Có nên dẹp trò "Chống tham nhũng"?

Có nên dẹp trò "Chống tham nhũng"?

J.B Nguyễn Hữu Vinh
Chống tham nhũng: Vở diễn cũ
Không phải mới đây, ít nhất là đã hơn 3 chục năm đảng Cộng sản hô hào “chống tham nhũng”. Khi đó, tham nhũng được đánh giá là một nguy cơ, một hiện tượng có thể len lỏi vào hàng ngũ cán bộ, làm thoái hóa, biến chất cán bộ đảng, nên phải chống tham nhũng.
Và rồi hàng loạt ban chống tham nhũng ra đời. Ở đó, các Giám đốc cơ quan nhà nước, các thủ trưởng cơ quan, đơn vị được cử làm người đứng đầu chống tham nhũng ở trong những đơn vị đó.
Hài hước thay điều này.
Bởi đơn giản, là người tham nhũng nhiều nhất có thể, lại chính là kẻ đang được giao quyền hành để “Chống tham nhũng”.
Và người ta đã phản ứng ngay từ khi đó rằng: Trò mèo, có đời nào mà tôi lại tự chống tôi khi tôi tham nhũng? Bởi tôi là người đứng đầu, quyền lực nhất, có khả năng nhất và sẵn sàng lòng tham nhất để tham nhũng, còn cấp dưới, bọn không chức, không quyền thì có muốn tham nhũng cũng chẳng thể nào tham được.
Nhưng, bỏ ngoài tai tất cả, đảng vẫn cứ trống giong, cờ mở chống tham nhũng cho đến nay.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm với chừng ấy thời gian đảng hô hào chống tham nhũng, thì tham nhũng cũng cứ vậy mà phát triển “Năm sau cao hơn cùng kỳ năm trước”. Và đến nay, nó đã lan tràn ra đủ mọi cấp, mọi ngành, mọi lính vực, mọi địa phương và mọi tổ chức.
Không những thế, nếu ngày xưa tham nhũng chỉ là vài ba chục triệu, thì ngày nay, quy mô đã lên đến chục tỷ, trăm và ngàn tỷ cứ “đều như vắt chanh” ở mọi vụ án.
Và tham nhũng đã không còn là “hiện tượng”, là “khả năng” là “dấu hiệu” mà đã trở thành “Quốc nạn”. Tham nhũng không còn là một cá nhân riêng lẻ, mà là cả cụm, cả khối, cả tổ chức từ bí thư đến chủ tịch cộng thêm các bộ ngành liên quan… đến mức các quan chứ ra tòa vì tham nhũng đã không còn đơn độc trước các vành móng ngựa.
Mấy chục năm đảng chống tham nhũng, điều ai cũng thấy là càng chống, tham nhũng càng phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và phổ biến ở mọi nơi, mọi lúc.
Chiến dịch mới?
Cái gọi là chống tham nhũng của đảng CSVN những tháng gần đây có vẻ ngày càng gay gắt và quyết liệt. Hàng loạt vụ án được khởi tố, hàng trăm cán bộ cao cấp đến trung cấp, tướng tá… lần lượt dẫn nhau vào tù.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ, hàng ngũ quan chức cộng sản vào tù từ cấp cao nhất là Ủy viên Bộ chính trị đến các Ủy viên trung ương, các Bộ trưởng, các tướng, tá đủ lực lượng từ Công an, Quân đội, Cảnh sát biển cho đến Biên phòng… đều thi nhau vào chiếm chỗ của đám lục lâm thảo khấu trong các nhà tù nhiều đến thế.
Và như vậy, không chỉ là các “thế lực thù địch” đã bị đảng trả thù bằng cách đưa vào nhà lao, mà cả các “thế lực thân địch” cho đến “thế lực thờ địch” đều cùng vào chung một rọ: Nhà tù của đảng.
Không chỉ thế, gần đây là các đại gia, là các sân sau của các quan chức cộng sản, cũng đã lần lượt vào tù làm chao đảo nền kinh tế xã hội Việt Nam. Điển hình, có thể kể đến các đại gia thuộc hàng “Vua biết mặt, chúa biết tên” đã từng lên các diễn đàn rao giảng về đạo đức kinh doanh, kinh nghiệm làm giàu, cách làm giàu chân chính… để rồi chợt một ngày đẹp trời nào đó, thiên hạ mới ngã ngửa ra rằng: “À thì ra cũng chỉ thuộc loại bẻm mép, dạng hàng cá hàng tôm ngoài chợ, thuộc diện cha ông đã nói “Trời làm lụt lội chó nhảy lên ban thờ” chứ tài năng, đức độ gì đâu. Chung quy lại, chỉ là con tốt thí, là cái sân sau của đám quan chức cộng sản, chúng dựng lên để cướp tiền dân cho chúng, và đến lúc nào đó, khi hết thỏ, thì người thợ săn lại ăn thịt chó. Vậy thôi”.
Có thể kể đến rất nhiều vụ như vậy và những hậu quả của nó để lại cho xã hội là hết sức nặng nề. Chỉ tính gần đây, đã nổi lên những vụ “kinh thiên động địa” trong hàng ngũ bất động sản Việt Nam như sau:
Ngày 29/3/2022, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán". Kèm theo hai em gái cùng một Phó TGĐ Công ty cũng bị khởi tố bắt giam.
Ngày 25/8/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bổ sung đối với Trịnh Văn Quyết để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tội của Quyết được nêu trong các báo chí nhà nước, từ che giấu thông tin và thao túng chứng khoán, cho đến lừa đảo tài sản… Những điều mà nếu chỉ trước đó ít ngày thôi, nếu có ai nói, thì chắc rằng sẽ bị ném đá tả tơi vì làm gì có chuyện một đại gia thuộc diện “nhà nghèo vượt khó” làm giàu và tâm đức như vậy lại có thể phạm tội tày đình bằng việc phù phép nâng khống 1,5 tỷ đồng tiền vốn của FLC Faros lên thành 4.300 tỷ, sau đó bán đi thu về 6.400 tỷ. Làm ăn thế thì không giàu mới lạ.
Vấn đề là vì sao Quyết có thể làm được điều này dễ dàng như thò tay vào túi lấy tiền thì chưa thấy báo chí và cơ quan luật pháp nói đến. Chắc bởi… nhạy cảm?
Hèn chi mà trước khi ra khỏi chiếc ghế Thủ tướng chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc vẫn kịp thời với tay ký thêm cho FLC của Quyết cái dự án sân Golf và nghỉ dưỡng khổng lồ trên Tây Nguyên.
Chỉ mấy ngày sau, ngày 5/4/2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an lại ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Dũng cũng bị điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Dũng, cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác.
Từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Việc bắt Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh làm dư luận khá choáng, bởi doanh nghiệp này mới làm nổi sóng dư luận xã hội, nhất là giới kinh doanh Bất động sản Sài Gòn và cả nước về vụ đấu thầu khu đất Thủ Thiêm với giá khủng khiếp là 24.500 tỉ đồng, rồi sau đó hy sinh số tiền đặt cọc rất lớn để bỏ của chạy lấy người.
Hẳn nhiên là dư luận đủ cách đồn đoán, trong đó có ý kiến cho rằng đó cũng là một cú affair có tính toán của Tân Hoàng Minh. Bởi sau khi thắng thầu với cái giá “trên trời” kia, thì những khu đất lân cận đã đủ điều kiện để Tân Hoàng Minh chuyển nhượng với giá cũng gần trên trời cho người dân và các nhà đầu tư khác.
Tưởng việc bắt hai đại gia bất động sản đó đã đủ cho thiên hạ biết mà sợ cái uy của đảng, rằng là đến khi đảng cần, đảng đói thì đại gia được nuôi béo, chỉ là nguyên vật liệu.
Nhưng chưa đủ, ngày ngày 7/10/2022, CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với các bị can liên quan. Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng hàng loạt thân cận bị bắt.
Đến đó thì dư luận chấn động và thị trường bắt đầu biến động, kể cả cái ngân hàng SCB gắn bó mật thiết với tập đoàn này bắt đầu chao đảo.
Hàng loạt sự sụt giảm và dẫn đế lao dốc tận đáy của Thị trường Chứng khoán Việt Nam không có cách nào cứu vãn. Hàng đoàn người dân nối đuôi nhau rút tiền khỏi nhà băng SCB liên quan Vạn Thịnh Phát làm cho cả hệ thống ngân hàng hoảng hốt sợ vạ lây.
Mặc dù Ngân hàng nhà nước và quan chức đã ra sức trấn an người dân, hệ thống báo chí quốc doanh được huy động tối đa bịa đặt rằng ngày 12/10 người dân vẫn gửi vào SCB 6.000 tỷ, rồi chừng như chưa đủ, báo chí lại đưa tin rằng ngày 13/10, dân gửi vào SCB đến 12.000 tỷ. Nhưng, nói dối hay cùng, đến ngày 15/10, ngân hàng nhà nước buộc phải đưa ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt vì có thể mất khả năng thanh toán.
Và đến đó, thì nhà nước và quan chức nhà nước đua nhau chạy làng. Bộ trưởng Tài Chính mới chưa đầy tháng trước mạnh mồm rằng “Nhà nước sẽ bảo đảm lợi ích cho người đầu tư” nhưng nay thì nói ngược lại: “Nhà đầu tư cổ phiếu phải tự chịu trách nhiệm rủi ro”.
Và lại có một tầng lớp mới những người dân oan của ngân hàng đi biểu tình đòi tiền.
Và thị trường chứng khoán chao đảo, rồi kinh tế bấn loạn, quan chức sợ hãi.
Chỉ điểm qua ba vụ và những vụ án gần đây với chuyện khởi tố, bắt bớ, truy nã… đã làm chao đảo cả hệ thống không chỉ ngân hàng, mà cả hệ thống chính trị, các ngành từ Y tế, Giáo dục, Ngoại giao… với hàng trăm quan chức đã tiếp tục “Học tập làm theo tấm gương đạo đức HCM” trong việc: Viết Nhật ký trong tù.
Tác dụng của Chống tham nhũng ở đâu?
Quan sát những vụ án mang danh chống tham nhũng, chúng ta thấy điều gì?
Trước hết, về con người, những quan chức, các chính trị gia được đưa vào nhà lao thời gian qua đều là sản phẩm có chọn lựa của Tiểu ban Nhân sự ở các kỳ Đại hội đảng do Nguyễn Phú Trọng là trưởng ban. Do vậy không thể nói gì khác rằng đó hoặc là thất bại của Nguyễn Phú Trọng, hoặc là sự tha hóa đến mức đáng kinh ngạc của quan chức ngày nay sau khi đã có chức, có quyền, có điều kiện để tham nhũng.
Và những quan chức tham nhũng vào tù, ngoài sự hả hê của đối phương, của một bộ phận dân chúng vốn thừa lòng tin vào cuộc chống tham nhũng của đảng thì đó là sự tàn phá về nhân lực và niềm tin trong xã hội. Đó cũng là đỉnh điểm của việc chứng minh câu nói của TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu: “Hãy xem việc cộng sản làm, đừng nghe lời Cộng sản nói”. Bởi ngay trước đó thôi, các quan chức, các chính trị gia này không hề thiếu sự cao ngạo và những lời rao giảng đạo đức cho xã hội, thâm chí viết thành sách.
Ngoài xã hội, sự sụt giảm của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, công nhân mất việc hàng loạt vì không có việc làm - đội ngũ “giai cấp tiên phong của đảng” vừa qua đợt dịch liêu xiêu đi không nổi, nay đối diện với thất nghiệp đã vẽ ra trước mắt họ cái tiền đồ của Chị Dậu.
Trong hệ thống chính trị, quan chức bỏ việc, phần còn ngồi lại thì dừng việc đầu tư công, mua sắm máy móc, thiết bị y tế, giáo dục… dẫn đến bệnh viện thiếu bác sĩ, thiếu vật tư, thiếu thuốc, nhà trường thiếu thầy cô giáo, thiếu đủ thứ cho học sinh.
Bởi đơn giản, là việc tham nhũng, bớt xén đã thành máu, thành thịt của hệ thống này. Do vậy nay nếu làm, mà bị phe lò dòm ngó thì mọi cán bộ ưu tú của đảng sẽ trở thành những bó củi rất tiềm năng.
Mà ở cái lò quái gở này, thì không chỉ củi khô, mà củi tươi cũng đốt, miễn là không thuộc phe lò và ra tiền.
Và đảng lại tiếp tục cuộc khủng hoảng không lối thoát về nhân sự. Bởi chẳng có nhân sự nào mà không vấy bùn khi đứng trong hệ thống này của đảng, khi có điều kiện mà lại không tham nhũng.
Điều quan trọng hơn nữa, là mấy chục năm chống tham nhũng đã qua, tiền của của dân vẫn cứ đội nón ra đi lũ lượt, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 4-6% số tiền đã bị tham nhũng. Tỷ lệ này chắc không đủ để chi cho cả bộ máy đi “chống tham nhũng”.
Và như vậy, việc chống tham nhũng, lại trở thành hành vị tham nhũng tinh vi nhất mà ít người nhìn thấy.
Mới đây, tác giả Francesco Guarascio trên Reuters hôm 28/11đã nhận xét rất hữu lý rằng: Cái gọi là Chống tham nhũng của ĐCSVN đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu.
Và nhìn lại tổng thể cuộc chống tham nhũng của ĐCSVN từ xưa đến nay với những kết quả đạt được, người ta đó là công việc của con dã tràng xe cát Biển Đông.
Vậy thì chống tham nhũng để làm gì?
26/12/2022
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025