Con thuyền kinh tế Việt Nam liệu có chìm trong cơn lũ dữ Covid-19?

Con thuyền kinh tế Việt Nam liệu có chìm trong cơn lũ dữ Covid-19?


Tác giả: Tâm Chính

Một góc của Thành Hồ. (Ảnh: Pixabay)

Dòng FDI ngừng chảy, sản xuất trong nước “bật” khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, thu nhập và tiêu dùng bết bát, hàng triệu người mất việc làm, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mơ hồ… Cơn lũ dữ virus Vũ Hán từ Trung Quốc đã tạo ra quá nhiều lỗ thủng cho con thuyền kinh tế Việt Nam, vốn đang chòng chành trong mắt bão...

Bên cạnh việc gây ra cuộc khủng hoảng y tế có thể nói vẫn rất nghiêm trọng, dịch viêm phổi Vũ Hán từ Trung Quốc còn gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động kinh tế, khi hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, hoặc không có nguyên liệu để sản xuất. Không chỉ vậy, nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm.

Dòng FDI giảm sâu, có nguy cơ ngừng chảy vào Việt Nam

Theo Simply Invest, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết tổng số vốn FDI đăng ký trong 7 tháng đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại hồi tháng 5. Trước đó trong 6 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI đăng ký cũng đã giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội – 2 trong số những trung tâm hút FDI, vẫn đang phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt, và chưa biết đến bao giờ có thể hoạt động bình thường trở lại.

 FDI 7 tháng năm nay suy giảm rõ rệt


Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố vào tháng 7/2021 cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bị suy giảm mạnh do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Theo đó chỉ số niềm tin doanh nghiệp đã xuống 45,8 điểm phần trăm (so với mức 73,9 điểm phần trăm của quý 1 năm nay). Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch bùng phát vào năm 2020.

Trong khi đó, khảo sát của đài NHK cho thấy hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam đang có ý định đưa nhân viên về nước để “tránh dịch”. Mà tầm quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam thì mỗi chúng ta có lẽ đều đã hiểu. 

Trước nay, do thiếu nguồn cung từ công nghiệp phụ trợ, sản xuất của Việt Nam khá “rỗng ruột”, chỉ là khâu trung gian lắp ráp đơn giản, dễ bị thay thế với các đối thủ trong khu vực và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của nước ngoài (xem phân tích chi tiết tại đây). Nghĩa là, sản xuất của Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp FDI và dòng vốn FDI, còn nguồn thu chủ yếu lại đến từ việc xuất khẩu các sản phẩm gia công. Do đó, nếu như dòng vốn này ngừng chảy vào Việt Nam thì hậu quả sẽ khôn lường. Lúc đó, kể cả nước ta có dập dịch thành công thì cũng sẽ phải gây dựng lại mọi thứ gần như từ đầu, vì các đối tác đều đã rời bỏ, còn các ngành sản xuất trong nước, vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chính từ nước ngoài, cũng hoạt động kém hiệu quả.

Nguy cơ ‘bật’ khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu 

Ngoài nỗi lo FDI giảm, một vấn đề khác còn ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới nền kinh tế, đó là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thậm chí Việt Nam còn đối mặt với khả năng bị bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mấy ngày gần đây, cảng Cát Lái rơi vào tình trạng quá tải, do hàng hóa, nguyên vật liệu về nhiều mà doanh nghiệp không hoạt động nên không thể lấy hàng. Thực ra cảng này bình thường cũng đã hoạt động gần hết công suất, nhưng do dịch bệnh nên mọi thứ còn trầm trọng hơn nữa.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân ùn tắc hàng tại cảng là do nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dừng hoạt động, cắt giảm sản lượng nên không thể tiếp nhận, khiến container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc. Ngoài ra, nhân lực để duy trì hoạt động liên tục cho cảng cũng giảm xuống khoảng 50% khi chỉ còn 250 người/ngày, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng thiếu trầm trọng.

Thiếu hàng hóa, nguyên liệu, doanh nghiệp không thể sản xuất, từ đó không kịp trả hàng cho đối tác nước ngoài. Một, hai lần thì các công ty nước ngoài còn thông cảm, nhưng nếu kéo dài liên tục, chắc chắn họ sẽ phải tìm đối tác ở nước khác. Đó chính là nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà Việt Nam có thể phải đối mặt nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện.

Kể cả các doanh nghiệp thực hiện phương châm “3 tại chỗ” cũng đang gặp khó khăn. Như tại Đồng Nai, có trên 1.000 doanh nghiệp thực hiện phương châm này, nhưng chỉ duy trì được khoảng 1/3 số lượng lao động. Với các doanh nghiệp giày da, may mặc, với quy mô lên tới hàng chục nghìn người, thì rất khó đáp ứng “3 tại chỗ”.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà hiệp hội DN Mỹ tại VN (Amcham) mong muốn đề xuất về bỏ danh mục hàng thiết yếu của Bộ Công thương sớm được thông qua để tránh dồn ứ hàng xuất khẩu, mà trước nhất là với hàng đi thị trường Trung Quốc.

Cách biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp lại chưa ‘đúng liều’ hoặc không có ý nghĩa 

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị quyết trong đó đề xuất tiếp tục giảm thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2021; 
  • Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề; 
  • Giảm 30% thuế GTGT đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; 
  • Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho biết: Việc giảm 30% thuế TNDN thì những gói hỗ trợ trước đây đã thực hiện. Chính sách này chỉ có tác dụng đối với các doanh nghiệp có lãi, còn DN thua lỗ thì họ đã không phải nộp loại thuế này, nên chưa hẳn chính sách có tác dụng với DN khó khăn. Trong khi với thuế VAT, dù khó khăn, thua lỗ, hễ phát sinh doanh thu (tức là đang hoạt động) là phải nộp thuế. Bà Cúc đề xuất Bộ Tài chính nên tập trung giảm thuế VAT sẽ mang lại lợi ích lớn và thiết thực hơn cho nhiều DN đang gặp khó khăn, nỗ lực duy trì hoạt động.

Nhiều doanh nghiệp mong mỏi chính sách giảm thuế VAT. Giảm thuế VAT đồng nghĩa với việc giảm giá bán, tức là người dân sẽ được mua hàng hóa dịch vụ với mức giá thấp hơn, điều này cần thiết và phù hợp với bối cảnh "bão” giá các sản phẩm hàng hóa đang tăng do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng bị gãy tại một số nút thắt, hàng triệu người mất việc làm hoặc thu nhập bị giảm sút... Khi giảm thuế, giá bán giảm sẽ làm kích cầu, từ đó giúp cho nhà sản xuất bán được nhiều hàng hóa dịch vụ hơn, có tác động tích cực hỗ trợ cho khâu sản xuất, lưu thông của doanh nghiệp.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại (ĐH Luật TPHCM) cho rằng, VAT là thuế gián thu, nếu thuế này được giảm “đúng liều” sẽ góp phần giảm giá hàng hóa, dịch vụ, hỗ trợ tiêu dùng với người dân đang chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Chưa kể, các DN đang gánh nhiều khoản chi phí liên quan tới phòng chống dịch, chi phí lưu thông hàng hóa tăng cao…

Với nhóm đối tượng lĩnh vực ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh như du lịch, lưu trú, vận tải, ông Nam cho rằng cần giảm thuế ở mức cao hơn mức Bộ Tài chính đề xuất, vì cơ bản DN lĩnh vực này đang dừng hoạt động. 

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân ùn tắc hàng tại cảng là do nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dừng hoạt động, cắt giảm sản lượng nên không thể tiếp nhận, khiến container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc. (Ảnh: biendaohaiphong.gov.vn)


Theo quy định thì DN nợ thuế sẽ khó có thể tiếp cận các gói vay ưu đãi từ nhà nước (như vay trả lương cho người lao động), mà trên thực tế các doanh nghiệp kể trên không phải đến năm nay mới gặp khó khăn, tình trạng “thở oxy” đã kéo dài từ đầu năm ngoái, nếu quy định như vậy thì đã cắt đứt con đường tiếp cận nguồn hỗ trợ của nhóm doanh nghiệp cần được cứu nhất. Vì vậy, theo ông Nam, phần thuế phải nộp còn lại trong năm cũng nên được hoãn sang năm sau, xem như khoản vay ưu đãi phục hồi sản xuất, vừa không đẩy họ vào tiếp tục vào tình trạng nợ thuế, sẽ là một vòng luẩn quẩn khiến doanh nghiệp không gượng dậy nổi. 

Trong khi đó, các gói hỗ trợ doanh nghiệp lại chưa phát huy tác dụng cần thiết. Theo các chuyên gia, áp lực lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm sức cạnh tranh thị trường giảm. Gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi "chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp".  

Tránh các biện pháp cực đoan, xác định ‘sống chung với lũ’ để phát triển kinh tế

Nhiều chuyên gia y tế trên thế giới đã khẳng định dịch COVID-19 sẽ khó có thể biến mất mà thay vào đó sẽ trở thành dịch theo mùa. Do đó, cần phải tính đến chuyện chung sống lâu dài với dịch bệnh, không chỉ đối với xã hội, mà các doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch “sống chung với lũ”.

Nếu như vậy, thì các biện pháp phong tỏa cực đoan, thiếu sáng tạo sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ khi người dân không thể ra đường, các ngành nghề không thể vận hành hiệu quả. 

Năm ngoái, đã có hơn 8.700 nhà khoa học y tế, 22.000 nhân viên y tế và 380.000 công dân có mối quan tâm tương tự trên toàn thế giới đã ký vào bản Tuyên bố Great Barrington, nêu rõ: "Việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ những người dễ bị tổn thương phải là mục tiêu trọng tâm của các phản ứng sức khỏe cộng đồng đối với COVID-19. Những người không dễ bị tổn thương cần được phép ngay lập tức trở lại cuộc sống như bình thường".

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm người Canada, TS Ari Joffe đã đăng bài báo có tiêu đề COVID-19: Suy nghĩ lại về PHONG TỎA, liệt kê những thiệt hại đáng kinh ngạc của việc phong tỏa gây ra:

  • Mất an ninh lương thực [82-132 triệu người]
  • Nghèo đói trầm trọng [thêm 70 triệu người]
  • Tử vong ở bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi do việc chăm sóc sức khỏe bị gián đoạn [thêm 1,7 triệu người]
  • Các bệnh truyền nhiễm tử vong do các dịch vụ bị gián đoạn [hàng triệu người mắc bệnh lao, sốt rét và HIV]
  • Việc phong tỏa trường học cho trẻ em [ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền và tuổi thọ trong tương lai của trẻ em]
  • Các chiến dịch tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em bị gián đoạn, và hàng triệu phụ nữ bị bạo lực.

Đầu năm nay, Đại học Đan Mạch đã công bố kết quả của một nghiên cứu khoa học, trong đó so sánh các thành phố tự trị của Đan Mạch đã áp dụng lệnh giới nghiêm và những thành phố không bị phong tỏa. Kết luận: Các lệnh phong tỏa "có tác động hạn chế và không đáng kể về mặt thống kê trong việc hạn chế dịch bệnh".

Một nghiên cứu tương tự của Đại học Stanford đã so sánh 8 quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và 2 quốc gia không áp dụng. Kết luận: "Chúng tôi không tìm thấy lợi ích thiết thực gì của các lệnh yêu cầu người dân ở tại nhà hoặc đóng cửa kinh doanh".

Những nghiên cứu trên không dựa trên các giả định và dự đoán mà dựa trên dữ liệu thực tế. Đây là những gì khoa học tiết lộ với chúng ta và nhiều nghiên cứu khác cũng nói với chúng ta điều tương tự: Các biện pháp phong tỏa không cứu được mạng người, chắc chắn không có giá trị và ý nghĩa thống kê nào cả. Nhưng ngược lại, nó khiến cho tình hình chung trở nên tồi tệ - tồi tệ hơn rất nhiều. Giờ đây, ​​ngày một nhiều bằng chứng cho thấy việc phong tỏa đang khiến chúng ta phải trả những cái giá rất đắt.

Chứng kiến những bài học này của thế giới, và nhìn vào tình cảnh người dân suốt một thời gian vừa qua phải trả những  cái giá đau đớn do tình trạng cấm đi lại, vận chuyển, lưu thông, chứng kiến làn sóng FDI rút khỏi đất nước, đứng trước nguy cơ bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng thế giới, chúng ta hiểu được rằng điều đó giống như những vết nứt dài trên con thuyền kinh tế đất nước. Nếu không hàn gắn những “vết nứt” này kịp thời bằng những biện pháp hỗ trợ thiết thực, mà thay vào đó chúng ta vẫn tiếp tục duy trì những biện pháp giãn cách cực đoan, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ sớm phải trả giá, dòng lũ dữ của đại dịch sẽ ào đến, cuốn phăng đi toàn bộ những thành quả mà rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu của bao nhiêu con người đã phải đổ xuống để có được thành quả kinh tế như ngày hôm nay. 

Tâm Chính

NGUỒN TIN THAM KHẢO

https://www.preprints.org/manuscript/202010.0330/v2

http://www.baohoabinh.com.vn/12/155594/Doanh-nghiep-m111ng-moi-trien-khai-nhanh-goi-ho-tro.htm

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/vi-mo/doanh-nghiep-ky-vong-chinh-sach-giam-thue-lai-suat-cua-chinh-phu-thuc-chat-va-sat-suon-3568295.html

https://tuoitre.vn/tp-hcm-de-xuat-giam-thue-vat-do-doanh-nghiep-bi-anh-huong-nang-ne-boi-covid-19-20210610083048997.htm



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025