Người tranh đấu ôn hòa cuối cùng ở Hà Nội đã bị bắt

Người tranh đấu ôn hòa
cuối cùng ở Hà Nội đã bị bắt

 

Ông Trương Dũng và bà Nguyễn Thúy Hạnh

Quốc Thành

Sáng ngày 21 Tháng Năm, tin từ Hà Nội cho hay nhà hoạt động Trương Dũng (tên đủ là Trương Văn Dũng) đã bị công an bắt vào sáng sớm khi ông đi tập thể dục quanh bờ Hồ ở Hà Nội. Công an đã canh từ 4 giờ sáng và đi theo ông, khi ra khuất ngõ và đến chỗ vắng người, có khoảng 4-6 người đã ập đến bắt giữ ông và đưa lên xe, chở đi về số 89 Trần Hưng Đạo, một trong những chỗ thẩm vấn của công an Hà Nội.

Bà Nghiêm Thị Hợp, vợ ông Trương Dũng cũng cho biết là bà hoàn toàn bị bất ngờ với thông tin chồng mình bị đưa đi ngay khi ông ra khỏi nhà, dừng lại mua gói xôi. “Chắc ông ấy cũng chưa kịp ăn”, bà Hợp cho biết. Theo các nguồn tin từ người thân quen của gia đình ông Dũng, thì mật vụ cộng sản đã bắt ông vào lúc 7 giờ sáng. Công an đã trực sẵn và chờ ông Dũng mở cửa ra ngoài đi tập thể dục như thường lệ để bắt ông. Khi chồng bị bắt, bà Hợp đang đi chợ và chỉ biết tin do một người quen hốt hoảng gọi điện báo.

Giới theo dõi tình hình nhân quyền trong Việt Nam rất quan tâm về việc công an cho bắt ông Dũng vào lúc này. Đã nhiều năm nay, ông Trương Dũng không có hoạt động tranh đấu nào, ngoài việc gần đây, ông là đầu mối nhận chuyển tiền từ thiện, giúp cho các gia đình tù nhân lương tâm từ trong và ngoài nước gửi đến. Đặc biệt từ khi chị Nguyễn Thúy Hạnh, người sáng lập Quỹ 50K bị bắt vào ngày 7 Tháng Tư 2021, ông Trương Dũng gần như đã nhận trách nhiệm chính luân chuyển các nguồn yểm trợ từ thiện.

Ông Trương Dũng

Công an sau khi bắt ông Trương Dũng đã đến nhà đọc lệnh và khám xét đến hơn 9 giờ sáng, mang đi máy tính và một số sách vở của ông. Do gia đình cũng không phải là khá giả nên công an cũng không mất nhiều thời gian lùng sục. Bà Hợp cho biết công an đọc lệnh bắt nhưng lúc đó bà bị lên cơn cao huyết áp nên tai nghe không rõ. “Họ đọc nhanh, tôi nghe không rõ, nghe đâu là điều 135 hay gì đấy”, bà Hợp nói. Công an cũng không cho gia đình một bản sao về lệnh bắt này.

Điều 135 của Bộ luật Hình sự của CSVN là tội “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”, nên có thể bà Hợp nghe nhầm. Và phân tích tình hình, người ta dự đoán ông Trương Dũng có thể bị bắt với “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân”, theo điều 331. Nếu bị ghép vào tội này, ông Dũng sẽ phải đối diện mức án tù từ hai năm đến bảy năm.

Nói về ông Trương Dũng, cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho biết “Ông Trương Văn Dũng, sinh năm 1958 và là một trong những ‘người hoạt động đường phố’ mạnh mẽ, nhiệt thành và quả cảm nhất mà tôi biết. Việc ông bị bắt đã nằm trong dự đoán của nhiều người, trong bối cảnh tình trạng đàn áp nhân quyền ngày một khốc liệt. Và ông Dũng, hẳn nhiên, đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến với mình”.

Ông Trương Dũng là một người Phật giáo đầy nhiệt huyết. Ông từng xuống đường tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, bức hại ngư dân. Ông cũng là người kêu gọi công lý cho các gia đình tù nhân lương tâm, tham gia bảo vệ các linh mục khi kiện công ty Formosa thải chất độc ra biển…

Ngày 14 Tháng Ba 2018, khi tham gia cùng nhóm người thắp hương tưởng niệm các binh sĩ Bắc Việt bị Trung Quốc thảm sát ở đảo Gạc Ma, ông Dũng bị an ninh bắt về trụ sở Bộ Công An, số 3 Nguyễn Gia Thiều và bị nhiều nhân viên an ninh thay nhau đánh đến hôn mê. Nghĩ là ông đã chết, công an cho mang lên xe chở đến gần đầu ngõ nhà, rồi vứt xuống đường, sau khi không quên lấy sạch số tiền gần bốn triệu đồng trong túi ông.

Việc bắt giữ ông Trương Dũng được đánh giá là công an Hà Nội muốn “làm sạch” mọi thành phần tranh đấu khó thương thuyết nhất, và việc bắt ông Dũng, cũng được coi là kết thúc danh sách những người tranh đấu ôn hòa và hoạt động cuối cùng ở Hà Nội. Việc bắt ông Dũng cho thấy chính sách miệng lưỡi và hoạt động thực tế của CSVN là như thế nào.

Quốc Thành

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209