Những Vị Chân Tu Bị Cộng Sản Bức Hại
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Những Vị Chân Tu Bị Cộng Sản Bức Hại
Đảng cộng sản Việt Nam không chấp nhận bất cứ đoàn thể, tổ chức, cá nhân nào ngoài đảng tập hợp được đông đảo quần chúng vì sợ sự độc quyền cai trị của họ lâm nguy.
Vì vậy, không lạ gì việc họ đã tiêu diệt các đảng phái chính trị khác như Việt Nam Quốc Đảng, Đại Việt…hay các tổ chức xã hội như hướng đạo, ái hữu…
Các tôn giáo cũng không thoát khỏi sự truy bức của cộng sản: Phật Giáo, Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất có trước 1975 đã bị cộng sản đàn áp qua các việc phá chùa, bắt tăng từ khi chúng chiếm được cả nước và từ năm 1981 chúng đã lập ra Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh nằm trong tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc. Về Giáo Hội Công Giáo, do có hậu thuẫn của Vatican, họ không thể xoá bỏ được giáo hội này nhưng đã cầm tù Hồng Y Giáo Chủ Nguyễn Văn Thuận, linh mục Nguyễn Văn Lý … giết chết Giám Mục Nguyễn Kim Điền và tịch thâu tài sản của Giáo Hội. Chúng còn dành quyền chuẩn y việc thụ phong linh mục..
Họ cũng đàn áp các đạo Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo…và lập ra các giáo hội quốc doanh giống như bên Phật Giáo.
Trong bài này, xin nhắc lại trường hợp bốn vị chân tu của các tôn giáo khác nhau đã bị cộng sản thủ tiêu từ khi đảng này xuất hiện.
1/ Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp
Linh mục Trương Bưu Diệp sinh ngày 1/1/1897, được cha Giuse Sơm rửa tội ngày 2/2/1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tân Đức (nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Thân phụ Ngài là ông Micae Trương Văn Định (1860-1935), thân mẫu Ngài là bà Lucia Lê Thi Thành. Gia đình Ngài sống tại họ đạo Cồn Phước. Năm 1894, lúc Ngài lên 7 tuổi thì mẹ mất. Gia đình Ngài dời lên Battambang (Cao Miên), cha Ngài sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ Ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước, quê quán ở họ đạo Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho Ngài người em gái tên là Trương Thị Thìn (1913), đã qua đời tại Cà Mau.
Năm 1909, Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiên cho Ngài vào tiểu chủng viện Cù Lao Giêng thuộc xã Tân Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Mãn tiêu chủng viện, Ngài lên đại chủng viện Nam Vang, Cao Miên (lúc đó các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long trực thuộc giáo phận Phnom Penh (Nam Vang, Cao Miên).
Năm 1924, sau thời gian tu học Ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang. Thời đức Cha Valentin Herrgott. Lễ vinh quy và mở tay được tồ chức tại nhà cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.
Tháng 3/1930, Ngài về nhậm họ đạo Tắc Sậy. trong những năm làm cha sở, Ngài lien hệ, giúp đỡ và thành lập nhiều họ đạo tại các vùng phụ cận như: Bà Đốc, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chi, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.
Hoàn cảnh xã hội.
Từ năm 1946 đến sau năm 1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản. Cha bề trên địa phận Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi Ngài lánh mặt chờ khi nào tình hình yên ổn hãy trở về, nhưng Ngài trả lời: ”Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết”.
Ngày 12/3/1946, Ngài bị một nhóm người võ trạng bắt đi với trên 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy và nhốt chung với bổn đạo trong lẫm lúa của ông giáo Sự tại Cây Gừa. Ngài đã chết thay thế cho giáo dân khi đang thi hành nhiệm vụ một chủ chăn. Vụ sát hại linh mục Trương Bửu Diệp có người cho là do lực lượng Hòa Hảo, hay là hai tên Nhật theo Hòa Hảo nhưng do Việt Minh gây ra có vẻ hợp lý nhứt.
Xác của Ngài được vớt lên từ cái ao nhà ông giáo Sự, với vết chém sau gáy, ngang mang tai và thân hình trần trụi như chúa Giêsu trên thập giá. Thi hài Ngài được chôn cất trong phòng Thánh nhà thờ Khúc Tréo.
Năm 1969, hài cốt Ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy, là nhiệm sở Ngài làm chủ chăn suốt 16 năm. Ngôi nhà mồ của Ngài được trùng tu và khánh thành ngày 4/6/1989.
2/ Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ
Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ sanh năm 1920 tại làng Hòa Hảo, trong tỉnh An Giang. Đức thầy là con trai của một gia đình trung nông khá giả. Ngay từ khi sanh ra, thân thể ông rất yếu đuối bệnh hoạn. Ông không thể đến trường thường xuyên như những đứa trẻ khác trong làng.
Vào khoảng năm 1935, cha ông gửi ông lên Núi Cấm trong vùng Bảy Núi để theo học với một vị ẩn sĩ. Đến năm 1939, ông quay trở về quê sau khi vị thầy của ông qua đời. Người dân trong làng quan sát thấy khi ông trở về làng thì ông không còn bệnh hoạn gì cả. Người ta cũng chứng kiến rằng lúc này ông có khả nói hàng năm bảy giờ một cách trôi chảy tự nhiên với khả năng biện tài về sự vi tế của giáo lý đạo Phật. Sau khi chứng kiến sự kỳ diệu lạ lùng này, những người này đã tự nguyện trở thành những đệ tử đầu tiên của đức thầy.
Giáo thuyết đã được đơn giản hóa của đức thầy được lập ra nhằm lôi cuốn đa số dân nghèo và nông dân. Bên cạnh đó, đức thầy cũng đơn giản hóa những nghi lễ rườm rà trong các chùa viện. Chính vì vậy mà chỉ một tháng sau đó, đức thầy đã có hàng trăm ngàn tín đồ. Vài năm sau đó, số tín đồ đã lên đến hàng mấy triệu người.
Vào năm 1947, đức thầy đi họp với Việt Minh để bàn luận về sự hợp tác giữa lực lượng Hòa Hảo và Việt Minh trong việc đánh thực dân Pháp, nhưng ngày mất tích kể từ lúc đó. Chỉ trong thời gian tám năm ngắn ngủi kể từ năm 1939 đến năm 1947, đức thầy đã sáng lập và làm lớn mạnh Phật Giáo Hòa Hảo, một trong những tôn giáo chính ở Việt Nam.
Sau này, theo một số nhân chứng tiết lộ, Đức Thầy bị Việt Minh kết án phản bội và xử tử với sự chấp thuận của tướng Nguyễn Bình, tư lệnh quân sự của Việt Minh tại miền Nam.
Vào năm 2000, bác sĩ Trần Ngươn Phiêu đã tiết lộ trong một bài báo rằng: “Có hai sử liệu hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Paris, cụ thể như sau:
1- Quyết Định đề ngày 28 – 4 – 1947 của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ, do Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Thuần ký: Cách chức Ủy viên Đặc biệt và Truy tố Đức Thầy Hùynh Phú Sổ về tội phản bội.
2 – Thông Cáo ngày 20 – 5 – 1947 của Ủy Ban Hành Chánh Nam Bộ cho biết một phiên tòa đặc biệt được thành lập ngày 25 – 4 – 1947, đã lên án tử hình và cho hay đã xử tử Đức Thầy Hùynh Phú Sổ.
3/ Ông Đạo Dừa
Ông tên Nguyễn Thành Nam, sanh năm 1910, con một ông chánh tổng ở Bến Tre, nhà giàu có tiếng, năm 18 tuổi ông đi du học bảy năm bên Pháp có bằng kỹ sư Canh Nông, nhưng ông không làm việc cho Pháp, ông chống Pháp, ông lấy vợ sanh con rồi ông đi tu, tự chế ra đạo để tu, không nói chuyện và chỉ uống nước dừa. Pháp bắt ông, ông viết giấy nói Pháp vi phạm nhân quyền, lời lẽ khúc triết, nên nhà cầm quyền thực dân Pháp phải thả, họ sợ ông hay sợ mang tiếng đàn áp nhân quyền có trời mà biết.
Lúc đầu, ông làm cái sàn nhỏ trên đọt dừa, rồi ngồi trên đó bất động. Nhiều người tới coi và tin ông, nhà cầm quyền thực dân Pháp lại sợ ông làm loạn, cho lính tới kêu ông xuống không được, bèn đốn cây dừa cho ông rớt xuống. Ông không chết, lại leo lên cây khác mà ngồi. Ông bất bạo động, không giảng đạo gì hết, không chửi rủa câu nào hết. Riết rồi Pháp nó cũng sợ , cứ để mặc kệ ông ngồi trên ngọn dừa không phá rối ông nữa. Ông viết giấy để giảng đạo, không nói năng gì, nhưng đệ tử đông có số ngàn, họ che chở ông vòng trong vòng ngoài. Đoạn lịch sử này của ông, chính sử của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay hòan toàn che đậy. Người viết viết theo lời kể của những vị cao niên gặp ở cồn Phụng và một vài nơi khác ở Bến Tre.
Năm 1945, vùng Bến Tre quân Việt cộng làm loạn quá, ông bỏ đi lên núi Cấm ở An Giang tu ba năm. Đến khi vua Bảo Đại lập Quốc Gia Việt Nam với tướng Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng, ông trở về cồn Phụng lập ra chùa Nam Quốc Phật để tu hành công khai, nhận đệ tử và truyền đạo của ông, ông gọi là Hòa Đồng Tôn Giáo, nhưng dân gian quen miệng kêu Đạo Dừa. Đạo của ông hòa trộn Công giáo và Phật giáo Thiền tông, thờ cả Chúa lẫn Phật. Tín đồ khi làm lễ thì có làm dấu Thánh giá lẫn chắp tay quỳ lạy. Bản thân ông sống như một vị thiền sư, nếu ngày nào ông không làm được việc gì thì ngày đó ông nhịn đói không ăn không uống, theo kiểu "nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực" của thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.
Ông có một quãng thời gian dài êm đềm phát triển từ 1948 đến 1975, số tín đồ lên đến hàng trăm ngàn người, riêng những tu sĩ sống tại cồn Phụng với ông đã hơn ba ngàn vị, có cả người phương Tây. Ông từng vận động để tranh cử tổng thống thời Đệ nhị Cộng Hòa nhưng không thành công. Ông không tắm, không để tín đồ phục dịch bất cứ chuyện gì. Kể cả chuyện ăn uống hàng ngày ông cũng tự lo lấy: một nhúm bắp luộc cho bữa trưa và nước dừa tươi uống trừ cơm. Từ một thanh niên cao to, thân hình ông co rút lại (theo nghĩa đen) nhỏ xíu như một đứa trẻ còi xương.
Sau 1975, ông bị nhà cầm quyền bắt về giam ở Cần Thơ. Họ không giết ông, nhưng nhốt ông trong cái conex bằng sắt, kín mít không có ánh sáng, gió cũng không lọt vào được. Mọi sự ăn uống vệ sinh đều trong đó. Đệ tử đem đồ ăn với dừa trái tới thăm nuôi, nhưng quản giáo Việt cộng không cho ông ăn dừa mà chỉ phát thức ăn như tù nhân khác.
Ông không ăn bất cứ thứ gì, chỉ đòi uống nước dừa. Ông phản kháng bằng cách dùng cái ca inox đựng nước gõ lanh canh vào cái cửa sắt của conex. Tiếng gõ lanh canh đều đặn, từ tối tới sáng, sáng tới tối, cán bộ Việt cộng chửi bới cỡ nào, ông cứ đáp lại bằng những lời bình dị: "Tui thương chú lắm chú cán bộ ơi!". Biệt giam ông như vậy khá lâu mà chẳng khuất phục nổi tinh thần ông, cán bộ Việt cộng còn dùng nhiều cách để cho ông chịu thua, xịt nước vòi rồng cực mạnh cho ông té lăn tròn dưới đất, giam ông trong chuồng chó bện bằng kẽm gai cho phơi nắng phơi mưa, mặc xác ông khi ông tuyệt thực... Nhưng hễ té xuống ông lại lồm cồm bò dậy ngồi xếp bằng, chửi rủa ông ông lại dùng lời yêu thương mà đáp, dai dẳng bền bỉ, không sân hận, không oán than. Lâu ngày chày tháng, ông co rút lại chỉ như bộ xương. Cai ngục không muốn để ông chết trong tù cải tạo, mới đánh tiếng cho đệ tử dùng nhiều tiền bạc chuộc ông ra với danh nghĩa là được cách mạng khoan hồng. Theo lời những người chứng kiến khi đó, ông chỉ còn có 27 ký lô! Vậy mà, ông đã hồi phục một cách thần kỳ trong cái hình hài xương khô đó. Ông lại tiếp tục giảng đạo và tín đồ của ông quay trở lại trong thầm lén, có lúc cả trăm người âm thầm ở xung quanh nhà ông. Cho tới năm 1990, ông được 81 tuổi, những đệ tử của ông không còn sợ sệt gì nữa, quy tụ mỗi lúc một đông. Nhà cầm quyền tới cưỡng chế nhiều lần nhưng không dẹp yên được. Cho đến đỉnh điểm là dịp kỷ niệm 15 năm sau "giải phóng", nhà cầm quyền cho lực lượng bố ráp ông và các tín đồ. Một mặt, cho truyền thông ra rả tuyên truyền những điều rất nhảm nhí về Đạo Dừa của ông. Những đệ tử thân cận nhất của ông đã nghĩ đến việc tự thiêu để phản đối. Đến ngày 12 tháng 5 năm đó, lực lượng hùng hậu tiến hành cưỡng chế chỗ của ông và trong lúc giằng co, ông đã bị xô từ trên lầu xuống đất chấn thương sọ não, qua đời vào ngày hôm sau, rất nhiều đệ tử của ông đã bị bắt nhốt hàng chục năm sau đó. Đạo Dừa mất đi người lãnh đạo tinh thần, giải tán trên bề mặt, nhưng hàng năm vào ngày giỗ âm lịch của ông, hàng ngàn người đủ mọi lứa tuổi đều trở về viếng, tổ chức tưởng niệm và ăn uống.
Ông có một câu nói mà những người ngày xưa chung trại cải tạo với ông ở Cần Thơ đều nhớ nằm lòng:
- Tui thương mấy chú lắm, mấy chú Việt cộng ơi! Mấy chú ngu dại lắm, mấy chú không biết bạo phát thì bạo tàn! Chỉ có nhơn nghĩa là trường tồn!
Tác Giả: HCA
11/6/2024
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Youtube Phan Văn Phúc
Tiểu sử linh mục Phanxi ô Trương Bửu Diệp
- Trang nhà Việt Vùng Vịnh
Ai đã ra lệnh giết Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ?
http://www.vietvungvinh.com/2015/09/ai-ra-lenh-giet-uc-thay-huynh-phu-so.html
- Wikipedia Tiếng Việt
Minh Đăng Quang
https://vi.wikipedia.org/wiki/Minh_Đăng_Quang
- Người Việt Tây Bắc
Những ngày tù chung với ông Đạo Dừa - Hoàng Ngọc Giao.
[ From: Hanh Nguyen;Date: October 19, 2021]
https://nvnorthwest.com/2021/11/nhung-ngay-tu-chung-voi-ong-dao-dua/
- Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia
Chuyện ông Đạo Dừa
https://www.hocviencsqg-vnch.org/linh-tinh-1-1/chuyện-ông-đào-dừa
- Nhận đường liên kết
- X
- Ứng dụng khác
Nhận xét
Đăng nhận xét