Ký ức đau buồn ngày 30/04 đen.
Quay qua quay lại đã đến cái ngày khốn nạn nhất, triệu người vui thì cũng ngần nấy triệu người buồn.
Xe Tăng T54 Việt cộng bị bắn cháy tại Lăng Cha Cả hôm 30/04/1975 |
Ai đã từng là người Lính đều có những ngỡ ngàng, những uất ức, những buồn tủi khi nghe Radio đọc lời kêu gọi buông súng của DVM một tổng thống đã bị người em ruột là một thượng tá vc hồi đó móc nối khi báo Sự Thật hồi đó đăng tin chụp tấm hình ông này ngồi họp trong viện hóa đạo có cả DVM tham dự khi Phật giáo xuống đường hồi nên Đệ Nhất Cộng Hòa do TT Ngô Đình Diệm lãnh đạo.
Trong lòng mọi người Lính VNCH lúc đó đều có câu hỏi trong đầu là tại sao miền Nam lại có ngày này nhanh đến thế. Có người còn không tin vào những gì đang xảy ra khi mà đứng gác an ninh phi trường cho các tướng tá xách vali, mang gia đình lên máy bay dời đi nước khác. Và cũng có người cũng chưa tin miền Nam sẽ sụp đổ một cách hỏa tốc khi mắt nhìn thấy trên nóc tòa Đại Sứ tại Sài Gòn từng đoàn người leo lên thang để vào trực thăng chở người Mỹ và những người có liên hệ với họ ra đệ thất hạm đội ngoài khơi.
Một điều nữa là khi quân đội Bắc Việt chưa vào tới nơi thì đã có những đám biệt động thành, du kích kể cả đám ăn theo 30/04 mang băng đỏ ngồi trên xe Jeep của các đơn vị bỏ lại đổ xăng chạy vòng vòng, hô hào dọn đường đón quân Bắc Việt vào tiếp quản.
Trên những con đường đâu đó vẫn còn một số đơn vị Nhảy Dù và Biệt Cách Nhảy Dù kháng cự căn me bắn cháy nhiều xe tăng và Molotova của cs Bắc Việt đang ùn ùn kéo vào cửa ngõ Sài Gòn.
Cảnh hỗn loạn khắp nơi xảy ra, lớp tìm đường di tản, lớp còn lại đi hôi của các doanh trại bỏ trống, kể cả trong tòa Đại Sứ Mỹ, họ hè nhau khiêng được cái gì là chở sau xe mang về làm của riêng. Có nhiều nơi như tại căn cứ Sóng Thần khi bỏ ngỏ thì dân chung quanh chui vào khiêng hết đồ đạc, có một số còn phá két sắt của một đơn vị chưa kịp phát lương nên tiền bạc vẫn còn đầy đủ y nguyên trong đó dồn vào bao tải chở sau xe Honda.
Sau đó tất cả những người lính nghe lệnh đầu hàng của DVM, ai nấy buông súng, cởi bỏ quân phục để về nhà, ngoài đường trở thành những đống quân phục, đồ lính, mũ áo, giày sô mà người lính trút lại.
Khi bộ đội cs Bắc Việt vào đến cửa ngõ Sài Gòn thì có 2 hạng người, một là chưa bao giờ nhìn thấy vc như thế nào, mặt mũi ra sao, ăn mặc kiểu gì nên tò mò ra đứng coi, một thì hớn hở ra đón vào vì nghĩ từ giờ trở đi chính phủ này là của mình, hơn nữa số này có người nhà tập kết nên vui mừng ra mặt.
Ở gần căn cứ Sóng Thần TQLC 2 ngày liền không dám bước ra khỏi nhà vì sợ lạc đạn chết oan lãng nhách, các ông nhóc con vớ vào trong kho thấy súng, đạn bỏ lại mỗi ông một khẩu đeo theo ít đạn chia phe chui vào trong lô cốt bắn nhau qua lại, có ông nhóc thấy một chiếc tăng bỏ trống, nhảy vô ngồi chễm chệ bấm nút chơi nguyên trái đạn còn nằm trong nòng súng của xe làm mọi người hết hồn, đêm hôm đó khói xanh đỏ tím vàng mù mịt, trái sáng cứ vọt lên trời đều đều vì trong kho có bao nhiêu các ông nhóc chơi cho bằng sạch, đúng là lúc đó khỏi cần huấn luyện viên nào hết.
Được vài ngày thì thấy kêu gọi ngụy quân ngụy quyền đăng ký trình diện, từ đó phân loại từ HSQ trở xuống học tập tại địa phương, Sĩ Quan thì chờ có lệnh mới, sau này trình diện đi tù cải tạo khắp nơi tùy theo cấp bậc và chức vụ dân sự hành chánh.
Sau ngày 30/04 bộ đội đi săn lùng Đài (Radio), Đồng Hồ 2 cửa sổ 12 cây đèn cầy (Seiko hoặc Orient 2 cửa 12 số có dạ quang), kể cả xe đạp cũ treo gác bếp cũng vào xin mua lại đem về Bắc. Ấy thế mà cứ hỏi tới là ngoài đó cái gì cũng có, cái gì cũng nhiều, cái gì cũng đẹp, nhưng vào trong Nam anh nào anh nầy thấy cái gì cũng tròn xoe mắt bỡ ngỡ thèm thuồng. nghe nói sau này về ngoài Bắc bộ đội nào có đạp, hồ, đài thì con gái ngoài đó mê như điếu đổ.
Cấp chỉ huy thì lo mỗi người kiếm một mớ trong các doanh trại lính VNCH hay trong các công sở đem lên xe chở về miền Bắc, kẻ còn lại thì lo chiếm nhà mặt đường ở Sài Gòn của những người di tản bỏ lại.
Đau khổ nhất là những thương binh VNCH đang nằm điều trị thương tật tại các bệnh viện bị đuổi ra không một chút thương xót, có người vừa mới cưa chân, cưa tay vài hôm vết thương còn đang ra máu, cũng phải ngậm ngùi người còn khỏe dìu người bị nặng không tự đi được ra đường xin tiền những người đi đường thương cảm để về quê vì quá xa.
Những Anh Em còn lành lặn thì nhờ vào những chiến hữu của mình có nhà ở Sài Gòn tá túc tạm rồi kiếm chút lộ phí về quê.
Còn cảnh nào buồn và tang thương hơn những cảnh như thế này, mang thân phận gãy súng, bị đối xử còn tệ hơn một con thú, và sau đó bị đày đọa khổ sai đi vùng kinh tế mới.
Ngày 30/04 là ngày ký ức đau buồn tủi nhục của những người lính mang thân phận của kẻ thua cuộc nửa đường gãy súng, mãi mãi không thể nào nguôi ngoai nhưng lại là ngày mà kẻ cướp ăn mừng chiến thắng trong bàn tiệc máu của miền Nam VN.
Ngày 16/04/2022
Cánh Dù Lộng Gió.
Nhận xét
Đăng nhận xét