Cách Mạng Mùa Thu Bắt Đầu Từ Bao Giờ?
Cách Mạng Mùa Thu Bắt Đầu Từ Bao Giờ?
Lịch sử hôm nay được dạy trong nhà trường không hề đề cập tới những khoảng khắc ngắn ngủi nhưng rất quyết định đến số phận của lớp thanh niên chúng tớ. Chính trong giai đoạn này mà hàng vạn, hàng triệu con người bị “cuốn theo chiều gió”! vì những năm đó bọn tớ đều ngu ngơ, ngây thơ, dại dột nên số phận mỉm cười hay ... xé xác bất kể anh nào, khi đón nhận ngày mùng 9/3/1945… mỗi người mỗi cách. Chỉ sau vài phát súng nổ đì đẹt, quân đội Nhật chiếm đóng Việt Nam đã bắt sạch mọi ông tây bà đầm, trói giật cánh khuỷu, tống vào các trại giam. Thật là sướng chưa từng thấy! Bao nhiêu năm ông cha ta đứng lên làm cách mạng đã phải theo nhau lên đoạn đầu đài, đi tù côn đảo. Vậy mà hôm nay, người Nhật ,chỉ trong một đêm, đã giúp chúng ta vứt bỏ được cái ách nô lệ trăm năm này. Quên hết những ảnh lính Nhật lê những thanh kiếm dài quẹt đất, chém người Việt một nhát thành hai mảnh từ đỉnh đầu xuống hậu môn,và đặc biệt quên cái cảnh người Nhật bắt nông dân bỏ lúa trồng đay, dùng lúa gạo Miền Nam để… đốt, thay thế năng lượng chạy đầu tầu xe lửa!!
… Cũng chính cái thời gian nay, ở các thành phố, người Nhật lúc đó dần dần chiếm được cảm tình lớp Thanh Niên cánh tớ với những chính sách Đại Đông Á, ”người da vàng là cùng nòi giống, đất Á Châu là của người da vàng. Kèm theo là văn hóa Nhật, các lớp học Tiếng Nhật, phim ảnh bài hát Nhật…ùa vào!” ... Không ít người hoang mang nghi ngại. Đặc biệt trong giới thanh niên có tí chút học thức thì cho “Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa… Một số bi quan thì cho là cái chính sách Đại Đông Á này còn nguy hiểm và mị dân hơn cả chính sách “bảo hộ” (protectorat) của thực dân Pháp… Phải nói là chính sách bịt mọi thông tin theo kiểu phát-xít nó trắng trợn và tàn bạo hơn tất cả mọi thời đại… Chỉ một cái lệnh được truyền trên phát thanh của Tư Lệnh Tô,tô,Ma,Ma nào đó ban ra như: “Lệnh cho tất cả những ai có radio từ ngày… phải mang đến … để cắt mọi sóng ngắn!…. Ai không chấp hành sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”. Thế là … chỉ trong một vài ngày,chẳng một ai dám không chấp hành vì luôn bị ám ảnh cái xác bị chẻ giọc làm đôi chẳng cần tòa án tòa ếch gì!!Những chiếc radio đèn điện tử to đùng đã được các chủ nhân ít ỏi khệ nệ đưa đến các địa điểm quy định để được bịt miệng! Tất cả mọi tin tức chỉ còn được nghe qua tiếng nóí của Quân Đội Nhât Hoàng chiếm đóng. Tất cả những ai thèm nghe những tin tức “lề bên trái” coi như bị bịt tai, cốt để không ai biết chủ nghĩa phát xít đã đến hồi kết thúc! … Cho đến một ngày…
CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM RA ĐỜI…
Cái chính phủ này nó “bù nhìn” đến mức nào? Tại sao nó tồn tại được 126 ngày (từ 17/4/1945 đến 23/8/1945)? Nó đã làm được những trò trống gì? Nó tự rút lui hay bị xụp đổ? Tớ chẳng dám lạm bàn vì tớ không phải là các nhà sử gia, không có đầy đủ tài liệu, không có… những tâm và tầm của nhà viết sử đích thực!... Tớ chỉ kể lại những gì tớ đã sống trong 126 ngày ngắn ngủi, sống trong cái "chế độ độc lập giả hiệu” này thôi! Những gì mà một lão già 83 tuổi như tớ còn nhớ được về cái lớp thanh niên tội nghiệp cánh tớ, về cái lớp người “quáng gà thời cuộc” và ngu ngơ, ngây thơ, ngơ ngác... cánh tớ đã … ”may nhờ rủi chịu ”khi "hăng máu vịt" lên muốn giải phóng quê hương !
1) Tớ thật sự tin vào những gì mà chính phủ Pháp, kể cả chính phủ Nhật đã nắm chắc là chiến tranh đã đến hồi kết thúc (lúc này khái niệm về “đồng minh” của tớ chưa có) đang mong muốn có một chính phủ Việt Nam dân tộc và độc lập thật sự để rút lui trong danh dự… Trao chính quyền vào tay ai là một cuộc "mặc cả trên đầu" người Việt Nam, của các trùm chính trị…nước ngoài! (Sau này hiệp nghị Genève, Hiệp định Paris cũng rứa thôi!) Và, lựa chọn ai ,để thành lập một chính phủ để thay thế chính phủ bảo hộ thì được người Pháp giao quyền cho vua Bảo Đại…! Tốt xấu chúng tôi không chịu trách nhiệm! (mãi sau này, tớ mới biết là họ sợ nhất là chính quyền sẽ rơi vào tay những người cộng sản!) Ông Bảo Đại cùng ông Trần Trọng Kim đã bàn lên, bàn xuống, đi đi, về về Paris-Huế , Huế Hà Nội, Hà Nội Sai Gòn … Và chính phủ Trần Trọng Kim đã ra đời, chấm dứt được 38 ngày vô chính phủ mà mọi quyền lực đều nằm trong tay của bọn quân phiệt phát xít nước ngoài! Thành thật mà nói thì: Cái chính phủ này dù gì đi nữa, tớ thấy cũng đã “hy sinh liều mình cứu nước”, chứ đâu phải là kiếm chác gì ở mấy cái chức danh trong cái “nội các nằm trên đống lửa” này! Nhất là khi danh sách toàn bộ nội các thì toàn là những danh nhân không những nổi tiếng trong nước mà còn cả trên thế giới nữa. Ai chứ cái tên Trần Trọng Kim, nhà văn hóa, sử học thành thạo nhiều ngoại ngữ (đến nay theo tớ được biết,chỉ riêng 3 năm nay đã có tới 6 nhà xuất bản của nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tranh nhau xuất bản và tái bản tác phẩm của ông). Hay là những cái tên như Hoàng Xuân Hãn (bộ trưởng bộ Giáo Dục) Phan Anh (Bộ trưởng bộ thanh niên), khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Trần Văn Chương (phó thủ tướng), Trịnh Đình Thảo (bộ trưởng bộ Tư Pháp)...v v.. cũng đủ làm cho lớp thanh niên chúng tớ phải xoa tay, gật đầu: “Xa va”! Xa va!” (“được đấy!”)
, bọn tớ "đi vào cách mạng" với những câu ca hào hùng, lấy từ bài “Hành khúc sinh viên” của Lưu Hữu Phước để tạm làm đòan ca! Chẳng có bí thư, ban chấp hành nào chỉ thị cả! Một lá cờ tổ quốc mới màu vàng ở giữa có cờ quẻ ly đỏ choét., do chính phủ TTK đưa ra để dẫn đường cho chúng tớ cứ thế mà vừa hát vừa bước theo!? Độ 10 ngày sau, tớ được gia nhập vào “Đòan thanh niên khất thực”, được chính ông Phan Anh “hiểu dụ” mới biết ý nghĩa của cái tên nước tại sao chính phủ lại lấy tên nước là “Đế quốc Việt Nam”(?) và quốc thiều là “Đăng đàn cung”. Thì ra chính phủ này vẫn có ...Vua cho nên gọi là đế quốc? (chưa biết dùng chữ Quân Chủ Lập Hiến như bây giờ?!) Còn “Đăng đàn cung” thì là một bản nhạc không lời, đánh lên khi nhà vua đăng đàn. Còn về bài hát "Này thanh niên ơi..." thì ông nói : "Bài này, các bạn cứ hát. Coi đó như một bài đoàn ca! ”Ai ngờ đâu sau này lại trở thành Quốc ca của Miền nam Cộng Hòa!...
3) Càng phấn khởi hơn khi các trường học lại được mở cửa, các kỳ thi lại được tiến hành, chương trình học vẫn như cũ. Chỉ khác là :từ nay không còn dùng tiếng Pháp trong dạy và học nữa. Nhưng chỉ thị này đều do chính bộ trưởng giáo dục Hòang Xuân Hãn đưa ra với một bản danh từ Việt thay thế tiếng Pháp kể cả trong khoa học tự nhiên lẫn xã hội) do chính ông soạn thảo. Quay lại trường với sự tự hào đến ngây thơ của người Việt Nam đã loại bỏ được tiếng nước ngoài (!) chứ đâu có tự hào theo kiểu "Đổi mới tư duy" như ngày nay.. như dùng búa xua tiếng Ăng-lê trên mọi mặt của đời sống xã hội dù tiếng Việt thừa chữ để nói thay hai cái chữ Vi-Lích, Bích sô... Dù gặp không ít khó khăn nhất là trong Toán, Lý, Hóa, nhưng cuối cùng, cánh tớ cũng phải cố mà làm quen với những chữ "Đường Nho" thay "Saccharose" nhất là những chữ không hoàn toàn đổi mới mà lại gần giống nhau như "Hydrogène" lại gọi là "hydro", "Calcaire" thì gọi là "Can-xi",… Tuy vậy , bọn tớ cũng cố gắng nuốt trôi để thi cho xong cái năm học bị dang dở... Không có cái chính phủ "bù nhìn" này, liệu người Nhật có giải quyết nổi không? Việc học hành có thể tiếp tục được không?
4) Cho đến bây giờ, nghĩ lại cũng nực cười khi nhớ lại cái cảnh mấy anh thanh niên đầu chải bóng, mặc com lê, cra vát đàng hoàng, tay xách bị cói, mỗi khi tan trường ,đến bấm chuông từng nhà xin đóng góp một vài bát cơm để mang đi cứu trợ những …bộ xương người mong được cầm hơi trước khi… chết hẳn!. Cái cảnh chết đói đầy đường này, có lẽ ngày nay nhiều bạn xem ảnh cụ Võ An Ninh để lại ,cũng không thể tưởng tượng nổi. Bộ Trưởng bộ y tế Vũ Ngọc Anh, trước khi đòan thanh niên khất thực ra quân lần đầu đã nói một câu với bọn tớ đại ý là: “Các bạn lên đường cố gắng làm một cái việc mà hiệu quả cứu đói thì ít nhưng hiệu quả về lòng yêu nước, tìm ra được cái nguyên nhân vì sao mà dân tộc ta lâm vào cảnh đau khổ này mới là quan trọng”. Thì ra, cái chủ nghĩa hình thức, làm mà không tin ở những điều mình làm nó đã có cách đây 64 năm!
SỰ PHÂN HÓA DƯỚI THỜI CHÍNH PHỦ T.T.K BẮT ĐẦU
Không thể phủ nhận được những gì mà chính phủ Trần Trọng Kim đã cố gắng hết sức mình để phát triển lòng yêu nước, ý thức về Độc Lập,Tự Do ở con dân đất Việt trong thời gian 126 ngày cầm quyền. Tuy nhiên cũng chính trong thời gian này mà “các kiểu yêu nước” đều được phát triển búa xua! Tớ có hai thằng bạn cùng lớp, một tên Tất Đắc, một tên....Lũy (tớ không sao nhớ nổi họ), mỗi lần thấy tớ xách bị đi xin ăn thì đều dè bỉu: “Trò hề! Muốn làm cách mạng thật hãy đi theo tao” Tớ hỏi “Đi đâu?” “Đi phá kho thóc chia cho nông dân, chứ vài bát cơm làm sao cứu nổi cả ngàn con người”. Và cuối cùng 2 đứa bỏ học đi biệt tích. Mãi sau này, trong kháng chiến chống Pháp tớ mới gặp lại thì một thằng đã làm nên sư đoàn trưởng còn một thằng làm giám đốc một sở văn hóa ở Tây Bắc.
Ngay sát nhà tớ cũng có một nhóm thanh niên hàng ngày rủ nhau đàn địch, vui chơi bỗng dưng một hôm gia đình thấy “mất hút con mẹ hàng lươn”. Hỏi thăm gia đình thì cứ ...bí bí, mật mật: “Chúng nó rủ nhau lên chiến khu rồi”. Mãi sau 19/8 mới biết tin chúng nó đi theo Quốc dân đảng có chiến khu cả ngàn người ở Vĩnh Yên.. đang chuẩn bị cũng "Đánh Tây Đuổi Nhật" như ai, cũng về Hà Nội có trụ sở ở Đường Quan Thánh, cũng ra báo (Việt Nam thì phải) và có một tên hung hăng nhất sau này.. tên Hy, đã bị thủ tiêu trong vụ Ôn Như Hầu. Thì ra bọn này đều theo gót quân đội Tưởng Giới Thạch, lính của lãnh tụ Nguyễn Hải Thần! Còn lại số đông đều đi theo Việt Minh vào giờ thứ 24 rưỡi (!) vì nghe nói cái tổ chức này được Mỹ ủng hộ! Có cả tàu bay 2 thân, tiếp tế nhảy dù, Đặc biệt là tin: Có một người nổi tiếng “ ở cả tù Tây lẫn tù Tàu”tên là Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Thế là, một số, có điều kiện, đều tự nguyện đi theo Việt Minh, bỏ hết cả học hành, gia đình, sự nghiệp. Một số sau này có vai vế hẳn hoi trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Cũng không ít kẻ, sau này không thể đoàn kết được với cộng sản phải “quay cờ” trở thành những kẻ chống Cộng ... nhiệt tình, hăng say nhất, đến tận cuối đời. Riêng tớ, với bản chất rõ ràng như ông Mác đã viết, “luôn nghi ngờ , hoang mang, dao động” và cũng do ông bố tớ cứ kềm kẹp riết suốt đêm ngày nên tớ cứ “oét-en-xi” (wait and see) mãi.. và khi công việc khất thực đã chấm dứt không kèn không trống thì tớ lại chuyển sang công tác tuyên truyền văn nghệ. Một nhóm thanh niên có khiếu âm nhạc chúng tớ trở thành các đội tuyên truyền để biểu diễn các bài hát yêu nước, diễn các vở kịch cương về các tội ác của "kẻ thù Đế Quốc Thực Dân”. Phải nói rằng tác dụng của âm nhạc trong việc kích động lòng yêu nước lúc này đúng là cực kỳ hiệu quả! Người có công số một đó chính là Lê Hữu Phước. Các bài ca “Chi Lăng”, “Bạch Đằng Giang”, hoạt cảnh “Hội nghị Diên Hồng" do chúng tớ biểu diễn lúc này, kèm theo những “Thiên Thai”, “Đàn Chim Việt” của Văn Cao đã góp phần không nhỏ trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc,
Cho tới một ngày (17/8/1945) Đoàn Thanh Niên của chúng tớ tay cầm cờ quẻ li, miệng hát “Này thanh niên ơi…” đi Mít tinh chào mừng chính phủ Trần Trọng Kim ” thì mới trắng mắt ra rằng mình đã được huy động đi…”Cướp chính quyền” từ tay chính phủ Trần Trọng Kim, do Việt Minh tổ chức mà không biết. Tất cả đều diễn biến rất nhanh chóng. Cờ quẻ li hạ xuống! Cờ đỏ sao vàng kéo lên và một người ,"quần nâu áo vải" đầu đội béret, tay cầm súng pặc học, thắt lưng đeo một, hai quả lựu đạn OF (lựu đạn khói) ra tuyên bố vài câu gì đó mà tớ đứng xa quá nên nghe chẳng rõ, chỉ nhớ lõm bõm có mấy câu..."Chính quyền đã về tay nhân dân" và sau đó thì…. hàng ngàn người như có gài sẵn kim hỏa trong lòng đã nổ tung ra thành những khẩu hiệu "Muôn năm! muôn năm!" long trời lở đất... Hàng chục lá cờ đỏ sao vàng được tung ra, kéo theo cả hàng ngàn ngừơi chạy ùa sang phủ thống sứ cũ (ở xế nhà hát lớn) phá cửa, leo hàng rào vào chiếm phủ Khâm sai đại thần. Mọi việc diễn ra nhanh chóng, chẳng khác gì cái cảnh tớ đã được xem sau này trong phim “Lê Nin với Cách Mạng Tháng 10) có trường đoạn chiếm Cung điện Mùa đông”! Chỉ khác là ,ở V.N, không có súng nổ và chính phủ “bù nhìn” đi đâu? Ở đâu? Lúc đó? Có ai bị bắt, bị vào tù, bị “dựa cột” không thì chẳng có ai được biết, kể cả tớ ,cho tới tận bây giờ!
Cuộc tổng khởi nghĩa như thế là xong. Có mặt tớ cũng như không! Chẳng ai hay,ai biết....vì chính tớ cũng chẳng biết chẳng hay. Ấy vậy mà sau này, khối tên cơ hội đã ghi vào lí lịch “tham gia tổng khởi nghĩa”. Thậm chí cả… ”tiền khởi nghĩa” (thời hoạt động “bốc nhằng” như tớ dưới chính thể Trần Trọng Kim), để được quyền lợi, lương bổng, nhà cửa hơn người! Mọi phong trào, hoạt động và yêu nước dưới thời kì 126 ngày của chính phủ Trần Trọng Kim có kẻ sau này còn "phóng" lên là "hoạt động tiền khởi nghĩa". Có kẻ thì dấu biến đi khi khai lí lịch vì sợ là dính líu tới "chính phủ bù nhìn" T.T.K. Còn những thành viên của cái nội các "bù nhìn"này, ai đi theo Việt Minh ? Ai được giao nhiệm vụ gì? Ai trở thành những người chống cộng triệt để nhất tới hơi thở cuối cùng ... Lỗ hổng lớn về giai đoạn lịch sử bi-hài-hùng này, ngoài cuốn hồi ký "Một cơn gió bụi" của Trần trọng Kim ra, cho đến nay vẫn là những điều khó viết lên thành chữ? Hay chính là các sử học gia nước V.N biết mà không viết? Hay là muốn viết nhưng sợ bị.... mất lập trường, sợ đi vào lề bên trái. Hay là? hay là?... Nhiều câu hỏi được đặt ra với các sử gia nước ta,.. để rồi đành phải tự trả lời rằng: Cho đến hôm nay chưa có ai đủ tầm,đủ tâm như tác giả "Việt Nam Sử Lược"...Trần Trọng Kim !
Để kết luận: Đến ngày nay tớ vẫn "bảo lưu" cái chế độ 126 ngày đó là một thực thể có thật, có tác dụng cho lớp thanh niên chúng tớ. Ít nhất là đã mở đường cho chúng tớ đi tìm con đường cách mạng. Lạc lõng, tồn tại, thăng tiến, hoặc... mất mạng đều do cái đầu và con tim của từng người… Khôn ngoan đến đáng... ghét hoăc ngờ nghệch đến đáng thương, chung quy cũng chỉ vì ngu dốt về chính trị mà dám liều bước vào con đường ... Chính chọe! Cũng may cho tớ là qua bao biến cố thăng trầm tớ vẫn còn tồn tại để kể lại cho các friends trẻ về một lỗ hổng lớn trong lịch sử hiện đại của dân tộc mà không biết vì sao các nhà viết sử thời nay chẳng “muốn” hoặc “dám” đụng tới.
(Viết thêm - Chẳng hiểu sao cái computer của tớ nó dở quẻ,khi chạy khi không,tự đông đổi mầu đổi khổ chữ làm bạn đọc khó chịu.Hoàng ghi ta giúp tớ được không?
Tớ không còn cái bộ nhớ tốt như mấy năm trước nên có thể sai chút ít về tên tuổi,ngày,tháng ,bạn nào ở độ tuổi tớ xin cứ việc "uốn nắn" dùm! Cảm ơn.)
Tô Hải
Bài Liên Quan:
- Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945 phải được viết lại (Phần 1)
- Lịch sử Tháng Tám, Tháng Chín năm 1945 phải được viết lại (Phần 2)
- Đôi dòng về cuộc cách mạng tháng tám và ngày 2/9
Nhận xét
Đăng nhận xét