“Đạo”… Cộng Sản
Phan Thiết Nguyễn Kim Khánh
Chủ nghĩa cộng sản có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh. Nếu chú ý tới tổ chức, thì chủ nghĩa cộng sản được xem như là một đảng chính trị. Nếu chú ý tới tham vọng muốn thay thế ý thức hệ đem chủ nghĩa cộng sản chụp lên toàn thể sinh hoạt của xã hội, thì chủ nghĩa cộng sản phải được xem là một “đạo”, một lối sống như định nghĩa về các đạo giáo khác. Ở đây, tôi chế ra từ ngữ “đạo cộng sản” để chỉ tình trạng đó.
Ông tổ của Quốc tế cộng sản là Karl Marx (1818-1883) Friedrich Engels (1820-1895). Người có công đem chủ nghĩa cộng sản áp dụng vào hiện thực đời sống quốc gia, xã hội là Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) tại nước Nga năm 1917.
Hạt giống cộng sản đã vào Việt Nam từ thập niên 1930. Tháng 6 năm 1929 Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, tháng 10 năm 1929 An Nam Cộng sản Đảng ra đời. Tháng 1 năm 1930 Tân Việt Cách Mạng Đảng đổi thành Đông Dương cộng Sản Liên Đoàn. Hai tổ chức Cộng sản đầu được Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh đại diện Quốc tế Cộng sản từ Mạc Tư Khoa về triệu tập họp tại Hương Cảng, để thành lập đảng Cộng sản Đông Dương duy nhất vào ngày 3.2.1930. Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không cử người đến họp.
Tóm tắt sơ lược:
Ta thử xem “đạo cộng sản” có điểm nào phù hợp với tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Trước nhất, thuyết Mác-xít lấy chủ nghĩa duy vật làm nền tảng. Karl Marx đã đảo ngược biện chứng pháp của Hégel. Hégel là một triết gia duy tâm ở Đức chủ trương cái tinh thần có trước và quyết định sự tồn tại của vật chất. Marx thì ngược lại, chủ trương vật chất có trước quyết định sự tồn tại của tinh thần.
Marx áp dụng ngay vào lịch sử để chứng minh rằng: dòng lịch sử của loài người chỉ là sự biến đổi của vật chất, tạo ra thuyết duy vật sử quan.
“Lịch sử tư tưởng chứng minh gì, nếu không phải chứng minh rằng sản xuất tinh thần cũng biến đổi theo sự sản xuất vật chất ? Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng chỉ là những tư tưởng của giai cấp thống trị (13).”
Vật chất tức đời sống kinh tế của con người quyết định tất cả:
“Sự phát triển về mặt chính trị, pháp luật, triết học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật v.v… dựa vào sự phát triển kính tế (14)”.
Do đó, cái “thực tại” Thần Linh, quan niệm về Thượng Đế về hồn thiêng của con người trong các đạo giáo cũng chỉ là phản ảnh của thực tại xã hội, chẳng làm gì có Thần Linh, có linh hồn. Engels viết:
“Bất cứ tôn giáo nào cũng đều chỉ là phản ảnh hư ảo vào trong đầu óc của người ta, những sức mạnh ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ảnh mà trong đó những sức mạnh ở thế gian đã mang hình thức sức mạnh siêu thế gian (15”).
Marx viết:
“Sự khổ ải tôn giáo vừa là biểu hiệu của sự khổ ải hiện thực, lại là sự phản kháng lại sự khổ ải hiện thực đó. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, vừa là hạnh phúc hư ảo của nhân dân (16)”.
Quyết liệt hơn, Marx và Engel viết chung cho rằng: Thần Linh trong các tôn giáo chỉ là khí cụ áp bức của giai cấp thống trị đối với giai cấp bị trị:
“Tôn giáo càng ngày càng trở thành vật sở hữu độc quyền của các giai cấp thống trị nhằm mục đích giữ các giai cấp bị trị dưới ách áp bức (17)”.
Nhận xét:
“Đạo” cộng sản phủ nhận hay chối bỏ thần Linh Tối cao là Thượng Đế và cả linh hồn bất tử của con người.
“Tín ngưỡng” cộng sản đặt trên nền tảng duy vật sử quan có cái vẻ khoa học, hấp dẫn những bộ óc ưa lý luận, tin vào khoa học. Tuy nhiên, Marx vấp phải điều này là khi quả quyết vật chất có trước tinh thần thì sự quả quyết này cũng giống như một tín điều trong tôn giáo, chưa ai chứng minh được là vật chất có trước tinh thần.
Về phương diện tín ngưỡng dân tộc, “đạo” cộng sản hoàn toàn vong bản và phi nhân, không có điểm nào có thể chấp nhận được với tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Đối chiếu tín ngưỡng dân tộc Việt với tín ngưỡng ngoại nhập
Biểu nhất lãm sau đây sẽ cho thấy sự khác biệt:
1- Đạo Việt: Có Thần Linh tối cao: Có Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa, Ngọc Hoàng v.v… biết được do cảm tính.
Linh hồn con người: Có linh hồn hằng sống, biết được do cảm tính.
2- Đạo Nho: Thần Linh tối cao: Có Thần Lý Thái Cực, biết được do lý tính.
Linh hồn con người: Có linh hồn hằng sống, biết được do lý tính.
3- Đạo Phật: Thần Linh tối cao: Triệt để không có Tạo hóa.
Linh hồn con người: Không có linh hồn hằng sống, chỉ có tâm thức, tức Alaya thức máy móc, cơ học tự động.
4- Đạo Thiên Chúa: Có Chúa Trời, Thiên Chúa, biết được do Mặc Khải.
Linh hồn con người: Có linh hồn hằng sống, biết được do Mặc Khải.
5- “Đạo” cộng sản: Triệt để không có Thượng Đế, không có Tạo Hóa.
Linh hồn con người: Triệt để không có linh hồn.
Thần Linh tối cao:
Đạo Việt, đạo Nho, đạo Thiên Chúa có cùng mẫu số chung là nhìn nhận có một Đấng Tạo Hóa, Thượng Đế, và tôn thờ Đấng Tạo Hóa ấy.
Trong Việt đạo, Đấng Tạo Hóa có những Thánh Danh như: Ông Trời, Ngọc Hoàng, Thượng Đế… Ảnh tượng của Đấng Tạo Hóa trong trí người Việt còn thô sơ. Tri thức về Đấng Tạo Hóa do cảm tính, còn lẫn lộn với tâm lý của con người.
Trong đạo Nho, Đấng Tạo Hóa trở nên minh triết vì do lý tính mà biết được Ngài. Thánh Danh của Ngài là Thần hay Lý Thái Cực.
Trong đạo Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa trở nên rõ ràng, có ngôi vị và những ưu phẩm minh bạch vì đạo Thiên Chúa là đạo Mặc Khải, Thiên Chúa vén màn bí mật cho con người biết, vượt trên cảm tính và lý trí tự nhiên của con người. Đấng Tạo Hóa có những Thánh Danh: Thiên Chúa, Đức Giê hô va, Đức Gia vê, Đức Chúa Trời, Thiên Chúa Ba Ngôi…
Đạo Phật và “đạo” cộng sản không có Đấng Tạo Hóa, triệt để phủ nhận và chối bỏ Thần Linh Tối Cao.
Linh hồn người ta
Đạo Việt, đạo Nho, đạo Thiên Chúa cùng có mẫu số chung: tin vào linh hồn hằng sống, trường tồn và bất diệt.
Cũng như lòng tin vào Thần Linh Tối Cao, lòng tin vào linh hồn trong đạo Việt còn thô sơ do cảm tính; trong đạo Nho thì minh triết lý tính; trong đạo Thiên Chúa thì rõ ràng và dứt khoát vì do Mặc Khải.
Đạo Phật và “đạo” cộng sản phủ nhận hay chối bỏ linh hồn hằng sống. Đạo Phật khác với cộng sản ở chỗ: đạo Phật dậy rằng, mỗi người đều có tâm thức (alaya thức) máy móc tự ký nhận mọi sự trong vô hạn kiếp để chuyển hóa vô cùng tận trong vòng luân hồi, còn “đạo” cộng sản thì hoàn toàn không có gì, cái linh hồn và ngay cả cái thức trong đạo Phật cũng chỉ là ảo tưởng, chết là hết.
Kết luận
Nếu dựa vào tín ngưỡng dân tộc của người Việt mà kết luận đối với các tín ngưỡng ngoại nhập, thì tín ngưỡng nào chủ trương vô thần tuyệt đối (cộng sản) đều là phi dân tộc. Mà đã phi dân tộc thì thế nào cũng phản dân tộc như chủ nghĩa cộng sản du nhập vào Việt nam đã và đang tàn phá đất nước Việt Nam.
Phan Thiết Nguyễn Kim Khánh
Nguồn FB Chuyện Xứ Xã Nghĩa
Nhận xét
Đăng nhận xét