Đừng lấy khẩu vị mắm tôm ra nêm hủ tíu !

Đừng lấy khẩu vị mắm tôm ra nêm hủ tíu !


Nguyễn Gia Việt
Trí thức nền giáo dục 10/10 gọi thương phế binh VNCH là “ăn mày dĩ vãng”, bị chửi mà phải xin lỗi. Đâu phải sống lâu tự tin muốn nói gì cũng được. Nói bậy tự vả vào miệng mình cho rụng răng.

Không phải ăn mày dĩ vãng, đó là tự hào, tự hào vì là anh hùng, là nhân chứng lịch sử đau thương của Miền Nam. Dù sau 1975 có bị ra rìa, đi ăn mày, nhưng họ vẫn là nhân chúng một thời.

Trí thức Miền Bắc tốt nhứt đừng động chạm hay xớ rớ gì tới những người thuộc lịch sử đau thương đó. Thứ nhứt là không hiểu gì, thứ hai suy cho cùng không cùng ý thúc hệ, thì tránh xa ra, có nói, có tỏ cử chỉ, có gào thét cỡ nào cũng là khác nhau. Nhìn như mèo khóc chuột.

    "Những chiều buồn trên đất Bắc
    Con hướng về Nam con nhớ mẹ nhiều
    Mẹ ơi bao nhiêu năm tháng cứ trôi
    Cứ trôi cho bạc mái đầu
    Không gian rưng rưng như sắp đứt
    Gió về nghẹn ngào như tiếng nấc."

Nhớ cách đây hơn chục năm, khi đó Nguyễn Lân Thắng vô nghĩa trang Biên Hoà quét rác, đốt nhang và làm một bài thâu hoạch. Tôi đã nói thẳng, đừng vô đó là tốt nhứt, không có tư cách vô đó, tránh xa ra. Thà để nó hoang, chứ không cần thò tay vô.

Nói gì nói, đau thương, oanh liệt, khác biệt, sao lấy mắm tôm ra nêm hủ tíu Mỹ Tho đặng?

    "Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay
    Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa
    Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa
    Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi."

Chiến thắng và chiến bại, chiến thắng, phía mạnh hơn chưa chắc đã là phía tốt hơn.

Sau 1975 người thương binh VNCH ra đường hát rong và ăn xin.

    "Hò ơi …!
    Trời mưa cứ rơi
    Ướt cả người ca lẫn cây đàn
    Tất tả ngược xuôi khách thưa dần
    Mà còn ngồi nghêu ngao."

Thế hệ sanh sau 1975 tới những năm 1985 sẽ còn nhớ như in hình ảnh những người cụt tay cụt chân, mù lòa tay ôm cây đờn độ nhựt ăn xin nơi góc chợ, góc đường, bến bắc, bến xe đò Lục Tỉnh.

Đó là người thương binh VNCH, những người con chiến bại của đất Miền Nam.

    "Hò ... ơi!
    Nào ai biết chăng
    Những kẻ ngày xưa đã âm thầm
    Hiến dâng cả đời trai giữa sa trường
    Giờ còn lại chi đây ...?"

Những năm gần đây không còn hình ảnh đó nữa, hình ảnh lùi vào quá khứ, có lẽ tuổi tác những người đó nếu còn sống đã rất cao, đời lê la đầu đường xó chợ nên sương gió bào mòn sức khỏe, ăn uống thiếu thốn, họ đã chết gần hết .

Những người lính xưa nay cũng đã trên 70 tuổi tóc đã bạc hơn nửa mái đầu, tay run, chưn mệt mắt mờ.

Những thương phế binh "chế độ cũ" chết từ từ. Đã gần 50 năm rồi, xương con còn mục đừng nói xương cha.

Nhưng vẫn còn nhớ.
Chúng ta vẫn nhắc nhớ.

Những tình cảm, ký ức xót xa, nghẹn ngào, thương nhớ, kỷ niệm đó nó không hề phai. Người đã từng đổ xương máu, đó là tiền nhân của chúng ta. Lịch sử Miền Nam không thể quên đặng.



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217