Team building, cùng nhau ta… phá!
Team building, cùng nhau ta… phá!
Chiều ngày 27 Tháng Bảy, một nhóm du khách cùng tham gia trò chơi tiếp nước trên bãi biển Cửa Lò, thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Vật dụng tiếp nước ở đây là áo phông, mũ, khăn, quần… Tuy nhiên, một số nữ du khách đã bất ngờ lột hẳn áo ngực, dùng nó làm đồ tiếp nước cho đội mình. Nhiều người chứng kiến sự việc và quay lại video, đăng tải lên mạng xã hội.
Một ngày sau, một trong những phụ nữ xuất hiện trong clip đã đăng hình ảnh của mình lên mạng với thương tích khá nặng trên mặt, và ghi chú rằng cô bị chồng đánh khi phát hiện có mặt trong cái clip “cởi” áo ngực tiếp nước. Cô lên án ông chồng là vũ phu. Sự việc dẫn đến cuộc tranh cãi về việc ông chồng của cô vũ phu không hay cô bị đánh là… “đáng đời”?
Trò chơi “tiếp nước” được cơ quan tổ chức nói rằng đó là sinh hoạt của team building, một hình thức vui chơi lành mạnh hoàn toàn không có mục đích “bẩn bựa” như câu chuyện không được sạch sẽ mà dư luận đang kết án. Vậy team building là gì và hình thức hoạt động của nó ra sao?
Team building hiện đang là xu hướng “hot” của sinh viên, gia đình hay những doanh nghiệp muốn gắn kết tinh thần đồng nghiệp. Đó là những hoạt động có khá nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: team building trên biển, team building trong nhà, team building ngoài trời,… Người tham gia chủ yếu là nhân viên trong bộ phận công ty, thành viên câu lạc bộ hay các tổ chức doàn thể khác.
Một trò chơi quái đản (MXH) |
Lịch sử team building (xây dựng nhóm) khởi nguồn từ việc thực hành tinh thần đồng đội và phát triển nhóm. Câu chuyện này bắt đầu đầu những năm 1900, khi các chuyên gia thế giới tin rằng mối liên hệ giữa con người có thể phát triển tốt hơn và giúp tăng năng suất làm việc. Kết quả cho thấy sự phát triển nhân lực và gắn kết tinh thần tập thể trong công ty có tốt hơn. Vài năm gần đây, team building bắt đầu được nhiều doanh nghiệp Việt Nam áp dụng.
Các công ty chuyên tổ chức team buiding quảng cáo rằng “giúp mọi người bộc lộ những thế mạnh của bản thân, rèn luyện được tính cẩn thận, kiên nhẫn. Luôn rèn luyện cho bạn mọi yếu tố tốt nhất tăng khả năng kết nối khi làm việc nhóm với nhau. Đây cũng là một hoạt động vui chơi truyền thống nội bộ giúp cải thiện hiệu suất công việc cao. Luôn xây dựng văn hóa doanh nghiệp tốt hơn”.
Tuy nhiên, có quá nhiều sinh hoạt team buiding được tổ chức vô cùng quái đản và phản cảm. Hãy bắt đầu bằng trò chơi “Đấm-Bóp-Xoa” được quảng cáo trên các website team buiding khiến người tự trọng khó ngồi coi đến hết vì kịch bản gợi dục lộ liễu và thô thiển đến kinh ngạc.
“Đấm-Bóp-Xoa” có số lượng người tham gia không giới hạn. Cách thức chơi: MC hoặc người quản trò tập hợp team thành hàng dọc hoặc hình tròn, một nam một nữ xen kẻ nhau. Khi nền nhạc nổi lên, MC ra hiệu “đấm lưng” thì người đằng sau sẽ đấm lưng người phía trước. Đối với hiệu lệnh “xoa lưng, bóp vai, ôm eo…” cũng vậy. Sau đó, mọi người sẽ quay lại và làm ngược lại cho người kia. Đơn vị tổ chức cho biết đây là trò chơi “khởi động nhẹ”, “vận động các cơ” và “tạo tiếng cười sảng khoái”, và bày tỏ sự tự nhiên với các thành viên khác trong công ty.
Trò chơi… “dập nến” (MXH) |
Thế nhưng họ làm gì? Nam nữ xoa nắn nhau một cách tự nhiên. Các cử chỉ dâm ô thô tục được các cậu thực hiện một cách khoái trá. Nữ thì híp mắt cười đồng tình rồi “trả lễ” lại cũng với cử chỉ thô tục “nóng bỏng” tương tự… Đó là nam nữ thanh niên trong một công ty, còn trong các dịp lễ hội của các cơ quan, trường học thì sao? Xin thưa không hề thua kém! Một clip xuất hiện trên mạng vài tháng trước cho thấy trò chơi “Đập bóng bằng bụng” còn khiếp hơn trò “Đấm-Bóp-Xoa”, do chính thầy cô tổ chức!
“Đập bóng bằng bụng” được “team buiding” như thế này. Trái bóng được thổi hơi vào và các thầy cô cùng tham gia trò chơi, với mỗi đội hai người, cặp nào làm quả bóng nổ trước là thắng cuộc. Cô giáo cầm ngược quả bóng đặt sau mông mình, còn ông thầy đứng phía sau “bấu” chặt cô giáo. Khi có tiếng còi nổi lên, lập tức ông thầy “lia lịa” làm động tác cho quả bóng bị nổ, làm động tác gì thì, xin lỗi, dù có bạo mồm bạo miệng cách mấy thì Lâm công tử tôi cũng không dám ghi ra, chỉ xin gợi ý đó là động tác đàn ông.
Rồi trò chơi “Hút sữa”. Trò “team buiding” này thường được các hội đoàn, đặc biệt Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức. Mỗi cặp là một nam một nữ. Người nữ mang trước ngực hai sợi ruy băng có cột hai bình sữa với núm. Người nam bị bịt mắt và quỳ gối, cố làm sao đưa miệng mớm cho được cái núm vú đang treo lủng lẳng trước ngực người nữ. Ai bú hết bình sữa trước sẽ thắng cuộc. Vị trí nhạy cảm là mục đích gây cười và hưng phấn cho người tham gia. Họ “xây dựng” được gì từ trò “team buiding” này?
Còn nhiều nữa, nào là “Con đường xà phòng”, “Đeo nến dập lửa” đến “Bóng bay tình yêu”… Tất cả đều cùng được dựng với format tục tĩu, không còn “cả nể” gì đến chuẩn mực quy tắc xã hội, không còn chút gì liên quan đến thuần phong mỹ tục. Ấy thế nhưng team buiding được cổ xúy, được khuyến khích, được chính các cơ quan đoàn-đảng ủng hộ, được báo chí quảng bá và giới thiệu như những hoạt động lành mạnh. Nó khác xa với hoạt động hướng đạo mà Lâm công tử tôi từng tham gia thời trước 1975.
Càng chứng kiến cảnh xã hội nhố nhăng, người ta càng nhớ đến ký ức xưa với những hoạt động lành mạnh của hướng đạo sinh (file photo) |
Nó khác xa với những sinh hoạt bổ ích tinh thần và kiến tạo nên giá trị văn hóa. Xã hội mỗi lúc một lụn bại, ngày càng đổ đốn, ngay trong lúc người ta vui vẻ gào lên “team buiding” một cách vô ý thức. “Buiding” đâu chẳng thấy, chỉ thấy phá là tài. “Team buiding”, suy cho cùng, cũng như xây dựng… Đảng – cả hai giống nhau ở một điểm: “Kiến tạo” nên một xã hội không “chân”, không móng, không nền.
Nhận xét
Đăng nhận xét