10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2024

10 sự kiện kinh tế Việt Nam năm 2024

(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên Hương

Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất trong năm 2024 do Trí Thức VN tổng hợp:

1. Giá vàng tăng kỷ lục. Siết chặt quản lý thị trường vàng

Trước cửa một tiệm vàng ở Hà Nội đầu tháng 5/2024. (Ảnh: Nhân Tâm/ Trí Thức VN)

Giá vàng thế giới và trong nước trải qua một năm tăng kỷ lục, với mức tăng 28,6% trên thị trường thế giới; 13% với vàng SJC trong nước và 33% với vàng nhẫn trong nước. Người dân đổ xô mua vàng tích trữ. Các cửa hàng vàng đông nghẹt trong khi nguồn cung giới hạn khiến giá vàng trong nước tăng tốc phi mã. Trong năm 2024, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp phối hợp nhằm siết chặt hoạt động mua bán vàng trên thị trường, ngăn chặn nguồn vốn đổ vào vàng. Các biện pháp siết chặt quản lý triển khai trên nhiều phương diện bao gồm liên tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng, kiểm soát chặt vận chuyển, buôn lậu vàng, đồng thời tổ chức đấu thầu vàng từ kho dữ trữ quốc gia để tăng nguồn cung vàng ra thị trường, tổ chức cho 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước tham gia bán vàng trực tiếp cho người dân theo giá bình ổn,… Đến quý 4, giao dịch vàng trong nước tại các điểm mua bán vàng đã dần hạ nhiệt. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều hội nhóm trao đổi vàng trực tiếp trên mạng cũng như nhiều người dân chuyển vào kinh doanh vàng trên các ứng dụng trái phép khiến công tác quản lý rất phức tạp.

2. Đồng USD tăng giá mạnh. NHNN phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường

Tỷ giá USD/VND đã có một năm biến động tương đối mạnh với áp lực mất giá tiền đồng đặc biệt tăng cao trong quý 2 và quý 4.

Diễn biến tỷ giá USD/VND phụ thuộc vào xu hướng lên xuống của đồng USD, hệ số tương quan của chỉ số US Dollar Index (DXY) và tỷ giá USD/VND trong năm 2024 là 0,67, tăng nhẹ so với mức 0,63 trong năm 2023.

So với đầu năm, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8% lên 25.430 đồng/USD, đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3% lên 25.840 đồng/USD.

Để kiểm soát áp lực mất giá của tiền đồng, NHNN đã can thiệp bán ngoại tệ vào những giai đoạn tỷ giá trên thị trường chạm trần biên độ. Giai đoạn 1 từ tháng 4-7/2024 với quy mô khoảng 6,5 tỷ USD. Giai đoạn 2 từ tháng 9-12/2024 với quy mô khoảng 2,8 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, NHNN bán ra khoảng 9,4 tỷ USD.

Uớc tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023.

Năm 2024, NHNN đã bán ròng 9,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá. (Nguồn: Bloomberg, Fiinpro, CTCK Rồng Việt)

3. Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề

Siêu bão Yagi có cường độ mạnh nhất trong 70 năm đã gây hậu quả nặng nề cho hơn 26 địa phương miền Bắc và Thanh Hóa, làm 323 người chết, 22 người mất tích, 1978 người bị thương, thiệt hại vật chất hơn 81.700 tỷ đồng. Trong đó, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai thiệt hại nặng nề nhất, tác động trực tiếp tới chỉ số phát triển kinh tế địa phương.

Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, hàng ăn… tại Cát Bà bị phá hỏng sau khi bão Yagi đi qua, ngày 8/9. (Ảnh: Dương Nam/dẫn qua Review Cát Bà/Facebook)

4. Bất động sản phục hồi mạnh mẽ

Năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trên cả nguồn cung và giao dịch bất động sản thực tế.

Tổng số sản phẩm chào bán năm 2024 là 81.000 sản phẩm, tăng 50% so với năm 2023. Tổng số sản phẩm mới, lần đầu ra mắt trên thị trường là 65.376 sản phẩm, gấp khoảng 3 lần so với năm 2023, nhưng mới chỉ bằng khoảng 7% so với năm 2018 – năm chưa xảy ra đại dịch.

60% nguồn cung nhà ở mới trong năm 2024 được đóng góp bởi các dự án thuộc khu vực miền Bắc. Trong khi, khu vực miền Nam và miền Trung chỉ chiếm tỷ trọng lần lượt là 29% và 11%. Trong đó, hơn 55% nguồn cung tới từ các dự án thuộc quỹ đất Vinhomes phát triển.

Khu đô thị Vinhomes Grand Park, TP.HCM, tháng 4/2022. (Ảnh: Ryan Photo Capture/Shutterstock)

Năm 2024 cũng chứng kiến nhiều kỷ lục về đất đấu giá vùng ven Hà Nội được xác lập. Có thể kể đến Phiên đấu giá 28 thửa đất tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, đất đấu giá lô cao nhất đạt 185,8 triệu đồng/m2, mức giá này gần như chưa từng có trong giai đoạn trước đây.

Trước tình trạng đất đấu giá bị đẩy lên quá cao, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương kiểm soát chặt chẽ quá trình đấu giá, tránh trường hợp bị giới môi giới bất động sản thao túng các phiên đấu giá, đẩy mặt bằng giá nhà đất lên cao quá so với nhu cầu thực tế.

Không chỉ giá đất nền vùng ven bị đẩy lên, mà giá chung cư tại các đô thị lớn cũng tăng cao kỷ lục. Chỉ số giá bình quân tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM lần lượt ghi nhận mức tăng 72,4%, 49,9% và 34,3% so với thời điểm quý 2/2019. Các căn hộ chung cư giá thấp hơn 50 triệu đồng/m2 gần như biến mất khỏi thị trường.

Mặc dù mặt bằng giá tăng cao nhưng lượng giao dịch bất động sản năm cũng tăng mạnh. Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận hơn 47.000 giao dịch thành công, cao gấp gần 3 lần so với năm 2023, tương đương với tỷ lệ hấp thụ đạt 72%. Riêng quý 4, thị trường ghi nhận hơn 20.000 giao dịch, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Để hạ nhiệt thị trường nhà đất, Chính phủ thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội với nhiều ưu đãi. Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 580.100 căn.

5. Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh

Tính đến hết tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,8 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch đến từ Châu Á đạt 12,6 triệu lượt, chiếm gần 80%, khách du lịch đến từ Châu Âu đạt 1,8 triệu lượt, châu Mỹ là 907 ngàn lượt, tương ứng 10,6 và 5,7%.

(Ảnh: Shutterstock)

6. Vốn ngoại rút ròng khỏi thị trường chứng khoán

Số liệu từ VietstockFinance cho thấy, trong năm 2024, lượng bán ròng trên sàn HOSE của khối ngoại tính tới ngày 23/12 đạt hơn 93,000 tỷ đồng (tương đương gần 3.7 tỷ USD), con số kỷ lục trong hơn 24 năm.

Nguyên nhân chính khiến dòng vốn ngoại chảy ngược mạnh mẽ là cơ hội đầu tư trên nhiều thị trường tài sản khác hấp dẫn hơn. Đồng USD tăng giá mạnh và xu hướng bảo hộ được dự báo sẽ tăng hiệu quả của các doanh nghiệp tại thị trường Mỹ.

Khối ngoại bán ròng 3,7 tỷ USD trong năm 2024. (Nguồn: Vietstock Finance)

7. Số doanh nghiệp lên sàn thấp kỷ lục. Doanh nghiệp tăng huy động qua phát hành trái phiếu

Với 2 doanh nghiệp chuyển cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã cổ phiếu PTX, CAR) và 8 doanh nghiệp lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (mã cổ phiếu RYG, DSE, MCM, HNA, QNP, TCI, NAB, VTP), năm 2024, toàn thị trường niêm yết Việt Nam có vỏn vẹn 10 doanh nghiệp niêm yết mới.

Con số này đặt trong bối cảnh Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết tiếp cận kênh huy động vốn này đang quá nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2024 cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của trái phiếu doanh nghiệp. Tính đến ngày 25/12/2024, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 455 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2023. Trong đó, tổng giá trị quy mô phát hành trái phiếu ra công chúng là 46,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023.

8. Xét xử các đại án kinh tế lớn

Năm 2024 chứng kiến một loạt các đại án lớn được đưa ra xét xử, trong đó, đáng chú ý là 3 đại án lớn trong lĩnh vực chứng khoán.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị xác định chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hơn 677.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 5/3. (Ảnh: Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam – VOVTV/Facebook)

Trong vụ án Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh được xác định là chủ mưu trong việc phát hành trái phiếu, huy động, chiếm đoạt của trên 6.600 nhà đầu tư, với tổng số tiền hơn 8.600 tỷ đồng và sử dụng không đúng mục đích phát hành.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC, chủ mưu là ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Với các tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết đã chiếm đoạt, thu lời bất chính hơn 4.300 tỷ đồng.

9. Bắt giữ ông trùm lừa đảo qua mạng

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo mới nhắm vào nạn nhân vụ Mr. Pips. (Ảnh: congan.danang.gov.vn)

Cuối tháng 10, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, do TikToker Mr. Pips (tức Phó Đức Nam, 30 tuổi, trú P.8, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) cầm đầu.

Theo đó, từ năm 2021, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (34 tuổi, trú P.Phú Diễn, Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) liên kết với một đối tượng quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có văn phòng điều hành tại Campuchia, chỉ đạo 7 đối tượng tại Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” đặt trụ sở tại TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác.

Các đối tượng tạo lập, quản lý hơn 20 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là các giao dịch trên sàn quốc tế kết nối với các ứng dụng giao dịch ngoại hối, chứng khoán thế giới.

Đồng thời, các công ty lập ra tuyển dụng xấp xỉ 1000 nhân sự, phân công, phân cấp quản lý thành nhiều bộ phận, hoạt động độc lập, bổ trợ lẫn nhau tiếp xúc với khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan tới vụ án, CA Tp. Hà Nội xác định được 2661 bị hại trên toàn quốc. Cơ quan công an đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.300 tỉ đồng.

10. Các “đại bàng công nghệ” tới thăm Việt Nam

Năm 2024 Việt Nam đã đón nhiều vị khách tỷ phú công nghệ thế giới tới thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư.

Đáng chú ý, chuyến đi của Tỷ phú Jensen Huang, CEO của Nvidia hồi đầu tháng 12 tới Hà Nội, tiếp kiến Tổng bí thư Tô Lâm và làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Với việc Nvidia mua lại Vinbrain, công ty về chăm sóc sức khỏe của của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ký thỏa thuận hợp tác cùng với Việt Nam về xây dựng các trung tâm dữ liệu và phát triển trí tuệ nhân tạo, vị tỷ phú sinh năm 1963 này quyết tâm “biến Việt Nam thành ngôi nhà thứ hai của Nvidia”.

Ông Hoàng Nhân Huân (Jensen Huang), người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty phần mềm NVIDIA. (Ảnh: Public Domain Wiki)

Trước đó, vào tháng 4/2024, CEO Tim Cook của Apple tới Việt Nam đi uống cà phê trứng với mẹ con ca sĩ Mỹ Linh.

Tới tháng 8/2024, hãng tin Reuters đưa tin, Google đang cân nhắc xây dựng một trung tâm dữ liệu siêu lớn tại Việt Nam.

Cuối tháng 9/2024, SpaceX của tỉ phú Elon Musk công bố kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD vào Việt Nam và Tập đoàn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg cũng nhiều lần đưa ra tuyên bố về triển vọng đầu tư ở Việt Nam.

Những sự kiện dồn dập này cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đầy hứa hẹn của nhiều Big Tech thế giới. Tuy vậy, mặc dù đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong thu hút giới công nghệ vào đầu tư nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa về môi trường đầu tư, đặc biệt là môi trường pháp lý để tạo thuận lợi cũng như đảm bảo hoạt động của các nhà đầu tư.

Nguyên Hương

Nguồn trithucvn2.net. 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025