Sách mới tiết lộ nội tình ĐCS Trung Quốc buộc WHO phủ quyết thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm


Ảnh chụp Tổng Giám đốc WHO (trái) Tedros Adhanom thăm Trung Quốc vào ngày 28/1/2020.
(Naohiko Hatta-Pool/Getty Images)

Sách mới tiết lộ nội tình ĐCS Trung Quốc buộc WHO phủ quyết thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm

Tác giả: MAI HẠ

Một cuốn sách mới được xuất bản gần đây của Mỹ đã tiết lộ nội tình việc Bắc Kinh buộc các nhà điều tra phủ quyết khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm; các nhân viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị “sốc” và tại sao Tổng Giám đốc WHO Tedros lại thay đổi quan điểm trong việc điều tra nguồn gốc COVID-19, v.v.

Cuốn sách mới này có tên "Dư chấn: Chính trị Đại dịch và Sự kết thúc của Trật tự Quốc tế cũ" (Aftershocks: Pandemic Politics and the End of the Old International Order), được viết bởi học giả Thomas Wright của Viện Brookings và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách về chính sách Colin Kahl của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Ngày 19/8, tờ The Washington Post đã viết một bài báo, thuật lại nội tình việc virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán được nói đến trong cuốn sách này.
Nhà khoa học Đan Mạch Ben Embarek, trưởng nhóm truy tìm nguồn gốc Coronavirus mới của WHO, đã ở Vũ Hán tổng cộng 4 tuần, trong đó 2 tuần cách ly. Ông Embarek cho biết trong một cuộc họp báo hôm 9/2 rằng, nhóm điều tra đã phán quyết việc lây truyền gián tiếp bệnh từ động vật sang người là "có thể xảy ra", nhưng việc rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ không có khả năng" và không đáng được điều tra thêm.
Kết luận này khiến các đồng nghiệp của ông Embarek ở Geneva cảm thấy rất "sốc", vì họ không tin rằng nhóm nghiên cứu tới Vũ Hán có cơ hội hoặc dữ liệu để loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Trong sách nói rằng, các nhân viên lâu năm của WHO tại Geneva đã bị sốc sau khi nghe tuyên bố này, một trong số họ nói với tác giả cuốn sách rằng: "Tất cả chúng tôi đều ngã khỏi ghế".
Cuốn sách tiết lộ rằng, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã bày tỏ quan điểm này với nhóm điều tra vào thời điểm đó, nhưng nhóm điều tra "biện minh" rằng, áp lực từ các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến họ lựa chọn thỏa hiệp.
Theo thông tin, khi nhóm điều tra của WHO đến Trung Quốc để điều tra và đàm phán với các quan chức ĐCSTQ về địa điểm điều tra, quan chức ĐCSTQ đã đề xuất với nhóm chuyên gia rằng, nếu nhất định phải đến Vũ Hán điều tra thì cần có điều kiện tiên quyết, đó là không đưa ra kiến nghị điều tra nguồn gốc virus nữa.
Ông Embarek nói rằng, các quan chức ĐCSTQ hoàn toàn không muốn đề cập đến sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
ĐCSTQ mắng ông Tedros là “kẻ phản bội”
Những chất vấn của ông Tedros dường như không ảnh hưởng gì đến kết luận điều tra của WHO. Báo cáo của WHO vào tháng 3 vẫn nhắc lại kết luận việc rò rỉ từ phòng thí nghiệm là điều "cực kỳ không có khả năng".
Trong sách viết rằng, ông Tedros sau đó đã nói với đặc sứ của ĐCSTQ tại Geneva rằng ông muốn báo cáo sự thật, “ngay cả khi Trung Quốc (ĐCSTQ) không thích nó”.
Sau đó, ông Tedros tuyên bố công khai tại một cuộc họp báo của WHO rằng, cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus ở Trung Quốc có "phạm vi không đủ rộng" và thiếu "chia sẻ dữ liệu kịp thời, toàn diện”.
Trước yêu cầu mạnh mẽ của Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới, WHO đã đề xuất tiến hành giai đoạn hai của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tăng cường tính minh bạch và chia sẻ tất cả dữ liệu với WHO. Ông Tedros, người đã nhiều lần công khai ca ngợi Trung Quốc, gần đây cáo buộc rằng không thể loại trừ khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và phải tiến hành thêm nhiều cuộc điều tra.
Sự thay đổi thái độ của ông Tedros đã khiến chính quyền Bắc Kinh rất tức giận, thậm chí truyền thông nhà nước ĐCSTQ còn cáo buộc ông Tedros là "kẻ phản bội""tay sai của Mỹ", đồng thời công khai từ chối hỗ trợ giai đoạn hai cuộc điều tra của WHO.
Tuy nhiên, sự biến chuyển của ông Tedros về vấn đề Trung Quốc đã quá muộn để giành được sự ủng hộ của các nhà phê bình. Đồng thời, mối quan hệ giữa WHO và chính quyền ĐCSTQ cũng trở nên xa cách từ đó.
Vào tháng 7, các quan chức ĐCSTQ đã chỉ trích WHO vì chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc virus, nói rằng họ sẽ không chấp nhận giai đoạn hai của cuộc điều tra ở Trung Quốc, và cáo buộc Mỹ gây áp lực lên các chuyên gia của WHO.
Vào cuối tháng 7, các cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ như Nhân dân Nhật báo, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), đã sôi nổi đăng lại bài viết của một nhà sinh vật học Thụy Sĩ tên là “Wilson Edwards”. Người này nói rằng, “Nhóm Cố vấn Khoa học Quốc tế về Nguồn gốc Mầm bệnh Mới” WHO thành lập gần đây là kết quả áp lực chính trị từ Hoa Kỳ.
Vào ngày 10/8, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh đã đưa ra một thông báo bằng tiếng Anh và tiếng Trung trên Twitter, khẳng định đây chỉ là thông tin sai lệch, và kêu gọi "Các kênh truyền thông và cư dân mạng có thể đã vô ý đăng lại thông tin này, nhưng chúng tôi khẩn thiết các bạn xóa nó ngay lập tức, đồng thời đăng tuyên bố đính chính”.
Sau đó, tất cả bài viết liên quan đến “nhà sinh vật học Wilson Edwards” trên các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc đều bị xoá. Tuy nhiên bài viết này vẫn được lưu truyền trên mạng ở Trung Quốc và tuyên bố đính chính của Thuỵ Điển đã bị chính quyền ĐCSTQ chặn.
Ngày 12/8, WHO đã đưa ra một tuyên bố về giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc virus, thúc giục Trung Quốc chia sẻ dữ liệu ban đầu liên quan đến ca nhiễm COVID-19 sớm nhất.
Đồng thời, WHO cho biết họ từ chối chấp nhận các tuyên bố, rằng "cuộc điều tra nguồn gốc virus bị chính trị hóa" hoặc "WHO khuất phục trước áp lực chính trị”.
Ông Ben Embarek, người đã đến Vũ Hán, chịu trách nhiệm về cuộc điều tra, cũng nói rằng các nhà điều tra nên tìm thêm các thông tin liên quan về một phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán, đồng thời xem xét phòng thí nghiệm này cẩn thận hơn. Phòng thí nghiệm này nằm ở gần chợ - nơi phát hiện chùm ca lây nhiễm tập thể đầu tiên.
Ông Embarek tiết lộ rằng, rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ không có khả năng" là tuyên bố được đưa ra sau 48 giờ đàm phán căng thẳng với các đối tác Trung Quốc.
Trong một tập phim tài liệu do Đài truyền hình công cộng TV2 của Đan Mạch sản xuất vào tuần trước, ông Embarek nói rằng, một nhân viên của phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị nhiễm bệnh trong khi lấy mẫu tại hiện trường, đây là một trong những giả thuyết về khả năng virus được truyền từ dơi sang người; đồng thời, không có con dơi nào thuộc loài dơi bị nghi ngờ mang theo Coronavirus mới sống trong môi trường hoang dã ở Vũ Hán.
Ông Embarek nói rằng, những người duy nhất có thể tiếp xúc gần loài dơi này là nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán.
Thứ trưởng Ngoại giao ĐCSTQ Mã Triêu Húc (Ma Zhaoxu) đã bác bỏ tuyên bố mới nhất hôm 13/8 của WHO. Ông Mã nói phải "tôn trọng" kết luận của báo cáo tháng 3 rằng khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là điều cực kỳ không thể có, và các cuộc điều tra sau này phải được thực hiện trên cơ sở có sự tham gia của Trung Quốc.
Tại một cuộc họp báo ngày 18/8, Giám đốc điều hành của Chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO, lãnh đạo nhóm chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn và điều trị COVID-19, ông Mike Ryan nói rằng, WHO luôn đứng sau hậu thuẫn và nỗ lực để cuộc điều tra nguồn gốc virus tiếp theo nhận được nhiều sự tin tưởng hơn.
Ông Ryan nói: “Chúng tôi đã có bước tiến về mặt này, nhưng tôi phải thừa nhận rằng điều đó không hề dễ dàng”.
Mai Hạ
Theo Epoch Times tiếng Trung
 

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 209