Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ (Phần 1)

Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ
(Phần 1)
Vương Trùng Dương

Nhà giáo Doãn Quốc Sỹ là vị thầy khả kính với các thế hệ học sinh, sinh viên trước năm 1975. Nhà văn chân chính với các tác phẩm đóng góp cho nền văn chương miền Nam Việt Nam cho đến nay ở hải ngoại.
Nhân dịp Lễ Thượng Thọ 100 tuổi nhà giáo, nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào đầu năm 2023 (Quý Mão), bài này đề cập đến bốn tác phẩm trong Khu Rừng Lau từ thập niên 60… về giai đoạn và bối cảnh đất nước của dân tộc chịu nhiều đau thương!
Năm 2006 tôi viết bài Tác Phẩm “ĐI” của Hồ Khanh & Bản Án của Cộng Sản với nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho tuyển tập của Văn Đàn Đồng Tâm (VĐĐT thành lập năm 2005, Cố Vấn: nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Chủ Nhiệm: nhà văn Tạ Xuân Thạc (Texas), Chủ Bút: nhà văn Việt Hải (Los Angeles). (VĐDT Kỷ Niệm Về Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, 2007, trang 254-258). Bài còn lưu trữ trên trang web Sáng Tạo và trong Mượn Dấu Thời Gian về nhà văn Doãn Quốc Sỹ.
Trích:
Sau tháng 4 năm 1975, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ không “đi” được, ở lại Sài Gòn, được “lưu dung” dạy tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, thế rồi ngày 4 tháng 4 năm 1976, ông bị kết tội trong thành phần “văn nghệ sỹ phản động”, đưa vào trại giam Phan Đăng Lưu rồi chuyển lên trại tù Gia Trung ở núi rừng Tây Nguyên, cho đến tháng Giêng năm 1980. Ra tù, bản thân ông không bao giờ nghĩ đến chuyện “đi” nếu không có những người thân yêu mong đợi. Không “đi” được, ông viết “ĐI” để gởi sang Pháp nhưng bị họ lén lút kiểm duyệt, cũng như nhà văn A. Solzhenitsyn, ông bị kết án 10 năm tù! Ông thọ án cũng gần 8 năm như nhà văn A. Solzhenitsyn ở Liên Xô!
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ cho biết: “Năm 1980, sau bốn năm “chém tre đẵn gỗ trên ngàn” tôi được trở về sống với gia đình, bắt được liên lạc với nhà xuất bản Lá Bối, viết những bài báo phúng thích ngắn ký dưới bút hiệu tếu tếu: Củ Hành Khô!



Sau đó là cảnh đau lòng tử biệt sinh ly của chính mình khi chứng kiến cảnh đám con cháu cùng thân bằng cố hữu lần lượt mạo hiểm tổ chức vượt biên. “ĐI” được sáng tác đúng vào dịp nầy. “ĐI” chính là một hồi ký tự sự viết dưới hình thức tiểu thuyết. “ĐI” được bằng hữu thân tình tìm cách chuyển sang Pháp tới nhà Lá Bối. Tên tác giả được ghi là Hồ Khanh. Sự chọn lựa nầy liên tưởng tới những bài phúng thích trước đây được ghi với bút hiệu Củ Hành Khô. Củ Hành Khô khi nói lái lại thành một bút hiệu nghiêm chỉnh: Hồ Khanh”.
Trong dịp tiếp xúc với nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ông cho biết, khi viết xong từng chương, ông gởi qua bưu điện sang Pháp, ông cảm thấy được trót lọt nên tiếp tục viết và gởi. Năm 1984, bọn công an đến nhà ra lệnh bắt, ông hỏi tội gì thì công an đưa ra những bản đã photocopy bài viết mà ông gởi qua đường bưu điện.
Ông biết mình đã bị theo dõi và kiểm soát rất gắt gao nên đành chấp nhận. Bị nhốt 4 năm cho đến năm 1988 mới ra tòa và bản án: 10 năm. Năm 1991, ông ra khỏi tù, năm 1995, được con trai (Doãn Quốc Thái) bảo lãnh sang định cư tại Texas, Hoa Kỳ.
Tác phẩm “Đi”, gồm 19 chương, trên khổ 5.5 x 8.5 inches, dày 224 trang, là những mẩu chuyện có thật xảy ra trong gia đình, con cháu, người thân… với lối hành văn rất nhẹ nhàng, chân thật bắt gặp trong đời sống người thân và gia đình ông của thời điểm sau năm 1975.
Mở đầu tác phẩm “ĐI”, chương I ông viết: “Bà nội bảy mươi bảy tuổi chẳng bao giờ ngờ chuyến đi từ Hà Nội vô Sài Gòn này lại chỉ chứng kiến đám con cháu nội ngoại trong Nam ra đi gần trọn ổ. Thật buồn! Nhưng qua kinh nghiệm và cảm nghĩ bản thân, cụ cũng thấy rằng điều đó chẳng thể tránh được.
Đây là lần thứ hai cụ vô Nam đấy. Lần đầu cụ vô Sài Gòn vào tháng 3 năm 1977. Ngày đó thằng con trưởng của cụ (di cư vô Nam từ 1964) đã bị bắt giữ rồi… Tháng Giêng năm 1980 cụ nhận được điện báo tin thằng trưởng của cụ được tha. Thế là cụ tức tốc lo liệu giấy tờ lấy… Mẹ con sau hai mươi sáu năm trời xa cách (trên một phần tư thế kỷ) được gặp nhau trước Tết; lũ cháu nội ngoại được quây quần bên bà ríu rít chuẩn bị đón Xuân…
Hạnh phúc mẹ gặp con, bà gặp cháu của một đại gia đình thương yêu hòa thuận không bút nào tả xiết. Vậy mà cụ có ngờ đâu chỉ sau đó ít lâu cụ chứng kiến cảnh chúng nó ra đi dần, có đứa bị bắt giữ rồi được thả rồi lại ra đi nữa…
Từ lúc đột nhiên khám phá ra lũ con cháu trong Nam đang tuần tự ra đi dần cụ chỉ biết niệm Phật, hầu như thường xuyên niệm Phật, kể cả đêm khuya lúc cụ thiếp ngủ tâm tưởng của cụ vẫn hướng về lời niệm…”
Chương II đề cập đến bản thân ông qua hình ảnh ông giáo: “Ông giáo thương lũ con vô cùng. Ngày xưa làm được đồng nào ông nuôi chúng ăn học đầy đủ, ngày nay ông càng thương chúng vì thiếu thốn đủ thứ. Đã đành ông thương chúng như cha thương con, ông còn thương chúng như đạo hữu thương đạo hữu trong pháp nạn, như đám chúng sanh đói khát khổ nạn thương đám chúng sanh đói khát khổ bạn, thương chúng bằng thứ tình nhân bản tinh lọc nhất. Ngay thuở còn trong trại lao động cưởng bách, ông đã viết thư nói với tám con là ông cám ơn Trời Phật đã ban cho ông tám vị bồ tát…”.
Trong những chương kế tiếp, ông nói về hình ảnh người thân, học hành, ra trường, xin việc, mất việc rồi “đi” đường bộ, đường thủy, bị bắt rồi lại “đi”… tin buồn, tin vui lẫn lộn trong lòng thân mẫu ông giáo, vợ chồng ông giáo.
Cuối chương XVI, sau tháng ngày chứng kiến hình ảnh con cháu “Bà cụ nhìn đám cháu còn lại. Cụ biết rồi đây khi cụ đã ra Bắc rồi, nếu có tổ chức gì (ý cụ nghĩ về H.C.R) mà bảo lãnh cho chúng đi tất nhiên chúng sẽ ra đi hết. Có bao giờ cụ quên niệm Phật cầu nguyện cho chúng đâu”.
Rồi những dòng thư của những đứa con xa cha mẹ với bao nỗi nhớ thương, những dòng chữ viết trong nước mắt gởi từ phương trời xa về cho người thân.
Đoạn kết của “ĐI” khi người thân ra đi ở đảo với nỗi niềm: “Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Có thể rồi mai đây được bốc đi định cư ở một xứ sở xa xôi nào, rồi ở đâu đó, tiểu gia đình Hoa sẽ mọc rễ đâu đó như bố mẹ trước đây đã di cư vào miền Nam rồi sẽ mọc rễ ở miền Nam. Ông nội mất, bố có được gặp mặt đâu! Biết bao giờ gặp mặt! Biết bao giờ gặp mặt! Hoa ngẩng nhìn trời thăm thẳm và trong suốt như để tìm những vì sao – (lúc đó làm gì có sao) – nhưng là nhìn vào một tiền kiếp xa xưa nào, hồi bố mẹ còn là những vì sao trên trời”.
Với tâm hồn nhà giáo, nhà văn mang nặng tính nhân bản ghi lại những hình ảnh trong “ĐI” nó bàng bạc trong muôn nghìn gia đình và con cháu trong gia đình ông vào thời điểm đó. Ông không phóng đại, cường điệu, dũng chữ “bao to búa lớn” để chửi bới, lên án mà là tâm tình của ông giáo nặng tình yêu thương với người thân trong hoàn cảnh đen tối đành “đứt ruột” chia tay!..”.
Hình ảnh người bố qua những dòng của chị Kim Khánh: “Ngày mãn hạn tù về, bố bình an như một thiền sư, để lại sau lưng hết cả những thăng trầm của quá khứ. Rồi bố mẹ sang Mỹ ở Houston sống cùng cậu trưởng nam… Như thế được mười năm thì mẹ ngã bệnh. Hôm nay, ở giai đoạn cuối của căn bệnh Alzheimer, mẹ nằm bất động một chỗ và không nói được nữa”. (Bà Doãn Quốc Sỹ, bà Hồ Thị Thảo, con gái nhà thơ Tú Mỡ, pháp danh Diệu Thảo. Thất lộc ngày 08 tháng 9 năm 2011 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ).
*****
Trong lãnh vực giáo dục, nhà giáo Doãn Quốc Sỹ đã dạy tại các trường: Trung Học Công lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội). Khi di cư vào Nam, Hiệu trưởng Trung Học Công Lập Hà Tiên (1960-1961), Trường Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962). Tu nghiệp về ngành Giáo Dục tại Hoa Kỳ (1966-1968)… Giáo Sư Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn.
Tác giả sách giáo khoa: Khảo Luận Về Cao Bá Quát (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Nguyễn Công Trứ (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Đoạn Trường Tân Thanh (Nam Sơn, 1959). Khảo Luận Về Tản Đà (Nam Sơn, 1960). Khảo Luận Về Nguyễn Khuyến (Hồng Hà, 1960). Khảo Luận Về Trần Tế Xương (Hồng Hà, 1960)… Văn Học & Tiểu Thuyết, 2 quyển (ghi chú: Dành cho sinh viên Vạn Hạnh).
Trong lãnh vực văn chương: Tác phẩm đầu tay Sợ Lửa (tập truyện, Người Việt, 1956) cho đến nay khoảng 30 tác phẩm.
Năm 1955, ông ra tờ tuần báo Người Việt nhưng được vài số rồi đình bản. Năm 1956, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ Sáng Tạo với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách (1959).
Thuở còn là thanh niên, ông từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt thật cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến “dinh tê” về thành. Chính thời gian nầy, ông là chứng nhân trước thực tế phũ phàng giữa chủ thuyết và thực tại… và cũng là chất liệu trong các tác phẩm của ông.
Tác phẩm Khu Rừng Lau, trường thiên tiểu thuyết gồm 4 quyển: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965), Đàm Thoại Độc Thoại – Những Ngả Sông (1966).


Theo Lê Văn, Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA), trong cuộc phỏng vấn ông, có dẫn chuyện rằng “Ba Sinh Hương Lửa người ta thường ví như những tác phẩm lớn của Nga như Chiến Tranh & Hòa Bình” trong đó nội dung mô tả lại những cảm xúc đớn đau của một thế hệ thanh niên mới lớn tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó phát giác ra mình đã bị lợi dụng như công cụ đấu tranh giai cấp của bọn cộng sản và “có lẽ chính vì thế mà anh đã bị bọn cộng sản bắc việt bỏ tù khi bọn chúng xâm lăng và chiếm được miền Nam”.
Văn hào Nga Leo Tolstoy (1828-1910) với tác phẩm nổi danh War and Peace (Chiến Tranh & Hòa Bình) trong giai đoạn vào cuối thế kỷ XIX trong cuộc chiến giữa Nga trước và sau sự lâm lăng của Pháp. Tác phẩm gồm 15 phần, trong mỗi phần có nhiều chương, tổng cộng khoảng 1.600 trang. Qua bản dịch tiếng Anh của Aylmer Maude và Louise Maude, bản dịch Chiến Tranh & Hòa Bình của dịch giả Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối, Sài Gòn 1969. Tập 1: 758 trang, tập 2: 729 trang, tập 3: 733 trang, tập 4: 716 trang.
Đây là tác phẩm liên quan đến lịch sử và sự dấn thân của giới quý tộc (Bá Tước, Công Tước)… với những chàng trai tham gia trong cuộc chiến và những mối tình vừa bi thương lẫn lãng mạn. Tác phẩm với khoảng một trăm nhân vật chính trong số năm trăm nhân vật.
Văn hào Leo Tolstoy sinh trước nhà văn Doãn Quốc Sỹ một thế kỷ, tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình được khởi thảo vào năm 1863 và hoàn thành năm 1869. Tác phẩm Khu Rừng Lau của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ấn hành từ năm 1962 và năm 1966… Như một sự ngẫu nhiên với sự trùng hợp của hai văn tài.
Tác phẩm Khu Rừng Lau là trường thiên tiểu thuyết cũng khoảng hai nghìn trang, vẽ lại bối cảnh của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ nhiễu nhương vào giữa thế kỷ XX. Những nhân vật từ lúc trưởng thành trong thành phần tiểu tư sản nhưng chiến tranh do Pháp gây ra, tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng đụng chạm với thực tế phũ phàng với lý thuyết và thực tế nên ngán ngẩm, trở về thành rồi di cư vào Nam, rồi dấn thân trong bối cảnh đất nước phân ly, thế hệ trẻ lại chống chọi trong thời chinh chiến.
Theo lời tác giả: “Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.
Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy” (RFA, 23/6/2008).
Đề cập đến tác phẩm Khu Rừng Lau, với tôi, không thấy ghi trong phần tiểu sử của ông (ngay cả trong các tác phẩm) là sự thiếu sót vì không nói lên giá trị đích thực của tác phẩm với bối cảnh và giai đoạn xảy ra mà người viết như chứng nhân của thời cuộc.
Trong tác phẩm Gìn Vàng Giữ Ngọc, Sáng Tạo ấn hành năm 1959, có hồi ký Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (trang 111-116), tác giả viết về bản thân ông, sinh viên Luật ở Hà Hội, tản cư và gia nhập Việt Minh:
“Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. (Ghi chú: khoảng năm 1946).
Ðến năm 1948, khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình tôi ai nấy đã có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.
– Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi – lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi – chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.
Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói khác:
– Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc thật, nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm…
…Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.



Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên. Còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên Khu I. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơi. Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác.
Trụ sở thông tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang: bến đò Lục Liễu. Ðể tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là “Bến đò liễu xanh”…
…Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy ban Kháng chiến Hành chính Huyện – cậu mợ tôi là những người làm chứng – nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả y như một đám cưới vụng trộm…
…Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học hết năm thứ ba, hy vọng thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến, các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tìm tài liệu tự nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng…
Mùa Ðông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn, quét như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đi. Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu rất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên”.
Mẹ ông đi chợ gặp lúc phi cơ Pháp bay từng đoàn bắn phá và giội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: Chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc… mọi người bỏ chạy. Chiều sẫm, ông ra chợ đón mẹ.
“…Tôi hỏi: “Sao mẹ về muộn quá thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên”. Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Ðó là một chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba…
Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bít tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi “thoát ly” ra ngoài”.
Như vậy, gia đình ông tản cư và ông theo kháng chiến trong khoảng 5 năm (1946-1951) mới thoát ly về Hà Nội dạy học.
Thời gian kháng chiến (cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác) ông là “cán bộ thông tin” nên sau đó am tường chính sách mị dân, lừa bịp của họ… trước thực tế phũ phàng nên từ bỏ chiến khu, trở về Hà Nội. Đó cũng là chất liệu để ông viết tác phẩm Khu Rừng Lau.

Phần I, tác phẩm Ba Sinh Hương Lửa (1962), những dòng đầu (Khai Từ) với các nhân vật chính: Khiết và Khóa (sinh năm 1913), Lãng (1918), Hãng (1921), Hiển (1922), Tân (1923), Kha (1924), Miên (19260… cũng là thế hệ của tác giả vào đầu thế kỷ XX. Và, vào thời đó tuổi thơ đã chứng kiến giai đoạn bi thảm của lịch sử: Ngày 17/6/1930, Đảng trưởng Nguyễn Thái Học (28 tuổi) cùng 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng bị Pháp đưa lên Yên Bái để thi hành án tử hình. Ký giả Pháp Louis Roubaud được chứng kiến cuộc hành quyết các nhà cách mạng Việt Nam đã viết: “Tôi phải dở nón nghiêng mình kính phục tinh thần ái quốc, lòng dũng cảm vô bờ bến của những người Việt Nam yêu nước…” (Vietnam, Tragédie Indochinoise).

“Căn cứ vào thứ bậc tuổi tác trên, chúng ta thấy Khiết, Khóa và Lãng ở vào cùng thế hệ, tạm mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học vì họ có trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng phong trào phục quốc của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Còn năm người kia: Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên thuộc thế hệ sau, trưởng thành trong cuộc khói lửa toàn dân kháng pháp 1946- 1954…”

Tác giả lấy tựa đề trong điển tích “ba sinh hương lửa” trong thi phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du:

“Dạy rằng hương lửa ba sinh. Dây loan xin nối cầm lành cho ai”..

Ba Sinh Hương Lửa gồm 3 phần 16 chương. Phần I: Câu Chuyện Khởi Đầu với 5 chương: Thời Thơ ấu, Cách Nhau Ngàn Vạn Dặm, Anh Trưởng Vỏ, Phẩm Tiên Rơi Đến Tay Hèn, Bên Giường Mẹ.

Phần II: Màu Tím Hoa Lau với 5 chương: Nàng Tiên Dưới Ánh Trăng, Độc Hành, Viên Cố Vấn Thủ Thuật, Mầm Sen Trong Hỏa Ngục.

Phần III: Giã Từ với 7 chương: Người Anh Trở Về, Ý Thức Về Nốt Nhạc, Phong Trào Tam Phản Khóa Bảy, Đôi Bạn Nhỏ, Một Tấn Bi Hài, Dòng Suối Tìm Đường, Hai Lần Sang Sông.

Khi tác phẩm nầy vừa ấn hành, Tràng Thiên (nhà văn Võ Phiến) trong mục Điểm Sách trên tạp chí Bách Khoa số 159 (15/10/1962) ghi nhận (trang 71-73):

“…Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau của ông. Ba Sinh Hương Lửa là quyển truyện thứ nhất. Tác giả kể ra ở Khai Từ tên tám nhân vật chính, nhưng tổng số các nhân vật trong truyện có lẽ cũng đến ngót 80. Chừng ấy người cùng trải qua ba thời kỳ đau khổ: Thời Pháp thuộc, thời Nhật thuộc, thời Việt Minh thuộc. Chịu hết những sóng gió bể dâu của cả ba giai đoạn lịch sử, đó là trải qua “ba sinh”! Cuối truyện ta thấy ba người thanh niên (hai trai: Kha, Hiến, và một gái: Miên) cũng đua nhau về thành. Nhưng trên đầu họ đạn còn réo, xung quanh họ chiến cuộc còn tiếp diễn, việc đời còn ngổn ngang, bao nhiêu kẻ còn chìm nổi trong loạn ly.



Ba Sinh Hương Lửa là cuốn truyện diễn lại một thời đau khổ của dân tộc, nhưng người đọc không cảm thấy bi đát. Trái lại, truyện để lại một cảm tưởng êm đẹp, gây tin tưởng ở cuộc đời. Sự thực chắc chắn không mấy khi độc giả gặp trong tác phẩm văn nghệ được nhiều tâm hồn đẹp đẽ như trong Ba Sinh Hương Lửa…

_____________

…Nhân vật của Doãn Quốc Sỹ đều thừa hưởng một của kho vô tận: Tình thương. Tình thương tràn ngập khắp cùng: Giữa cha và con, vợ chồng, anh em, chú cháu, bạn bè, giữa láng giềng chòm xóm, giữa người quen kẻ thuộc, và giữa cả những người không hề quen nhau… Tình thương mênh mông ấy làm cho tất cả các nhân vật đứng về một phía. Phía bên kia là chế độ của hiềm thù. Và tất cả các nhân vật của Ba Sinh Hương Lửa chống lại chế độ của một điểm xung khắc giữa thương và thù đó…

…Cả cái xã hội gồm đa phần là thanh niên nam nữ có học thức, có tài, có gan dạ, đẹp và rất thơ mộng của ông Doãn, họ sẵn sàng chịu mọi điều cay đắng cam go trong chiến đấu, nhưng khi họ nhận ra rằng trong thế giới của họ tình thương đang bị hủy diệt; thế là họ cùng lắc đầu, từ chối, kéo nhau đi…

…Phần đông trong số thuộc thế hệ Doãn Quốc Sỹ, những người đã trải qua “ba sinh” của đất nước, có kẻ cay đắng chua chát, có kẻ hằn học thù hận, có kẻ hoàn toàn chán chường, có kẻ hoang mang rắc rối, không chút tin tưởng…”.

Với tập I Ba Sinh Hương Lửa (trong 3 tập sau mới ghi thêm Khu Rừng Lau) mà lúc đó, nhà văn Võ Phiến khi đọc viết “Doãn Quốc Sỹ dường như có ý định xây dựng cả một hệ thống tiểu thuyết xung quanh Khu Rừng Lau” vì khi tham gia trong vùng kháng chiến đã là chứng nhân sự thật phũ phàng nên trong chương cuối Hai Lần Sang Sông, Hiển, Kha và Miên đoạn tuyệt với vùng cộng sản về vùng Quốc Gia với dòng kết: “Dù cánh đồng này – Miên nghĩ thầm – có biến thành cả khu rừng lau khô xác đi nữa thì giờ đây, trên đường đời, có những ba bóng người!

Bớt cô quạnh!”

(Còn tiếp phần 2)

Vương Trùng Dương

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025