Soi Thân Cây Mục
Đỗ Ngà
Tính trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 673,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD; nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD, thặng dư thương mại 10,68 tỷ USD vượt xa năm ngoái cùng kỳ. Tuy nhiên, đằng sau con số khả quan đó thì thực chất sức mạnh nền kinh tế Việt Nam là gì?
Theo con số của Cục thống kê thì trong 11 tháng qua của năm 2022, khối FDI đã xuất 252,64 tỷ USD và nhập 216,06 tỷ USD. Như vậy khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam đến 36,58 tỷ USD. Trong khi đó, khối nội xuất 89,55 tỷ USD và nhập 115,45 tỷ USD. Như vậy khối nội làm chảy máu ngoại tệ một lượng là 25,9 tỷ USD.
Năm ngoái, khối FDI chiếm 69% tổng giá trị xuất khẩu cả nước và năm nay tỷ lệ khối FDI trong xuất khẩu lại nhảy lên 73,8%. Con số này nói lên thực tế rằng, năm 2022 (năm mà không còn dịch Covid-19 hoành hành) khối nội đang mất dần thế tự chủ của mình đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tính trong 11 tháng đầu năm 2021, khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam 22,87 tỷ USD trong khi đó khối nội lại làm chảy máu một lượng ngoại tệ 22.64 tỷ USD. Như vậy sau 12 tháng (từ Tháng 11/2021 đến Tháng 11/2022), khối FDI mang về cho nền kinh tế Việt Nam thêm 13,71 tỷ USD trong khi đó khối nội làm cho nền kinh tế mất thêm 3,26 tỷ USD. Khối ngoại tiến rất nhanh trong khi khối nội đi giật lùi dù cho Covid đã qua.
Nếu nói nền kinh tế Việt Nam đang đứng trên hai chân trụ, chân trụ ngoại (tức FDI) và chân trụ nội thì rõ ràng chân trụ nội đang bị mất dần vị thế và nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phụ thuộc nước ngoài. Nếu cứ đà này, nền kinh tế Việt Nam chẳng khác nào “cây tầm gởi”, ký gởi số phận của mình lên khối FDI, vậy thì nền kinh tế Việt Nam tự lực tự cường thế nào được?
Nền kinh tế Việt Nam đang như anh què, trong đó khôi nội rõ ràng là đôi chân bị què còn khối ngoại là đôi nạng gỗ. Đôi nạng này thuộc quyền sở hữu của người khác, họ chỉ cho mượn để anh què dưỡng chân nhằm sau này có thể tự đứng. Với tình hình đôi chân ngày một yếu đi như thế này thì rõ ràng, “một ngày đẹp trời” chủ của những chiếc nạng gỗ đòi lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Câu hỏi đặt ra là, khi đã hết dịch tại sao doanh nghiệp nội lại yếu đi trong khi doanh nghiệp ngoại lại lớn mạnh? Sao ngược đời vậy? Câu trả lời là do chính sách kinh tế Việt Nam đang có vấn đề. Doanh nghiệp bị yếu đi do dịch không nghiêm trọng bằng việc các doanh nghiệp bị đánh gục bởi chính sách do chính quyền Cộng Sản ban ra.
Cái mục nát của nền kinh tế Việt Nam nó bắt đầu từ rất lâu. Vì những chính sách kém cỏi, vì những cơ chế yếu kém được duy trì và nuôi dưỡng mà bên trong khối nội đang có rất nhiều “sâu đục thân” đang đục khoét nền kinh tế. Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC, Trí Việt, Egroup vv.. trước đây nó khoác lên thân nó một hình ảnh “lá cờ đầu đàn” của nền kinh tế nhưng đến khi khui ra thì toàn là sâu mọt. Những con sâu này có thể sống một thời gian vét cạn túi nhà đầu tư là bởi thể chế này đang cung cấp dinh dưỡng cho nó.
Hậu Covid-19, quốc gia nào cũng dùng chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát bởi thời kỳ Covid- 19, quốc gia nào cũng bơm tiền quá trớn và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, khi các nền kinh tế khác thắt chặt tiền tệ thì ở xứ họ cũng không lòi ra một bầy sâu nhin nhút như Việt Nam hiện nay đâu?
Ngay cả Vin Group – một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam cũng đang bị đuối sau Covid với việc lập doanh nghiệp VMI để vét tiền nhà đầu tư không qua thị trường chứng khoán. Công ty mẹ Vin Group thì nợ gấp 2,85 lần vốn chủ sở hữu còn công ty con Vinfast thì lỗ lũy kế đến 4,7 tỷ USD trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ có 4,4 tỷ USD. Con là “Chúa chổm” thì cầu cứu đến mẹ, nhưng mẹ cũng là “Chúa Chổm” thì con cầu cứu ai? Vin là doanh nghiệp đang có hậu thuẫn mạnh của thế lực chính trị mà cũng khốn khó như thế thì các “tép riu” chịu sao nổi với chính sách của ông Chính quyền này?
Nói cho cùng, các doanh nghiệp nội vốn dĩ đầy rẫy loại doanh nghiệp “sâu đục thân”, sâu chỉ lộ ra khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ban ra như siết room tín dụng, nâng cao lãi suất điều hành vv... Đó là thực tế đáng buồn. Khối nội đã què mà còn đầy sâu bọ thì bền vững thế nào được? Nền kinh tế Việt Nam, nền kinh tế rỗng.
Đỗ Ngà
Nguồn FB
Nhận xét
Đăng nhận xét