Cái Chết Của Những Con Chim Sơn Ca Hót Sái Mùa

Cái Chết Của Những Con Chim Sơn Ca Hót Sái Mùa

Hùng Bi
Còn sót lại mấy trang bản thảo của câu chuyện “Cây đàn guitar trong trại cải tạo” mới tìm thấy được, xin chép ra cho trọn câu-chuyện-đời-xưa đó luôn.
Những câu chuyện sau gần nửa thế kỷ đã như trở thành cổ tích, tôi chỉ muốn kể lại cho những người lớp sau nghe để biết. Nó chẳng mang một ý đồ hay màu sắc toan tính gì khác.

Thậm chí những người cùng thời cùng phải chịu đựng cái hoàn cảnh chung giống nhau, nhưng trong tâm tư mỗi người lại có một thế giới riêng. Chưa chắc những cảm nhận đã giống nhau và chưa chắc sự từng trải cũng giống nhau rập khuôn.
*
…Sau “trận du ca máu lửa” ấy, không thấy trên Khung có phản ứng gì, không có tập họp Đội để lên lớp uốn nắn tư tưởng, không có kiểm điểm tập thể hay những cá nhân đã tham dự nên có những người tí tởn mà sinh ra chủ quan. Vẫn biết rằng khi đã bị mang thân tù tội phải giam mình sau hàng rào là đã bị tước mất hết các quyền tự do của con người, ngay cả những nhu cầu tối thiểu như đái ỉa, nhưng “vui quá mà quên” đã để niềm hứng khởi vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Họ còn quá trẻ tuổi, vẫn còn ít nhiều thơ ngây nên không hiểu rằng khi người thợ săn bắt đầu cài chốt bẫy, người ta phải giữ yên lặng tuyệt đối tránh đánh động những con thú rừng luôn đề phòng những bất trắc.

Trong cuộc sống, con người luôn luôn để tâm tới những hiểm nguy có thể tác động xấu tới bản thân mình, nhưng tai nạn vẫn xảy ra do chủ quan, thiếu sự đề cao cảnh giác dù chỉ trong phút chốc.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”.

Trong đội tôi có những con chim sơn ca ngứa cổ vẫn thường lén lút cất tiếng hót nho nhỏ với một vài người bạn tin cậy, nhưng khi thấy tình hình có vẻ tương đối ổn nên muốn tập họp lại cho đông vui hơn để cùng cất cao giọng hót cho thoả chí. Tiếc thay, họ lại đi sau nên đã phải gánh chịu một hậu quả hết sức nặng nề cho sự không lường trước của mình.

Một nhóm mười bốn người nhân một đêm mưa già đã cả gan tụ tập trong lán để cùng nhau hát hò những bài hát cũ trong tiếng đệm của cây đàn guitar thùng tự chế và tiếng gõ nhịp của hai chiếc muỗng ăn cơm. Tôi cũng ưa lắm, nhưng chẳng dại gì đưa đầu vào một tình huống tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên chỉ nằm trên võng xa xa để nghe.

Cũng có đặt cảnh giới ở đầu lán, nhưng do mưa già mà chủ quan lơ là đặt cặp mắt và lỗ tai mình vào bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn ấy.

Một tốp vệ binh có trang bị vũ khí trên khung âm thầm đội mưa đi xuống trong bóng đêm, im lặng đếm đủ số đầu người đang quây quần tham dự rồi bất thần xuất hiện.

Rõ ràng là bộ ăng-ten nhạy cảm được cài đặt trong chúng tôi đã phát huy tác dụng.

Những ánh nến leo lét được thổi tắt phụt ngay lập tức.

Một tiếng lịnh được quát lớn một cách hằn học trong bóng tối kèm theo tiếng cơ bẩm lên đạn là đốt đèn lên và những người vi phạm nội quy trại trầm trọng phải trình diện rồi xếp hàng theo vệ binh lên khung ngay, với những họng súng AK đi kèm dẫn độ.

Điểm danh lại vẫn còn thiếu một người vì trước khi ập vào, vệ binh đã đếm đầu người đang tham gia rồi.

Làm sao lẫn trốn được khi cá đã nằm trong rọ? Cuối cùng thì gã giấu mặt ấy cũng phải lộ diện cho đủ số.

Sợ hãi, lò dò dắt díu nhau trong bóng đêm, họ lên đường để tiếp tục tham gia một bữa tiệc âm nhạc khác được đệm bằng đòn thù và…có máu!

Hậu quả cay đắng của sự việc rủi ro nầy đã đưa tới một cuộc rủ rê đào thoát tập thể 8 người không lâu sau đó cũng vào một đêm mưa rừng mù mịt vuốt mặt không kịp, và đã kết thúc hết sức bi thảm ngay tại hàng rào trại phía con đường xuống suối lấy nước có khu vệ sinh tập thể lộ thiên vốn thường ngày không có chốt gác.

Số phận của những con chim sơn ca hót sái mùa ấy tôi không muốn nhắc lại làm chi cho đau lòng…

Và rồi vào những mùa xuân sau, có những con chim sơn ca hót đúng mùa vẫn vô tư cất tiếng hót rảnh rang mà không hề biết là đã từng có những con chim đồng loại dại dột đã tắt ngấm tiếng hót tự lúc nào trong tăm tối…

Hùng Bi
Nguồn FB Trang Văn Chương Miền Nam

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 177

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 178