Số Phận Của Những Người Đã "Giỡn Mặt" Công An!

Số Phận Của Những Người Đã "Giỡn Mặt" Công An!
Đặng Đình Mạnh
Sau Nhà hát Công an được khánh thành vào thượng tuần Tháng Sáu 2023 tại vị trí được xem là đắc địa, mắc mỏ nhất Hà Nội, tọa lạc cách Hồ Gươm chỉ khoảng 3 phút đi bộ. Cho đến mới đây, sân bay Công an đa năng, có thể cho hạ cánh bất kỳ loại máy bay nào của thế giới đặt tại tỉnh Bắc Ninh, nơi cách Hà Nội chỉ hơn 30km cũng sắp khánh thành vào năm sau, 2025.

Có vẻ như, ngành công an đang sử dụng ngân sách quốc gia để tạo nên những sự biệt đãi cho chính mình.

Bên cạnh đó, năm 2018, Bộ Công an ban hành Thông tư 17 quy định về khí tài trang bị cho ngành công an lên đến mức độ: Súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu, súng đại liên, súng cối, súng DKZ, súng máy phòng không và đạn sử dụng cho các loại súng này; tên lửa chống tăng cá nhân; trực thăng vũ trang; mìn, lựu đạn;

Tương tự, vào hạ tuần Tháng Mười Một 2023, Quốc hội đã phải chấp nhận dự án luật của Bộ Công an trình, yêu cầu giữ lại đến 85% số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, ước tính khoảng 6.000 tỷ đồng/năm. Mục đích để chi tiêu riêng trong ngành công an.

Ngoài ra, nhìn vào những chức vụ cao cấp trong Đảng Cộng sản và chính quyền, từ trung ương xuống đến địa phương, người của ngành công an chiếm toàn bộ vị trí then chốt.

Hiện nay, Tổng Bí thư Đảng, ông Tô Lâm, người từng giữ chức vụ Bộ Trưởng Bộ Công an đang rầm rộ phát động chủ trương thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí. Theo đó, ông Tô Lâm yêu cầu thực hiện tinh giản bộ máy chính quyền. Nhưng tuyệt nhiên, nhân sự Bộ Công an vẫn cứ “bình chân như vại”. Mặc cho số lượng nhân sự ngành cao ngất ngưỡng, sử dụng ngân sách quốc gia gấp ba, gấp bốn lần những ngành quan trọng như y tế, giáo dục…

Thế nên, công chúng không thể tự hỏi: Tại sao ngành công an lại được biệt đãi đến mức độ như vậy?

Câu trả lời chỉ có một: Đó là hệ quả của chế độ độc tài công an trị.

Khác với các quốc gia văn minh, ngành công an chỉ được giao trách nhiệm giữ gìn trật tự trị an cho xã hội, thì Công an dưới chế độ Cộng sản được đặt vị thế làm lá chắn, bảo vệ riêng chế độ. Cho nên, ngành công an được giao thẩm quyền vô giới hạn. Điều này đã làm biến tướng hoàn toàn trách nhiệm của ngành.

Đến nay, ngành công an nắm giữ toàn bộ quyền lực chính trị của quốc gia, trở thành lực lượng “kiêu binh” và dĩ nhiên, mọi sự xúc phạm, phê phán, làm mất mặt ngành công an sẽ làm mất đi tính chính danh lãnh đạo, cũng như uy tín của họ trong xã hội sẽ đều phải bị trả giá đắt cả.

Ông Lê Đình Kình (Đồng Tâm), cựu đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Tùng Vân (Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ), đại úy công an Lê Chí Thành, luật sư Đặng Thị Hàn Ni... đều phải trả giá chỉ vì nguyên nhân như vậy.

Ông Lê Đình Kình

Ông Lê Đình Kình được xem như thủ lĩnh của dân làng Đồng Tâm, những nạn nhân của chế độ vì bị thu hồi đất đai bất công.

Ngày 15 Tháng Tư năm 2017, chính quyền thông báo đến để đo đạc đất đai tranh chấp, nhưng lại lừa bắt đi 5 người đại diện của dân làng khiến họ phản ứng và đã bắt giữ 38 người thuộc lực lượng công an, đến 7 ngày sau mới trả tự do cho họ.

Sự việc như cái tát vào giữa mặt ngành công an khi xảy ra ngay tại thủ đô Hà Nội.
Để trả đũa, rạng sáng ngày 9 Tháng Một 2020, giáp tết nguyên đán, Bộ Công an huy động hơn 3000 công an thuộc nhiều lực lượng, trang bị vũ khí đến tận răng đột kích vào tư gia ông Lê Đình Kình.

Khi vào đến phòng ngủ của ông, thượng tá Đặng Việt Quảng, khi ấy là Phó trưởng Cơ quan Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội, một tay thiện xạ đã được giao nhiệm vụ, vào bắn thẳng vào ngực ông Lê Đình Kinh ở cự ly gần gây tử vong.
Chưa đủ, chúng còn mở phiên tòa xét xử dân làng Đồng Tâm, tuyên 2 bản án tử hình và 1 bản án chung thân đối với 3 người con của cụ Lê Đình Kình.

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Khác với hầu hết số đại biểu Quốc Hội vốn chỉ là nghị gật, nghị ngủ, thì ông Lưu Bình Nhưỡng là một trong số rất ít người có tiếng nói mạnh mẽ trong nghị trường Quốc Hội. Thế nên, ông đã từng bị nhiều người trong chế độ đánh giá cho rằng ông là một người dân túy.

Hạ tuần Tháng Mười 2018, ông Lưu Bình Nhưỡng phát biểu cho rằng “vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, như tỷ lệ không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm trong tống đạt 100%...”. Khiến cho nhiều đại biểu quốc hội thuộc ngành công an phản ứng quyết liệt.

Tranh luận tại Quốc hội, họ cho rằng ông Lưu Bình Nhưỡng tính toán số liệu không đúng. Nhưng bên ngoài, họ cho rằng ông Lưu Bình Nhưỡng xúc phạm, bôi bác ngành công an.

Việc đến phải đến, ngày 14 Tháng Mười Một 2023, ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt giữ ngay khi đi công tác về đến sân bay Nội Bài. Tệ hại hơn, chưa chính thức điều tra, nhưng công an đã sớm bôi nhọ thanh danh của ông Lưu Bình Nhưỡng khi cho truyền thông đưa tin rằng tội phạm của ông có liên quan đến một tay anh chị thuộc giới giang hồ.

Ông Lê Tùng Vân

Ông Lê Tùng Vân là người sáng lập cơ sở tu tại gia Tịnh Thất Bồng Lai, sau này đổi tên thành Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Cơ sở tu của ông nuôi nhận nhiều trẻ mồ côi từ rất nhiều năm qua. Không chỉ nuôi dưỡng, mà ông còn dạy dỗ họ trở thành những người tài năng. Trong số đó, có nhiều người đã trưởng thành nhưng vẫn ở lại tu tập trong cơ sở.

Họ đã rất thành công trong việc thành lập kênh YouTube để phổ biến các sản phẩm giải trí thể hiện tài năng của chính họ và các cháu bé mồ côi đang được nuôi dưỡng tại đây. Các kênh giải trí này đã thu hút số lượng đăng ký theo dõi lên đến cả hàng triệu người, giúp cho họ có thu nhập rất tốt.

Sau đó, hàng loạt sự kiện bất công từ những kẻ côn đồ, giới tu hành quốc doanh, kết hợp với công an gây ra cho họ, như:

- Năm 2018, một Trưởng Công an xã đòi hối lộ 300 triệu đồng để làm chứng minh nhân dân cho 3 thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

- Tháng 10/2019, được sự thông đồng của công an, hơn 50 người mượn cớ tìm người đã đột nhập vào cơ sở tu tại gia này đập phá, cướp bóc và gây thương tích cho một sư thầy tại đây.

- Tháng 12/2019, mượn cớ kiểm tra cư trú, Công an huyện Đức Hòa đã bắt cóc một phụ nữ thành niên giao cho gia đình của cô ấy.

- Liên tục trong thời gian dài, một chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chế độ Cộng sản thành lập, đã vu cáo cho họ nhiều trọng tội trên mạng xã hội, khiến họ phản ứng lại.

Tất cả các sự việc bất công như vậy đều bị cơ sở tu tại gia này tố cáo đến cơ quan chức năng và thông tin lên mạng xã hội. Để trả đũa, nhiều thành viên của cơ sở tu tại gia bị bắt giữ, bị vu cáo hình sự về nhiều tội trạng.

Tương tự như trường hợp đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, một người có nhiều uy tín và được công chúng tin cậy, thì khi trả đũa, công an đã tung ra những tin tức bôi nhọ thanh danh của họ. Với ông Lê Tùng vân, một người tu hành từ nhỏ, nuôi dạy nhiều trẻ mồ côi nên người, họ vu cáo cho ông ấy tội loạn luân! Một tội danh ghê tởm, đi ngược lại với luân lý, đạo đức xã hội.

Đại úy công an Lê Chí Thành

Ngây thơ, tin cậy vào lời kêu gọi chống tham nhũng của ông trùm tập đoàn tham nhũng là Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nên ông Lê Chí Thành, một đại úy công an đã đấu tranh, tố cáo tình trạng tham nhũng xảy ra tại nơi mình làm việc.
“Đấu tranh” để “tránh đâu”, ông Lê Chí Thành bị sa thải khỏi ngành công an. Từ đó, ông lập kênh YouTube để tiếp tục tố cáo các hành vi hối lộ, làm tiền xảy ra nhan nhãn trong lực lượng cảnh sát giao thông. Nhiều video livestream của ông thu hút cả hàng trăm nghìn, cá biệt, hàng triệu người theo dõi.

Để trả đũa, ngày 14 Tháng Tư 2021, công an đã gài bẫy để vu cáo cho ông tội danh hình sự “Chống người thi hành công vụ”, cho dù ông không có bất kỳ hành vi nào chống đối trong thực tế cả.

Như chưa an tâm, họ choàng thêm cho ông tội danh hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” thông qua các video đã phát hành trên kênh YouTube.

Tổng hợp từ 2 bản án, ông phải chịu hình phạt 5 năm tù giam.

Từ một thanh niên khỏe mạnh, điển trai, nhưng sau 6 tháng bị tạm giam tại Công an Thành phố Thủ Đức, ông Lê Chí Thành bị tra tấn dã man đến mức khi đến tòa án để nghe xét xử, ông không thể tự mình đi nổi mà phải có 2 công an dẫn giải xốc nách từ 2 bên.

Luật sư Đặng Thị Hàn Ni

Luật sư Đặng Thị Hàn Ni vốn nổi tiếng trong vai trò phóng viên khi bà viết loạt bài phanh phui sự bất công của người dân bị khởi tố về vụ án thường được biết đến dưới tên gọi “Vụ án quán cà phê Xin Chào” tại huyện Bình Chánh, Sài Gòn vào năm 2016. Khi ấy, bà đã từng được giới báo chí mệnh danh là “Bông hồng thép”.

Nhờ đó mà ông chủ quán cà phê Xin Chào được miễn tố hình sự vì oan ức. Song song đó, các cán bộ làm sai như Viện phó Viện Kiểm sát và Trưởng Công an huyện Bình Chánh đều bị cách chức.

Qua đó, dĩ nhiên uy tín của ngành công an và các cơ quan tiến hành tố tụng ảnh hưởng nặng nề.

Đến Tháng Hai 2023, bà Đặng Thị Hàn Ni đột ngột bị bắt giữ, khởi tố hình sự vì liên quan đến các tranh cãi trên mạng xã hội với bà Nguyễn Thị Phương Hằng, CEO Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương. Sau đó, bà phải gánh chịu bản án 18 tháng tù giam về tội danh theo điều 331 Bộ luật Hình sự.

Song song đó, bà bị tước thẻ nhà báo cùng thẻ luật sư.

Ngày mãn hạn tù, trở về với tự do, "Bông hồng thép" ngày nào cám cảnh lên tiếng trên trang mạng xã hội của mình: “Trải qua 18 tháng nghiệt ngã, tôi đã trở về, đúng nghĩa còn vỏn vẹn chiếc quần xà lỏn…”.

Trong những quốc gia văn minh, tôn trọng nhân quyền, người dân thật sự làm chủ đất nước. Trong đó, lực lượng công an được giao phó trách nhiệm giữ gìn trật tự trị an, dĩ nhiên, họ cũng chịu sự đánh giá, giám sát và phán xét của cả xã hội khi thực hiện trách nhiệm của mình.

Nhưng đối với một vài quốc gia còn duy trì chế độ độc tài thì khác hẳn. Người dân bị tước hoàn toàn quyền làm chủ đất nước của mình, kèm theo đó, bao gồm cả quyền đánh giá, giám sát hoặc phán xét lực lượng công an. Vì lẽ, lúc này, lực lượng công an mới đang là những ông vua của đất nước. Và ông vua, thì có bao giờ tha thứ cho sự “phạm thượng” dù đúng hoặc sai...?
Ngày 18 Tháng Mười Hai 2024

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 216

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 215