Trung cộng đòi nhượng bộ từ Hoa Thịnh Đốn trong khi thực hiện hành vi trộm cắp
Tác giả: TRÌNH HIẾU NÔNG - MINH NGỌC
Trung cộng đã biến các cuộc đàm phán ở Thiên Tân vào ngày 26/07 thành các cuộc đàm phán ở Alaska Phiên bản 2. Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung cộng đã chẳng nể nang gì khi tung ra ba yêu cầu đối với Hoa Kỳ, những điều ông cho là “những điểm mấu chốt” mà nhà cầm quyền này “kiên quyết duy trì.”
Thứ nhất, “Hoa Kỳ không được thách thức, vu khống hoặc thậm chí cố gắng lật đổ” hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung cộng; thứ hai, “Hoa Kỳ không được cố gắng cản trở hoặc thậm chí làm gián đoạn quá trình phát triển của Trung cộng;” và thứ ba, “Hoa Kỳ không được xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung cộng, hoặc thậm chí gây tổn hại đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung cộng.”
Với ba yêu cầu này, Trung cộng muốn Hoa Kỳ công nhận tính hợp pháp của hệ thống độc tài toàn trị của Trung cộng. Ngoài ra, họ đòi Hoa Kỳ phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu kinh tế của Trung cộng, bao gồm việc bán phá giá ồ ạt các sản phẩm vi phạm bản quyền và hàng giả, đánh cắp hàng loạt các bí mật kỹ thuật của Hoa Kỳ và sự tiếp tục của thặng dư thương mại rất lớn với Hoa Kỳ. Trung cộng thậm chí còn thách thức Hoa Kỳ bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ không được can dự vào các hành động quân sự của nhà cầm quyền này đối với Đài Loan.
Trung cộng đã lặp lại chiến lược của mình đối với các cuộc đàm phán ở Alaska trong các cuộc đàm phán ở Thiên Tân bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ thay đổi các chính sách về Trung cộng của chính phủ cựu Tổng thống Trump, vì nhà cầm quyền này muốn đạt được mục đích “rút ruột” và làm suy yếu Hoa Kỳ, như Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung cộng (USCC) đã khẳng định trong báo cáo thường niên trước Quốc hội Hoa Kỳ năm 2016.
Một tên trộm sẽ không hợp tác với cảnh sát
Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị được hiển thị trên màn hình khi ông tham dự một cuộc họp báo qua video bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh vào ngày 07/03/2021.
Trong thế kỷ trước, Trung cộng đã cạnh tranh bất thành với các cường quốc phương Tây trong lĩnh vực sản xuất thép, ngũ cốc và xe hơi. Trong thế kỷ mới này, lĩnh vực cạnh tranh chuyển sang khả năng phát triển công nghệ.
Hệ thống chuyên quyền của Trung cộng bóp nghẹt quyền tự do tư tưởng và quyền tự do hành động, điều này đương nhiên cũng bóp nghẹt quyền tự do sáng tạo. Không có tự do tư tưởng và ngôn luận, các nhà nghiên cứu ở Trung cộng bị các quan chức chi phối bằng lợi ích kinh tế và mệnh lệnh hành chính, và các nguồn lực nằm trong sự kiểm soát toàn quyền của chính phủ, hoặc như các nhà lãnh đạo của Trung cộng đã nói, “được tập trung lại để hoàn thành các nhiệm vụ lớn.” Trong hoàn cảnh đó, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ của Trung cộng có thể đạt được những đột phá riêng trong một số dự án trọng điểm.
Trong hầu hết các ngành công nghiệp, Trung cộng chỉ có thể đạt được tiến bộ công nghệ bằng cách trộm cắp và cướp đoạt từ các quốc gia dân chủ (khi dùng từ cướp đoạt, ý tôi là buộc các công ty ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ của họ).
Vì hầu hết các công nghệ ở Trung cộng ban đầu đều là bị đánh cắp từ các quốc gia phương Tây, nên Trung cộng muốn biến những công nghệ bị đánh cắp này thành lợi ích kinh tế trên toàn quốc càng sớm càng tốt. Hiển nhiên nhà cầm quyền này hay dung túng việc các doanh nghiệp nội địa đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của nhau. Thực tiễn này đã phá hủy cơ chế thị trường cho tiến bộ công nghệ.
Khi sự cải tiến dễ dàng bị sao chép và bắt chước, các doanh nghiệp chắc chắn phải né tránh hoạt động R&D độc lập trừ phi họ có thể nhận được trợ cấp chính phủ. Khi họ nhận trợ cấp chính phủ thường xuyên, họ sẽ không thật sự theo đuổi cải tiến độc lập có tính thực chất, mà sẽ lợi dụng dự án để lừa tiền từ chính phủ. Những thăng trầm gần đây của ngành vi mạch bán dẫn Trung cộng là một ví dụ điển hình.
Việc đánh cắp các thành quả nghiên cứu công nghệ của phương Tây là một lối tắt lý tưởng cho Trung cộng, và Hoa Kỳ đã trở thành mục tiêu chính cho kiểu hành vi trộm cắp này. Do đó, sự thù địch của Đảng đối với Hoa Kỳ bắt nguồn sâu xa từ tâm lý “kẻ trộm sợ cảnh sát.”
Một tên trộm chuyên nghiệp sẽ không tự nguyện hợp tác với cảnh sát trừ khi viên cảnh sát đó đã bị tên trộm mua chuộc và trở nên hủ bại.
Lý do khiến Trung cộng lựa chọn đối đầu với Hoa Kỳ về mặt chính trị
Mặc dù Trung cộng đã ký Hiệp ước về Quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, nhưng Trung cộng tuyệt đối không muốn thật lòng tuân thủ và phát triển kinh tế của mình mà không trộm cắp hoặc cướp đoạt. Giống như những tên trộm sợ cảnh sát, Trung cộng sợ Hoa Kỳ. Trung cộng lo lắng rằng Hoa Kỳ sẽ không để họ trộm cắp và rằng Hoa Kỳ cùng các quốc gia phương Tây khác sẽ nhìn thấu những điểm yếu bẩm sinh của họ.
Tấm áp phích truy nã này được dán tại Bộ Tư pháp ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 19/05/2014, cho thấy năm tin tặc Trung cộng bị buộc tội gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật thương mại. Đây là những cáo buộc hình sự đầu tiên chống lại các quan chức quân đội Trung cộng trong một vụ án gián điệp mạng quốc tế.
Ban đầu, Trung cộng che giấu ý định thực sự của mình đồng thời vờ như tốt bụng và thân thiện, nhưng trên thực tế, họ đang từng bước mở rộng hoạt động trộm cắp công nghệ của mình. Khi các hoạt động trộm cắp công nghệ có tổ chức có quy mô lớn bị phanh phui, nhà cầm quyền này trở nên vô cùng tức giận, nhưng họ sẽ không bao giờ sửa chữa những hành vi sai trái của mình. Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Donald Trump đã bắt quả tang Trung cộng và sử dụng các cuộc đàm phán thương mại để buộc Trung cộng dừng hoạt động trộm cắp công nghệ này. Đó là lý do thực sự khiến ông Trump bị Đảng Cộng sản ở Trung cộng căm ghét.
Trung cộng không thể cạnh tranh trung thực theo yêu cầu của Hoa Kỳ; điều đó là không thể, việc đó bằng như bảo một tên trộm quen thói bất chính hãy kiếm sống bằng cách làm một công việc lương thiện sau khi đã dành cả đời để ăn trộm. Nghị trình của Trung cộng là sử dụng tài năng của mình để buộc Hoa Kỳ nhượng bộ. Do đó, nhà cầm quyền này viện đến các thủ đoạn bất hảo để trả đũa Hoa Kỳ: đó là bức bách và là sự lựa chọn duy nhất mà Trung cộng biết khi phải đối diện với áp lực từ Hoa Kỳ. Bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh giữa Trung cộng và Hoa Kỳ và làm leo thang sự đối đầu chính trị giữa hai quốc gia là một hình thức bức bách của Trung cộng.
Do đó, khi Trung cộng bị các biện pháp đáp trả của ông Trump dồn vào chân tường và gặp bất lợi về mặt ngoại giao, nhà cầm quyền này đã châm ngòi cho chiến tranh lạnh và cố gắng buộc Hoa Kỳ phải nhượng bộ.
Phái đoàn Trung cộng do ông Dương Khiết Trì (ở giữa), giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương, và ông Vương Nghị (thứ hai bên trái), Ngoại trưởng Trung cộng, dẫn đầu, nói chuyện với những người đồng cấp Hoa Kỳ tại phiên khai mạc các cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Trung cộng tại Khách sạn Captain Cook ở Anchorage, Alaska, vào ngày 18/03/2021.
Với chính phủ ông Biden, các chiến thuật bức bách của Trung cộng một mặt thì đang tăng cường khả năng sẵn sàng ứng chiến của quân đội, mặt khác lại đang buộc Tổng thống Joe Biden phải nhượng bộ trong lĩnh vực ngoại giao.
Trung cộng cho rằng mình có thể làm bất cứ điều gì theo ý muốn ở Hoa Kỳ một khi Hoa Thịnh Đốn nhượng bộ. Sau đó nhà cầm quyền này có thể đạt được mục đích “rút ruột” và làm suy yếu Hoa Kỳ mà không bị hạn chế bởi bất kỳ quy tắc hoặc luật pháp nào nữa.
Hiểu chiến lược của Trung cộng dành cho Hoa Kỳ theo cách này, gần như hoàn toàn có thể dự đoán được rằng trò hề giữa Hoa Kỳ và Trung cộng ở Alaska sẽ được lặp lại nhiều lần. Kỳ vọng về sự hòa giải và nâng cao mối bang giao Mỹ-Trung, và niềm hy vọng rằng Trung cộng sẽ tuân thủ hợp lý các quy tắc quốc tế, xem ra là bất thành.
Trình Hiểu Nông - Minh Ngọc
Nhận xét
Đăng nhận xét