Tiếng Gà Gáy Líu Lo - Chuyện Dài Chữ Nghĩa

Tiếng Gà Gáy Líu Lo
Chuyện Dài Chữ Nghĩa

 

Hôm nay, tình cờ đọc một câu trong bài “Little Saigon Có Còn Là Thủ Đô của Người Tị Nạn” của một tác giả tên Quang An, có một câu đáng bàn (tuy bài đã cũ, từ năm 2021 được phổ biến khá rộng mà không mấy ai góp ý về cách dùng chữ).
Cái tên Little Sàigòn là đây. Người Việt đã yêu kiều đặt địa danh này cho một vùng đất cách xa quê hương hơn nửa quả địa cầu để hồi tưởng… để nhớ nhung…về một Sàigòn xưa.”
Chữ Yêu Kiều hoàn toàn không thể dùng trong câu này. Chúng tôi đoán rằng tác giả có lẽ muốn nói “Người Việt đã ưu ái đặt địa danh này…” Yêu Kiều có nghĩa là đẹp (kiều mị, kiều diễm) và đáng yêu; chỉ dùng để nói về một dáng dấp tha thướt, dịu dàng hay một nhan sắc đáng yêu của thiếu nữ thanh thoát, gọn gàng. Hoặc ví von với một cái gì đó đẹp đẻ mà mình yêu mến như Nhạc sĩ Vũ Thành đã nhân cách hóa thành phố Hà Nội.
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về, lòng khách tha hương, vương sầu thương… Nhìn em, mờ trong mây khói… Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu, Dáng yêu kiều của ngày đã qua, thướt tha bên hồ liễu thưa…” Trích lời bản nhạc “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành.

Giấc Mơ Hồi Hương - Lệ Thu
Chúng tôi lại nhớ có lần đọc một bài trên báo Trẻ, có một tác giả viết trên báo: “Sáng ra nghe tiếng gà gáy líu lo...”
Thế này thì hãi quá, với đà dùng chữ bừa bãi như thế này mà không ngăn kịp, có khi họ sẽ viết “con bò rống thánh thót, con chó sủa du dương…” thì nền văn chương Việt Nam mình rồi sẽ ra sao?
Khi viết hay nói về âm thanh, tiếng Việt có rất nhiều tĩnh từ để diễn đạt cho từng thể loại, người hay vật, các nhạc cụ, vân vân.
Ví dụ:
1. Tiếng đàn dương cầm thì thánh thót; tiếng đàn vĩ cầm, đàn Hạ Uy Cầm (Hawaiian guitar), tiếng sáo thì hoặc là réo rắt hoặc du dương : tiếng trống thì dồn dậprộn ràng, thôi thúc; tiếng kèn thì trầm bổng, du dương; giọng ca của người này thì gợi cảm, truyền cảm; người kia thì trong trẻo, cao vút, trầm ấm
2. Tiếng của loài chim thì: lánh lót, líu lo (chim họa mi), cúc cu (bồ câu), quang quác (gà), quạc quạc (vịt)
3. Tiếng của loài thú vật thì: ủn ỉn (lợn), ăng ẳng (chó), be be (dê, cừu).
Trong Anh Ngữ có nhiều chữ để nói về tập thể súc vật, chim, cá: a gaggle of geese, a pride of lions, a school of fish, a pack of wolves, a flock of birds, a murder of crows, an army of ants… Có cả hàng trăm chữ, không thể kể hết ra đây. Mời quý vị tham khảo ở trang web sau:
Về điểm này thì tiếng Việt hơi nghèo. Hình như chỉ có vài chữ như “đàn, bầy” để nói chung cho các loài thú. chim, sâu bọ… Khi nói về tập thể của người thì có khá nhiều chữ như: “nhóm, toán, đoàn, lũ, bọn, đám…”
Cũng trên báo Trẻ, trong trang chuyên về thể thao, có một bản tin tựa đề: “Đội Tuyển Ý đang tìm thuê ông Thuyền Trưởng”. Theo chúng tôi suy đoán, có lẽ anh viết tin dịch từ chữ “Captain of the team” ở trong bài Anh Ngữ mà chính ra là đội trưởng của đội bóng.
Cũng trong phần tin tức của một báo nọ xxx ở Chicago, có tựa đề “Đại Úy xxx, Phát Ngôn Viên của Hạm Đội 7 Hoa Kỳ…” Chức phát ngôn viên của 1 hạm đội lớn lắm, khó có thể giao cho một ông đại úy. Có lẽ tác giả dịch chữ Captain mà trong Hải Quân là cấp Đại Tá.
Chữ Captain trong Anh Ngữ có rất nhiều nghĩa khác nhau: Đại Úy Lục Quân hay Không Quân, Đại Tá Hải Quân, Thuyền Trưởng, Hạm Trưởng, Đội Trưởng một đội bóng, một chức cấp trưởng phòng trong Cảnh Sát Mỹ.
Ghi chú: các cấp trong ngành Cảnh Sát Hoa Kỳ khác với cấp bậc trong Quân Đội.
Ví dụ: Viên chức Cảnh Sát thấp nhất mới vào ngành Cảnh Sát đã được gọi là Sĩ Quan Cảnh Sát (Police Officer), rồi lên Field Training Officer, Sergeant. Sau đó là Lieutenant, đeo 1 gạch bạc (cấp phó một phòng), Captain, đeo hai gạch bạc (cầm đầu một phòng chuyên môn). Lieutenant hay Captain chỉ là các chức vụ, không hẳn là cấp bậc như quân đội. Nếu thấy đeo một sao hay con ó (cấp hiệu Đại Tá trong Quân Đội) thì thường là cấp Phụ Tá hay Phó Sở Cảnh Sát (Deputy hay Commander). Còn ông Cảnh Sát Trưởng (Chief Police) đeo 2, 3, hay 4 ngôi sao bạc tùy theo mức lớn nhỏ của thành phố mà ông đảm trách. Người ta gọi ông là Chief Police chứ không gọi là General. Vì thế, có khi một ông mới hôm qua đeo một vạch bạc; hôm sau thấy trên ve áo một sao bạc vì ông được tín nhiệm giao cho chức vụ cao. Chứ có thứ lính nào mà lên cấp nhanh như thế! Các chức Cảnh Sát Trưởng thưởng do Hội Đồng Thành Phố bỏ phiếu chọn. Chúng tôi quen biết nhiều ông Chief Police đeo hai hoặc ba sao; nhưng trước đó các ông này chỉ là cấp Hạ Sĩ Quan của Quân Đội đã giải ngũ. Có nhiều trường hợp các cấp Tá trong quân đội khi gia nhập Cảnh Sát, chỉ được nhận vào với cấp thấp nhất là Sĩ Quan Cảnh sát mà thôi.
Ý kiến độc giả :
Thời buổi bây giờ người ta thích xơi mì ăn liền để tiết kiệm thì giờ cho nên lắm trang mạng hoặc báo giấy hay dùng Google Translate để dịch những đoạn văn ngoại ngữ mà họ "đoán" là có giá trị để kèm vào bài viết của họ mà chẳng cần đọc lại để kiểm tra trúng trật, hoặc vững tin đó là đúng vì lười học ngoại ngữ nên cứ nhắm mắt tin vào máy móc như tin vào lời Đảng dạy vậy. Lắm khi đọc xong bài viết "chắp nối" của báo Việt + thầy Google Translate của họ mà chẳng hiểu họ viết gì đến nổi đâm ra thương hại cho trình độ mù quáng của họ.
Ở thời đại nhắm mắt viết càng bây giờ thì chúng ta cần phải có nhiều kiên nhẫn để làm ngơ cho những trò chắp nối vô tri đó. (Điền Phong)

Nhận xét

Bài được quan tâm

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 179

TRANG THƠ NHẠC VĂN CHƯƠNG ĐIỆN ẢNH TIẾU LÂM 180