Giá thanh long còn 500-1.000 đồng/kg, nông dân chặt bỏ cả vườn

Giá thanh long còn 500-1.000 đồng/kg,
nông dân chặt bỏ cả vườn


 

Tường Vy

Đó là một quyết định đau đớn của người nông dân tại Bình Thuận. Với chi phí đầu tư khá lớn, người trồng thanh long tại Bình Thuận chỉ hòa vốn nếu bán được thanh long trái vụ với giá khoảng 10.000 đồng/kg. Trong khi đó giá bán thực tế hiện nay chỉ từ 500 – 1.000 đồng/kg thì người nông dân thua lỗ nặng.

Anh Nguyễn Bá Tường (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) cho biết hiện nay vốn của anh đã cạn kiệt, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao nên không thể chờ giá lên để bán được. “Tôi buộc phải chuyển đổi, đốn bỏ gần 3 ha thanh long, dự tính sẽ trồng dừa, xoài”, anh nói trong sự bất lực.

Anh Nguyễn Văn Bé (ngụ huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) đã “chạy đôn, chạy đáo” để tìm thương lái tới thu mua khoảng bảy tấn thanh long của gia đình đang chín đỏ. Anh Bé rầu rĩ nói:

“Nhiều thương lái tới vườn nhìn rồi bỏ đi không nói lời nào, số ít thì trả 500 đồng/kg, thực sự tôi không thể tin nổi. Sau nhiều lần ngã giá, cuối cùng tôi đành bán cho một thương lái với giá 700 đồng/kg, thu về chưa được năm triệu đồng cho bảy tấn thanh long”.

Cùng chung nghịch cảnh, gia đình ông Phan Ngọc Thuần (ngụ huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, từ giữa năm 2021 cho đến nay, gia đình ông đã làm bốn vụ thanh long nghịch vụ, nhưng đều thất bại vì giá liên tục hạ thấp.

“Tôi vừa xuất bán năm tấn thanh long cho thương lái và chỉ thu về được hơn hai triệu đồng. May là nhà tôi còn bán được, nhiều nhà vườn khác không bán được phải thuê người tới để dọn vườn. Sau lứa thanh long này chắc gia đình tôi phải tạm dừng sản xuất vì không còn vốn nữa”, ông Thuần ngán ngẩm.

Trong khi nông dân thua lỗ vì rớt giá, thì thương lái “la làng” vì giá vận chuyển tăng quá cao, khiến thanh long khó xuất đi tiêu thụ. Một thương lái cho biết vì chi phí bán qua Trung Quốc tăng 3 – 4 lần so với trước đây, không còn lời nữa, nên họ cũng không thu mua.

Theo Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận, giá bán thanh long giảm sâu là do việc xuất khẩu thanh long bằng đường bộ ở cửa khẩu phía Bắc đang ùn ứ. Trong khi đó, xuất khẩu bằng đường biển thì khan hiếm vỏ container cũng như chi phí vận chuyển quá cao, không xuất đi được nhiều. Hoặc thanh long khi vận chuyển tới cửa khẩu lại không thể thông quan khiến trái hư hỏng, chi phí tăng cao, doanh nghiệp thua lỗ nặng.


Tính đến cuối năm 2021, tỉnh Bình Thuận có diện tích hơn 33.750 ha trồng thanh long. Từ đầu năm nay, diện tích thanh long giảm đi 2.171 ha, trong đó nhiều nhất tại ba huyện: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam.

Điệp khúc “trồng rồi chặt – chặt rồi trồng…” đeo đuổi người nông dân từ mấy chục năm nay, ngành chủ quản vẫn không đưa ra một phương thức sáng tạo nào giúp nông dân thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn này. Cho nên, việc chặt thanh long để trồng dừa hay xoài thì chắc cũng chỉ được vài năm rồi lại tiếp tục chặt dừa, xoài trồng lại thanh long thôi.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, phá bỏ vườn thanh long không phải kế sách hay, mà nên chuyển sang các mô hình canh tác thanh long bền vững, an toàn theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, không phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thế nhưng, để làm được việc này không phải người nông dân muốn là được, mà cần sự hỗ trợ về kỹ thuật và vốn liếng từ nhà nước. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nói thì dễ, nhưng lên kế hoạch để giúp đỡ nông dân thì chẳng biết chờ đến bao giờ. 

Tường Vy

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025