Chuyện dài người lao động đi làm việc ở nước ngoài không về

Chuyện dài người lao động
đi làm việc ở nước ngoài không về



Ngày 16 tháng Tám, trong buổi hội thảo về lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, ông Lê Đình Tùng Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh có 42.113 lượt lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuy nhiên, Thanh Hóa phải đối mặt với tình trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài hết hợp đồng – bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp. Do lao động bỏ trốn ra ngoài nhiều dẫn đến các thị trường Đài Loan, Nhật Bản dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Họ yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp mới được tiếp nhận lao động trở lại.

Riêng với Nam Hàn, tỷ lệ lao động đi từ huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa trốn ở lại lên đến hơn 30% nên chính quyền Nam Hàn đã tạm ngưng tiếp nhận. Trước đó, lao động ở bốn huyện khác cũng từng bị trả về là: Thành phố Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa và huyện Nga Sơn.

Theo ông Tùng, nguyên nhân lao động sẵn sàng “sống chui làm nhủi” ở Nam Hàn là do chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và trong nước quá lớn, có thể gấp 10 lần, hoặc cao hơn. Họ sẵn sàng đánh đổi sự an toàn của họ để cứu lấy gia đình, sẵn sàng bỏ lợi ích chung của cộng đồng, trốn lại làm việc chui.

Ông Tùng cũng cho biết, hàng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu đôla, tương đương 2.760-3.450 tỷ đồng.

Đấy! Chỉ mới tính Thanh Hóa thôi mà được khối tiền, nhân lên cả nước thì được vài tỷ đôla như chơi! Thế nên muốn bắt họ về nước thì cũng phải từ từ…

Một người lao động Việt Nam ở Nam Hàn – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nghe nói tiền lao động (hợp pháp và chui) ở Nam Hàn gởi về (chưa kể Nhật Bản) cũng lớn lắm, chỉ thua “bầu sữa” Việt kiều thôi, thế nên mấy anh ngồi ở phòng lạnh Hà Nội mới bàn với nhau, kiểu “cứ để tụi nó làm chui gởi tiền về, nhà nước chẳng mất gì mà lại có thêm ngoại tệ”.

Để làm cho ra vẻ “biết điều”, chính phủ Việt Nam ra Nghị định 95/2013/NĐ-CP phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đối với người ở lại nước ngoài trái phép, hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Nghe qua thì thấy nhà nước cương quyết dẹp bỏ chuyện tệ hại này, nhưng nhìn xa một chút thì lại thấy mấy ổng cũng “đểu” bỏ xừ. Phạt nặng như thế thì thằng nào dám về (?) Có ông nghĩ thế này:

“Tụi này mà về nước thì cũng phiền, cứ lông bông, tụm năm túm ba đi giựt cô hồn rồi đánh lộn, mất công lại phải xử lý. Thôi cứ để tụi nó bên đó, khi bị trục xuất rồi tính”.

Có thể mấy ổng nghĩ thế, làm thế, nên ngay từ năm 2017, phía Nam Hàn đã cảm thấy rất phiền vì phải đối phó với đám “thổ tả” trốn lại nước họ. Danh sách tạm dừng tuyển chọn “nhân tai” trong năm đó được bên Nam Hàn gởi cho Việt Nam dài như sớ… kêu oan.

Nói ra thì bảo phân biệt vùng miền, chứ danh sách này toàn dân miền Bắc: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, và TP. Hà Nội. Tổng cộng 12 tỉnh thành.

Theo thống kê, số lao động trốn lại Nam Hàn ở các tỉnh này trong năm 2017 hơn 7.600 người; trong đó tỷ lệ trốn lại ít nhất thuộc về huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với 30.77%, và cao nhất là huyện Tiền Hải (Thái Bình) tới 78.57%!

Đi “hợp tác lao động” mà trốn lại tới gần 80% thì nước nào chịu cho nổi! Đến năm 2019, trong 12 tỉnh có huyện bị “cấm” xuất cảnh qua Nam Hàn có được hai tỉnh thành ra khỏi “bảng phong thần” là Phú Thọ và Hà Nội.

Đến năm 2020 và qua năm 2021, còn năm tỉnh có mười huyện bị tạm dừng tuyển chọn đi lao động Nam Hàn là Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và Thái Bình.

Năm 2021 cũng là năm ngoại giao Việt Nam bị “xấu mặt” khi có chín người trong phái đoàn Quốc hội trốn lại ở Nam Hàn. Chuyện như thế này:

Tối 23 tháng Chín, 2019 truyền thông Nam Hàn đồng loạt đưa tin về vụ chín người trong phái đoàn quốc hội Việt Nam do bà Kim Ngân dẫn đầu, đã bỏ trốn ở lại Hàn mười tháng trước. Phái đoàn của bà Ngân rất hùng hậu với 20 bộ trưởng và phó, tổng cộng 162 người công du Nam Hàn 4 ngày.

Tuy nhiên, chỉ có 153 người trở về Việt Nam, chín người còn lại trốn ở lại và làm việc bất hợp pháp. Sự việc chỉ đổ bể ra khi một trong chín người ra đầu thú và xin trở lại Việt Nam. Sau đó chính quyền Nam Hàn bắt được một người và trục xuất ngay về Việt Nam. Bảy người còn lại thì lặn “không sủi tăm” cho đến nay.

Khi truyền thông Nam Hàn làm rùm beng lên, làm “nhục quốc thể”, xấu mặt bà Kim Ngân, thì cơ quan điều tra Việt Nam mới nhào vào điều tra, xong đem ra tòa xét xử. Đương nhiên là bà Kim Ngân không có lỗi, lỗi luôn ở những kẻ tay sai.

Chuyện bà Kim Ngân là chuyện ngoài lề, nhắc cho vui thôi, nhưng cũng cho thấy có một con đường “xuất ngoại lậu” tuy mắc tiền hơn chi phí đi lao động một chút nhưng lại rất an toàn. Đó là con đường cho những kẻ lắm tiền, còn anh em lao động cứ dùng “con đường xưa em đi”.

Anh Tô Lâm cứ tưởng lo cho các em được bằng cách bỏ nơi sinh trong hộ chiếu để nước ngoài khỏi “soi mói”, thế nhưng giờ mánh đó bị “bể” rồi. Thôi thì các em tự bơi nghe. Hôm nào rảnh tôi kể mánh đi nước ngoài bằng chuyên cơ cho nghe. Cũng thú vị lắm!

Ông Tư Sài Gòn

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 219

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 217

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 218

CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025