng tin theo. Không ai đốt khói xua ong nữa. Dân chúng lũ lượt kéo đến, kinh ngạc nhìn. Không ai bước vào tòa cao ốc. Nhưng rồi chỉ một ngày sau đàn ong rời đi. Chúng bay túa về hướng Đông Nam, phía Vũng Tàu và biển Nam Hải. Chẳng ai xác quyết được lời tiên đoán, nhưng hơn bao giờ hết, người ta đâm lo âu thắc mắc cho tương lai.
“Vài ngày sau khi đàn ong rời Sài Gòn, lại một đàn lũ bất thường nữa xuất hiện, gần Phan Rang. Hướng Tây Bắc Sài Gòn. Lần này một đạo quân sâu rầy cực kỳ đông đảo chẳng rõ đâu ra, lúc nhúc di chuyển về hướng Tây Nam, che kín các mặt đường, cánh đồng. Lúc đầu, xe hơi, xe đạp chỉ giản dị cán lên chạy, bộ hành dẵm lên đi. Có sao, dẫu hơi phiền một chút. Nhưng một lần nữa, các nhà bói toán huyền bí thận trọng bảo: “Lại điềm trời, chẳng chóng thì chầy, mình có khác gì bầy sâu, đám bọ”. Họ cảnh cáo: “Đừng hại chúng, mình đối với chúng thế nào, lượt mình cũng bị như thế…”
________
Tears Before the Rain, Nước Mắt Trước Cơn Mưa, là tựa một cuốn sách của Larry Engelmann, giáo sư khoa sử của Đại học San Jose, California và được ông Nguyễn Bá Trạc, tác giả của Ngọn Cỏ Bồng dịch ra tiếng Việt.
“Nước mắt trước cơn mưa”… đã bắt đầu thành hình như thế… Để rồi chỉ không lâu sau đó, cơn đại hồng thủy cuốn trôi tất cả… Nhìn lại một vài tờ báo văn chương/ văn nghệ vào Tháng Tư năm ấy… trước cơn hồng thủy, những điềm xấu, những lỗi typo tưởng chừng là một vô tình vu vơ… cũng khiến cho những độc giả sau này nhìn lại, rùng mình, và tin vào cái gọi là định mệnh, tin vào cái “it happens for a reason”.
Như tuần báo TUỔI NGỌC, khi chuyển thành bán nguyệt san, ra ngày 5 và 20 hàng tháng, khi chuẩn bị cho số lên Đệ Ngũ Chu Niên – tức TUỔI NGỌC 158 (“sẽ” ra vào ngày 20 Tháng Tư 1975) nhưng trong một cột nhỏ rao tin ở vài số trước đó, tòa soạn đã nhắn gửi “CHUẨN BỊ NỤ CƯỜI VÀ NƯỚC MẮT CHO KỶ NIỆM NĂM THỨ NĂM – SỐ 157 – PHÁT HÀNH NGÀY 20 Tháng Tư 1975) (lẽ ra phải là số 158). Số “cuối cùng”của tuần báo này đã trở thành số 157, và số cuối định mệnh này cũng kết thúc bằng hai bài viết như một dự báo sầu đau (nhưng cũng rất nhẹ nhàng như TUỔI NGỌC vẫn thế): Đâu Phải Cái Gì Cũng Mong Manh và Rất Dịu Dàng Ta Đã Khóc…
Những trường hợp dự báo khác…
Trong “Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta”, có lời mở đầu như tiên tri của Nguyễn Đông Ngạc:
“Ðây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành cho quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho tự do và những giá trị nhân bản. Những người của phần đất bên này dòng Bến Hải… Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống ‘đã mất’ hay ‘sắp đến’ của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc.” (Nguyễn Đông Ngạc trong lời bạt tập truyện)
(Và theo nhà văn VIÊN LINH, “Hai mươi năm Văn Học Miền Nam là một cụm từ định mệnh, năm 1973 đã có tới hai tập sách biên khảo dùng cụm từ này khi miền Nam còn tồn tại).
Đáng nói nhất có thể kể đến dự báo rùng mình khi VĂN số cuối cùng ra ngày 26 Tháng Ba 1975 là chủ đề… VĂN HỌC NGHỆ THUẬT VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI và tờ tạp chí đã lên trang những cuộc phỏng vấn với các nhân vật nổi bật về một dự báo không (ai dám) định trước như có thể đọc dưới đây.
Và cũng trong những số Văn cuối cùng, đáng chú ý là những bài dạng NHẬT KÝ của Mai Thảo, những “kỷ niệm” rời, những “dấu ấn” hiu hắt “buồn vào hồn không tên” kéo dài từ Tết đến những ngày “gần cuối”, một phong cách rất mai-thảo …
Những số cuối cùng khác của báo chí miền Nam trước 30 Tháng Tư 1975
Bách Khoa, tờ tạp chí có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất, có tuổi đời lâu nhất (1957-1975) đã dừng lại ở số 426 phát hành ngày 19 Tháng Tư 1975. Văn Học tạp chí (1962-1975) cũng dừng lại ở số phát hành ngày 20 Tháng Tư 1975. Tập san Sử Địa, tạp chí nghiên cứu nổi tiếng kết thúc ở số 29, đặc khảo về Hoàng Sa, Tháng Ba 1975.
Về báo ngày, trong bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng có tờ Đông Phương số ra ngày 30 Tháng Tư 1975. Có lẽ đây là tờ báo hiếm hoi xuất bản trong cái ngày lịch sử này. Sau ngày 30 Tháng Tư 1975, một số tờ báo của thành phần thứ ba thân chính quyền vẫn còn tồn tại thêm vài năm rồi mới chính thức đóng cửa như tờ Đối Diện/Đứng Dậy kết thúc ở số 114 Tháng Mười Hai 1978; tờ Tin Sáng đóng cửa Tháng Sáu 1981. Từ đây báo chí tư nhân miền Nam chỉ còn trong ký ức.
Khi tôi post những tấm hình của ba số báo NHÀ VĂN (với số cuối ra ngày 4 Tháng Ba 1975) lên Facebook với trang bìa là khuôn mặt của các nhà văn/nhà thơ của 20 năm nền văn học nghệ thuật huy hoàng như một bảo chứng cho độc giả về giá trị nhân văn và nghệ thuật, có một comment của một độc giả ngắn gọn nhưng làm tôi rất xúc động:
“Hai ông bà cụ, bố mẹ đứa bạn thân, tháng Tư 1975, chạy bán sống bán chết, cuối cùng cũng may mắn sang được Pháp. Gia tài mang theo: một bộ mạt chược cổ, chai cà cuống và (có vẻ như) toàn bộ Văn”.
Như thế là “chúng ta đi mang theo quê hương”, phải chăng?
Nhận xét
Đăng nhận xét