Tại sao bắt buộc công nhân Việt Nam phải học tiếng Trung Quốc?
Tại sao bắt buộc công nhân Việt Nam
phải học tiếng Trung Quốc?
Công nhân tại Cty Goertek Vina, Bắc Ninh (Ảnh của Goertek Vina) |
Vừa qua, báo Việt Nam Express (phiên bản tiếng Anh - 6/5, 2022, Chinese Speakers in demand as factories expand) cho hay một số công ty Trung Quốc tại Việt Nam đòi hỏi công nhân muốn được vào làm nhà máy thì phải biết tiếng Trung Quốc (tiếng Hán). Điều này làm một số công nhân Việt Nam gặp trở ngại khi xin việc làm ở đây. Đây là chuyện Trung Quốc muốn làm chủ yếu để dùng áp lực kinh tế và phần mềm ảnh hưởng tác động đến chính trị và phần cứng.
Bài viết này tóm tắt các kinh nghiệm ở các nước khác và trình bày một số lý do tại sao Chính phủ Việt Nam nên can thiệp, không nên để chuyện này xảy ra.
Thoạt nhìn thì vấn đề này tuỳ thuộc vào lãnh vực tư nhân, không phải nơi mà Chính phủ cần can thiệp. Nhưng ở đây lại có các yếu tố khác quan trọng:
Thứ nhất, và trước mắt, một nhà máy sản xuất tại Việt Nam do đầu tư trực tiếp nước ngoài thì phải tuân theo các quy định của luật Việt Nam, mà trong đó ngôn ngữ chính thức vẫn là tiếng Việt. Nếu có những bất đồng về ngôn ngữ thì ban quản lý của nhà máy phải đứng ra thuê thông dịch viên tiếng Trung để dịch ra tiếng Việt. Đây là điều mà tất cả các nước khác đã làm và Trung Quốc cũng làm như vậy. Ngay ở Việt Nam, các nước như Mỹ, Nhật và Đại Hàn cũng thuê thông dịch viên. Và doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc hay doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài cũng phải hành xử như vậy.
Thứ hai, Trung Quốc là một nước lớn ở bên cạnh Việt Nam cho nên có những vấn để tế nhị về chủ quyền quốc gia mà chúng ta phải luôn luôn đặt ra. Không thể chỉ vì cái lợi trước mắt về kinh tế mà để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến độc lập tự do sau này. Làm sao mà biết được là Trung Quốc dùng quyền lực kinh tế để ép buộc người dân nước khác phải làm theo mình thì sẽ dẫn đến những khống chế khác hay không?
Thứ ba, một trong những mục đích chính của các nhà máy Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam là để lấy danh nghĩa là hàng hoá được sản xuất ở Việt Nam – “Made in Vietnam” – hầu tránh thuế nhập cảng khẩu cao của Mỹ hay các nước Châu Âu. Vậy thì doanh nghiệp Trung Quốc cần Việt Nam hay chỉ có Việt Nam cần họ? Đó là chưa kể chuyện dùng tiếng Trung Quốc trong các nhà máy sẽ có thể dẫn đến tình huống các nước nhập cảng khẩu những hàng này sẽ cho rằng là hàng hoá Việt Nam không chính thức được làm tại Việt Nam.
Thứ tư, chỉ có Chính phủ mới có quyền đứng ra bảo vệ quyền lợi của công nhân trong vấn đề này và phải có chính sách rõ ràng từ trung ương.
Do đó, chuyện đầu tiên Chính phủ cần làm là Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải cùng hợp tác để xác định tỷ số tối thiểu của công nhân Việt Nam trong một nhà máy Trung Quốc trước khi sản phẩm của nhà máy đó có thể được công nhận là làm tại Việt Nam. Nếu lúc đầu chưa có thể đạt đến tỷ số này thì cần phải có một kế hoạch rõ ràng – một “road map” để đưa tới kết quả này sau một thời gian tối đa (chẳng hạn 5 năm).
Đây là một trong các đòn bẩy quan trọng nhất để tiến tới sản xuất với giá trị gia tăng cao hầu đưa Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Tiếp theo, Chính phủ cùng với chính quyền địa phương như Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải phối hợp để thảo luận với các xí nghiệp Trung Quốc và giải thích cho họ mục đích chính đáng của Việt Nam, cũng như yêu cầu họ bãi bỏ các điều kiện vô lý về ngôn ngữ này. Đồng thời, Chính phủ cũng nên yêu cầu Ủy ban Nhân dân các lập ra một đội ngũ ở các địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên để theo dõi kết quả, vì nếu không thì phía Trung Quốc sẽ có thể đồng ý, nhưng rồi bỏ qua, không thi hành.
Có nhiều người nghĩ là làm như vậy sẽ làm cho các xí nghiệp ngoại quốc ngần ngại không muốn vào Việt Nam, nhưng kinh nghiệm thế giới cho thấy kết quả là ngược lại. Khi nhà nước có một khái niệm rõ ràng về những quy định chính đáng đối với quá trình sản xuất thì điều này sẽ làm cho các xí nghiệp ngoại quốc kính nể Chính phủ Việt Nam hơn, từ đó dẫn đến thái độ làm việc vì lợi ích chung để có thể đem lại kết quả tốt đẹp cho cả hai bên đối tác.
Người Trung Hoa cũng tốt như người dân các nước khác, nhưng nhà cầm quyền thì không. Họ luôn luôn “đa mưu túc kế” với những mưu đồ sâu hiểm, ẩn giấu sau những việc tưởng như đơn giản, hiển nhiên, vô hại. Nhưng cơ quan có trách nhiệm phía Việt Nam cần biết rõ, đây là “sản phẩm tự phát” của doanh nhân hay là ý đồ chỉ đạo chung của họ.
Nói tóm lại:
Đã đến lúc hạn chế những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào những công việc tầm tầm, thu hút lao động (không gian đó doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế, nhất là khi Việt Nam đã có quan hệ buôn bán chính ngạch với hầu hết các quốc gia). Đó cũng là một việc cần để thoát lệ thuộc. Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm, nếu tiếp tục kiểu “trải thảm” như thời gian qua, thì chỉ đón được chủ yếu những kẻ chụp giật là chính, hại nhiều hơn lợi. Doanh nhân kiểu này người Trung Quốc rất sẵn, kể cả việc “treo đầu dê” sản phẩm Trung Quốc mang nhãn Việt Nam, nhất là khi bọn họ mua chuộc được những kẻ tham lợi ở Việt Nam.
Điều quan trọng là phải nghiêm chỉnh thực thi luật pháp và quy định của Việt Nam trong tất cả các doanh nghiệp, không cho phép mọi việc làm trái với quy định đó, trong đó có việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp chính thức.
Chơi thì đừng sợ, sợ thì đừng chơi. Cũng đừng mắc “hội chứng cảnh giác quá mức”, đâu đâu cũng thấy mưu đồ xấu. Nói chung như vậy thì dễ, nhưng cụ thể thì chỉ người trong cuộc mới đánh giá và xử lý được. Trung Quốc gần ta, quan hệ nhiều, việc học tiếng Trung là rất cần thiết. Không đánh đồng việc học tiếng Trung với sự phụ thuộc vào Trung Hoa. Bây giờ càng cần có nhiều người Việt giỏi tiếng Trung đến mức uyên thâm, rất tiếc là ngày càng hiếm. Hình như việc học ngoại ngữ, kể cả tiếng Anh, chỉ nhằm giao dịch, kiếm việc, kiếm tiền… đang lấn át hoàn toàn những mục tiêu khác.
Nhưng cần phân biệt việc học tiếng Trung với việc cưỡng ép dùng tiếng Trung trong doanh nghiệp. Việc này phải cấm. Nhân tiện nói về các bảng hiệu, quảng cáo. Phải nhất thiết theo luật Việt Nam, phạt tiền và gỡ bỏ các bảng hiệu trái luật, không có tiếng Việt hay tiếng Việt không ở vị trí hàng đầu, dù là tiếng Trung, tiếng Anh… hay ngoại ngữ khác.
Nhận xét
Đăng nhận xét