Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ

 Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam: Căn Nguyên Đổ Vỡ 


(Đọc chương 10 tập 2 tác phẩm “The Viet-Nam Upheaval” của GS Vũ Quý Kỳ) 

Bài 2.- Ấp Chiến Lược, Một “Thiên Đường Lỡ”! 


Trần Phong Vũ 

Tính từ biến cố Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam sụp đổ, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu bị thảm sát đã 58 năm trôi qua, nhưng nguyên nhân do đâu, và riêng vấn đề liên quan tới quốc sách Ấp Chiến Lược, vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi. 

Trong khi giới lãnh đạo chóp bu ở Hànội im hơi lặng tiếng thì bọn dư luận viên vòng trong vòng ngoài vẫn tìm dịp bôi bác. Khi tìm kiếm tài liệu trên Google liên quan tới quốc sách này, người ta bắt gặp những bản tin cố tình làm ra vẻ trung thực, nhưng vẫn không giấu được những chi tiết hàm ẩn thái độ xỏ xiên. 

Dưới đây là một trích đoạn tiêu biểu: 

“Vì muốn cách ly thường dân khỏi lực lượng du kích quân Giải phóng miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm cho ra đời kế hoạch Ấp chiến lược. Nông dân tại các ấp chiến lược có thể nhận được sự bảo vệ, hỗ trợ kinh tế và trợ cấp của chính phủ. Mục đích chính là loại lực lượng du kích quân Giải phóng miền Nam ra khỏi dân cư để dễ dàng tiêu diệt. Kế hoạch này ban đầu đã gây khó khăn cho quân Giải phóng miền Nam…” 

Nếu đọc thoáng qua, có lẽ phần đông độc giả không nhận thấy điều gì khác thường. Nó giống như một đoạn tường trình quen thuộc, vô thưởng vô phạt, nói về mục tiêu của việc thiết lập chương trình Ấp Chiến Lược. Nhưng nếu chịu khó đọc kỹ với một chút suy tư tinh tế, chúng ta sẽ nhận ra dụng tâm của người viết ẩn sâu trong đó. 

Câu hỏi đầu tiên đặt ra là tại sao chỉ trong một trích đoạn ngắn ngủi mà người viết lập đi lập lại tới ba lần cụm từ “Quân Giải Phóng Miền Nam”? Câu hỏi kế tiếp là ý tưởng tiềm ẩn bên trong và đàng sau dụng tâm của người viết đoạn tường trình trên đây là gì? 

Trả lời chung cho cả hai câu hỏi có thể tìm thấy trong phần đầu chương 10 tập 2 tác phẩm “The Vietnam Upheaval” của Giáo sư Vũ Quý Kỳ mà chúng tôi đã có dịp phân tích trong bài đầu với nhan đề “Hiểu Sai Về Bản Chất Cuộc Chiến” đã được post trên các trang mạng VietCatholic News, Diễn Đàn Giáo Dân và Vận Hội Mới những ngày vừa qua. 

Nếu độc giả có dịp đọc bài viết kể trên hẳn đã hiểu bản chất cuộc chiến ở miền Nam trước Tháng Tư năm 1975 là gì, và tại sao, do đâu (?), đã có sự hiểu sai để từ đấy tạo nên những hệ quả tai hại lâu dài cho đất nước. 

Là những công dân miền Nam tự do, tất cả chúng ta đều hiểu đấy là một cuộc chiến tự vệ chống lại chủ trương xâm lăng thô bạo của CS Hànội dưới sự đỡ đầu của Trung Cộng và Nga Sô. Điều oái oăm là do một căn nguyên sâu xa nào đó, không chỉ phía cộng sản, mà ngay cả phía Hoa Kỳ đã có một số viên chức cao cấp dưới thời TT Kennedy cố tình coi cuộc chiến là do nông dân miền Nam khởi động! 

Nhận định trên giúp chúng ta hiểu cụm từ “Quân Giải Phóng Miền Nam” được lập đi lập lại trong một đoạn ngắn nói về Ấp Chiến Lược gợi nhắc tới bản chất phi chính nghĩa của cuộc chiến! Từ đấy tạo cho người đọc những định kiến không hay về quốc sách Ấp Chiến Lược. 

Bên cạnh tư tưởng lập lờ như thế, tài liệu trên cũng xen kẽ vào những trích dẫn tiêu cực đại loại như nhận xét của một nhân vật mệnh danh là Nhà Sử Học Randy Roberts như sau: 

"Cái gọi là Chương trình Ấp Chiến lược thực chất là lùa nông dân Việt Nam ra khỏi làng quê tổ tiên của họ và nhốt họ trong những khu đất rào quanh chắc chắn giống như một nhà tù hơn là các cộng đồng thật sự" . 

Trong chương 10 tập 2 tác phẩm “Vietnam Upheaval” tác giả Vũ Quý Kỳ đã dành khá nhiều trang để nhận định về những góc cạnh khác nhau của Quốc Sách Ấp Chiến Lược. 

 Mở đầu ông viết, hứa hẹn đầu tiên của chương trình ấp chiến lược xuyên qua mục đích rõ ràng là cô lập các gián điệp cộng sản và các hoạt động của chúng ra khỏi người dân nông thôn, đồng thời cắt đứt mọi nguồn tiếp liệu về thực phẩm cũng như vũ khí cho các nhóm du kích quân. Sự hứa hẹn lạc quan này, ban đầu* đã thúc đẩy chính quyền Kennedy gia tăng nỗ lực hỗ trợ chương trình ấp chiến lược. Mặc dù kết quả hoạt động chưa cao ở một số khu vực như Bình Dương, Long An, nhưng nhìn chung, những tiến bộ đáng khích lệ đã được ghi nhận ở MR4 thuộc đồng bằng sông Cửu Long, MR2 và MR1 thuộc Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam. 

Mối quan tâm chung trong việc cải thiện an ninh ở vùng nông thôn là động cơ thúc đẩy sự hợp tác nhiều hơn và ít tranh cãi hơn giữa Sàigòn và Hoa Thịnh Đốn trong thời gian đầu. 

 Vẫn theo nhận định của Giáo sư Vũ, việc cải thiện các điều kiện an ninh nông thôn xuyên qua sáng kiến thiết lập cả chục ngàn Ấp Chiến Lược tại các vùng trọng yếu thậm chí còn được phản ánh một cách thuận lợi bởi một nhà báo lâu nay vốn tỏ ra có cảm tình với cộng sản. Đó là nhà báo Wilfred Burchett. 

Trong tác phẩm “Việt Nam: Chuyện bên trong cuộc chiến tranh du kích” (Vietnam: Inside Story of the Guerrilla War), Wilfred Burchett đã đưa ra nhận xét rằng: Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thành công đáng kể vào năm 1962 về quyền kiểm soát lãnh thổ và dân số của ông. Với những chiến công của QLVNCH trong cuộc chiến đã khiến nhà báo này nhìn nhận “năm 1962 là năm của ông Diệm” trong quyết tâm chống lại Việt Cộng. Theo sự quan sát của Thiếu tướng Victor H. Krulak sau chuyến viếng thăm bốn quân khu ở miền Nam hồi tháng 6-1963, những tiến bộ đáng khen ngợi đã đạt được trong năm trước của chính quyền Sàigòn còn tiếp tục trên phần lớn lãnh thổ miền Nam qua bán niên đầu 1963. 

Vai trò quan trọng và khả năng tồn tại của hệ thống Ấp Chiến Lược trong việc phát triển và bảo vệ an ninh nông thôn đã biến quốc sách này thành một nút thắt quan trọng. Mặc nhiên nó sắm vai trò một mạng lưới kết nối các hành động công dân, các chiến dịch bình định, các hoạt động vũ trang do Lực lượng Tự vệ, Dân vệ, Các Nhóm phòng thủ trừ bị và QLVNCH. Hiệu quả của các Ấp Chiến Lược nằm ở sự hợp tác của dân làng với các đơn vị quân đội. Như Mark Moyar đã tường thuật trong “Triumph Forsaken” qua tầm nhìn ở khía cạnh binh pháp của Tướng Krulak: “Các hoạt động tấn công chống lại Việt Cộng diễn ra rộng khắp, linh hoạt, đa dạng, và đang gia tăng đều đặn về cường độ…” 

Vẫn theo Mark Moyar: 

Tại tỉnh Khánh Hòa, tướng Krulak nhận thấy Sư đoàn 23 đã được chia thành các đơn vị nhỏ và đang tuần tra xung quanh các vùng núi phía tây của tỉnh. Tại Quảng Ngãi, một tỉnh từ lâu đã được coi là cứ điểm hoạt động của Cộng sản, Sư đoàn 25 cũng đã đẩy Việt Cộng từ đồng bằng ven biển vào sâu vùng núi. Ngoài ra, lực lượng dân quân ấp chiến lược và Sư đoàn 25, được hỗ trợ bởi thông tin từ đông đảo dân làng, đã đẩy lùi các cuộc tấn công lớn của Việt Cộng nhắm vào các Ấp Chiến Lược hồi tháng 4-63, gây thương vong cho hàng trăm binh sĩ Việt Cộng. 

Cũng trong cuốn “Triumph Forsaken”, Mark Moyar đã trích dẫn một số thông tin trong bản tường trình của Chuẩn tướng Ted Serong, một chuyên gia về chiến tranh du kích, người đứng đầu phái bộ huấn luyện của Úc tại miền Nam Việt Nam về Ấp Chiến Lược. Serong ca ngợi việc thực hiện các hệ thống chiến đấu này ở vùng đồng bằng miền Trung Việt Nam là: “được thực hiện hoàn hảo, gần như là phiên bản gốc về khái niệm sách lược lý tưởng này”. 

 Trong báo cáo tháng 3 năm 1963, Serong đã tuyên bố rằng chính phủ Diệm, mặc dù có một số vấn đề trong vài lĩnh vực, đang chiến thắng trong cuộc chiến khiến Việt Cộng đã phải bó tay không tìm ra cách chống lại chương trình Ấp Chiến Lược. Mark Moyar lưu ý thêm rằng một sử gia khác, David Kaiser, khi viết cuốn “American Tragedy” đã trích dẫn báo cáo của Serong về cách xử lý đối với chủ đề Ấp Chiến Lược nhưng lại loại bỏ một cách chọn lọc tất cả các khía cạnh tích cực trong báo cáo. Kaiser lơ đãng hay cố ý phục vụ một chương trình nghị sự chính trị? Nếu Kaiser cố ý, ông ta dường như là một phần của "Bi kịch nước Mỹ". 

Mark Moyar bình luận thêm: 

Các nhà quan sát phương Tây ghi nhận rằng chương trình Ấp Chiến Lược tiếp tục đạt được những bước tiến dài. Giai đoạn I của quốc sách bao gồm 2/3 chương trình Ấp Chiến Lược đã hoàn thành trước thời hạn vào giữa năm 1963 ở mọi miền đất nước. Một số lượng lớn ấp đang hoạt động hiệu quả, mặc dù một số mới chỉ hoàn thiện một phần. Các sĩ quan Hoa Kỳ đã đến thăm từng tỉnh của miền Nam Việt Nam trong nửa đầu năm 1963 nhận xét rằng chính quyền địa phương đã có những cải tiến đáng kể và đã mở rộng phạm vi hoạt động của họ, trong khi dân quân ấp đang đẩy lùi Việt Cộng với quyết tâm và kỹ năng cao. 

Các sĩ quan Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng người dân nông thôn và các quan chức địa phương hiện đã tin tưởng hơn nhiều vào sách lược chính phủ và tinh thần của của họ ngày càng cao. Tướng Ted Serong nói với các quan chức hàng đầu của Washington vào tháng 5-1963, rằng: 

“Một trong những thành công lớn ở Việt Nam là chương trình Ấp Chiến Lược và câu chuyện này chưa được thuật lại đầy đủ.” 

Trái với thái độ có phần bi quan năm 1961 và đầu năm 1962, Ngài Robert Thompson nhìn nhận rằng, chương trình Ấp Chiến Lược ngày càng tỏ ra đáng chú ý theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Theo nhận định của Sir Thompson, chính phủ Việt Nam hiện đang chiến thắng trong cuộc chiến và đang có triển vọng đóng cửa không cho phép Việt Cộng tiếp cận người dân nông thôn vào giữa năm 1964, ngay cả ở đồng bằng sông Cửu Long. 

Dựa vào những chứng từ lạc quan trên đây, tác giả “Vietnam Upheaval” tin tưởng rằng: Sự phát triển và hiệu quả của các Ấp Chiến Lược đã tước đi quyền tiếp cận của du kích cộng sản đối với nông dân ở nông thôn trên toàn miền Nam như Catton đã ghi nhận trong cuốn “Thất bại cuối cùng của ông Diệm”. Chính vì thế nó đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của tướng Nguyễn Chí Thanh, người được Hànội đặc cử vào chỉ huy chiến trường miền Nam. 

Về một phương diện khác, sự thành công giây chuyền của hệ thống Ấp Chiến Lược đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng cộng sản và người nông dân, dẫn đến việc giảm thiểu nặng nguồn cung cấp vật chất cho du kích. Cụ thể là ở miền Trung Việt Nam, đặc biệt các vùng cao nguyên, du kích CS bị lâm vào tình trạng thiếu lương thực và vật tư y tế để cung ứng cho các lực lượng vũ trang. Theo báo cáo của đại sứ quán Hoa Kỳ, khẩu phần gạo hàng ngày của họ so với năm 1960 chỉ còn phân nửa. 

Câu hỏi đặt ra là với những thành quả lạc quan, vững chắc đạt được cho tới khoảng giữa năm 1963 của quốc sách Ấp Chiến Lược, tại sao chỉ mấy tháng sau, Đệ Nhất CHVN lại bị sụp đổ, anh em TT Diệm bị giết? 

Nguyên nhân trước mắt ai cũng nghĩ tới là sự manh động của đám phản tướng do Dương Văn Minh cầm đầu với sự tiếp tay của thiều số thành phần thiên tả quá khích núp dưới danh nghĩa Phật Giáo. 

Tuy nhiên, truy tầm căn nguyên sự việc, chúng ta không thể gạt bỏ mối xung khắc giữa hai đối tác Việt/Mỹ, cụ thể là những toan tính có dự mưu của một số chính khách Bộ Ngoại Giao xoay quanh Tổng thống Kennedy, chủ nhân ông Tòa Bạch Ốc. Nó chính là những cơn sóng dữ dằn và cũng là chất xúc tác làm nảy sinh cuộc biến động được khoác cho cái mũ tôn giáo này. 

Trong chương 10 tập 2 tác phẩm “The VietNam Upheaval” tác giả họ Vũ đã chỉ ra những khuôn mặt lớn thuộc hai phe chống và ủng hộ chính quyền của Tổng Thống Diệm được nối kết từ Hoa Thịnh Đốn qua Sàigòn từ năm 1960 qua những năm sau này. Ông đã đưa ra những phân tích, nhận định rốt ráo về cuộc tranh giành ảnh hưởng Tổng Thống Kennedy của phe chủ trương loại bỏ ông Diệm ra sao. Đây là một vấn đề khá quan trọng. Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ có dịp bàn sâu vào vấn đề này để chỉ ra căn nguyên cội rễ gai góc của nó dựa vào nhận định và nguồn tài liệu phong phú của tác giả “The Vietnam Upheaval”. 

Người cầm đầu nhóm chủ trương loại bỏ chính quyền do TT Diệm lãnh đạo chính là Averell Harriman, một nhân vật nham hiểm, mưu mô và đầy tham vọng. Thành tích lớn nhất của Harriman là với ưu thế thân Nga đã vận động thành công trong nỗ lực tái nhóm Hội nghị Genève về vấn đề Lào ngày 2-7-1962 sau 5 tháng đình hoãn. Điều đáng chú ý là chỉ bảy ngày sau, một hiệp ước được ký kết biến vương quốc này thành một nước trung lập. 

Theo tiết lộ của đại sứ Frederick Nolting, lần thứ hai Harriman đã gặp Tổng thống Diệm để yêu cầu ký thuận, bất chấp sự nghi ngờ có cơ sở của nhà lãnh đạo. Trong cuộc gặp lần đầu tiên dành cho Harriman, ông ta đã “tắt máy trợ thính và ngủ gật trong khi tổng thống miền Nam Việt Nam giải thích rằng không thể tin được Cộng sản… Thái độ bất nhã này của Harriman đã bị một viên chức đại sứ quán Mỹ coi là một hành vi thô lỗ có tính toán thể hiện sự coi thường của ông ta đối với một vị Tổng thống của một đồng minh Hoa Kỳ. 

Với những tài liệu và những chứng tá trong tầm tay, tác giả “The Vietnam Upheaval” nhận định, không có chuyện gì sai trái trong việc trung lập hóa Lào. Nhưng khi cộng sản Bắc Việt lợi dụng Lào trung lập để gia tăng việc xâm nhập bộ đội và tiếp liệu vào phá hoại miền Nam Việt Nam thì tuồng như Hoa Thịnh Đốn hoàn toàn ngoảnh mặt. Trong khi ấy, Averell Harriman lại loanh quanh tự biện hộ bằng cách đổ thừa cho điều gọi là “bất cẩn” của Pathet Lào và Bắc Việt Nam. Chi tiết này được học giả Geoffrey Shaw nêu ra trong “The Lost Mandate Of Heaven” khi đọc cuốn “Mỹ và Nga” của Harriman. 

Theo sự ghi nhận của Giáo sư Vũ Quý Kỳ vào thời ấy một số nhà văn đã dí dỏm mệnh danh “Đường Mòn Hồ Chí Minh” là “hành lang Harriman”, “Xa Lộ Harriman” với những con số “biết nói” sau đây: 

 * 976,849 foot soldiers infiltrated through the Harriman Highway 

* 1,349,060 tons of supply also came through the Harriman Highway, out of which 765,610 tons together with 25,500 trucks were destroyed. 

Trong điều kiện tồi tệ như thế, cho dù Quốc Sách Ấp Chiến Lược có thành công đến mấy, số phận miền Nam phải chăng đã được an bài? Không bởi tay Thượng Đế, nhưng bởi những bàn tay nhám của bè lũ chính trị gia thời cơ mang não trạng “thực dân” dưới “Triều Đình Kennedy”! Và như thế, thay vì triệt hủy tận căn mưu toan của Bắc Việt dùng nông thôn bao vây thành thị, Quốc Sách do ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu sáng lập vì những căn nguyên trên bỗng dưng trở thành một thứ “Thiên Đường Lỡ!” 

Miền Nam California, Thứ Năm, ngày 12-8-2021 

<0><0><0>

*Chúng tôi nói “ban đầu” vì sau đó không lâu những thế lực chủ trương “thay ngựa giữa giòng” trong chính quyền Kennedy ngày càng tỏ ra hung hãn, trâng tráo lộ mặt thực dân, công khai xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Một thí dụ điển hình là bất chấp sự bất bình của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Hoa Thịnh Đốn đã tự tiện gia tăng con số cố vấn Mỹ lên tới mức khó ai có thể tưởng tượng. 

Những số liệu được tác giả “The Vietnam Upheaval” trưng dẫn cho hay: 
Đầu năm 1961: 685. Cuối năm 1961: 3.205. Cuối năm 1962: 9.000. Cuối năm 1963: 16.000 người vào thời điểm ông Diệm bị lật đổ và bị ám sát.

<0><0><0>

Bài liên quan:

Cố Vấn Ngô Đình Nhu trả lời phỏng vấn báo chí Pháp vào năm 1963



Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025