Nếu mộng không thành thì sao?

Nếu mộng không thành thì sao?


Nguyễn Thị Cỏ May

Xi học ai để lãnh đạo đảng cộng sản và Nhà nước Tàu? Dĩ nhiên đã hoạt động từ lúc thiếu nhi và đoàn, Xi phải tắm mình trong kinh điển Mác-Lê nhưng không phải thứ Mác-Lê nguyên chất. Cái Mác-Lê của Xi tôi luyện là thứ đã được Mao và Đặng sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh lich sử và thực tế nước Tàu lúc bấy giờ.

Hơn nữa, theo hướng mở cửa của Đặng, Xi còn cho thêm vài liều kinh tế thị trường vào chủ thuyết cộng sản chánh thức . Nhưng Xi vận dụng luật pháp cai trị cực kỳ độc tài, tóm trọn quyền lực vào trong tay một mình, không chấp nhận mọi ý kiến khác hơn, coi thường quyền lợi cá nhơn. Điều này, nhiều người cho rằng không phải do Xi học ở Mác hay Engels, mà ở Thương Ưởng và Hàn Phi, phái Pháp gia của Tàu thời chiến quốc . Học thuyết pháp gia là dùng sức mạnh của luật pháp do mình đặt ra, pháp quyền, cai trị dân, làm cho dân phải tuyệt đối tuân phục người cầm quyền.

Hiện nay, đảng cộng sản Hà nội cũng học theo Tàu, gọi nhà cầm quyền ở Việt nam là « Nhà nước pháp quyền xhcn », chớ không phải Nhà nước pháp trị như các nước dân chủ tự do . Nhà nước pháp trị thì nhà cầm quyền không  thể đứng trên luật pháp được.

Thấy chưa đủ về mặt tư tưởng, Xi vận dụng thêm Khổng Mạnh đề cao trật tự xã hội để giải thích cai trị độc tài là đúng, và làm mới lại những giá trị đế quốc phong kiến, để tất cả chứng minh cho tham vọng của Xi tại sao đưa nước Tàu lên vị thế lạnh đạo thế giới ngày mai này.

Phải chăng vì thế mà từ những năm 1990, ở Tàu có nhiều sách ca tụng cái đẹp của một thế giới thuận thiên địa, một giá trị xưa, nay đem áp dụng lại. Thiên địa hay thiên hạ, theo những nhà tư tưởng xưa, đó là hệ thống cai trị bảo đảm thế giới được hài hòa, tất cả các nước đều bình đẳng và không có kẻ thù.

Xi giải thích đó là cái thế giới lý tưởng ngày mai do Tàu cai trị dựa theo những giá trị của riêng tàu, có thể là một thứ xã hội chủ nghĩa mang đặc tính tàu. Nó sẽ ngăn chận thứ chủ thuyết tân tự do kiểu mỹ và cả thứ cộng sản của liên-xô. Bởi vì chỉ có Tàu mới đủ khả năng phát triển một thế giới hài hòa và thạnh vượng.

Xi nhấn mạnh «Nếu chúng ta muốn có một sự thống nhứt thật sự và bền vững về chánh trị và văn hóa, thì sự thống nhứt đó chỉ có thể thiết lập trên nền tảng khổng mạnh, tức quan niệm thiên hạ, nhờ áp dụng đường lối Vương đạo và thực hiện dự án môt Đế quốc-thế giới » (3/2013, Nhựt báo Nhơn dân, Le Point trích dẫn, 15/11/22).

Tư tưởng mà Xi khai thác lại để dựa theo đó mà lãnh đạo nước Tàu, sau khi nhà Thanh sụp đổ, giới trí thức tàu lại muốn dẹp bỏ luôn. Họ qui trách nhiệm tư tưởng khổng mạnh đã làm cho nước tàu chậm tiến, dân tàu ngu dốt trước đà tiến của thế giới. Năm 1919, dân chúng nổi dậy hô hào « Đả đảo Không tử » . Họ là những người học tây học, những  thứ mà cái học khổng mạnh khinh bỉ, cho là thứ học du côn . Vì theo tây học, họ đọc Voltaire, Rousseau, Kant, Nietzsche, Marx, …toàn là những thứ như hỏa tiển nhắm thẳng vào thành trì khổng mạnh băn phá . Đúng là một cuộc cách mạng văn hóa thật sự.

Nhiều thay đổi được thực hiện như đơn giản hóa tiếng tàu, thay đổi luật pháp, nhìn nhận nam/nữ bình đẳng, bảo vệ tự do cho tuổi trẻ, mê tín bị bài trừ, … .

Nền Cộng hòa ra đời năm 1912 do Quốc dân đảng lãnh đạo đi vào suy thoái, do bộ máy cửa quyền, tham nhũng. Năm 1949, Mao chiếm chánh quyền, những thay đổi đang làm kia liền bị thay thế bởi duy vật biện chứng, chủ nghĩa thực dụng và tính mâu thuẩn của lý luận. Thế là Tàu nhảy vọt từ 1958 tới 1960 làm cho hơn 4 triệu người chết đói. Qua những năm 1966-1974, cách mạng văn hóa phát động cũng giết hại thên hằng tiệu người, trong số đó, có không ít trí thức, và một phần quan trọng di sản văn hóa tàu bị hư hại.

Phải kiểu tàu

Mao muốn sáng tạo ra một thứ cộng sản theo kiểu tàu, tức phải nặng mùi xì dầu. Mao đi theo Mác, Đặng nối ngôi, muốn Tàu là tư bản nhưng lại cũng phải là thứ tư bản theo kiểu tàu .

Trong vòng gần 50 năm, nước Tàu từ kém phát triển trở thành một nước phát triển nhứt nhì thế giới . Sự phát triển này sẽ đi tới đâu? Hiện nay, Tàu đã mua được bến cảng ở Âu châu, nhiều triệu thước vuông đất đai ở Phi châu để thực hiện « Một con đường, một vành đai ».

Thật sự những nhà lãnh đạo nước Tàu muốn đi tới đâu? Lãnh đạo thế giới thiệt sao?

Họ lãnh đạo thế giới khi mà họ đặt hệ thống kiểm soát dân của họ theo sát từng cái nhăn mặt, cái ho, cái cười, đưa vào tập trung những người bị phát hiện có thái độ bất mãn, chủ trương tiêu diệt chủng tộc ouigour, đóng cửa những thành phố có người mắc dịch vũ hán, mổ sống những người pháp luân công lấy nội tạng bán,…? Khi các nước Tây phương tố cáo vi phạm nhơn quyền, nhà cầm quyền tàu thản nhiên trả lời «Đó là vấn đề nội bội, không ai có quyền can thiệp. Có can thiệp cũng sẽ thất bại» .

Những người vi phạm tội chống nhơn loại chưa kịp đưa ra Tòa án Quốc tế xét sử, nay lại muốn cai trị thế giới để dạy cho thế giới học những giá trị phổ quá, thiên hạ là nhà?

Nhưng thử hỏi Tàu có phải là nước thật sự đủ sức lập ra một trật tự mới để cai trị thế giới chăng?

«Tư bản nhà nước, độc tài triệt để, không chiếm nước khác đặt nền cai trị mà ảnh hưởng mạnh về chánh trị và kinh tế », đó là tư tưởng chủ đạo của Xi . Thử xem tư tưởng này có đúng là thừa hưởng từ những giá trị xưa của Tàu là « thiên hạ sống với nhau hài hòa và thái bình » hay không?

Đúng hay không, không quan trọng. Xi chỉ muốn áp dụng lý thuyết chánh trị cũ là thống nhứt và ổn định để có một trật tự cho thế giới ngày nay để Tàu lại trở thành một Đế quốc Trung  hoa mới . Được như vậy thì đúng là Xi đã nhận lảnh mệnh Trời cai trị thiên hạ .

Xi, Vạn vạn tuế!

Mộng của Xi sẽ thành?

Trong chiến tranh ở Ukraine, Huê kỳ và Tàu không tham chiến nhưng nó vẫn cho thấy khá rõ đó là một thứ chiến tranh đối đầu thật sự giữa 2 cường quốc. Nga đưa quân đánh chiếm Ukraine sẽ làm thay đổi sâu xa cái trật tự địa chánh thế giới hiện tại trong thời gian dài. Khi khởi chiến, Poutine tin chắc chỉ trong một tuần là tóm thâu được Ukraine về dưới trướng của mình. Dĩ nhiên Xi cũng không nghĩ khác hơn nên đã không ngần ngại tuyên bố siết chặc tình đoàn kết chắc như đá tảng với Poutine .

Hôm 4 tháng 2, Xi đã trải thảm đỏ đón rước Pou (Putin) tới thăm viếng. Hai nhà độc tài siết tay nhau cùng quyết tâm chấm dứt thế bành trướng của Huê kỳ, áp đặt cho thế giới cái trật tự mới theo họ  quan niệm là chế độ độc tài, thay thế cái dân chủ tự do mà họ cho là đã tới hồi xuống cấp rồi.

Xi và Pou trở thành đồng minh, «tình bạn không giới hạn » của hai người sẽ bền vững muôn năm.

Khi Pou tiến đánh Ukraine, Xi tin chắc Pou sẽ thắng dễ dàng. Xi phấn khởi vì thấy đây là cơ hội hạ nhục Tây phương và phơi bày những cái yếu ớt của Otan (NATO) vì phải chấp nhận đứng ngoài cuộc chiến và nhìn Ukraine bị Pou xé nát. Với Xi đó là bài học cho tất cả các nước, trong đó chắc phải có Hà nội, muốn chạy theo dân chủ tự do, và ngã về với Tây phương.

Hãy liệu hồn. Pou thôn tính được Ukraine còn cho Xi tin tưởng sẽ thu hồi Đài loan về với lục địa mà khônng ai dám can thiệp.

Xi thêm tin tưởng về dự tính của mình khi thấy Pou hăm dọa sử dụng bom nguyên tử sẽ làm cho Tây phương không dám can thiệp vào cuộc chiến. Xi nhìn thấy Pou đúng là bạn chiến lược của mình đối với Huê kỳ và Xi muốn giúp Pou để tránh bị thất bại!

Chưa kịp hành động thì thấy tình hình cuộc chiến ở Ukraine xoay chiều bất lợi. Dự tính chủ quan của Pou hoàn toàn không đúng với thực tế.

Mặt khác, Xi đang vận động chiếm thêm một nhiệm kỳ Tổng Bí thư nữa mà tình hình trong xứ không mấy thuận lợi trong lúc ngày Đại hội sắp tới.

Biện pháp Zéro Covid đã làm bùng phát nhiều vụ dân chúng nổi dậy chống đối mạnh, kinh tế khựng lại nghiêm trọng, lạm phát gia tăng, đời sống xã hội bắt đầu bất ổn trên cả nước .

Những biện pháp trừng phạt Pou làm cho kinh tế thế giới khủng hoảng, mục tiêu 5,5% phát triển thấy khó đạt tuy đó là mục tiêu quá thấp theo dự tính.

Xi giựt mình . Tàu là nước gia công cho Huê kỳ và Âu châu . Những nhà đầu tư vào Tàu đều là giới tư bản Tây phương, không có Nga .

Khi Huê kỳ và Âu châu ủng hộ Ukraine, Nga từ từ thất bại trước lực lượng phản công của dân quân dũng cảm Ukraine, Xi bắt đầu thật sự thấy cái giá mình phải trả để đổi lấy giấc mơ làm bá chủ thế giới, với nền chánh trị độc tài, nền kinh tế tư bản nhà nước và con đường tơ lụa bao quanh thế giới .

Vậy giờ đâyXi đã nhận thấy sức mạnh của Dân chủ Tự do chưa?

Nguyễn Thị Cỏ May

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025