"Nghệ sĩ nhân dân, tiến sĩ" Bạch Tuyết

"Nghệ sĩ nhân dân, tiến sĩ" Bạch Tuyết

Tám Vạn
Thằng Tám mê mệt lối diễn xuất của nghệ sĩ Bạch Tuyết trong những vở tuồng cải lương tình cảm xã hội trên sân khấu đoàn Hoa Mùa Xuân, tiền thân của ca kịch đoàn Dạ Lý Hương sau này. Chị được ông bầu gánh và đội ngũ soạn giả thường trực của đoàn cưng yêu và viết cho những vai tuồng theo kiểu "đo ni đóng giày". Chị rất thành công trong những vai gái "hippy" hay gái ăn sương nên được báo chí kịch trường đã ca tụng là "cải lương chi bảo". Ở tuổi con nít, Tám còn kháo với mọi người một cách rất ngây ngô "Bạch Tuyết là chị của tao". Câu nói dễ thương đó làm ai nấy cũng mắc cười, thành ra các cô bác hàng xóm thường dắt thằng Tám trắng trẻo, mũm mĩm đi xem "chị của nó" hát ở rạp Quốc Thanh mỗi khi có dịp.
Nhưng chị đã không dừng lại ở đó. Làng báo Sài-Gòn đã có lần đưa lên trang bìa bức hình chị đội chiếc nón có hàng chữ “U.S. Air Force” và lớn tiếng ủng hộ ném bom B52 lên đất Bắc. Sau năm 1975, tấm hình ấy được trưng bày tại "nhà triển lãm tội ác Mỹ Ngụy" trên đường Trần Quý Cáp và đương nhiên, chị bị cấm hành nghề.

Cũng nên nhắc lại câu chuyện không hay vào năm 1973. Vị đại tá tỉnh trưởng "hét ra lửa, mửa ra khói" mê mệt cô đào Bạch Tuyết. Ớt nào là ớt chẳng cay, bà Hoạn Thư tân thời nổi cơn tam bành, ra lệnh cho đám lính dưới tay làm nhục (raped) tình địch. Bà cũng cấm cửa vĩnh viễn sự xuất hiện của "cải lương chi bảo" trước công chúng cho dù dưới bất cứ dưới hình thức nào. Không lâu sau đó, ông đại tá cũng được thuyên chuyển làm tùy viên ở tòa đại sứ VNCH tại Tây-Đức. Câu chuyện xảy ra vào những năm sau cùng của chính thể VNCH, nhưng cả Sài-Gòn ai cũng biết, trong giới nghệ sĩ ai nấy cũng tỏ tường.
Mãi đến năm 1979, sau cái chết bi thương của chị Thanh Nga và nhờ vào sự can thiệp của cô Bảy Phùng Há cùng hội nghệ sĩ, chị được phép xuất hiện trở lại. Lần tái ngộ này, chị điệu đà hơn trong cử chỉ, lời nói thì ba hoa, chà đạp chế độ cũ, a-dua theo chế độ mới và khoe khoang mình là dân trí thức, khoa bảng.
Cuối năm 1995, chị huênh hoang với báo giới rằng chị đã hoàn thành luận án tiến sĩ ở trường kịch nghệ hoàng gia tại Anh Quốc ! Dù rất ái mộ tài năng của chị, nhưng Tám không thể nào tin được chị có khả năng Anh Ngữ lưu loát để dùi mài kinh sử trên ghế nhà trường nơi xứ người. Ngắm tấm "bằng tiến sĩ" chỉ có chữ ký nguệch ngoạc mà không có triện son, thiếu con dấu nổi thì khó tin đó là bằng thật. Tám cũng biết rằng, ở những xứ tự do như vầy, những người có tiền của thường tham gia vào những buổi "seminar" ngắn hạn để lấy cho được cái bằng "tiến sĩ danh dự", để tô điểm hay làm đẹp thêm cho cá nhân, để được gọi bằng ông này bà nọ nghe cho .. oai, chứ không phải là cấp bằng "Academy" mà các cô cậu sinh viên đã vất vả bao năm mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Tám đã liên lạc với nhà trường bên Anh Quốc và tìm thấy được danh sách cũng như hình ảnh tất cả sinh viên ra trường năm 1995, nhưng không có tên và hình ảnh của chị Bạch Tuyết ! Tám cũng ghi ra nơi đây để các "fans" của chị muốn tìm kiếm thì ghé vào.Tám cũng cẩn thận ghi lại địa chỉ email enquiries@rada.ac.uk và địa chỉ trang website https://www.rada.ac.uk/ để thông tin khỏi bị sai lạc một chiều. Ngoài ra, cái địa chỉ email graduates@rada.ac.uk của nhà trường cũng giúp mọi người có thể liên lạc với các tân khoa.
Năm 2010, chị đã lên tận thác Bản-Giốc (tỉnh Cao-Bằng) để thực hiện phần thu hình cho chương trình "trường ca nhật ký trong tù", đưa vào cải lương những bài thơ trong tập “nhật ký trong tù” của hồ chí minh. Tiếc thay, vì cái nịnh chưa đủ chín, hay vì Bạch Tuyết đã không cải nam trang để đóng vai hồ chí minh mà "bản trường ca không đạt tiêu chuẩn' và trở thành một chương trình cổ nhạc "ngục trung nhật ký" trên truyền hình, phải lắp ghép cũng như chắp vá thêm ba bài vọng cổ của ba tác giả khác và chỉ giới hạn trong 60 phút ngắn ngủi, thay vì kéo dài 200 phút như đã dự định.
Chị Tuyết à, cải lương đã tạo cho chị một cuộc sống dư dả, sung túc, lên xe xuống ngựa, lắm bạc nhiều tiền. Bao nhiêu năm qua, chị ngất ngưởng trên đài danh vọng và nếu không là “nghệ sĩ nhân dân”, không tung hê, nịnh hót thì chị vẫn là "chi bảo", vẫn được công chúng yêu thương mà. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng, con người trên đời này, ai nấy cũng chỉ sống một lần thôi. Bắt chước cụ Nguyễn Du, Tám cũng trách chị, cớ sao lại chọn lối đoạn trường mà đi !
Mỗi khi nhắc đến kỷ niệm của ngày thơ, bao giờ cũng khiến cho Tám bùi ngùi, lòng nao nao nhớ thương người xưa, cảnh cũ. Ngày đó, chị Bạch Tuyết là thần tượng của Tám qua lối trình diễn sống động trên sân khấu. Bây giờ, Tám ghét chị, Tám khinh chị vì thói hám danh, "đón gió, trở cờ" để vinh thân và sống an nhàn một cách hèn hạ, trơ tráo. Cô đào Bạch Tuyết và nhân vật Lê Thị Trường An trong vở tuồng nổi tiếng của hai soạn giả Hoa Phượng và Ngọc Điệp đã chết thật rồi, Tám ơi !
Tám Vạn, 08.12.2021

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 223

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 222