We the People
We the People
Lời nói đầu: Trong một bài viết gần đây tôi có viết sơ sài về bản Hiến Pháp Hoa Kỳ và những ưu điểm của văn bản này. Tôi nhận ra nhiều thiếu sót nếu không nêu ra tiến trình hình thành của bản Hiến Pháp. Xin được giới thiệu thêm về những chi tiết quan trọng của lịch sử đã tạo nên những điểm son cho nền dân chủ Hoa Kỳ và đặc điểm của bản Hiến Pháp dựng nên nền Cộng Hoà mang nhiều đặc tính dân chủ nhất và lâu dài nhất.
Người Mỹ thời lập quốc mừng ngày Constitution Day 17/9/1787 thay vì lễ Độc Lập Hoa Kỳ 4/7/1776. Khi hai tổng thống quốc phụ John Adams và Thomas Jefferson cùng qua đời 4/7/1826 thì bản Tuyên Ngôn Độc Lập mới được in ấn lại và nhắc đến. Quốc Hội Mỹ ấn định lại ngày Quốc Khánh được gọi là Lễ Độc Lập vào 4/7/1870 (1).
Sir Walter Raleigh dẫn đầu một nhóm người Anh đến Bắc Mỹ khai phá năm 1587 trước nhất. Nhà vua Anh bổ nhiệm các quan Toàn Quyền cai quản nhưng bộ máy hành chính do dân thuộc địa tự bầu lên. Khi vua Henry đệ VIII ly khai khỏi Giáo hội Công giáo La Mã, lập ra Anh giáo thì một số người Anh cũng tự tách ra khỏi Công giáo và Anh giáo lập ra đạo Thanh giáo (Puritan). Một số trốn sang Leiden, Hoà Lan sống nhưng quyết định lưu vong tại Châu Mỹ. Họ lên hai tàu là Speedwell và Mayflower cùng đi đến Virginia, nhưng tàu Speedwell bị hỏng nặng không thể tiếp tục phải dồn sang Mayflower.
Ngày 16/9/1620 tàu Mayflower mang 102 người Lữ hành (Pilgrim) và 30 thủy thủ rời Plymouth, Luân Đôn trong chuyến hải hành 66 ngày. Có hai cậu bé được sinh ra trong chuyến đi; cậu bé mang quốc tịch Mỹ đầu tiên là con trai bà Susanah White được đặt tên là Peregrine nghĩa là Pilgrim theo tiếng Latin. Vì bị bão, sóng đánh giạt lên Boston, Massachusetts thay vì Virginia như dự tính. Họ là nhóm người di dân đầu tiên tại vùng đất này. Có hàng trăm người từ Anh, Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan và Pháp cũng tuần tự đến định cư tại Bắc Mỹ lập nên 13 thuộc địa, chia làm 3 nhóm: New England, Middle và Southern. Các thuộc địa miền nam là những đơn vị kinh tế mạnh nhất nhờ các đồn điền trồng cây thuốc lá, và bông vải (2). Thành phần lao động chính là nô lệ da đen được các thương thuyền Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Hoà Lan mang đến. Các thuộc địa Bắc Mỹ có tính độc lập và tự quyết rất cao. Họ tổ chức hệ thống chính trị do dân bầu ra, nhưng dưới quyền các quan Toàn Quyền do vua Anh chỉ định (3)
Pháp cũng gửi người sang Bắc Mỹ chiếm đất làm thuộc địa. Họ đến sau nên chiếm các vùng đất phía bắc Massachusetts, và phía tây của 13 thuộc địa Mỹ do Anh quản lý, ngày nay là vùng Ngũ Đại Hồ, Ohio, và Louisiana. Đây là cao điểm của chủ nghĩa thực dân, Anh, Pháp gia tăng ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Pháp đánh người da đỏ để chiếm đất như họ đã từng làm tại quê hương chúng ta. Anh quốc thừa thế nhảy vào đánh Pháp tại Bắc Mỹ ngày 28/5/1754; trung tá George Washington có tham chiến trận này (4). Cuộc chiến này châm ngòi cho đại chiến Bảy Năm (the Seven Years’ War 1756-1763) giữa phe Anh-Phổ-Bồ Đào Nha và phe Pháp-Áo-Thụy Điển-Tây Ban Nha khắp các châu lục. Phe Pháp thua buộc phải ký Hoà Ước 1763, nhượng lại nhiều phần đất tại Bắc Mỹ cho Anh. Tây Ban Nha cũng nhượng lại Florida cho thực dân Anh.
Cuộc chiến này đã đánh gục kinh tế Anh, bắt buộc họ phải đánh thuế nhiều hơn nữa trên 13 thuộc địa Sugar Act 1764, Currency Act 1764, Stamp Act 1765, Townsend Act 1767 và thuế trà 1773. Các thuộc địa phản đối đòi phải được có tiếng nói tại Quốc Hội Anh nếu bị thuế (no taxation without representation) nhưng không được chấp thuận. Các thuộc địa đuổi quan chức Anh về nước đầu năm 1775. Ngày 23/3/1775 ông Patrick Henry dõng dạc tuyên bố “Give me liberty or give me death” mở màn cho cuộc cách mạng giải phóng 13 thuộc địa.
Bản Hiến Pháp đầu tiên của liên minh 13 thuộc địa có tên The Article of Confederation and Perpetual Union giúp liên minh đoàn kết 13 thuộc địa để đánh đuổi Anh nhưng vẫn giữ cho các thuộc địa tính độc lập và tự quyết riêng biệt.
Nhưng chỉ trong vài năm sau khi độc lập, 13 thuộc địa đã đến bờ vực phá sản, đe dọa đến sự sống còn của quốc gia non trẻ này. Mười ba thuộc địa nhận thấy bản Hiến Pháp đầu tiên- The Article of Confederation and Perpetual Union - có quá nhiều thiếu sót dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong guồng máy quản trị hành chánh, đối ngoại, thiếu thống nhất ngân sách và các tranh chấp không thể giải quyết giữa các nước thuộc địa với nhau. Vì nguyên nhân đặc biệt đưa đến sự hình thành của các bộ máy hành chính đầu tiên tại các thuộc địa như đã trình bày ở phần trên, các tổ phụ lập quốc đã táo bạo lập ra một thể chế dân chủ mới chưa được thực hiện từ trước đến nay đó là mô phỏng theo nền Cộng Hoà cổ đại của Hy Lạp và La Mã. Họ đã nhận ra yếu tố dân trí và trung ương tập quyền là những nguyên nhân sâu xa đã dẫn đế sự thất bại của các nền văn minh cổ đại này (5). Các cha già lập quốc dựng nên một chính phủ có nền móng Cộng Hoà mới nhấn mạnh và đặt niềm tin vào sự hiểu biết của từng công dân và đặt nặng giá trị độc lập, tự quyết ở đơn vị địa phương. Nền Cộng Hoà La Mã-Hy Lạp chưa có ba ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp riêng biệt. Nhưng Hoa Kỳ đã táo bạo trong việc chia đều quyền lực của giới lãnh đạo ra ba ngành với quyền hành ngang hàng nhau: Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp để tránh tình trạng cá nhân hoặc tập thể lãnh đạo lợi dụng quyền hành trở nên chuyên chế, cũng như tranh giành quyền lực của nhau để trở nên độc tài. Các tổ phụ cũng muốn gây ra những ách tắc trong đường lối điều hành để giảm thiểu quyền lực của chính quyền trung ương. Quyền lực tối cao nằm trong tay từng công dân qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử.
James Madison, tổng thống thứ tư và là tác giả chính của bản Hiến Pháp và 10 Tu Chính Án đầu tiên từng nói “ A well-instructed people alone can be permanently a free people”. Nghĩa là các vị tổ phụ đã có những viễn kiến rất xa đã đặt tương lai xã hội non trẻ vào sự hiểu biết và trưởng thành chính trị của từng công dân qua sự chọn lọc của lá phiếu mình.
We the People
Bạn đọc thân mến, tôi không phải là sử gia, luật gia hay chuyên gia để có thể hiểu hết ý nghĩa của văn kiện quan trọng này mà bình luận và phân tích. Nhưng sau khi đọc câu đầu tiên trong Lời Dẫn Nhập (Preamble) của bản Hiến Pháp Hoa Kỳ, tôi nghĩ các tổ phụ Hoa Kỳ viết văn kiện và giao trách nhiệm bảo vệ nền Cộng Hoà cho tôi, và cho các bạn. Hiến Pháp được mở đầu bằng câu We the People, vâng, họ đã viết cho chúng tôi, chúng ta và đã đặt hết tin tưởng tương lai của Hoa Kỳ trong mỗi công dân chúng ta đấy.
Xin nhấn vào đây để đọc một lần : Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ
Bản Hiến Pháp Hoa Kỳ rất ngắn, chỉ có 7 điều (article) hiến định để tạo nên chính phủ Mỹ với những chi tiết chính liên quan đến việc sắp xếp, cân bằng nhân sự đại diện cho các tiểu bang. Điều I dài nhất với nhiều chi tiết được viết thành 10 phần (section), là khung để hình thành ra ngành Lập Pháp: lưỡng viện Quốc Hội [chú thích thêm của người viết, Hiến Pháp Mỹ không ghi rõ thứ bậc của Hạ Viện và Thượng Viện, cho nên hai viện được hiểu là đồng hạng với nhau. Trong mục góp ý cách đây 4 năm trên Diễn Đàn Trái Chiều của Vũ Linh, quý độc giả có tranh luận về ngôi thứ của hai viện này. Tác giả Vũ Linh có giải thích là đồng hạng đối với thể chế chính trị Mỹ, nhưng có nhiều ý kiến đối nghịch. Nay xin viết lại cho rõ thêm vì ngôn ngữ tiếng Việt bị giới hạn ở chữ Thượng và Hạ, gây nhầm lẫn là trên và dưới]. Dân biểu tại Hạ Viện có nhiệm kỳ là 2 năm, thượng nghị sĩ là 6 năm. Tuy nhiên, có một điều khá thú vị viết rõ trong Hiến Pháp là tổng số thượng nghị sĩ sẽ được chia đều ra làm 3 ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên, nhóm thứ nhất phải tranh cử lại ở năm thứ hai của nhiệm kỳ. Nhóm giữa phải tranh cử vào năm thứ tư, và nhóm cuối phải tranh cử vào cuối hạn của nhiệm kỳ sáu năm. Theo tôi đây là điểm son nổi bật nhất của Hiến Pháp vì nó thể hiện tính dân chủ cao nhất từ trước đến nay. Người dân có quyền loại bỏ các đầy tớ nhân dân sau mỗi hai năm làm việc nếu họ không thoả mãn được yêu cầu của xã hội và ý dân ở lưỡng viện Quốc Hội. Lá phiếu của công dân tuần tự mỗi hai năm là yếu tố tuyệt hảo nhất trong hệ thống kiểm soát quyền lực của 3 ngành chính phủ (check and balance).
Ngày hôm nay chúng ta đang sống gần bờ vực thẳm của chủ nghĩa độc tài qua sự thông đồng giữa Lập Pháp, Hành Pháp, và một số nhỏ ở Tư Pháp (xin xem các phán quyết do các chánh án do TT Clinton, và Obama bổ nhiệm trong các vụ xử chính trị gần đây). Hơn bao giờ hết chúng ta mong đợi thật nhiều đến kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ (mid term election) như năm 2010, 2014. Mid-term election năm nay sẽ đóng vai trò quan trọng tại Thượng viện qua ghế của các TNS Mark Kelly (AZ), John Ossoff (GA) và Raphael Warnock (GA). Những TNS Dân Chủ này đắc cử năm 2020 nhưng chỉ ngồi chưa nóng ghế đã phải lo tranh cử trở lại. Các tổ phụ lập trình (programmer) đã thừa tiên liệu và built-in những bế tắc chính trị để chữa căn bệnh độc tài đảng trị từ 233 năm trước.
Điều II hình thành nên ngành Hành Pháp, nói về cách bầu chọn, nhiệm kỳ của người đứng đầu Hành Pháp. Hiến Pháp viết rõ ràng về việc lương bổng, và chọn người kế nhiệm khi vị đương nhiệm bị đau yếu, qua đời hoặc bị đàn hặc. Nghĩa là các tổ phụ đã dự tính các khoản tai biến bất thường hòng giữ cho guồng máy lãnh đạo hoạt động bình thường trong những bất trắc, không cần phải giải tán Quốc Hội để chọn vị lãnh đạo mới mỗi khi có những chuyện không may sẩy ra. Một số quốc gia khác không có được sự ổn định chính trị như tại Mỹ vì Hiến Pháp của họ không liệt kê rõ như vậy.
Điều III nói về cách thành lập ngành Tư Pháp, trong đó có việc xử phạt tổng thống. Hiến Pháp Hoa Kỳ nhắc đến tội phản quốc, và hình phạt cách chức tức là đàn hặc khá nhiều lần trong nhiều điều khoản chứng tỏ rằng các tổ phụ rất quan tâm đến những cá nhân và hành động độc tài, bất chính của người đứng đầu ngành Hành Pháp. Tuy nhiên, Hiến Pháp không viết rõ con số thẩm phán phục vụ tại Toà Bảo Hiến. Rồi đây trong tương lai, cá nhân tôi cho rằng con số thẩm phán sẽ bị thay đổi nhiều. Ngành Lập Pháp của hai đảng sẽ ra nhiều đạo luật nữa để chính trị hoá Tư Pháp.
Ngoài ra, TT Madison còn viết thêm gần 20 điều Tu Chính khác để bổ túc thêm cho Hiến Pháp, nhưng chỉ có 12 điều được mang vào để biểu quyết. Trong 12 điều thì 10 điều đã trở thành the Bill of Rights, 10 Tu Chính Án đầu tiên, và mãi đến năm 1992 thì điều còn lại trở thành Tu Chính Án thứ 27 nói về lương bổng của các vị đầy tớ dân trong khi Quốc Hội đang làm việc. Mười Tu Chính Án đầu tiên minh định nhân quyền, dân quyền, tài sản tư hữu và đặc tính tự trị và độc lập của các đơn vị địa phương cho thấy tính dân chủ và độc lập của từng tiểu bang rất cao trong Hiến Pháp Hoa Kỳ. Nói Hiến Pháp Hoa Kỳ đi trước nhân loại là điều đúng vì nó giới hạn quyền lực của chính quyền Liên Bang, đặt nặng trọng trách lãnh đạo tại địa phương và trao cho các công dân một tiếng nói mạnh và liên tục nhất trong lịch sử của nhân loại.
Trong Điều I, phần 2, khoản 3 (Article I, Section 2, Clause 3) của Hiến Pháp có nhắc đến three fifth of all Other Persons. Đây là thành ngữ bất hủ bắt nguồn từ bản Hiến Pháp sơ khởi the Article of Confederation ban đầu. Khi ấy, các thuộc địa miền nam muốn cộng dân số của nô lệ da đen vào tổng số dân cư của mình để được tăng số đại biểu đại diện cho mình ở trung ương. Các tổ phụ Jefferson, Franklin, Madison, Adams, Hamilton… phải nhượng bộ với tỉ lệ một nô lệ da đen bằng ba phần năm người da trắng vì cần sự liên minh tất cả 13 thuộc địa cùng chống lại thực dân Anh. Sau chiến tranh, đến khi lập Hiến Pháp, nền kinh tế các tiểu bang miền nam vẫn bị lệ thuộc vào sức lao động của nô lệ trên các đồn điền và vấn đề đại biểu Quốc Hội và cử tri đoàn dựa trên dân số một lần nữa buộc các đại biểu toàn quốc phải nhượng bộ. Thành ngữ 3/5 compromise-sự nhượng bộ ba phần năm-được biết đến từ đó (6). Trong một buổi phát hình gần đây, bà triệu phú da đen Whoopi Goldberg đã mạt sát và gọi TP Clarence Thomas chỉ đáng một phần tư con người, có lẽ bà này muốn nói 3/5 nhưng quên và cương sảng (nguyên văn "You better hope that nobody says, 'You know, you’re not in the Constitution. You’re back to being a quarter of a person,’”). Dân Chủ elitist coi thường người ta quá xá, thế mà khán giả vỗ tay hăng lắm.
Năm 1920 Quốc Hội ban hành Tu Chính Án thứ 19 cho phép phụ nữ được quyền đi bầu. Tu Chính Án thứ 19 được khởi sự bởi Dân Biểu James R. Mann, Cộng Hoà, đã được 36 TNS CH thuận, 8 chống, 5 bỏ phiếu trắng; 20 TNS DC thuận, 17 chống, 9 không bỏ phiếu cho thấy đảng Dân Chủ thực sự chẳng có dân chủ tí nào! Tuy nhiên nhiều tiểu bang nhất là các tiểu bang miền nam vẫn làm khó dễ phụ nữ bằng nhiều hình thức như phải biết chữ hoặc có tài sản. Hỏi ra thì các tiểu bang miền nam chống lại việc cho phép phụ nữ đi bầu phần lớn do đảng Dân Chủ nắm quyền tuyệt đối ở Hành Pháp và Lập Pháp suốt từ thời lập quốc cho đến cuối thập niên 60 khi UCV Nixon đã đảo ngược tình hình chuyển các tiểu bang miền nam từ DC sang CH cho đến nay.
Năm 1965 đạo luật Voting Rights Act do hai TNS Mansfield (DC) và Dirksen (CH) bảo trợ đã được 47/16 TNS DC và 30/2 CH thuận. Làm tính lại thì tỉ số thuận của các nhà Lập Pháp thuộc Cộng Hoà vẫn hơn Dân Chủ xa.
Thay cho lời kết, theo tôi kẻ thù nguy hiểm nhất của Hoa Kỳ chính là sự ỷ lại, lười biếng, và thiếu hiểu biết của công dân khi đã phó thác vận mệnh và tự do cá nhân của mình cho nhóm chính trị gia chuyên nghiệp, đầy tớ của dân (Alexandria Ocassio-Cortez, Ilhan Omar, Bernie Sanders, Nancy Pelosi, Garvin Newsom, Joseph Biden, Barrack Hussein Obama, hai tên Clinton…) và hệ thống lãnh đạo được bổ nhiệm không qua các cuộc đầu phiếu mà chúng ta biết qua tên deep state-bureaucrat administrative (nhà nước ngầm) chứ không phải Nga, tàu hay cộng sản. Nhiệm vụ chính của các quan chức và nhà nước ngầm là ký sinh trùng chỉ mong bám rễ thật sâu và sinh sản thật nhiều hòng tạo bè đảng thật đông, bao che và bảo vệ quyền lợi cá nhân. Các cha già lập quốc đã nhìn thấy mối nguy cơ này từ rất lâu, vì thế họ không đặt nặng vấn đề term limit trong Hiến Pháp. Họ có cách vô hiệu hóa chúng, đó là lá phiếu hai năm một lần và đòi hỏi mỗi công dân trọng trách phải biết nhận thức giá trị tự do mà các công dân đang có trong tay.
We the People hãy nhớ, thêm một đạo luật là mất đi một tự do!
Freedom Fighter
30/7/2022
Tài liệu tham khảo:
1. The Story of the Fourth of July. Declaration of Independence Full Text, US Independence Day Facts | Constitution Facts
2. The 13 Colonies: Map, Original States and Religions. History.com Editors. https://www.history.com/topics/colonial-america/thirteen-colonies
3. Foundations of American Government. The Colonial Experience [ushistory.org]
4. Morton, W.L. (1963). The local executive in the British Empire 1763-1828. The English Historical Review. Oxford University Press 78(308):436-457.
5. Hanson, V.D. (2021). The Dying Citizen. Basic books, New York.
6. What is the 3/5 compromise?
Nhận xét
Đăng nhận xét