Con Heo Trong Hội Đồng Thi

Con Heo Trong Hội Đồng Thi

Đoàn Dự
Kỳ chấm thi Tốt nghiệp phổ thông năm ấy, tôi được Ty Giáo dục tỉnh cử làm tổ trưởng Tự nhiên, trông coi việc chấm thi 3 môn: Toán, Lý hoá, Sinh vật, còn tổ trưởng Xã hội gồm 3 môn: Văn, Sử địa, Ngoại ngữ thì do giáo viên của trường khác làm. Sự thực, không phải Ty Giáo dục biết mặt, biết tên chúng tôi mà đề cử (hồi đó mới sau 75, còn gọi là “Ty” Giáo dục, sau này mới đổi thành “Sở” Giáo dục & Đào tạo), mà là do anh hiệu trưởng trường tôi được cử làm chủ tịch hội đồng giám khảo nên đề nghị ty cử tôi làm tổ trưởng Tự nhiên chứ tôi cũng chẳng có tài cán gì. Anh là hiệu trưởng từ ngoài Bắc vào, quê ở Hà Tĩnh, đã từng tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội và đi bộ đội về, đảng viên khá nhiều tuổi đảng (hiệu trưởng một trường cấp 3 tất nhiên phải là đảng viên cốt cán). Tính anh nghiêm túc, bắt các giáo viên trong trường làm việc quá chừng nên chúng tôi thường nói ngầm với nhau là anh “hắc ám” nhất trong các hiệu trưởng của 9 trường cấp 3 trong tỉnh.
Giáo viên đi coi thi thì gọi là giám thị, thuộc hội đồng giám thị. Sau đó khi đi chấm thi thì gọi là giám khảo, thuộc hội đồng giám khảo. Mỗi ngày mỗi người chúng tôi được 1$ ($=đồng) công tác phí ngoài số lương khoảng 40$/ tháng, tức tương đương với 20.000 đồng thời cũ. Trước năm 75, lương tôi 43.000 đồng/tháng, lại đi dạy thêm tại các trường tư nữa, nay chưa được một nửa, không còn trường tư nên nghèo là ở chỗ đó. Trên nguyên tắc, 1$ tương đương với 500$ thời cũ vì mới đổi tiền, một đồng ăn 500 đồng, nhưng trên thực tế, tiền mất giá khủng khiếp, cái gì cũng khan hiếm nên không thể so sánh 1$ tiền mới với 500$ tiền thời cũ được. Các giáo viên nghèo xơ xác. Dân chúng phải ăn bo bo, khoai lang, khoai mì mà cũng không đủ.
Lễ khai mạc hội đồng giám khảo diễn ra rất long trọng vì có ông bí thư tỉnh uỷ đến dự. Ông đã già, ăn nói chậm dãi. Khởi đầu, ông uỷ lạo chúng tôi rằng đời sống giáo viên hiện nay còn rất thiếu thốn, nhưng hãy cố gắng vượt mọi khó khăn, chấm thi sao cho công minh chính trực, “tất cả vì đàn em thân yêu của chúng ta” để tỉnh ta vẫn nắm lá cờ đầu như mọi năm. Tiếp theo, ông chỉ thị cho chúng tôi rằng năm ngoái, năm kia, năm nào tỉ lệ thí sinh thi đậu cũng đạt từ 95 phần trăm trở lên, vậy thì năm nay ít nhất cũng phải như thế, không thể kém hơn. Sau khi ông dứt lời, mọi người vỗ tay, ông cũng vỗ tay rồi ông Sáu Việt - trưởng ty Giáo dục tỉnh kiêm chánh chủ khảo lên phát biểu. Ông nhắc lại chỉ thị của ông bí thư tỉnh uỷ mà ông gọi là huấn lệnh rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải từ 95% trở lên, nếu không được như vậy có nghĩa là giáo viên không hoàn thành trách nhiệm. Tiếp theo, ông Chín Đức, phó ty Giáo dục tỉnh kiêm phó chủ khảo lên hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục rằng tỉ lệ thí sinh thi đậu phải trên 95% chứ không thể kém, vì “con em của chúng ta ngày càng chăm chỉ hơn, thông minh hơn và giỏi giang hơn các năm trước”. Cuối cùng, ông giới thiệu anh Nguyễn Khắc Liêm, hiệu trưởng trường tôi, chủ tịch hội đồng giám khảo lên phát biểu và hứa sẽ bảo đảm tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95% như đồng chí bí thư tỉnh uỷ đã ra huấn lệnh cũng như đồng chí trưởng ty Giáo dục đã chỉ thị.
Anh Liêm rất khôn, anh nói hết sức vắn tắt: “Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí giáo viên, nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo, tôi đề nghị các đồng chí giám khảo chấm thi thật công minh, chính trực như lời đồng chí bí thư tỉnh uỷ và đồng chí trưởng ty đã chỉ thị. Bây giờ xin mời ai ở bộ phận nào trở về bộ phận nấy, chúng ta bắt đầu làm việc”.
Chúng tôi lục tục kéo nhau xuống sân. Các bạn tôi nói nhỏ với tôi: “Thằng cha hiệu trưởng trường cậu đáng nể thật, để ý kỹ mới thấy hắn chẳng hứa hẹn gì cả. Thi cử mà trước khi chấm chủ tịch hội đồng hứa tỉ lệ thi đậu phải trên 95 phần trăm thì thi làm quái gì nữa, đem cái bằng tốt nghiệp phát không cho rồi”. “Ừ, hắn giỏi thế đấy, nói chung trường tớ anh nào cũng giỏi kể cả… tớ!”. “Trời trời, nói vậy mà không biết ngượng miệng!”.
Ngay sau đó anh chị em về ban của mình, bắt đầu chấm bài theo lối “chấm kép”, ngày trước thường gọi là “double correction” theo tiếng Pháp. Nghĩa là mỗi xấp do hai người chấm, cho điểm riêng biệt với nhau, khi xong xấp thì sẽ hội ý để cho điểm thống nhất nếu có chênh lệch.
Buổi trưa, mọi người xuống phòng ăn bên cạnh bếp ăn cơm, riêng tôi và cô Thủy, tổ trưởng Xã hội, giáo viên môn Văn trường Cấp 3 Thị xã, tức trường Thánh Giuse cũ nay đã bị lấy làm trường công lập, thì phải ở lại làm báo cáo đã chấm được bao nhiêu bài, số bài bị 0 điểm, số bài được trung bình từ 4 đến 5 điểm, số bài từ 6 - 7 điểm trở lên..vv.., rồi đem báo cáo đó và các xấp bài chưa chấm hoặc đang chấm dở lên nộp trên văn phòng, chiều cũng sẽ làm như vậy.
Tôi rất đói bụng mà cũng uể oải nữa, vì từ sáng đến giờ chưa được miếng gì vào bụng. Lý do đơn giản là trường Trịnh Hoài Đức ở Lái Thiêu sau 75 đổi tên thành trường Bồi Dưỡng Cán Bộ - nơi chúng tôi đang chấm thi - nằm bên cạnh quốc lộ 13, chung quanh không có hàng quán gì cả, muốn ăn thì phải xuống Búng. Mà ở Búng cũng chẳng có gì ngoài một quán bán bánh bèo bì rất nổi tiếng, nhưng ăn vừa mắc lại vừa không thể no bụng, tiền đâu mà sáng nào cũng xuống và làm gì có thì giờ.
Bụng đói nhưng trong phòng ăn, cơm đựng trong những chiếc rổ đã nguội ngắt, thức ăn gồm hai món là cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát và “canh” rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm tí bột ngọt, tôi nuốt không nổi. Lạ lùng là cá đuối khô mà kho có nước là nó tanh òm, vừa tanh lại vừa có mùi ngai ngái rất kỳ lạ.
Các bàn khác anh em ăn xong đã lên phòng cả, chắc cũng nuốt không nổi nên cơm và hai món thức ăn còn ê hề, các “chị nuôi” chưa kịp dọn. Tôi vào trong bếp xin một ít muối trắng ra ăn rồi húp thêm nước “canh”, cũng trôi xuống bụng được chừng hai lưng lưng chén.
Buổi chiều cũng như vậy, vẫn canh rau muống bằm nhỏ nấu với muối trắng thêm chút bột ngọt và cá đuối khô kho lõng bõng nước với củ cải khô xắt lát. Hồi còn dạy ở Bạc Liêu, tôi thấy đồng bào người Miên gọi là xá-bấu, rẻ mạt, người Việt rất ít khi ăn.
Tôi nói với các chị nuôi:
- Khổ lắm các chị ơi, con heo nó ăn người ta còn nấu rau muống với cám. Đằng này chúng tôi ăn, các chị chỉ nấu rau muống với muối trắng thêm tí bột ngọt thì nuốt sao nổi. Đề nghị từ mai trở đi các chị cho thêm ít cám vào để chúng tôi được bằng con heo.
Chị nuôi lớn tuổi nhất trong số ba chị nuôi nói:
- Em biết chớ, cũng tội nghiệp các thầy lắm chớ. Nhưng thầy thử nghĩ coi, mỗi ngày các thầy đóng được 1 đồng với nửa ký gạo. Gạo thì đủ, hổng thiếu, còn tiền thì 1 đồng chỉ đủ mua củi, muối, nước mắm, bột ngọt chớ đâu có dư. Rau muống là tụi em xin rau già người ta bán ế ở chợ. Còn khô cá đuối với củ cải xá-bấu họ cũng bán ế, giá rẻ mạt thì tụi em mua. Tiền ít, các thầy chịu vậy chớ biết sao bây giờ.
Thì ra thế. Tôi nhớ lúc anh em mới lên, đóng tiền và gạo, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cũng có mặt ở đấy, tôi nói với anh, mỗi người đóng 1 đồng một ngày không đủ đâu anh, chấm thi coi vậy chứ ngồi suốt ngày cũng mệt, mọi thứ đắt đỏ, phải 2 hay 3 đồng ăn uống kha khá mới đỡ mệt. Anh Ba Thiện là cán bộ ngoài Bắc vào sau 75, tôi với anh có dịp chuyện trò mới biết là người cùng quê, nên anh coi tôi nửa như đứa em vì tôi nhỏ tuổi hơn anh, nửa như bạn đồng nghiệp vì anh vốn coi trọng dân “Bắc kỳ di cư 54” sống ở trong Nam, do họ có trình độ. Anh nói, có, tớ có góp ý với ông Chín Đức, nhưng ông ấy bảo 2 hay 3 đồng nhiều quá, sợ anh em có người đóng nổi, người không đóng nổi, đóng 1 đồng vừa bằng với tiền công tác phí của ty cho thì ai cũng đóng được, tớ thấy hợp lý nên cũng im lặng.
Sáng hôm sau, ông Chín Đức đến hơi sớm, cỡ khoảng 6 giờ 30. Ông đi chiếc xe Honda cũ và nói là muốn tìm tôi. Gặp tôi ở sân do bạn bè chỉ, ông hỏi: “Đồng chí là tổ trưởng Tự nhiên phải không?”. Ông Chín Đức là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 54, người cao và gầy, môi thâm mắt trắng, rất khó tính, không bao giờ có được nụ cười nên chúng tôi rất e dè mỗi khi có việc lên Ty gặp ông. Tôi trả lời rất lễ phép chứ không dám xuề xoà như đối với anh Ba Thiện: “Vâng ạ”. “Đồng chí thấy tình hình bài thi thế nào?”. “Dạ thưa rất kém. Hôm qua mới bắt đầu chấm nên mỗi người mới chấm được khoảng 2 xấp, sáng một xấp, chiều một xấp. Các bài đa số đều dưới trung bình, cỡ 1 – 2 điểm. Thậm chí có bài môn Toán, nó làm không nổi nhưng không được phép ra sớm nên ngồi viết lăng nhăng, mở đầu bằng hai câu thơ của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” rồi bảo đấy là thơ trong truyện Kiều của cụ… Nguyễn Trãi và lan man tán dóc đặc kín cả 4 trang giấy”. “Không phải nó tán dóc đâu, nó có tinh thần cách mạng đấy. Giám khảo cho bao nhiêu điểm?”. “Dạ thưa zê-rô. Anh ấy bảo môn Toán là phải chính xác, nó viết như vậy lạc đề hoàn toàn nên cho zê-rô”. “Không được, phải cho điểm nó chứ, công lao động viết 4 trang giấy của nó để đâu”. Rôi ông hỏi tôi: “Theo đồng chí dự đoán, tỉ lệ thí sinh thi đậu năm nay khoảng bao nhiêu phần trăm?”. “Dạ thưa chưa rõ, chấm xong mới biết. Nhưng theo tôi nghĩ, số thí sinh thi đậu có lẽ rất thấp, chắc chỉ khoảng 20 - 21 phần trăm là nhiều”. Nét mặt ông Chín Đức tự nhiên sa sầm, ông bảo tôi: “Không thể được, tôi đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục là trên 95 phần trăm rôi mà. Anh kiếm cho tôi cô gì tổ trưởng Xã hội được không?”. “Dạ được chứ ạ”. Tôi định đi, ông Chín Đức đi theo: “Tôi phải đi với anh cho lẹ chớ không thôi nóng ruột quá...”.
Cô Thủy ở với các bạn trong các phòng học phía bên trái dẫy nhà lầu. Cô và các bạn đã mặc đồ đàng hoàng để chuẩn bị lên phòng lo việc chấm thi, nên nghe các bạn nói có ông Chín Đức kiếm là cô ra ngay. Ông Chín Đức cũng hỏi cô những điều như đã hỏi tôi. Đặc biệt, về tỉ lệ thí sinh thi đậu, cô cũng nói cô đoán khoảng 20-21 phần trăm đúng như tôi đã nói. Ông Chín Đức bồn chồn nói theo giọng Bắc, vì ông tập kết ra Bắc từ lâu, rất hâm mộ những gì thuộc về “Đảng ta” ngoài Bắc: “Thôi chết, thế này thì chết, hư bột hư đường hết trơn hết trọi!...” rồi ông xăm xăm đi lên phía văn phòng ban lãnh đạo hội đồng, không cần để ý đến tôi với cô Thủy.
Còn lại hai người, tôi khẽ nhún vai nói đùa với cô nữ giáo viên văn chương xinh đẹp ngày trước đã từng đậu đầu ban Việt Hán Đại học Sư phạm Sài Gòn, nhưng vẫn còn độc thân như nhiều cô bạn đồng nghiệp khác. Trong nghề dạy học, hễ đẹp và học giỏi, cử nhân trở lên chẳng hạn thì hơi trễ tràng vì phái nam e ngại ít dám nhào vô:
- Ăn canh rau muống nấu với muối trắng và cá đuối khô tanh òm nuốt không nổi, đói bụng mới chết chứ thí sinh thi đậu nhiều hay ít không chết.
Cô Thủy nói:
-Bọn Thủy gửi tiền nhờ các chị nuôi mua giùm nước tương chứ cũng không ăn được canh rau muống với khô cá đuối.
Sau đó cô chào tôi rồi quay trở vào trong phòng.
Có lẽ ông Chín Đức đã gặp anh Liêm chủ tịch hội đồng và coi lại điểm các bài thi đã chấm, nên một lát sau tôi nghe có tiếng micro phụt phụt “a-lô, a-lô” trên loa phóng thanh rồi giọng anh Liêm ra lệnh cho toàn bộ giám khảo phải tạm ngừng chấm, tập trung lên phòng khánh tiết nghe đồng chí Chín Đức phó chủ khảo phổ biến một số việc cần.
Chúng tôi xuống phòng khánh tiết, không ai dám vắng mặt. Một lát, ông Chín Đức đi vô nhưng chỉ có một mình, không có anh Liêm đi cùng vì anh muốn tránh mặt, không can thiệp vào việc thí sinh thi đậu nhiều hay ít.
Khởi đầu, ông Chín Đức cho biết ông đã coi lại các bài thi đã chấm. Điểm cho như vậy là tốt nhưng quá khắt khe, không thể đạt được tỉ lệ 95 phần trăm trở lên như ông đã hứa với ông bí thư tỉnh uỷ và ông trưởng ty Giáo dục. Tiếp theo, ông tâm sự: “Nói thiệt với các đồng chí, tuy các đồng chí là giám khảo nhưng tất cả đều là giáo viên thuộc 9 trường cấp 3 trong tỉnh, bạn bè với nhau. Học trò các lớp 12 đều do các đồng chí dạy. Trường nào tỉ lệ học sinh thi đậu dưới 95 phần trăm có nghĩa là giáo viên trường đó lười biếng, dạy kém, không đạt yêu cầu, sẽ bị ty trừng phạt, đổi đi trường khác hoặc cho nghỉ dạy. Tình nghĩa bạn bè của các đồng chí như vậy không tốt. Chỉ vì các đồng chí chấm thi quá khắt khe nên bạn bè của các đồng chí bị trừng phạt, các đồng chí có sung sướng không? Tại sao các đồng chí hổng cho rộng điểm để ai cũng vui vẻ về thành tích hội đồng chúng ta đã đạt được?”.
Ông còn nói nữa. Cuối cùng, ông đem câu chuyện một thí sinh thi môn Toán đã đưa hai câu thơ của Hoàng Trung Thông ra viết tầm bậy mà tôi đã nói với ông ra làm ví dụ:
- Tôi hỏi các đồng chí, nếu bây giờ một thí sinh thi môn Toán nhưng nó làm bài không nổi, đem hai câu thơ gì đó ra tán dóc từ đầu đên cuối đặc kín hết 4 trang giấy thì các đồng chí cho điểm như thế nào?
Mọi người im lặng không dám trả lời. Ông hỏi lại lần nữa, không đừng được, một anh phải giơ tay đứng lên:
- Thưa anh, toán học là một khoa học chính xác, trong trường hợp thí sinh làm bài hoàn toàn lạc đề như vậy chúng tôi cho không điểm.
Nói xong anh vẫn đứng đấy, ông Chín Đức vẫy cho anh ngồi xuống rồi hỏi:
- Ai đồng ý với anh bạn đó?
Không ai trả lời. Ông lại hỏi:
- Ai không đồng ý với anh bạn đó?
Cũng không có ai trả lời.
Ông chỉ thẳng tay vào mặt người vừa phát biểu và nói gằn giọng:
- Anh là một tên phản động, không có lập trường giai cấp. Công lao động viết đặc kín hết 4 trang giấy của nó anh để đâu? Mặc dầu nó hoàn toàn lạc đề nhưng phải tính công lao động cho nó chớ. Anh không tính công lao động cho nó là bắt chước bọn tư bản bóc lột, là hạng phản động theo đuôi đế quốc!
Ông còn mắng nữa, sau đó dịu giọng:
- Nói vậy chớ các đồng chí cũng nên thông cảm. Con em của chúng ta suốt bao nhiêu năm bị Mỹ Nguỵ dày xéo, áp bức bóc lột, các em học hành chưa đến nơi đến chốn, làm bài nếu có sai sót là do bọn Mỹ Nguỵ chớ không phải lỗi tại các em. Vậy tôi đề nghị các đồng chí chấm bài thiệt nương tay. Chúng ta nhứt quyết đạt được tỉ lệ thí sinh thi đậu từ 95 phần trăm trở lên, nắm lá cờ đầu toàn quốc. Các đồng chí nhất trí chưa nào? Ai đồng ý thì giơ tay?
Mọi người bắt buộc phải giơ tay, đồng ý trăm phần trăm.
- Rồi, xong, bây giờ mời các đồng chí lên phòng tiếp tục làm việc.
Nói xong ông đi ra. Chúng tôi nhìn theo, một anh cười cười nói đùa: “Nhất trí trăm phần trăm! Thành công mỹ mãn! Cho điểm lớn nắm lá cờ đầu toàn quốc!”.
Buổi tối anh Ba Thiện từ nhà tập thể trong Ty đến chơi thăm anh em. Anh ngồi nói chuyện với tôi trên thành hành lang:
- Cậu có biết hôm qua đứa nào phát ngôn bừa bãi, nó bảo với các chị nuôi là cho thêm cám vào canh rau muống cho được bằng con heo chứ anh em ăn uống thua con heo.
Tôi nói:
- Em đấy anh ạ. Em nói thật chứ không phải phát ngôn bừa bãi.
- Biết ngay mà. Tao hỏi vậy thôi chứ không hỏi cũng biết là mày. Cái mồm mấy thằng Thái Bình Thái lọ độc địa, cứ hễ nói ra là chết trâu chết bò. Mày coi chừng cái mồm mày đấy mày!...
- Đã nói là em không sợ, đã sợ là em không nói. Thế bộ anh không phải dân Thái Bình Thái lọ?
- Tao khác, mày khác. Tao là cán bộ, đã đi bộ đội đánh nhau suýt chết mấy lần ở bên Campuchia về, chẳng ai làm gì được tao.
Sau đó anh hạ thấp giọng, thân mật:
- Chỗ anh em cùng quê, tao biết mày từ hồi mày còn mặc quần thủng đít nên nói cho mày để ý vậy thôi. Mày loan báo giùm với anh em là kể từ ngày mai trở đi, tao đã xin được bánh mì của cửa hàng thực phẩm quốc doanh, mỗi sáng mỗi người sẽ được nửa ổ bánh mì ăn cho đỡ đói.
Rồi anh nói thêm:
- Tao cũng đã nói chuyện với ông Chín Đức, từ trưa mai mỗi bàn 4 người sẽ được tăng cường một đĩa thịt kho nho nhỏ. Vậy là không còn ai than phiền gì nữa phải không?
- Vâng, cám ơn anh.
Đúng như lời anh Ba Thiện đã nói, sáng hôm sau mỗi người chúng tôi được nửa ổ bánh mì đã cắt sẵn, do cửa hàng thực phẩm quốc doanh huyện Thuận An tức hai huyện Lái Thiêu và Dĩ An nhập lại, bán ế từ hôm trước, nguội ngắt, đựng trong chiếc bao tải để trên hành lang. Nhiều anh đứng ăn ngay tại chỗ còn các cô thì lấy chung cho nhau đem về phòng. Buổi trưa thì mỗi bàn ăn 4 người được “tăng cường” thêm một dĩa thịt kho bé tí, mỗi người gắp được vài miếng, anh em phấn khởi ra mặt.
Do đã được ông Chín Đức “lên lớp” và thức ăn đã được tăng cường nên điểm của các bài thi tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, tỉ lệ thí sinh thi đậu dù tăng đến đâu cũng chỉ vào khoảng 40 – 45% là cùng chứ không thể hơn.
Ông Chín Đức lại hỏi, tôi lại nói tôi thấy như thế. Ông ngớ người có vẻ không hài lòng: “Tại sao anh em vẫn cứ chấm khe khắt?”. “Không phải khe khắt đâu anh ạ, tại vì tình hình kinh tế khó khăn, học sinh nhiều đứa bỏ học hay không chịu học nên đi thi làm bài quá kém, không thể cho điểm lớn chứ không phải anh em khe khắt”. “Thôi được, để tôi bàn lại với ông Sáu Việt xem sao chớ tỉ lệ thi đậu như vậy thì chết rồi!”. Tiếng “chết” ông Chín Đức nói theo giọng Bắc nghe không ra Bắc cũng chẳng ra Nam.
Gần trưa hôm sau, cỡ 10 giờ 30, anh em nghỉ giải lao, nhiều anh xuống sân cho được thoải mái. Bỗng có tiếng còi xe tin tin và tiếng xe lam kêu lạch bạch, khói phun ra bình bình ở cái ống bô dưới gầm xe. Chú gác dan vội chạy ra mở rộng cả hai cánh cổng. Chiếc xe hơi Mỹ màu đen bóng loáng có tài xế lái của ông Sáu Việt đi trước, theo sau là chiếc xe lam cũ kỹ. Lạ lùng là trên xe lam có một con heo to bự như con bê, đứng thò mõm ra ngoài kêu ụt ịt. Ở khoảng giữa tai bên phải của con heo có một cái lỗ có lẽ lâu ngày nên đã rộng ra, cột sợi dây thừng. Tôi chưa từng thấy heo xỏ lỗ tai cột dây thừng giống như con trâu xỏ lỗ mũi bao giờ cả.
Anh em xúm lại xem, có anh nói con heo có lẽ nặng tới một tạ rưỡi, có anh nói hai tạ, thậm chí có anh nói ba tạ. Toàn là nói mò nhưng anh nào cũng ngạc nhiên không hiểu tại sao ông trưởng ty lại đem một con heo to bự đến hội đồng thi như vậy.
Ông Sáu chỉ cho chú gác gian cột sợi dây thừng vào chỗ gốc cây có bóng mát rồi cười cười, xoa hai tay vào nhau:
- Heo mua trong trại heo Mồng 3 Tháng 2 dưới Dĩ An đấy, nhưng chưa trả tiền. Mua để vài bữa nữa làm thịt, liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng.
Rồi ông vẫn cười cười, nói tiếp nửa như thật, nửa như đùa:
- Hễ tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần thì liên hoan, còn nếu dưới 95 phần trăm sẽ trả con heo lại cho trại, không liên hoan liên đồ gì hết ráo trọi. Các đồng chí muốn ăn thịt heo thì ráng cho điểm lớn vô…
Chúng tôi cười xoà vui vẻ. Kể từ hôm đó cả hội đồng đều biết chuyện ông trưởng ty mua con heo đại bự để sẽ liên hoan ăn mừng tổng kết hội đồng nếu tỉ lệ thí sinh thi đậu trên 95 phần trăm. Nhiều anh nói đùa: “Cho điểm lớn vô bà con ơi! Ráng nhắm mắt vô mà cho điểm!”, khiến ai cũng cười.
Điểm cho tưng bừng, thậm chí không cần chấm kép nữa, cứ một người chấm, người kia thêm vô một ít rôi ký tên, coi như đã cho điểm thống nhất. Có hôm, một cô hỏi tôi: “Bài nó chỉ viết có hai chữ bài làm rồi bỏ trống hết thì cho điểm thế nào hả anh?”. Tôi chỉ xuống dưới sân: “Kia kìa, cô muốn ăn thịt heo thì cho điểm, còn nếu không muốn ăn thì thôi, cho nó số không cũng được”. “Nhưng chỉ có hai chữ bài làm, biết cho thế nào?”. “Kệ, cô cho nó một điểm hay nửa điểm tuỳ ý. Hễ cô cho một điểm hay nửa điểm thì tôi khỏi phải làm báo cáo, còn nếu cho số không, tôi phải làm báo cáo giải thích lý do tại sao cô cho số không rồi cô ký tên xác nhận, mất công”. “Vậy thì em cho nửa điểm, chứ có hai chữ bài làm mà cho một điểm thấy hơi kỳ kỳ”. “Vâng, tuỳ cô”.
Hôm sau, nhà tôi đi xe buýt lên thăm. Nhà tôi là giáo viên Anh văn, cũng tốt nghiệp ĐHSP Sài Gòn trước 75 nhưng sau tôi mấy năm và dạy cùng trường với tôi. Hồi gần nghỉ hè, nhà tôi sinh con còn nhỏ nên không phải đi coi thi chấm thi.
Cổng trường khoá kín, chú gác dan giữ chìa khoá. Tôi lên ban lãnh đạo hội đồng xin phép anh Liêm cho nhà tôi vô. Anh Liêm nói: “Theo nguyên tắc trường thi, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Nhưng bà ấy là giáo viên trong trường, quen biết nên tôi cho phép ông gặp bà ấy 15 phút ở ngoài sân, không được vào trong phòng chấm thi”. Rồi anh dặn thêm: “ Nhớ 15 phút thôi đấy, không được lâu hơn”. “Vâng, cám ơn anh”.
Chú gác dan ra mở cổng, tôi đi theo ra đón nhà tôi và thuật cho nhà tôi nghe lời anh Liêm dặn. Nhà tôi lẩm bẩm nói nhỏ như nói một mình: “Lại vẫn hắc ám. Làm như coi thi chấm thi là oai lắm đấy. Ai muốn vào phòng chấm thi làm gì!”.
Chúng tôi ngồi trên ghế đá ngoài sân phía trước tượng ông Trịnh Hoài Đức, vị quan Hiệp trấn đại thần đã có công gây dựng vùng đất Biên Hoà, Bình Dương thời vua Gia Long, người ta đang định đập đi. Nhà tôi mở túi xách lấy đưa cho tôi một lọ muối mè giã chung với đậu phọng. Tội nghiệp, thời buổi khó khăn, có lọ muối mè cũng phải đi từ Sài Gòn lên Bình Dương “tiếp tế” cho chồng!
Tôi hỏi: “Ai coi bé cho em lên đây?”. “Em gửi mẹ. Mẹ bảo cứ đi đi, thằng bé đang ngủ, bao giờ nó dậy mẹ sẽ pha sữa cho nó bú”. Tôi nói: “Chấm thi có lẽ cũng sắp xong rồi, chắc vài hôm nữa sẽ làm lễ tổng kết hội đồng. Đường xá xa xôi, giá em không lên cũng được”. Nhà tôi nói: “Từ Sài Gòn tới Búng có hơn 20 cây số, xe buýt chạy một lúc là tới. Tại em thấy anh thích ăn muối mè chung với đậu phọng nên làm đem lên chứ không thôi cơm tập thể anh ăn không nổi, ban đêm đói bụng”. Tội nghiệp, nhà tôi vẫn như thế, săn sóc cho chồng đủ thứ từ ngày hai đứa chúng tôi lấy nhau.
Tôi đưa tay coi đồng hồ, thấy chưa tới 15 phút nên vui miệng kể cho nhà tôi nghe ở đây buổi tối cứ đêm nào trời thanh vắng, không có mưa, cà cuống từ các ruộng lúa gần đấy thấy ánh đèn sáng thường bay lên, tiếng bay xè xè rồi rơi xuống đất, bò lọc cọc trên sân xi măng nghe rất tức cười. Nhà tôi kêu: “Ơ, nếu bắt được thì anh bắt giùm cho mợ đi, mợ thích làm nước mắm cà cuống”. Nhà tôi là gốc Hà Nội ngày trước nên có thói quen gọi ba mẹ bằng cậu mợ. Mẹ vợ tôi nấu các món ăn Hà Nội ngon lắm và biết cách lấy cái bọc nhỏ xíu trong ức con cà cuống, cho vào giấm hay nước mắm gì đó, lúc ăn bánh cuốn, chả cá, giò heo nấu giả ba ba..vv…, nhỏ vô vài giọt, thơm lắm, mùi thơm rất đặc biệt. “Ừ, được, tối nay anh sẽ bắt. Nhưng chỉ sợ vài ngày nữa mới về, để lâu nó chết mất uổng”. “Không sao đâu anh, hễ bắt được, lúc nào rảnh anh vặt cánh nó đi, nướng sơ lên hay không nướng cũng được, cho vào trong muối thì để bao lâu cũng không sao hết”. “Ừ, anh sẽ gửi tiền nhờ các chị nuôi lúc nào đi chợ mua giùm bịch muối”.
Nhà tôi đưa tay coi đồng hồ: “Thôi, hết giờ rồi, em phải về kẻo cái ông hắc ám ông ấy lại cho người ra nhắc mất công”. “Ừ, em về, nhớ thơm thằng bé cục cưng giùm anh”. Nhà tôi đi, tôi tiễn ra cổng và đứng nhìn theo cho đến khi nhà tôi sang bên kia đường, tà áo dài trắng bay bay. Hồi ấy mới “giải phóng”, các cô giáo đi dạy hay đi học chính trị vẫn còn mặc áo dài giống như thời cũ. Một chiếc xe buýt từ phía Bình Dương đi xuống, dừng lại, mọi người lên xe, nhà tôi cũng lên rồi cúi đầu nhìn qua cửa sổ, vẫy tay ra hiệu cho tôi trở vào. Chỉ có thế thôi, vậy mà đã phải đi 20 cây số đem lên cho chồng một lọ muối mè rang giã chung với đậu phọng.
Buổi tôi hôm ấy tôi bắt được 3 con cà cuống. Tối hôm sau, mới bắt được một con thì anh Liêm ra và cũng đi kiếm cà cuống giùm tôi. Không hiểu sao một ông chủ tịch hội đồng nghiêm nghị như anh Liêm mà cũng để ý đến một chuyện vụn vặt như vậy.
Anh Liêm bắt được một con, đưa cho tôi bỏ vào trong bịch ny-lông rồi bảo tôi:
- Mình lại đằng kia nói chuyện đi ông.
Chúng tôi ngồi trên chiếc ghế đá ở chỗ góc sân hơi khuất. Anh Liêm hạ thấp giọng nói nhỏ đủ cho tôi nghe:
- Tôi đã coi lại bài của tụi nó rồi. Trường mình có 3 đứa điểm kém quá chắc chắn sẽ rớt. Ông là tổ trưởng, có quyền sửa điểm cho tụi nó. Ban đêm vắng người, tôi sẽ rút bài của 3 đứa đó ra, ông cho thêm mỗi đứa vài điểm, 3 đứa đó đậu là trường mình đạt tỉ lệ đậu 100 phần trăm.
Tôi nói:
- Không được đâu anh. Tổ trưởng chỉ giữ vai trò trông coi việc chấm bài và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với các giám khảo chứ không được quyền động tới điểm của các thí sinh. Nếu tôi sửa điểm, hễ bị khám phá là ở tù đấy chứ không phải chuyện vừa. Cả anh nữa cũng sẽ bị liên luỵ về tội thông đồng với tổ trưởng để gian lận.
Đoạn tôi nói thêm:
- Trường mình 4 lớp 12, có 3 em rớt vậy là cao lắm rồi, cần gì phải đạt tới mức tuyệt đối 100 phần trăm để có thể bị nguy hiểm.
Cuối cùng, tôi chợt nghĩ ra anh Liêm là người ngoài Trung, xa gia đình, muốn đạt thành tích thật cao để mau được cứu xét trở lại quê nhà, nên bèn nói:
- Ông Chín Đức đang mong thí sinh đậu thật nhiều, càng nhiều càng tốt. Nếu muốn, anh có thể nói với ông ấy là có 3 thí sinh suýt soát điểm đậu, vậy là ông ấy cho thêm điểm ngay chứ có gì khó.
Nét mặt anh Liêm ỉu xìu:
- Nhưng điểm tụi nó kém quá nên mình không tiện đề nghị.
- Kém là bao nhiêu hả anh?
- Cỡ 7- 8 điểm gì đó cả 6 môn, tức trung bình mỗi môn chỉ hơn 1 điểm.
- Vậy thì thua, không làm gì được.
Anh Liêm im lặng không nói gì nữa.
Thế rồi việc chấm thi cũng xong. Hôm làm lễ tổng kết hội đồng, ngoài ông bí thư tỉnh uỷ ra còn có ông chủ tịch UBND tỉnh và các ban bệ khác tham dự nên buổi lễ lại càng long trọng. Khởi đầu, anh Liêm nhân danh chủ tịch hội đồng giám khảo lên báo cáo kết quả kỳ thi đã đạt được. Nói chung, thí sinh cả tỉnh đậu 97,5% so với 95,2% năm ngoái và 94,5% năm kia. Riêng trường tôi đậu 98,5%, trường cấp 3 Lái Thiêu 98,2%, trường cấp 3 Tân Uyên 97,8%, còn các trường khác trường nào cũng đậu từ 97% trở lên. Hội nghị vỗ tay và người hãnh diện nhất có lẽ là ông Chín Đức. Tiếp theo, ông Sáu Việt trưởng ty Giáo dục lên khen ngợi các trường đã đạt thành tích tốt nhất. Sau đó, ông chủ tịch UBND tỉnh lên thay lời ông bí thư tỉnh uỷ phát biểu, khen ngợi toàn thể ban lãnh đạo ty Giáo dục và hội đồng giám khảo ..vv.. Cuối cùng, buổi lễ chấm dứt, anh Ba Thiện phó ty đặc trách đời sống cầm micrô đứng tại chỗ mời tất cả các anh chị em xuống phòng ăn bên dưới dự tiệc liên hoan, còn quý vị đại biểu và quý vị trong ban lãnh đạo cũng như các nhân viên trong Ty Giáo dục thì xin mời sang phòng bên cạnh.
Chúng tôi xuống sân, anh nào cũng xách theo túi xách đã để sẵn trước cửa phòng hội nghị lúc vào dự lễ tổng kết, hễ ăn uống xong, có xe buýt tới là sẽ dông liền.
Khốn nỗi, khi vào phòng ăn, thức ăn bày trên các dẫy bàn dài thì nhiều nhưng toàn những món được làm theo kiểu cỗ bàn nhà quê ngoài Bắc: thịt heo luộc, lòng heo luộc, xôi đậu xanh, nước suýt (nước luộc thịt, luộc lòng) bỏ hành lá ..vv.. Những năm trước, liên hoan tổng kết tuy không giết heo nhưng anh nuôi, chị nuôi là người Nam, làm các món ăn miền Nam như cà-ri bánh mì, bún thịt nướng, thịt phá lấu, thịt kho tàu..vv.., chúng tôi ăn rất ngon lành. Năm nay không hiểu sao lại đổi anh nuôi, chị nuôi là người Bắc, nấu theo kiểu Bắc, chúng tôi ăn không quen nên rất ngại ngần, chẳng anh nào muốn ngồi vào bàn.
Bỗng bên ngoài có tiếng ai đó nói: “Xe buýt tới, xe buýt tới…”, vậy là mọi người vội vàng xách theo túi xách chạy ra cổng, hối hả lên xe buýt, những anh lên chậm phải chờ chuyến khác nhưng chẳng ai ở lại ăn uống.
Xe chạy. Một anh đứng bên cạnh tôi, tay bám vào thành ghế đã có người ngồi, chuyện trò:
- Sao năm nào thi cử họ cũng tìm cách bắt tụi mình cho điểm thật lớn cho có tỉ lệ thí sinh thi đậu thật cao thế nhỉ?
Tôi nói:
- Tại bệnh thành tích đấy. Ông nào cũng muốn có thành tích cao để giữ địa vị hoặc thăng tiến địa vị. Đấy, ông thấy, ông Sáu Việt trưởng ty thì đi xe Mỹ bóng loáng có tài xế lái, còn ông Chín Đức với ông Ba Thiện phó ty thì đi xe Honda cũ rích. Tôi nghi cái xe Honda đó chắc các ông ấy cũng kiếm ở đâu chứ từ ngoài Bắc vào, nghèo muốn chết làm gì có xe Honda.
Người bạn nói:
- Muốn thí sinh thi đậu bao nhiêu phần trăm là quyền của họ, tại sao họ cứ bắt tụi mình nhúng tay vô, cho thí sinh đậu thật nhiều trước khi họ tăng lên tới 97,5 phần trăm một cách vô lý?
-Vấn đề tâm lý vậy thôi. Ví dụ thí sinh thi đậu 20 – 21 phần trăm, các ông ấy bắt tụi mình tăng lên 60 – 70 phần trăm trước khi họ tăng lên tối đa thành 97,5 phần trăm thì họ thấy thoải mãi hơn đang từ 20 – 21 phần trăm cho vọt thẳng lên 97,5 phần trăm, đúng không?
- Đúng, nhưng thi với cử, chán muốn chết. Thà đừng thi thố gì nữa còn hơn!
o0o
Mọi chuyện qua đi, ít lâu sau tôi được đổi về một trường tại Sài Gòn nên không biết ở tỉnh có còn cái vụ “đạt thành tích cao, nắm ngọn cờ đầu toàn quốc” như trước nữa hay không.
Thế rôi thời gian trôi qua, có lẽ khoảng 10 hay 12 năm tôi không nhớ rõ. Một hôm tôi bị cảm sốt, uống loanh quanh Paracetamol và Panadol mãi không khỏi, bèn ra y tế phường khám bệnh.
Bác sĩ còn khá trẻ, cỡ ngoài 30 tuổi trông rất quen, sau tôi nhớ ra đó là Nguyễn Văn Quý, học trò cũ của tôi ở D.A khi tôi còn dạy ở đấy. Sở dĩ tôi tôi nhớ mặt, nhớ tên vì Quý học rất kém, lớp 12 A2 Quý học lại do tôi làm chủ nhiệm nên biết rất rõ từng người. Quý kém đến nỗi anh Liêm hiệu trưởng định không ghi tên trong danh sách thí sinh thi tốt nghiệp phổ thông vì sợ làm giảm tỉ lệ học sinh thi đậu của nhà trương. Nhưng vì ông già hay chú bác gì đó của Quý làm lớn trong tỉnh ai cũng biết tiếng nên đành phải cho đi thi. Thế rồi với tỉ lệ thí sinh thi đậu 97,5% của tỉnh, tất nhiên Quý cũng đậu.
Chẳng những thi đậu tốt nghiệp cấp 3 mà Quý còn được học Y khoa tại Đại học Y Dược Sài Gòn. Chúng tôi rất ngạc nhiên. Thi vô Y khoa rất khó, hàng ngàn người mới đậu vài người, làm sao Quý có thể đậu được? Thì ra, Quý học Y khoa theo hệ “học gửi”. Ở Việt Nam hiện nay, Đại học Y Dược đào tạo các bác sĩ theo 3 hệ: Thứ nhất, hệ chính quy, sinh viên thi vào rất khó, học trong 6 năm cộng thêm 1 hay 2 năm chuyên ngành, tức 7 đến 8 năm, loại này rất giỏi. Thứ hai, hệ “học gửi”, không phải thi cử gì cả, chỉ do địa phương chịu đóng mọi chi phí rất lớn cho nhà trường rồi gửi lên học. Các sinh viên “học gửi” này thường ỷ mình là do địa phương quản lý, không bắt buộc phải chăm chỉ như các sinh viên chính quy nên thường lơ là, ít để ý đến việc học. Thứ ba, hệ “đôn cấp”, các y tá hoặc y sĩ trung cấp sau khi đã phục vụ tại các bệnh viện hoặc các phường, xã từ 3 đến 5 năm, nếu được cấp trên cứu xét, gửi lên Đại học Y Dược và cũng chịu các khoản phí tổn giống như sinh viên học gửi thì sau 2 hay 3 năm sẽ ra bác sĩ.
Theo nguyên tắc, các bác sĩ “học gửi” hoặc “đôn cấp” sau khi ra trường sẽ về làm việc tại địa phương, nhưng không hiểu Quý chạy chọt thế nào lại được làm bác sĩ ở Sài Gòn tại phường tôi.
Quý chỉ chiếc ghế trước mặt cho tôi ngồi rồi mở sổ hộ khẩu tôi vừa nộp coi sơ tên tuổi, địa chỉ của tôi và hỏi:
- Hồi trước ông là giáo viên dạy ở trương Cấp 3 D.A phải không?
- Vâng.
- Ông có nhớ tui là ai không?
- Nhớ, Nguyễn Văn Quý, lớp 12 A2 tôi làm chủ nhiệm.
Quý nói có vẻ hãnh diện:
- Ông thấy không, hồi đó mấy giáo viên dạy lớp ai cũng la tui học dở, bây giờ tui cũng bác sĩ như ai chớ có thua kém ai đâu.
Rồi hắn hỏi tiếp:
- Sao nào, thầy bịnh gì nào?
Tôi nói tôi bị cảm sốt, uống Paracetamol và Panadol mãi không khỏi. Hắn lấy ống thính chẩn nghe ngực, nghe lưng rồi ghi toa cho tôi gồm 3 thứ thuốc tôi nhớ là Dectancyl, Ampiclox và Vitamin C, chữ nguệch ngoạc như người tập viết.
- Ngày uống ngày 3 lần sáng chiều tối, mỗi lần mỗi thứ 1 viên tui đã ghi rõ.
- Vâng, cám ơn bác sĩ.
Tôi cầm cuốn sổ hộ khẩu trên bàn rồi đi như một người hoàn toàn xa lạ.
Buổi tối hôm ấy ăn cơm xong tôi mới uống 1 viên Dectancyl, 1 viên Ampiclox còn Vitamin C để lại vì sợ ban đêm khó ngủ thì cỡ 2 giờ sáng bỗng thức giấc vì bụng đau như cắt. Đau đến mức tôi cứ vừa bóp bụng rên la vừa bò từ trên giường xuống đất vẫn không đỡ đau. Lại ói nữa, trong chất nhớt dãi ói ra có lẫn với máu. Cả nhà sợ hãi nhưng không biết phải làm sao. Mẹ tôi nói: “Hay sang gọi cửa nhờ cô y tá cô ấy qua coi giùm xem sao...”. Nhà tôi định đi, em gái tôi nói: “Để em đi cho”, rồi em tôi đi.
Nhà của cô y tá thường gọi là cô Năm ở cách nhà tôi mấy căn. Lát sau cô sang, cầm theo ống thính chẩn và chiếc túi xách đựng các đồ y tề. Thấy tôi đang bò dưới đất hai tay bóp bụng cho đỡ đau, cô hỏi đau thế nào, tôi cố nín đau kể lại chuyện hồi chiều đi khám bệnh ngoài phường, buổi tối mới uống hai viên thuốc Dectancyl và Ampiclox, cỡ hai giờ sáng bị đau dữ dội lại ói cả ra máu nữa. Cô bóp bóp bụng tôi: “Thôi chết, vậy là bị hai thứ thuốc đó phá bao tử rồi. Tôi chích cho cậu một mũi Atropin đặng đỡ đau rồi phải đưa đi bệnh viện cứu cấp lập tức. Nếu để lâu, trong vòng 3 tiếng đồng hồ nữa, bao tử bể ra, bị xuất huyết nội thì cậu sẽ chết”. Cô chích cho tôi một mũi Atropin sau đó gia đình đưa tôi đi bệnh viện.
Vị bác sĩ tương đối đã lớn tuổi trực phòng cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân đêm ấy lại là học trò cũ của tôi ở Bạc Liêu ngày trước. Anh hỏi nhà tôi: “Thầy là giáo sư dạy tại Trung học Bạc Liêu hồi xưa phải không cô?”. Nhà tôi nói vâng. Anh quay sang tôi: “Em là Hứa Ngọc Xướng, học trò cũ của thầy ở Bạc Liêu hồi đó đây thầy. Thầy đau thế nào phải đi cấp cứu?”. Tôi nói tôi uống lầm thuốc giống như đã nói với cô y tá. Anh Xướng hỏi ngay: “Thầy có đem theo toa thuốc đó không, đặng em biết cách chữa?”. Cũng may là từ hồi chiều về đến giờ tôi vẫn để cái toa thuốc trong túi áo ngực nên lấy đưa ra. Vị bác sĩ coi xong, nói: “Cái thằng cha đó tầm bậy thiệt, bộ vừa nghe lời thầy giảng vừa ngủ gục hay sao mà nó hổng biết Dectancyl và Ampiclox là hai loại thuốc chống viêm, trị cảm sốt rất tốt nhưng không được uống chung với nhau. Nếu uống chung, nó phá bao tử bịnh nhơn sẽ chết”. Rồi anh bảo tôi: “Thầy ói ra máu nghĩa là bao tử đã bắt đầu đứt các mạch máu nhỏ rồi đó thầy. Phải mổ ngay nếu không nó bể tung ra, bị xuất huyết nội không cứu được nữa”. “Vâng, tuỳ anh. Nếu cần làm giấy tờ gì nhà tôi ký sau cũng được”. “Dạ”. Xướng phụ với nhà tôi đỡ tôi lên cái giường có bánh xe rồi tự tay anh đẩy đi. Tới phòng nào anh cũng đều nói: “Thầy cũ, thầy cũ, mổ gấp, mổ gấp, làm lẹ giùm”. Chỉ nửa tiếng sau là tôi đã được đưa vào phòng mổ và được cứu thoát…
Thưa quý bạn độc giả, tôi kể lại câu chuyện “Con heo trong hội đồng thi” trên đây không phải để nói xấu hay chỉ trích ai cả mà chỉ muốn thưa với quý bạn rằng vấn đề giáo dục quan trọng như thế đó, nó sẵn sàng “trả đũa” con người ta một cách nhanh chóng, trông thấy nhãn tiền. Trong kỳ chấm thi tôi không làm gì cả, chỉ trông nom cho anh em chấm và liên lạc giữa ban lãnh đạo hội đồng với anh em mà thôi, nhưng đã bị nó quật như vậy. Ngoài ra, một người học trò cũ “thời mới” suýt làm tôi nguy hiểm, một người học trò cũ “thời đó” cứu tôi, cả hai đều là bác sĩ nhưng trình độ của họ khác nhau do hai nền giáo dục khác nhau, đó mới là điều đáng nói phải không thưa quý bạn?

Đoàn Dự
Nguồn FB Trang Văn Chương Miền Nam
***************************

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180