Vấn đề nhân tánh trong ‘vụ án Thiền Am’

Vấn đề nhân tánh trong ‘vụ án Thiền Am’

Trần Ngọc Thảo và Tịnh Thất Bồng Lai - Họa sĩ BaBui

Nguyễn Văn Tuấn

Bản báo cáo của các luật sư về vụ án nêu lên những tội ác của những con người cụ thể đối với Thiền Am. Có một câu nói của một viên công an ‘lũ bay sống bầy đàn’, ‘đồ hỗn tạp’ rất ghê tởmCâu hỏi làm ám ảnh tôi là tại sao họ ác độc như thế? Câu trả lời đơn giản nhứt là họ mất tánh người.

Như chúng ta biết, nhóm luật sư đại diện Thiền Am đã có một bản báo cáo khẩn cấp [về những khuất tất liên quan đến vụ án] gởi cho những người lãnh đạo trong Quốc hội, Nhà nước, Bộ công an, đảng CSVN, Mặt trận Tổ quốc, v.v. Bản báo cáo 11 trang của nhóm luật sư cho biết rằng trong suốt 3 năm qua (tính từ 2019), những người trong Thiền Am đã là nạn nhân của không biết bao nhiêu là chèn ép, vu khống, thoá mạ, làm nhục. Họ còn bị bức hại trong một thời gian dài, và trong thời gian đó, họ chịu vô vàn khó khăn về vật chất và tổn thương tinh thần. Cường độ của sự vu khống, hạ nhục và bức hại được các luật sư mô tả là “kinh hồn“.

Từ sự việc Thiền Am (hãy tạm gọi như vậy), nhìn lại xã hội Việt Nam ngày nay chúng ta thấy rất nhiều vấn đề. Những vấn đề nội cộm là đồng tiền làm tha hoá con người, là sự ra đời của những con người mà có nhà báo gọi là ‘kền kền’, và những khuyết tật tâm thần của người người mang danh bảo vệ luật pháp. Đọc bản báo cáo còn gợi lại những câu chuyện đấu tố kinh hoàng trong biến cố Cải Cách Ruộng Đất xảy ra ở miền Bắc 70 năm trước đây.

Côn đồ mạng

Có thể nói không ngoa rằng vụ án Thiền Am là một ‘phiên toà mạng xã hội.’ Tôi muốn nói rằng trước khi công an điều tra và ra cáo buộc, trước cả Viện kiểm sát Long An khởi tố vụ án, thì mạng xã hội và báo chí Nhà nước đã kết án những người trong Thiền Am. Điều đáng nói là họ kết án một cách vô cớ trong một xã hội được xem là có luật pháp!

Trong ‘phiên toà mạng xã hội’ đó, đóng vai quan toà là hàng ngàn người sử dụng Youtube và Facebook. Những người này ngày đêm phát tán những thông tin do họ tưởng tượng hay bịa đặt ra, rồi từ đó tha hồ đưa ra những kết tội mà họ muốn những người trong Thiền Am phải phạm tội. Họ tưởng tượng ra những vụ án rùng rợn (như xay thịt người cho cá ăn) để kích động trí tò mò của người xem. Họ tung ra những cái gọi là ‘giám định DNA’ để kết án tội LL của những người trong Thiền Am, nhưng hoá ra đây là tài liệu hoàn toàn giả tạo. Cho đến bây giờ, vẫn chưa biết ai và xuất phát từ động cơ nào mà có bản ‘giám định DNA’ này. Dù là động cơ nào thì hành động của họ có thể xem là một sự ám hại hay ám sát người lương thiện.

Điều trớ trêu là những ‘quan toà’ này làm rất nhiều tiền từ những thông tin bịa đặt như thế. Lợi dụng sơ hở của các nền tảng truyền thông xã hội như Youtube và Facebook, và khai thác triệt để trí tò mò của nhiều người Việt lười suy nghĩ, những ‘quan toà’ này đã có thu nhập khá tốt từ Youtube và Facebook. Có những người khoe rằng họ làm giàu nhờ nói xấu Thiền Am! Có thể nói không ngoa rằng những kẻ dã tâm này đã làm tiền trên máu và nước mắt của Thiền Am. Và, điều quái đản nhứt là họ tự hào bằng cách kiếm tiền như thế!

Niềm tự hào của họ là nỗi đau của người khác. Niềm tự hào của họ cũng nói lên rằng họ không có khả năng cảm nhận nỗi đau của nạn nhân. Giống như những kẻ sát nhân bị đột biến về thần kinh, những kẻ tự hào làm tiền trên máu và nước mắt của người khác là những thứ phẩm của một xã hội bị đột biến về đạo đức xã hội.

Một nhà báo gọi những kẻ ‘quan toà’ này là “kền kền”, vì chúng sống nhờ rỉa xác Thiền Am.

Nhưng tôi nghĩ trên phương diện luật pháp, họ là những “Du côn mạng” (Cyberbully). Du côn mạng là những người sử dụng công nghệ thông tin để cố ý gây tổn hại hay quấy nhiễu người khác một cách liên tục. “Công nghệ thông tin” ở đây bao gồm các nền tảng mạng xã hội (như youtube, facebook, tit tok, v.v.), điện thoại di động, tin nhắn qua messenger. Hành vi du côn mạng bao gồm việc phát tán những tin đồn, những hình ảnh, những video clip, những bài viết, những câu chuyện ‘ngồi lê đôi mách’ nhằm nói xấu người khác trên mạng, làm cho người đọc hay người nghe ghét người đó. Hành vi của các Youtuber kền kền chính là hành vi của du côn mạng.

Những thông tin bịa đặt của các du côn mạng đó, ngạc nhiên thay, còn được giới truyền thông của Nhà nước lượm được và tiếp tục phát tán. Hàng trăm tờ báo và đài phát thanh và đài truyền hình lặp lại những gì những kẻ ác ôn trong truyền thông xã hội nguỵ tạo ra, rồi cũng tha hồ kết án. Bởi vì mang danh là “truyền thông chánh thống”, nên những thông tin từ các báo và đài của Nhà nước được cộng đồng mặc nhiên xem là sự thật.

Rồi như một cái vòng tròn khép kín, tin giả thành tin ‘chánh thống’; tin chánh thống được khai thác để tạo ra tin giả; từ tin giả lại thành chánh thống; và từ chánh thống tiếp tục cho ra tin giả. Cứ như thế, các du côn mạng hết năm này sang năm khác tha hồ tung ra những thông tin nhằm bức hại Thiền Am, và họ làm tiền trên sự ám hại đó. Có thể nói không ngoa rằng những du côn mạng này cũng là những kẻ sát nhân vậy.

Gợi nhớ Cải Cách Ruộng Đất

Hành vi sát nhân của họ làm tôi liên tưởng đến sự kiện “Cải Cách Ruộng Đất” xảy ra ở miền Bắc vào năm 1953-1956. Trong thời CCRĐ, được mô tả là kinh thiêng động địa, một nhóm người dân bình thường được huấn luyện (tẩy não) thành những đội viên được trang bị bằng ngọn lửa căm thù giai cấp ngút trời. Khi sự căm thù đã lên cao, nhà cầm quyền cho những đoàn thiếu niên, thanh niên đi khắp làng xã đánh trống, hô đả đảo địa chủ. “Địa chủ” thường chỉ là những người nông dân có chút đất đai và những người hảo tâm trong cộng đồng. Nhưng trong bầu không khí căm thù ngút ngàn thì họ bị những người mà họ cưu mang đứng ra tố cáo những tội danh không thể tưởng tượng nổi.

Đọc lại những mô tả thời đó chỉ có thể nói là kinh hồn. Chẳng hạn như trong buổi đấu tố, khi một người được xướng danh, người đó đứng lên tố cáo những ân nhân hay chủ nhân của mình trước kia đủ thứ tội danh đã được định sẵn.

Điều thảm hại nhứt là người trong gia đình tố cáo nhau (con tố cáo cha, cha tố cáo con), cả một hệ thống luân lý bị đảo lộn. Trong một buổi đấu tố, một người con hỏi cha mình như sau: “Ông có biết tôi là ai không?”. Người cha run sợ nhìn đứa con gái không còn là con của mình nữa mà là con của đảng, và nói: “Thưa bà, con là người đẻ ra bà ạ“.

Lời thưa của người cha trước người con đó thể hiện một sự suy sụp luân thường đạo lý. Chỉ có những người bị thế lực hắc ám nào đó ám thị nên mới hỏi cha đẻ của mình như vậy. Thế nhưng điều đó đã xảy ra trong thực tế.

Những đấu tố tương tự cũng đã và đang xảy ra với Thiền Am ngày nay.

Thay vì có những đoàn người diễu hành qua các làng xã hô đả đảo địa chủ, thì ngày nay có hàng ngàn, hàng vạn Youtuber và Facebooker tung ra những thông tin bịa đặt nhằm hạ nhục, đánh gục, và cô lập Thiền Am.

Trong vụ án Thiền Am, có một trường hợp có thể nói làm nhói tim của nhiều người và gợi nhớ thời CCRĐ: đó là một người con nuôi tố cáo ân nhân mình là LL. Người này được ông Lê Tùng Vân xin về nuôi từ lúc còn rất nhỏ, cho đi học đàng hoàng, nhưng người này quay sang phản bội. Sự phản bội của anh ta chỉ vì tiền. Anh ta lên mạng hồn nhiên nói rằng anh ta nhận tiền [từ một người Việt ở Mĩ] chỉ để bôi nhọ Thiền Am, và anh ta chỉ có một nhiệm vụ đó thôi. Nhóm luật sư nhận xét rằng anh ta là “một đứa con phản bội ân nhân, liên tục và ráo riết quấy rối nhân cách, trắng trợn vu cáo Thiền Am loạn luân.

Những lời nói của anh ta thường hết sức tục tằn, hết sức xằng bậy và cực kì vô lý. Ấy vậy mà báo chí ‘chánh thống’ có vẻ tin vào anh ta và giúp anh anh ta phát tán những bịa đặt ác độc về Thiền Am!

Tại sao trong xã hội có những con người quái đản như thế? Tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi đó dưới đây: họ mất tánh người.

“Lũ sống bầy đàn” và “đồ hỗn tạp”

Thiền Am không chỉ là nạn nhân của những du côn mạng, mà còn là nạn nhân bức hại của công an. Điều trớ trêu là: công an Đức Hoà cho rằng họ là ‘bị hại’ trong vụ án, nhưng chính họ cũng là người điều tra Thiền Am! Không biết có nơi nào mà một sự việc trớ trêu như xảy ra ở huyện Đức Hoà.

Những người trong Thiền Am bị công an phong toả nhiều tháng trời, bị tịch thu xe cộ, điện thoại, tiền bạc. Họ thậm chí không được luyện tập thể dục! Từ trẻ em, phụ nữ đến người lớn trong Thiền Am đều phải sống trong lo sợ, không biết mình mắc tội gì và không biết mình sẽ bị bắt ngày nào. Cả một bầu không khí khủng bố bao trùm những người trong Thiền Am cả mấy tháng trời, và có lẽ không ngoa khi nói rằng đời sống của họ chẳng khác gì địa ngục.

Bản báo cáo của luật sư còn làm nổi bật sự chuyên quyền, nếu không muốn nói là lộng hành, của công an địa phương. Chẳng hạn như viên công an cưỡng ép một phụ nữ trong Thiền Am đi khám phụ khoa một cách vô cớ, và khi người phụ nữ đó làm đơn tố cáo, thì công an huyện Đức Hoà lại giao cho viên công an đó ‘làm việc’ với người phụ nữ đó! Nói ‘làm việc’ là còn văn minh, vì trong thực tế, viên công an đó đe doạ, khủng bố tinh thần người phụ nữ đã tố cáo y. Khinh thường người dân đến thế là cùng.

Hàng chục khiếu nại của luật sư về những sai phạm của công an Đức Hoà trong thủ tục tố tụng và điều tra nhưng đều rơi vào không khí! Ngược lại, họ (công an Đức Hoà) trả đũa bằng cách gây khó khăn cho luật sư tiếp xúc thân chủ của mình mình. Khinh thường luật sư như thế có lẽ chỉ xảy ra ở huyện Đức Hoà?

Bản báo cáo có một đoạn tường thuật về sự lộng hành của một viên công an tên là Mai Hữu Trí. Tôi chú ý đoạn mô tả công an Trí như là một kẻ “ép cung, dụ cung, lấy cung suốt ngày và đêm; thái độ hằn học, đập bàn, xúc phạm bị can như chửi thề ‘ĐM’, quát ‘lũ bay sống bầy đàn’, ‘đồ hỗn tạp’.

Mất tánh người

Cái câu thoá mạ của công an Trí đối với người của Thiền Am (“lũ bay sống bầy đàn”, và “đồ hỗn tạp”) làm tôi chú ýCâu nói này của viên công an không phải ngẫu nhiên, mà rất có thể phản ảnh một cái nhìn thù hận với 2 thanh niên trong Thiền Am.

Dường như trong con mắt hay trong bộ não của công an Trí, 2 thanh niên đó không phải là con người, hay thấp hơn con người? Dám lắm. Bởi nếu không suy nghĩ như thế thì làm sao có thể gọi người ta là “bầy đàn” và “đồ hỗn tạp”. Mà, quát trước mặt nạn nhân! Tức là viên công an này xem 2 người thanh niên đó thấp hơn con người.  

Thái độ và câu nói của công an Trí (cũng như nhiều du côn mạng đã và đang ngày đêm vu khống và làm nhục Thiền Am) cho thấy họ rất khác chúng ta.

Họ khác chúng ta là vì họ không có khả năng liên tưởng với thực tế. Cái khuyết tật là họ không có khả năng nhìn sự vật bằng cái nhìn của người khác. Họ không có khả năng cảm nhận nỗi đau của người khác, và chính vì yếu tố này đã biến họ thành những người rất khác biệt.

Nhưng tại sao họ không có khả năng suy nghĩ về nỗi khổ của người khác? Về mặt sinh học, rất có thể họ thiếu những tế bào cảm nhận sự đau khổ. Tuy nhiên, thực tế hơn, tôi nghĩ đến 3 lý do sau đây:

Lý do thứ nhứt: Lợi ích cá nhân

Những công an viên hay nhà báo thuộc Nhà nước thì chỉ nghĩ đến cái lý tưởng mà họ đang phục vụ cho một tổ chức nào đó. Và, rất có thể tổ chức đó không muốn một nhóm tu tại gia và nuôi trẻ mồ côi như Thiền Am hiện diện trên cõi đời này. Có lẽ đối với họ, sự hiện diện của Thiền Am là một sự cạnh tranh về ảnh hưởng đến đạo đức xã hội mà họ muốn độc quyền?

Những du côn mạng làm nhục Thiền Am thì chỉ nghĩ đến lợi ích làm tiền từ youtube hay facebook. Đối với facebook, cuộc sống của con người là một cơ sở dữ liệu để họ khai thác kiếm tiền, không hơn không kém. Mỗi dữ liệu có trọng số như nhau, bất kể dữ liệu đó là nguỵ tạo hay sự thật. Không có chiều kích nhân loại trong hệ thống của facebook và youtube. Đó là một hệ thống phi nhân tánh.

 do thứ hai: Mù quáng

Người thì mù quáng làm tiền, kẻ thì mù quáng tuân theo những chuẩn mực đạo đức đã bị bóp méo theo cái nhìn của tổ chức mà họ đang phục vụ. Và, hàng triệu người có thể bị triệt tiêu vì cái sự mù quáng đó. Chính sự mù quáng tuân theo theo các tập quán mang tính đảng phái hoá làm theo những thủ tục được tổ chức hoá đã làm cho họ mất khả năng suy nghĩ về nỗi đau của người khác.

Bàn đến chuyện mù quáng làm tôi liên tưởng đến Adolf Eichmann, một quan chức trong Đức Quốc Xã từng tham gia hạ sát hàng vạn người Do Thái. Trong phiên toà Nuremberg, khi được hỏi tại sao những kẻ phạm tội ác làm cái việc tày trời đó, họ thường nói rằng phải tuân thủ lệnh cấp trên. Những kẻ mù quáng hãm hại Thiền Am có lẽ sẽ biện minh rằng họ chỉ làm theo lệnh của ai đó. Nói cách khác, họ đánh mất cái nhân tánh của chính họ.

 do thứ ba: Bao bọc bởi ác ngữ

Chú ý những kẻ hãm hại Thiền Am họ hay thêu dệt câu chuyện, đâm thọc, và chửa rủa, hay nói chung là những từ ngữ hết sức ác độc. Cái câu của công an Trí (“Lũ sống bầy đàn” và “đồ hỗn tạp”) chính là một ác ngữ. Ngoài ác ngữ, họ còn sống trong cái không gian được bao bộc bởi những sáo ngữ, những khẩu hiệu trừu tượng, những hành vi vô cảm. Ác ngữ, mĩ từ, sáo ngữ đã làm cho họ không biết được cuộc sống của người ngoài không gian của họ, và do đó, họ không có khả năng thụ cảm cuộc sống lương thiện của người khác.

Cả 3 lý do có thể qui về một mệnh đề: mất nhân tánh. “Mất” chứ không phải “thiếu” nhân tánh. Vì đánh mất nhân tánh, nên họ không có khả năng thụ cảm nỗi đau của người khác, và không có khả năng nghĩ như người khác.

Nhìn tổng quan, vụ án Thiền Am chỉ là một biểu hiện của một xã hội bị đột biến về đạo đức, mà trong đó có những con người điên cuồng nhục mạ người khác để kiếm tiền từ các nền tảng mạng xã hội thiếu nhân tánh. Vụ án Thiền Am còn cho thấy những người lương thiện rất dễ trở thành ‘tội phạm’ trong con mắt của những người có vai trò bảo vệ luật pháp nhưng lại là những con người bị khuyết tật tâm thần, không có khả năng thấu cảm nỗi đau của người khác. Chính vì sự mất liên hệ với thực tế nhân loại, nên những người bị khuyết tật tâm thần này là cội nguồn của nhiều oan khiên.

Nguyễn Văn Tuấn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025