“Sài Gòn là “thủ đô hen suyễn” của Châu Á”!
“Sài Gòn là “thủ đô hen suyễn” của Châu Á”!
Khói bụi ở Sài Gòn khiến ai ra đường cũng dùng áo khoác và khẩu trang che kín người và mặt mũi - Ảnh An Vui |
An Vui
Phó giáo sư Tiến sĩ bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan – Chủ tịch Hội Hen suyễn – Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng Sài Gòn cho hay Sài Gòn được mệnh danh là “thủ đô hen suyễn” của châu Á. Nồng độ PM2.5 của Sài Gòn hàng năm đều chiếm 23μg, cao gấp hơn 4 lần tiêu chuẩn của WHO.
“Cứ mỗi 10mg/m3 PM2.5 tăng lên trong không khí sẽ có thêm 56 ca ung thư phổi, 64 ca ung thư hệ hô hấp và tăng 3,5% lần nguy cơ trẻ em dưới 5 tuổi tại Sài Gòn phải nhập viện”, bác sĩ Lan cảnh báo.
Thông tin từ bác sĩ Lan đưa ra tại hội thảo “Mô hình hóa tác động của không khí ô nhiễm và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe cộng đồng tại Sài Gòn (Healthy Air 2022)” diễn ra hồi Tháng Sáu 2022.
Thế mà hôm 23 Tháng Mười Hai, trong hội nghị tổng kết năm 2022 của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT), Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định tỷ lệ người dân lo lắng về môi trường chỉ còn 1,55%, giảm tới gần 11 điểm phần trăm so với tỷ lệ 12,53% năm 2016!
Ông Hà còn cho hay trong năm 2022, ngành này đã hoàn thành chỉ tiêu 91% khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu dọn xử lý tại khu vực đô thị đạt khoảng 96,37% (cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 89%); gần 20.000 ha đất nông nghiệp đã chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp; gần 30.000 ha đất chưa sử dụng được khai thác để phát triển rừng, nâng tổng diện tích đất có rừng lên 15.440.000 ha, chiếm 46,59% diện tích tự nhiên của cả nước.
Thật là những con số đẹp, nhất là con số về diện tích đất có rừng, với sự thật bị che giấu là trong số đó có bao nhiêu là rừng giàu (rừng tự nhiên 100%), bao nhiêu là rừng có cây mới trồng?
Báo Trí Thức đã điểm lại nội dung hai hội thảo về môi trường tổ chức hồi Tháng Sáu 2022 và Tháng Chín 2022 với nhiều thông tin cảnh báo. Ngoài nhận định của bác sĩ Lan về việc tại sao Sài Gòn bị gọi là “thủ đô hen suyễn của châu Á”, còn có nhận định của bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập tạp chí Kinh Tế và Dự Báo: Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam bị suy thoái nghiêm trọng do phương thức tăng trưởng còn nặng theo chiều rộng, sử dụng năng lượng hóa thạch và nguyên liệu đầu vào, trong khi trình độ sử dụng công nghệ mới để giảm hao hụt vật chất còn thấp, việc quản lý tài nguyên còn hạn chế…
Tại hội thảo về môi trường hồi Tháng Chín 2022 do tạp chí Kinh Tế và Dự Báo tổ chức, nhiều chuyên viên khoa học đã cảnh báo: Nếu không thay đổi, Việt Nam sẽ trả giá cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6-7% GDP, tính cả phí y tế để chữa bệnh cho người dân, tổng khoản chi sẽ lên đến 8-10% GDP. Phó giáo sư Tiến sĩ Lê Quốc Lý chỉ ra ba trụ cột bảo đảm sự phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước là tăng trưởng kinh tế cao gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống xanh-sạch-đẹp. Theo ông Lý, “cái giá” phải trả cho môi trường bị hủy hoại xấp xỉ mức tăng trưởng kinh tế 8-9%, như vậy thực tế sẽ là kết quả âm.
Nhận xét
Đăng nhận xét