Các nhà khoa học lo ngại về biến thể mới của virus khi dịch COVID ở Trung Quốc lan nhanh

Các nhà khoa học lo ngại về biến thể mới của virus
khi dịch COVID ở Trung Quốc lan nhanh

Một linh cữu được hạ xuống từ ​​xe tang và đưa vào một container bảo quản lạnh tại nhà tang lễ và nhà hỏa táng Đông Giao, một trong số những cơ sở được chỉ định giải quyết các ca nhiễm COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 18/12/2022. (Ảnh: Getty Images)

 
Tác giả Shawn Lin

Virus Đảng Cộng sản Trung Quốc (hay virus Trung Cộng), thường được gọi là virus corona chủng mới, đang lây lan với tốc độ đáng báo động ở Trung Quốc, với khả năng đồng nhiễm và lây nhiễm chéo cao. Các nhà khoa học bày tỏ lo ngại về nguy cơ xuất hiện các biến thể nguy hiểm mới này.

Một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ từ cuộc họp trực tuyến theo hình thức hội nghị truyền hình hôm 21/12 của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tiết lộ rằng, tính đến ngày 20/12, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc là 36,996,400 ca. Từ ngày 01 đến ngày 20/12, tổng số ca nhiễm là 248 triệu ca, chiếm 17.56% tổng dân số của đất nước.

‘3 đợt’ dịch

Làn sóng lây nhiễm này có thể chưa đạt đến đỉnh điểm. Hôm 17/12, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), trưởng nhóm dịch tễ học của Trung Quốc, đã dự đoán rằng mùa đông năm nay dịch bệnh sẽ chia làm “ba đợt”: đợt thứ nhất sẽ xảy ra từ giữa tháng Mười Hai đến giữa tháng Một năm sau (2023), chủ yếu ở các khu vực thành thị; đợt thứ hai có thể đến từ cuối tháng Một đến trung tuần tháng Hai vì đây là khoảng thời gian người lao động nhập cư về quê đón Tết Nguyên Đán; đợt thứ ba có thể diễn ra từ cuối tháng Hai đến trung tuần tháng Ba khi những người lao động hồi hương này quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên Đán.

Ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), một thành viên của Nhóm Chuyên gia Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Trung Quốc, cho biết trong một bài giảng hôm 07/12 rằng, căn cứ theo một mô hình dự đoán, khi đợt bùng phát này lên đến đỉnh điểm ở Trung Quốc, thì tỷ lệ lây nhiễm có thể lên đến khoảng 60%, sau đó sẽ giảm dần và bước vào một giai đoạn ổn định. Ông cho rằng, cuối cùng, có khả năng 80% đến 90% dân số sẽ bị nhiễm bệnh.

Dựa trên dân số 1.41 tỷ người của Trung Quốc, 60% ước chừng khoảng 846 triệu người, và 90% ước chừng khoảng 1.27 tỷ người. Điều này có nghĩa là một quần thể dân số rất lớn sẽ bị nhiễm bệnh trong vòng vài tháng.

Công an giữ một số người biểu tình sau một hàng rào trong cuộc biểu tình phản đối các biện pháp zero COVID nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 27/11/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)


Trong ba năm đầu tiên của đại dịch, ĐCSTQ kiên trì áp dụng một cách tiếp cận khác với phần còn lại của thế giới — đó là chính sách “zero COVID linh hoạt” — để chiến đấu với dịch COVID.

Các biến thể của virus

Tiến sĩ Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc có một nền tảng y khoa, chỉ ra rằng cách tiếp cận hà khắc của ĐCSTQ mang đến hai hậu quả. Thứ nhất là, người dân Trung Quốc có khả năng miễn dịch yếu kém hơn đối với chủng virus này, vốn cũng một phần liên quan đến lớp hàng rào bảo vệ kém hiệu quả của các loại vaccine do Trung Quốc sản xuất. Thứ hai, Trung Quốc đã bỏ lỡ toàn bộ quá trình tiến hóa của chủng virus này trong suốt ba năm thực hiện các biện pháp phong tỏa.

Ông giải thích rằng biến thể chiếm ưu thế ở các quốc gia khác chủ yếu là Omicron, trong khi ở Trung Quốc, virus đã không có cơ hội trải qua quá trình tiến hóa tự nhiên này, trong đó biến thể nào lây lan nhanh nhất sẽ nhanh chóng thay thế các biến thể trước đó. Vì thế mà, các loại virus từ thủa đầu có thể vẫn đang tồn tại ở Trung Quốc, và một người có thể bị nhiễm đồng thời nhiều loại biến thể, hoặc có thể xảy ra lây nhiễm chéo giữa hai bệnh nhân với nhau. Trong trường hợp lây nhiễm chéo, các chủng virus rất dễ tái tổ hợp và bệnh nhân đó có thể phát triển các biến thể COVID mới.

Tại một cuộc họp báo hôm 20/12 về kiểm soát dịch bệnh, ông Hứa Văn Ba (Xu Wenbo), Giám đốc Viện nghiên cứu Bệnh Truyền Nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết trong ba tháng qua, Trung Quốc đã phát hiện ba biến thể virus chiếm ưu thế, và hơn 130 biến thể phụ của Omicron hiện đang lưu hành trong nước.

Ông Đường cho biết có hai đặc điểm khác biệt trong đợt bùng phát mới đây ở Trung Quốc. Một là tốc độ lây truyền nhanh ở mức đáng báo động, vượt xa hiểu biết hiện tại của con người về các loại virus, với 37 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày — “một tốc độ mà không quốc gia nào có thể theo kịp,” ông Đường nói.

Đặc điểm còn lại là số ca bệnh nặng và tử vong đặc biệt cao, đây cũng là điều nằm ngoài dự đoán và hiện khoa học cũng chưa có lời giải thích.

Hôm 24/12, The Epoch Times đã liên lạc được với nhà tang lễ lớn nhất ở Bắc Kinh. Nhân viên trả lời điện thoại nói rằng toàn bộ ngăn lạnh bảo quản thi thể đều đã kín chỗ và rằng nhiều thi thể phải chuyển đến một nhà tang lễ khác ở ngoại ô phía đông Bắc Kinh để bảo quản, và đợi cho đến khi nào có lịch hỏa táng thì mới chuyển về lại.

Khi được hỏi thời gian đợi hỏa táng là bao lâu, ông này từ chối trả lời.

Các lò hỏa táng trên khắp Trung Quốc được cho là đã quá tải trong bối cảnh bùng phát dịch gần đây.

‘Thảm họa toàn cầu’

Việc Trung Quốc đột ngột mở cửa trở lại đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Hôm 20/12, tờ Washington Post đã phát hành một bài xã luận có nhan đề “Cơn ác mộng COVID mới của Trung Quốc có thể trở thành một thảm họa toàn cầu”.

Bài báo này viết, “Chính sách ‘zero covid’ của Trung Quốc là không bền vững và đột ngột bị hủy bỏ, nhưng việc không có chiến lược dự phòng nhất quán có thể báo trước một loạt cơn ác mộng mới sẽ ập đến đối với người dân, nền kinh tế, và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này. Một cuộc khủng hoảng mới có thể làm rung chuyển cả thế giới”.

“Một mối nguy hiểm đó là đợt bùng phát ở Trung Quốc có thể sẽ sản sinh ra các biến thể mới đe dọa phần còn lại của thế giới. Sự tình này không cách nào đoán trước được, nhưng các biến thể có đường truyền trước đó đang lan truyền khá nhanh. Hàng triệu ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc đang làm tăng khả năng xuất hiện một biến thể mới”.

Tác giả Shawn Lin 
Ông Shawn Lin là một Hoa kiều sinh sống tại New Zealand. Ông đã viết bài đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Daisy Li
Hồng Ân biên dịch

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025